Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 21 Tháng 10 2014 14:48

Sự can đảm của Đức Phaolô VI đã làm tôi trở lại Công Giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sự can đảm của Đức Phaolô VI đã làm tôi trở lại Công Giáo

Nhân khi phong chân phúc cho Đấng Đáng Kính Phaolô VI, Đức Phanxicô đã ca ngợi vị tiền nhiệm của mình là người lãnh đạo Giáo Hội qua các sóng gió của thời đại với “một tầm nhìn xa và khôn ngoan”, nhiều lúc, trong “cô đơn”.
Nhiều người cho rằng Đức Phaolô VI, người từng chứng kiến cuộc chạm trán gay gắt giữa khuynh hướng cải cách và khuynh hướng bảo thủ tại Công Đồng Vatican II, và đã thành công giữ cho hai khuynh hướng này được tích nhập cả vào các thành quả rực rỡ của Công Đồng lịch cử này, hẳn nhiên là một gợi hứng lớn cho Đức Phanxicô, người cũng đang có cùng một viễn kiến và cũng được chứng kiến cùng một hoạt cảnh như trước đây.

Trong bài giảng lễ phong chân phúc, Đức Phanxicô gọi Đức Phaolô VI là “vị Giáo Hoàng vĩ đại, người Kitô hữu can đảm, vị tông đồ không biết mệt mỏi”, chưa bao giờ đánh mất “niềm vui và sự tín thác vào Chúa”.

Xem ra, Đức Phanxicô muốn cho thấy ngài sẵn sàng bước theo cùng một con đường như Đức Phaolô VI: cố gắng thúc đẩy Giáo Hội tiến tới tương lai nhưng không quên quá khứ. Tuy nhiên, ngài không giống Đức Phaolô, vì dù sao, ngài vẫn còn được THĐ vỗ tay tán thưởng trong 5 phút, không hoàn toàn cô đơn như vị tiền nhiệm.

Sự cô đơn ấy càng làm nổi bật lòng can đảm của Đức Phaolô VI. Và lòng can đảm ấy được phát biểu rõ ràng nhất qua việc công bố thông Điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người) nhằm tái khẳng định giáo huấn của Giáo Hội về tình yêu phu thê, việc làm cha mẹ, và ngừa thai. Bất chấp mọi chống đối cả từ bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, ngài đã quyết liệt bảo vệ “kế sách do Đấng Tạo Hóa thiết lập”.

Lời của Đức Phanxicô nói về ngài: “trước đà tiến của một xã hội tục hóa và thù nghịch, ngài đã giữ vững tay lái cho con thuyền Phêrô, với một tầm nhìn xa và khôn ngoan, trong khi không bao giờ mất niềm vui và tín thác vào Chúa”.

Nhân dịp này, Đức Phanxicô trích dẫn bài diễn văn của Đức Phaolô lúc kết thúc phiên họp sau cùng của Công Đồng Vatican II: “Có lẽ Chúa gọi tôi và dành riêng tôi cho việc phục vụ này không phải vì tôi đặc biệt thích hợp với nó, hay vì tôi có thể cai quản và cứu Giáo Hội khỏi các khó khăn hiện nay, nhưng là để tôi chịu đau một điều gì đó vì Giáo Hội và nhờ thế ai cũng rõ chính Người, chứ không ai khác, là người hướng dẫn và cứu vớt Giáo Hội”.

Cái đau ấy là cái đau có thật, cái đau của lòng can đảm dám một mình đi ngược lại cả một xã hội và một phần của Giáo Hội đang muốn thỏa hiệp với thời thượng.

Lòng can đảm ấy khiến một người vô thần là Jennifer Fulwiler quyết định cùng chồng trở lại Đạo Công Giáo. Trong một bài đăng trên National Catholic Register ngày 19 tháng Mười, 2014, Jennifer thuật lại hành trình của mình như sau:

***

Lần đầu tiên khi thăm dò Đạo Công Giáo, sau một cuộc sống vô thần, tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ chấp nhận các giáo huấn của Giáo Hội chống lại việc ngừa thai nhân tạo. Giống phần lớn những người khác thuộc thế hệ của mình, tôi vẫn cho rằng ngừa thai là một sự thiện phổ quát. Từ những lớp học về sức khỏe ở trung học tới các nhắn nhe của truyền thông đại chúng, tôi bị oanh kích bởi sứ điệp cho rằng thuốc viên và các phương pháp kiểm soát sinh đẻ tương tự như thế là những thành tố chủ yếu của một đời sống tốt đẹp và tự do, nhất là đối với phụ nữ.

Sau ít tháng bước vào hành trình hồi tâm, tôi bị liệt giường vì một chứng bệnh. Để cho qua thì giờ, tôi cho in hàng đống tài liệu tìm thấy trên liên mạng thảo luận về giáo huấn Công Giáo đầy kỳ dị chống việc ngừa thai.

Tôi được biết rằng, năm 1968, Đức GH Phaolô VI đã làm thế giới xôn xao khi ngài tuyên bố trong một thông điệp có tên là Humanae Vitae (Sự Sống Con Người) rằng Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục chống việc ngừa thai. Dù không ai luận lý gì về việc đây vốn là một giáo huấn Kitô Giáo then chốt ngay từ buổi đầu, mọi giáo phái khác đều đã đảo ngược chủ trương của họ đối với vấn đề này sau khi thấy công luận thay đổi từ đầu thế kỷ 20. Thành lũy cuối cùng, tức Giáo Hội Công Giáo, cũng được chờ mong theo gót. Nhưng Giáo Hội này đã không làm thế.

Trong Humanae Vitae, Đức Phaolô VI tái khẳng định giáo huấn Công Giáo về vấn đề trên và tiến thêm một bước khi gợi ý rằng ngừa thai, nếu trở thành phổ biến, sẽ là điều tệ hại cho hôn nhân.

Ai cũng cười nhạo ý tưởng nực cười trên: Dù sao chắc chắn nó sẽ giúp ích cho các cặp vợ chồng với điều kiện họ được tự do vui hưởng sự thân mật phu thê mà khỏi phải lo lắng tới chuyện thai nghén.

Thông điệp trên được viết năm 1968, đúng ba năm sau phán quyết Griswold v. Connecticut hợp pháp hóa việc ngừa thai trên khắp nước Mỹ. Vào lúc đó, tỷ lệ ly dị vào khoảng 10.5 vụ trong số 1,000 phụ nữ. Tới năm 1970, tỷ lệ đó lên 15. Năm năm sau, lên 20. Và năm 1978, 10 năm sau lời tiên đoán của Giáo Hội, tỷ lệ ly dị là 23 vụ trong số 1,000 phụ nữ, quá gấp đôi.

Bởi thế, khi đọc tới phần Đức Giáo Hoàng Phaolô tiên báo rằng ngừa thai kết cục cũng là điều tệ hại cho các phụ nữ, tôi bỗng rất chú ý.

Trước sự coi thường của xã hội nói chung, Đức GH Phaolô cảnh cáo rằng ngừa thai sẽ dẫn các người đàn ông tới chỗ không còn tôn trọng phụ nữ nữa. Ngài nói rằng một khi người đàn ông quen với sự bừa phứa của ngừa thai, họ sẽ “quên khuấy lòng kính trọng phải có đối với phụ nữ, và không đếm xỉa gì tới sự quân bình về thể lý và xúc cảm của nàng, họ sẽ thu nhỏ nàng lại chỉ còn là dụng cụ để thỏa mãn các thèm muốn riêng của họ”.

Tôi quay nhìn hàng đống những tạp chí cũ nằm la liệt dưới sàn bên cạnh giường. Tôi lượm 4 tờ lên và ném chúng xuống giường. Tờ nào cũng cho mình là nguồn cố vấn cho người đàn bà tân thời, có quyền lực. Một tờ mang tựa đề: Gợi tình ở tuổi 70! Tấm Hình Nóng Bỏng Của Một Người Bà.

Tôi nắm lấy tờ báo và mở nó ra ở bài báo được loan báo về “lão niên bẩy chục còn hấp dẫn”. Tôi cũng có thể gợi tình vào tuổi 70, bài báo bảo đảm thế. Có một điều liều lĩnh đến tuyệt vọng nào đó rất rõ trong lời tác giả khi bà nhắc đi nhắc lại rằng sự gợi tình không nhất thiết chấm dứt lúc 50, ngay cả 60 nữa. Bà trấn an độc giả rằng nhiều người đàn ông thích sự chín mùi phát xuất từ các phụ nữ cao niên biết dùng kinh nghiệm sống của mình để làm hài lòng bạn tình của mình nhiều hơn.

Xem ra tác giả không bao giờ tra hỏi ý niệm này: đối với một người đàn bà, giá trị của bạn trực tiếp có liên hệ với việc làm thế nào trở nên hấp dẫn đối với đàn ông.

Tôi nhìn trở lui tới tờ bìa: một cô gái 20 tuổi vểnh cái mông lên một cách khêu gợi, đôi môi hé mở, mắt hướng vào máy ảnh. Ngực cô phồng lên sau chiếc áo ngắn co giãn, được trang trí bằng những đĩa nhỏ kim loại, cũn cỡn đủ để khoe ra cả một chiếc dạ dầy như của một cậu trai 14 tuổi. Một trong những hàng tít khác hứa hẹn bằng chữ lớn, óng ánh: sẽ soi sáng các độc giả về 10 điều bị đàn ông cho là không hấp dẫn. Một hàng tít khác nói về cách giảm cân. Tôi liếc mắt sang các tờ tạp chí khác: đàn bà mặc quần lót hai mảnh; đàn bà mặc váy cực ngắn; một đàn bà khác bó mình vào chiếc áo dài sát da. Tất cả đều có chữ “sexy” hay một trong những chữ đồng nghĩa với nó đâu đó khắp bìa tờ báo, thường là hơn một lần.

Tôi lôi ra một chồng lá cải hào nhoáng khác và trải chúng ra quanh giường để có thể nhìn khắp các tờ bìa cùng một lúc. Một điều gì đó tôi luôn thắc mắc nhưng chưa bao giờ nói ra bỗng xuất hiện trong đầu: Chính xác là lúc nào tiêu chuẩn sắc đẹp trở thành một lệnh truyền buộc tất cả chúng ta phải trông giống như búp bê Barbie?

Khi tôi ngắm hình ảnh các tổ tiên, người đàn bà lúc nào trông cũng đẹp, nhưng theo cách không trấn áp giác quan bằng vẻ đẹp thể xác mà thôi. Các bức hình đã phai nhạt của các bà tôi và của các bà của các bà nữa cho thấy những kiểu quần áo vẫn để chừa chỗ cho người ta lưu ý tới khuôn mặt qúy bà, vẫn không làm người ta bớt chú ý tới những nét tinh tế trong cách phát biểu của họ. Sự xếp nếp của vải tươm tất cả trong chi tiết, đến nỗi một ít thịt dư vẫn được phẳng phiu dưới những đường cong duyên dáng.

Bây giờ, một thế kỷ rưỡi sau, xã hội bảo: người đàn bà ít khi cho là mình thực sự đẹp nếu không có chiếc bụng dưới khít khao, thân mình mảnh dẻ, mặt mũi không nhăn và thậm chí, như lời một tờ báo trước mắt tôi, “từ cánh tay trên trở lên phải gợi tình”. Cánh tay trên? Phải chăng cả lỗ tai của chúng ta cũng phải gợi tình?

Đó không phải là thứ tiêu chuẩn sắc đẹp xây dựng trên lòng tôn trọng phụ nữ. Thực vậy, xem ra nó giống thứ quan điểm do xã hội bày ra đòi buộc phụ nữ phải trở thành đồ chơi cho đàn ông hưởng lạc.

Và khi tôi xét xem lúc nào là lúc tiêu chuẩn sắc đẹp bắt đầu thay đổi, tôi bèn hiểu ra rằng đó chính là lúc mọi người bắt đầu sử dụng thuốc ngừa thai. Hẳn Đức GH Phaolô VI chẳng ngạc nhiên chút nào.

Còn đang nửa chừng dán mũi vào các tờ tạp chí, tôi bỗng hiểu một cách chóng mặt rằng Giáo Hội Công Giáo không hoàn toàn sai trong vấn đề này. Tôi vẫn chưa biết liệu Giáo Hội này có hoàn toàn đúng không, nhưng tôi phải tin rằng chỉ một mình Giáo Hội này đã tiên đoán rằng ngừa thai có những hậu quả không định trước, đã nói rõ các hậu quả này sẽ là gì và đã chứng tỏ mình đúng. Giáo Hội này vẫn tiếp tục nói, như lúc nào cũng vẫn đã nói, rằng xã hội cấp thiết phải có cái nhìn trung thực về việc liệu ngừa thai có thực sự là một điều tốt hay không đối với phụ nữ.

Trong những tuần lễ tiếp theo đó, tôi sẽ còn kính phục trước giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về tính dục con người nữa: thực vậy, nó sẽ là cái đinh chốt của việc tôi trở lại. Càng nhìn vào lãnh vực này của Đạo Công Giáo, tôi càng trở nên xác tín hơn rằng Giáo Hội này có sự khôn ngoan sâu sắc đến độ không thể phát xuất từ con người mà thôi.

Khi chồng tôi và tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào Vọng Phục Sinh một năm sau, tôi vẫn thường nghĩ lại giờ phút nằm trên giường với chồng báo cũ, và cám ơn Chúa về sự can đảm của Đức GH Phaolô VI.

Jennifer Fulwiler hiện là một nhà văn, chủ chương trình truyền thanh, và là mẹ của 6 đứa con. Câu truyện trên lấy từ cuốn nhật ký của bà tựa là Something Other than God (một điều gì đó khác với Thiên Chúa) do nhà Ignatius Press phát hành.

Vũ Văn An

Read 1323 times Last modified on Thứ ba, 21 Tháng 10 2014 14:53