Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 13 Tháng 9 2012 19:30

Xăng Dầu Tăng Giá Đẩy Người Lao Động Vào Cảnh Khốn Khó

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
xangdau    Rất nhiều người lao động nghèo lâm cảnh lao đao khốn đốn khi giá xăng dầu tăng liên tục trong tháng qua. Giá các loại xăng tăng 650 đồng mỗi lít và giá dầu tăng từ 300-450 đồng một lít kể từ hôm 28-8. Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ tư liên tiếp trong vòng một tháng qua.

   Anh Ngô Minh Sang cố với tay đổ xong bao rác vào chiếc xe ba gác, đoạn liền bấu víu vào thành xe vì thấy đầu choáng váng. Tháng rồi khi xăng tăng giá, vợ chồng anh đã bỏ bữa ăn sáng để không bị thiếu hụt nhiều trong chi tiêu.

Sau 15 phút nghỉ ngơi, anh Sang mới có thể trở lại công việc trong khi người vợ có thân hình gầy guộc kéo xe lấy rác từ nhà dân trong những con hẻm nhỏ gần nơi đậu xe rác khoảng 50 mét.

Người đàn ông 41 tuổi mặc chiếc áo xanh đã bạc màu, không đeo khẩu trang, cũng không có bao tay lầm lũi dùng hai bàn tay trần bới xe rác tìm ve chai.

Tổng thu nhập của vợ chồng anh Sang từ việc thu rác thải là 2,5 triệu đồng mỗi tháng nên việc tăng giá xăng khiến cuộc sống của vợ chồng họ bị ảnh hưởng nhiều.

“Trước đây mỗi ngày tôi đổ 30.000 tiền xăng là đủ cho 3 ca lấy rác, bây giờ hơn 40.000 mới đủ – anh nói - Mỗi tháng phải tốn thêm hơn 300.000 tiền xăng, tiền thuê phòng trọ cũng tăng, thực phẩm các loại cũng tăng giá ào ào”.

“Nếu không nhịn bữa sáng, thì vợ chồng tôi không có tiền lo cho con ăn học. Đứa con lớn 14 tuổi đã nghỉ học rồi, còn đứa út tôi phải lo cho nó ăn học cho bằng được, chứ mù chữ như cha mẹ chúng thì lại khổ cả đời” - cha của hai người con than vãn.

Để có được chiếc xe ba gác giá bảy triệu đồng để hành nghề, vợ chồng anh phải vay mượn thêm. “Xăng tăng giá khiến chúng tôi khốn khổ hơn nhưng không dám bán xe, cũng không dám chuyển nghề vì không có vốn và cũng không có bằng cấp. Đành chịu vậy thôi” - Anh Sang, quê ở Tây Ninh, thu gom rác ở TP.HCM.

Chị Hoa, một người bán dạo quê Thanh Hóa, cho biết hơn hai tuần qua để tiết kiệm khi xăng tăng giá, “Tôi bỏ xe máy ở nhà, lấy xe đạp đi bán thịt cá, rau củ. Ba năm rồi không ngờ lại có lúc dùng tới nó”.

Tuy nhiên, đạp xe đạp mỗi ngày khiến người phụ nữ 43 tuổi sụt cân và bị cảm mạo cả tuần mà chưa khỏi.

“Tôi vẫn cố đạp xe đi bán lo kiếm tiền gửi về quê lo cho con đi học và lo thuốc men cho mẹ già” – chị quyết tâm.

Ông Trần Hoàng Dũng, làm nghề chạy xe ôm 20 năm qua, cho hay chưa có khi nào người dân lao động nghèo dùng xe gắn máy làm phương tiện mưu sinh lâm vào hoàn cảnh khó như lúc này.

“Tôi mới đi cầm đồ chiếc ti vi để đóng tiền học bán trú cho con. Cứ cái đà này, chắc là đồ đạc ra tiệm cầm đồ hết, nói ra thì xấu hổ, nhưng thực tế là đang xảy ra chuyện như vậy” - người đàn ông 45 tuổi nói.

Theo ông Dũng, mặc dù xăng tăng giá nhiều nhưng ông không thể tăng giá cước. Nếu tăng giá thì người dân không đi xe ôm nữa, mà họ sẽ di chuyển bằng xe buýt vì rẻ hơn nhiều, lúc đó ông sẽ thất nghiệp.

Ông Dũng nói thêm từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có sáu lần tăng với tổng mức tăng 5.400đ ồng/lít đối với xăng và 3.150 đồng/lít đối với dầu diezen.

Nhận định về tăng giá xăng dầu, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định trên báo Tuổi Trẻ ngày 30-8 rằng gốc gác vấn đề do cơ chế điều hành giá xăng dầu sai với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

“Nhà nước đã để cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu tự định giá trong khi thị trường này đang tồn tại kinh doanh độc quyền. Cần xóa bỏ ngay cơ chế này, tức là Nhà nước phải định giá ăng dầu” – ông Long nói.

Việt Nam có 11 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cung cấp xăng dầu cho 90 triệu dân.

 

http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-485_Xang-dau-tang-gia-day-nguoi-lao-dong-vao-canh-khon-kho.aspx

 

Phóng viên ucanews.com từ TP.HCM
Nguồn ucanews

Read 1547 times