Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 04 Tháng 1 2017 20:20

Linh mục đến từ Việt Nam thiệt mạng trong vụ đụng xe ở Little Saigon

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Linh mục đến từ Việt Nam thiệt mạng trong vụ đụng xe ở Little Saigon

Linh Mục Trương Văn Khoa (phải) tiếp Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, khâm sứ Tòa Thánh Vatican, tại giáo xứ Buôn Hô, Ban Mê Thuột, năm 2011. (Hình: giaoxugiaohovietnam.com)

 


Quốc Dũng/Người Việt
January 3, 2017

 

 

MIDWAY CITY, California (NV) – “Thật đau lòng, tai nạn tại góc đường Beach và Madison, Westminster, chỉ cách nhà tôi một phút lái xe lại xảy ra với em trai tôi là Linh Mục Trương Văn Khoa, quản xứ Thánh Linh ở Ban Mê Thuột, Việt Nam. Phải đến Thứ Năm tôi mới biết xác em mình ở đâu để đến nhận.”

Ông Trương Văn Khanh, anh ruột của Linh Mục Trương Văn Khoa, khóc sụt sùi khi kể về tai nạn của em trai mình với phóng viên nhật báo Người Việt tại gia đình trên đường Monroe, Midway City.Tai nạn xảy ra lúc 11 giờ 17 phút sáng Thứ Hai, 2 Tháng Giêng, làm Linh Mục Trương Văn Khoa thiệt mạng tại chỗ, còn người chở là bà Hứa Thị Kim qua đời khi được đưa đến bệnh viện.


Lần cuối hai anh em ở với nhau lâu nhất


Ông Khanh cho biết linh mục vừa sang Hoa Kỳ từ ngày 19 Tháng Mười để trị bệnh theo sự cho phép của Giám Mục Nguyễn Văn Bản, giám mục Giáo Phận Ban Mê Thuột, Việt Nam.

 

“Em tôi sang đây gấp lắm, vì lúc đó huyết áp đã lên gần 200/90 nên sợ đột quỵ, sang đến đây thì đức cha mới gửi văn thư qua sau, để chứng minh em tôi đi có sự cho phép của bề trên,” ông nói.

“Em tôi bị nhiều bệnh lắm, ngoài cao huyết áp và bệnh tim còn bị bệnh vảy nến. Những bệnh này thất thường quá nên phải sang đây để trị bệnh. Tôi chuẩn bị đầu năm nay mua bảo hiểm để trị bệnh cho em nhưng chưa kịp làm thì xảy ra chuyện,” ông xúc động kể.

Ông cho hay: “Duy nhất lần này, hơn hai tháng em sang đây trị bệnh thì đây mới là thời gian hai anh em tôi sống dài với nhau nhất, nói chuyện được với nhau nhiều nhất. Bởi vì em tôi xa gia đình từ lúc 11 tuổi, vào học tại Tiểu Chủng Viện Phaolô Lê Bảo Tịnh, Ban Mê Thuột, từ năm 1969.”

Theo ông Khanh, khi từ Việt Nam sang được vài ngày thì Linh Mục Trương Văn Khoa có ước muốn hằng ngày tới Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, dâng Thánh Lễ, vì: “Làm chức năng linh mục mà một ngày không làm Thánh Lễ thì trong lòng thấy áy náy, nên dù bệnh tật mà còn đi được thì em vẫn đến để chắp tay làm lễ, chắp tay dâng Thánh Lễ là được.”

“Mỗi ngày thì gần 8 giờ sáng, con gái tôi chở em đến Trung Tâm Công Giáo, và gần 10 giờ sáng thì tôi đến đón em về. Tuy nhiên, visa của em đến Tháng Tư thì hết hạn nên em dự trù sẽ sang New York để gặp lại linh mục viết thư mời em sang đây để nói cha viết thêm giấy tờ để gia hạn, bởi vì bệnh đang triều trị rất tốt, nên sợ rằng phải về Việt Nam thì khó xin qua để chữa trị,” ông kể.

“Vì biết em tôi sắp đi xa nên một số giáo dân quý mến đã mời em tôi đi ăn sáng, xưng tội riêng… Sáng Thứ Hai, 2 Tháng Giêng, em có nói là tôi không phải đến đón vì em sẽ đi với giáo dân và đến nhà một người để làm phép rửa tội. Tới khoảng 5 giờ chiều thì anh Long, một người phục vụ ở Trung Tâm Công Giáo, tới nhà tìm và hỏi em về nhà chưa, thì mới ra cớ sự,” ông kể tiếp.

Tuy nhiên, cả ông và ông Long cũng không biết Linh Mục Trương Văn Khoa bị tai nạn, mà hai người đi vòng vòng tìm.

Truong-Van-Khoa 2

Từ trái, ông Vũ Văn Thọ, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, ông Trương Văn Khanh và vợ. (Hình: Willisam Nguyễn)

“Thật sự chúng tôi cũng không biết đi đâu tìm thì bất ngờ tôi nhận được điện thoại của em trai út tôi ở Boston, Massachusetts, báo rằng Khoa đã chết do tai nạn giao thông. Bàng hoàng, tôi không tin là tai nạn chỉ cách nhà mình chừng một phút lái xe thôi!” ông đau đớn kể.

“Cảnh sát Westminster gọi qua Boston vì đó là số điện thoại gần nhất mà em tôi gọi. Số là mấy ngày trước em tôi muốn gọi điện thoại cho một người quen thân ở tiểu bang New Hampshire nhưng không được, rồi em tôi mới gọi cho em út ở Boston để nói là muốn gặp gia đình anh Tuấn để khi qua thì thăm viếng họ luôn. Chính anh Tuấn là người nhận được điện thoại của cảnh sát và anh chuyển lại cho em út tôi,” ông nói thêm.

Sẽ mang thi hài về Việt Nam

Đau đớn. Bàng hoàng. Đột ngột. Chân muốn khuỵu. Huyết áp tăng… là những diễn tiến chỉ trong thời gian ngắn mà gia đình ông Trương Văn Khanh gánh chịu kể từ sau 5 giờ chiều ngày 2 Tháng Giêng.

“Suốt cả đêm tôi không ngủ được vì không biết giờ xác của em tôi đang ở đâu. Sớm nhất thì phải đến chiều Thứ Năm tôi mới có thể nhận xác em mình. Thời điểm đó tôi không biết khi nhận xác em về thì sẽ ra sao. Bởi vì trong gia đình người thì muốn đưa về, người thì muốn hỏa táng. Lý do là nếu đưa thi hài về thì phải để lại nội tạng, mà tâm lý người Việt Nam thì muốn đưa trọn vẹn. Còn nếu hỏa táng thì mất đi hình hài trọn vẹn, nhưng tất cả mọi thứ thì được mang về,” ông cho biết.

Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với Giáo Phận Ban Mê Thuột, các giáo xứ nơi Linh Mục Trương Văn Khoa phục vụ, cùng gia đình, thì ông nói: “Sau khi nghe ý kiến của các bậc bề trên về em mình, trong đó có Đức Giám Mục Nguyễn Văn Bản ở Ban Mê Thuột, lắng nghe cộng đoàn nơi em tôi mới tiếp xúc là Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, thì gia đình quyết định đưa thi hài về, dù biết rằng phải bỏ lại nội tạng nơi đất khách quê người thì trong lòng vấn vương, xao xuyến lắm.”

“Sáng Thứ Ba, 3 Tháng Giêng, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, thuộc Giáo Phận Orange, đã dâng Thánh Lễ đưa chân cho em tôi và người chở em cùng bị tai nạn cùng, tại Trung Tâm Công Giáo,” ông nói.

Ông Khanh tâm sự: “Ước mong hiện tại của tôi là mong tang lễ của em tôi được thực hiện theo đúng nghi thức của một tu sĩ, một linh mục đã dâng trọn đời cho Chúa. Bởi vì từ ngày qua Mỹ đến giờ, tôi chưa biết cách tổ chức một tang lễ như thế nào. Đây là lần đầu tiên và quá đặc biệt vì em tôi là linh mục. Tôi chỉ mong một sự hướng dẫn và giúp đỡ để làm cho đúng, cho trọn vẹn.”

“Hiện nay gia đình cũng chưa có gì để dự trữ về tài chính. Hoàn toàn đột ngột. Tuy nhiên, gia đình sẽ cố gắng cao nhất để làm tang lễ, phải làm mọi cách tốt đẹp nhất cho em tôi là linh mục. Bằng mọi cách cũng ráng mà lo. Đó là cái nghĩa tình anh em, vì cha mẹ mất rồi,” ông xúc động nói.

 

Truong-Van-Khoa 3

 

Ông Trương Văn Khanh khóc khi kể về sự ra đi của Linh Mục Trương Văn Khoa. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Theo VietCatholic, hiện tại thi hài Linh Mục Trương Văn Khoa được quàn tại Peek Family Home, Westminster.

Cũng theo VietCatholic, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng đã đến chia buồn cùng gia đình. Nếu đưa thi hài linh mục về Việt Nam hay mai táng tại Mỹ thì Trung Tâm Công Giáo sẽ yểm trợ về chi phí.

Ước nguyện cuối: Xây nhà thờ cho người dân tộc

 

Anh ruột của người quá cố cho hay, lần đầu linh mục đến Mỹ là năm 1998. Lần thứ hai là năm 2001 và ở lại để vừa đi học vừa phục vụ ở Giáo Xứ Nashua, New Hampshire. “Sau khi hai năm học về quản trị giáo hội, mặc dù giáo phận này muốn em tôi ở lại luôn để phục vụ, nhưng em chỉ muốn học xong thì về Việt Nam,” ông kể.

“Về Việt Nam thì em tôi xây dựng lên nhà thờ Buôn Hô mới, đây là nhà thờ ở Tây Nguyên đầu tiên được xây dựng đàng hoàng, tử tế. Cũng khó khăn lắm mới xây dựng được. Và công trình cuối cùng ở xung quanh nhà thờ này là 14 chặng đường thánh giá, kết thúc là hình tượng Chúa Giê-Su phục sinh. Sau công trình đó thì em tôi chuyển sang giáo xứ Thánh Linh, cũng ở Ban Mê Thuột,” ông kể tiếp.

Ông cho hay: “Đời sống phục vụ của các linh mục ở vùng miền núi thì gặp nhiều khó khăn về thời tiết, đường đi, các sắc tộc thiểu số… Nên muốn giữ họ lại với nhà thờ thì phải có những chương trình về mặt xã hội để phục vụ họ, chứ đói quá thì ai đi nhà thờ nữa. Vì vậy mà em tôi đã làm mọi thứ vì giáo hội.”

“Em tôi từng tâm sự với tôi, rằng em có ao ước nhất là muốn có tiền để xây nhà thờ cho người dân tộc, chứ không muốn gì cho gia đình, mà cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện riêng tư cho gia đình, thậm chí anh chị em trong gia đình,” ông nói.

Theo ông, Linh Mục Trương Văn Khoa sinh ngày 3 Tháng Mười Một, 1957, tại giáo họ Thanh Lâm, giáo xứ Vinh An, Ban Mê Thuột, nay thuộc huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông.

Linh mục học Tiểu Chủng Viện Phaolô Lê Bảo Tịnh, Ban Mê Thuột; sau đó học Đại Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang.
Linh mục thụ phong linh mục ngày 3 Tháng Mười Hai, 1993, tại nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột.

Từ năm 1993-1994, linh mục là phó xứ Buôn Hô; từ năm 1994-2015 là quản xứ Buôn Hô; từ năm 2015 đến nay là quản xứ Thánh Linh.

Trong gia đình, cha mẹ của linh mục nuôi dưỡng 10 người con, nhưng ông bà có con chung với nhau là tám người, gồm năm con trai và ba con gái; đồng thời ông bà nuôi thêm một người con gái của người vợ đầu và nhận một người con gái làm con nuôi.

Trước linh mục là người chị gái, đến ông Khanh là con trai trưởng, sau đó là các em.

“Em tôi làm linh mục là nhờ ơn gọi, nhưng có lẽ là từ ước muốn, ước nguyện của ông bà cố nói với nhau là ‘Nếu Chúa cho một đứa con trai nữa thì sẽ dâng mình cho Chúa.’ Có thể sự cầu nguyện đó linh ứng tới người em mình. Ngay lúc ra đời, biết nói đầu tiên thì em nói ‘Lớn lên đi tu,’” ông Khanh kể.

Read 1841 times Last modified on Thứ năm, 05 Tháng 1 2017 15:01