Chứng từ đau thương của các linh mục và nữ tu Bosnia-Herzegovina
Posted by Ban Biên TậpTrong cuộc gặp gỡ với các nam nữ tu sĩ ở thủ đô Bosnia-Herzegovina, Sarajevo, Đức Thánh Cha Phanxicô xúc động trước các chứng từ đã bỏ bài diễn văn soạn sẵn của ngài sang một bên và ứng khẩu nói.
Cha Jozo Puškarić, dòng anh em hèn mọn, cho biết những thách đố mục vụ mà ngài phải chịu đã bắt đầu bi thảm vào năm 1992 khi cảnh sát Serbia vũ trang bắt ngài từ nhà xứ của mình và chở thẳng vào trại tập trung, nơi ngài bị giam giữ và đánh đập tơi bời và bị bỏ đói trong những điều kiện “vô nhân đạo”. Trong chứng tá của mình trước Đức Giáo Hoàng, ngài nói rằng có lần ngài đã muốn tự sát vì không chịu đựng nổi. Nếu như không có ơn phù trợ của Chúa và những người khác như một người phụ nữ Hồi giáo là người đã cho ngài ăn, ngài đã không sống sót đến nay. Tuy nhiên, cha Jozo nói rằng trong lòng cha đã không bao giờ nuôi dưỡng hận thù và đã tha thứ những kẻ bắt bớ ngài.
Cha Zvonimir Matijević nói với Đức Giáo Hoàng rằng ngài cũng bị bắt bởi những người lính vào năm 1992 trong khi chăm sóc mục vụ cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của ngài chỉ có năm mươi người trong một khu vực đa số là Chính Thống Giáo không xa nơi đang diễn ra chiến tranh ác liệt với nước láng giềng Croatia. Ngài đã bị tra tấn đến gần chết. Tám linh mục Công Giáo khác và nhiều chị em nữa, những người quyết định không từ bỏ đoàn chiên của mình đã không được may mắn sống sót. Những trận đòn chí tử năm xưa giờ đây đã tiến triển sang nhiều hình thức bại liệt, như một thánh giá ngài sẽ mang hết cuộc đời. Tuy nhiên, ngài nói ngài cảm thấy hạnh phúc được là một linh mục của Giáo Hội Công Giáo và hết lòng tha thứ cho những ai làm hại ngài - với hy vọng họ sẽ hoán cải sang một con đường của lòng nhân hậu .
Nữ tu Ljubica Šekerija của dòng Các Nữ Tử của Lòng Từ Bi Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô biết khi chị đang điều hành một nhà dành cho người cao tuổi và khuyết tật tại trung tâm Bosnia thì chiến tranh nổ ra. Năm 1993, những người nước ngoài có vũ trang từ các nước Ả Rập đã bắt cóc chị cùng với một linh mục địa phương đang bị ốm và ba nhân viên cứu trợ Caritas. Nhiều người không phải Kitô giáo sống trong thị trấn đã ùa ra hai bên đường để hoan nghênh các chiến binh Hồi Giáo Ả rập và chế giễu chị và những người bị bắt khi họ bị lùa lên một chiếc xe tải. Chị bị đánh đập dã man, bị đe dọa, bị kê súng vào đầu bắt chuyển sang đạo Hồi. Khi một chiến binh cầm một thanh kiếm dí vào chị, và bắt vị linh mục phải lấy chân dẫm lên chuỗi tràng hạt của chị, chị đã nài nỉ ngài đừng phỉ báng một vật thánh thiêng. Chị thà chết còn hơn. Chị cũng cho biết nhiều nam nữ tu sĩ Công Giáo đã bị giết hại trong chiến tranh.
Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói như sau:
Tôi đã chuẩn bị một bài giảng cho anh chị em, nhưng sau khi nghe chứng tá của các linh mục và nữ tu, tôi cảm thấy cần phải ứng khẩu nói chuyện với anh chị em. Các vị đã nói với chúng ta về kinh nghiệm của họ, những điều tốt và những điều xấu, vì vậy tôi sẽ trao lại bài giảng của tôi cho Đức Hồng Y Tổng Giám Mục. Đó là một bài giảng tốt! Các nhân chứng đã nói về mình. Đây là ký ức của anh chị em. Một dân tộc không có ký ức thì không có tương lai. Đây là ký ức của những người cha, người mẹ của anh chị em trong đức tin. Chỉ có ba người đã nói, nhưng đằng sau đó là cơ man những người khác đã phải đau khổ.
Anh chị em thân mến, đừng quên lịch sử của mình, không phải để giữ trong lòng mối thù hận, nhưng để kiến tạo hòa bình. Trong máu của anh chị em, trong ơn gọi của anh chị em có máu và ơn gọi của nhiều nam nữ tu sĩ, các linh mục và chủng sinh. Thánh Tông Đồ Phaolô, trong thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng chúng ta không được quên những người đã đi trước chúng ta, những người đã truyền lại đức tin cho chúng ta. Những người này đã truyền lại đức tin cho anh chị em, và dạy anh chị em làm thế nào để sống Đức Tin. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta rằng đừng quên Chúa Giêsu Kitô, là vị tử đạo đầu tiên. Những vị này đã tiếp bước Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cần phải khôi phục lại ký ức để kiến tạo hòa bình.
Một vài lời vang lên trong trái tim tôi: Một trong những lời này là “tha thứ”. Một người nam nữ đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, nhưng không biết làm sao để tha thứ, thì có giá trị gì? Tha thứ cho một kẻ thù nói xấu mình, ganh ghét với mình, không phải là khó khăn. Nhưng tha thứ cho một người đã đá anh chị em và làm tổn thương anh chị em, đe dọa cuộc sống của anh chị em với một khẩu súng, là không dễ. Tuy nhiên, họ đã làm điều này, và họ xúi chúng ta nên đáp lại như thế. Có một cái gì khác vẫn ở lại trong tôi về 120 ngày trong trại tập trung. Đã bao nhiêu lần tinh thần của thế gian khiến chúng ta quên những người đã đi trước chúng ta với những đau khổ của họ? Những ngày trong trại tập trung được tính từng phút bởi vì mỗi phút, mỗi giờ, đều là một sự tra tấn: sống chung với nhau, bẩn thỉu, không có thức ăn hoặc nước uống, nóng và lạnh, và mọi thứ đều kéo dài rất lâu. Còn chúng ta lại là những người phàn nàn khi đau răng, hoặc vì chúng ta muốn có một TV trong phòng mình, hoặc vì muốn có nhiều tiện nghi, hoặc chúng ta bàn tán về bề trên vì thức ăn không ngon. Đừng quên các chứng tá của những người đi trước. Hãy nghĩ đến bao nhiêu đau khổ họ phải chịu. Các nữ tu, linh mục và giám mục với tinh thần thế gian là những bức tranh biếm hoạ chẳng có giá trị gì vì họ không nhớ đến các vị tử đạo. Họ không nhớ đến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Đấng là vinh quang duy nhất của chúng ta.
Tôi nghĩ về những câu chuyện chúng ta đã được nghe, về người dân quân đã cho chị nữ tu một quả lê, và về người phụ nữ Hồi giáo hiện đang sống ở Mỹ, là người đã cho một linh mục ăn. Chúng ta đều là anh chị em, thậm chí cả những người tàn nhẫn. Tôi không biết người dân quân đã suy nghĩ những gì, nhưng có lẽ người ấy cảm nhận được Chúa Thánh Thần. Có lẽ ông ta nhớ đến mẹ mình khi ông ta tặng trái lê cho người nữ tu. Và người phụ nữ Hồi giáo đã vượt ra ngoài sự khác biệt tôn giáo vì cô tin vào Thiên Chúa. Hãy tìm kiếm Thiên Chúa của tất cả. Chúng ta đều có khả năng tìm kiếm những hạt giống của sự thiện, vì chúng ta tất cả là con cái của Thiên Chúa. Phúc cho anh chị em là những người rất gần gũi với những chứng nhân này. Xin đừng bao giờ quên họ. Cầu xin cho cuộc sống của chúng ta có thể vươn lên bất chấp những ký ức này. Tôi nghĩ về vị linh mục mà cha mẹ và chị em đã chết, ngài trơ trọi một mình nhưng ngài là hoa trái của tình yêu, tình yêu hôn nhân. Tôi nghĩ về những gì Đức Hồng Y Tổng Giám Mục nói: những gì xảy ra với khu vườn sự sống? Tại sao nó không phát triển? Hãy cầu nguyện cho các gia đình có thể phát triển mạnh với nhiều trẻ em và từ đó có thể có nhiều ơn gọi. Cuối cùng, tôi muốn nói với anh chị em rằng những gì chúng ta đã được nghe là một câu chuyện về sự tàn bạo. Hôm nay đây, chiến tranh xảy ra trên khắp thế giới, chúng ta thấy quá nhiều sự tàn ác. Hãy là người đối lập với sự tàn nhẫn: hãy dịu dàng, huynh đệ, tha thứ. Và vác thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những gì Giáo Hội Mẹ Thánh mong muốn nơi chúng ta: những việc tử đạo nhỏ, những chứng tá nhỏ cho Thánh Giá Đức Kitô. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và hãy cầu nguyện cho tôi.
Đặng Tự Do
vietcatholic