Vị Tuyên úy Quân Đội Hoa Kỳ tử trận tại chiến trường Việt Nam trên đường được phong thánh
Posted by Ban Biên TậpTheo tạp chí Crux, quân đội Hoa Kỳ sắp sửa có vị thánh của họ. Thực vậy, hồ sơ phong thánh cho “Ông Cha Bộ Binh” (“Grunt Padre”, grunt vốn là chữ thân mật để chỉ bộ binh Hoa Kỳ, cũng áp dụng cho thủy quân lục chiến) Vincent R. Capodanno, thuộc Dòng Truyền Giáo Maryknoll và là tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ hy sinh tại chiến trường Việt Nam, đã hoàn tất ở cấp giáo phận quân đội và đã được đệ trình Bộ Phong Thánh ở Rôma xem xét.
Đó là tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, đứng đầu tổng giáo phận quân đội của Hoa Kỳ, nhân Ngày Tưởng Niệm. Ngài nói: “Ngày Tưởng Niệm nay có một khuôn mặt. Đó là một khuôn mặt tôi biết. Các bạn đã gặp các thân nhân, các người phối ngẫu và các cha mẹ của những người nam nữ đã chết vì chiến đấu. Các bạn cũng đã gặp hằng hà sa số các thanh niên nam nữ sẵn sàng chấp nhận gian nguy để phục vụ xứ sở mình”. Khi mất một người thân yêu trong chiến đấu, ta luôn cảm nhận sự mất mát. Nhưng một ngày kia, Ngày Tưởng Niệm sẽ có một vị thánh quan thầy, nhất là đối với những người chết hoặc bị thương trong lúc thi hành nhiệm vụ, đối với gia đình họ, và đối với các vị tuyên úy quân đội và những người các vị phục vụ.
Cuối Thánh Lễ Ngày Tưởng Niệm hàng năm lần thứ 23 của Tổng Giáo Phận Quân Đội tại Vương Cung Thánh Đường Đền Thánh Quốc Gia Vô Nhiễm Thai ở Washington, Đức Tổng Giám Mục Broglio đã chính thức kết thúc giai đoạn tổng giáo phận của án phong thánh cho Cha Vincent Capodanno, vị tuyên úy đã vị quốc vong thân trong lửa đạn trực tiếp ở chiến trường Việt Nam ngày 4 tháng Chín năm 1967, cách nay đúng 50 năm, lúc chỉ mới có 38 tuổi. Nay án phong thánh của ngài đang nằm tại Bộ Phong Thánh ở Rôma.
Thánh Lễ trên, được thu hình ngày 21 tháng Năm, sẽ được chiếu trên EWNTvào Ngày Tưởng Niệm, Thứ Hai, 29 tháng Năm, lúc 11 giờ 30 giời miền Đông và sau đó lúc nửa đêm, và trên Đài Truyền Hình Công Giáo vào lúc trưa và 8 giờ tối.
Vị tuyên úy anh hùng sinh tại Staten Island, New York, ngày 13 tháng Hai năm 1929, con út trong 10 người con của một gia đình di dân người Ý. Trong Thế Chiến II, ngài chứng kiến hai người anh lên đường phục vụ trong Lục Quân Hoa Kỳ, và một người anh khác phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến.
Ở tuổi 20, Cha Capodanno cảm thấy ơn gọi làm linh mục truyền giáo và đã gia nhập chủng việc của Dòng Maryknoll. Ngài được thụ phong linh mục năm 1958. Sau tiếng chuông truyền thống của chủng viện, ngài được tin sẽ được đi truyền giáo tại Đài Loan, nơi ngài học tiếng Trung Hoa, ban các bí tích, huấn luyện các giáo lý viên và phân phối thực phẩm cùng thuốc men.
Khoảng 6 năm sau, ngài được thuyên chuyển qua Hồng Kông, nơi ngài gặp các nhân viên quân đội Hoa Kỳ và cảm nhận ơn gọi phục vụ họ trong tư cách tuyên úy.
Đức Tổng Giám Mục Broglio cho rằng “khi Cha quyết định yêu cầu các bề trên cho phép ngài trở thành tuyên úy Hải Quân, việc này đã mở ra cả một trải nghiệm mới. Đây là nơi ngài khám phá ra ơn gọi trong ơn gọi đó. Đó quả thực là con đường nên thánh của ngài”.
Vị tuyên úy được biệt danh là “Grunt Padre” do việc ngài đích thân chăm sóc và làm thừa tác vụ cho các “grunts”, vốn là biệt danh của các binh sĩ bộ binh cũng như của Thủy Quân Lục Chiến là binh chủng ngài phục vụ sau khi tới Việt Nam trong Tuần Thánh năm 1966. Trước đó, tháng 12 năm 1965, ngài được cử làm đại úy trong Tuyên Úy Đoàn Hải Quân và được chỉ định phục vụ Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Đức Tổng Giám Mục Broglio cho hay: “Ngài đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các binh sĩ Thủy Quâ Lục Chiến, và hết lòng chăm sóc họ. Ngài rất đặc trưng trong số nhiều tuyên úy tôi từng gặp trong 10 năm qua. Ngài biết điều gì đúng. Ngài chăm sóc người của ngài”.
Tiểu sử Cha Capodanno trên trang mạng của tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ mô tả thừa tác vụ của ngài như sau: “Ngài trở thành người bạn đồng hành liên tục của các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến: sống, ăn uống và ngủ nghỉ cùng một điều kiện như họ. Ngài lập các thư viện, thu lượm và phân phối các món quà và tổ chức các chương trình nối vòng tay lớn với các dân làng địa phương. Ngài dành thì giờ trấn an các người lo âu vỡ mộng, an ủi người sầu khổ tang chế, nghe xưng tội, dạy bảo các tân tòng và phân phối ảnh Thánh Christopher”.
Sau lần phục vụ một năm đã mãn, ngài tình nguyện tiếp tục phục vụ trong tư cách tuyên úy cho các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiếu. Ngày 4 tháng Chín năm 1967, trong cuộc Hành Quân Thần Tốc (Swift), cuộc hành quân thứ bẩy của ngài, tại làng Đông Sơn, thuộc Thung Lũng Quế Sơn, gần ranh giới hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, ngài đã anh dũng hy sinh tính mạng trong lúc phục vụ các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu.
Lịch sử kể lại rằng vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 4 tháng Chín năm 1967, Tiểu Đoàn 1 Sư Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến gặp đơn vị lớn của quân đội Bắc Việt, khoảng 2,500 người, gần làng Đông Sơn. Bị kém về quân số và tổ chức, Đại Đội D cần được tăng viện. Đến 9 giờ 14 phút sáng, 26 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến bỏ mạng và một đại đội Thủy Quân Lục Chiến khác được tung vào mặt trận. Đến 9 giờ 25 phút sáng, chỉ huy trưởng Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến phải xin thêm tăng viện.
Cha Capodanno đi theo các binh sĩ bị thương và hấp hối, làm các phép sau cùng cho họ. Bị thương ở mặt và ở tay, cha vẫn tiếp tục giúp các chiến hữu của mình bị thương chỉ cách dàn súng máy của địch chừng mấy thước và do đó đã bị bắn gục. Xác ngài được thu hồi và được chôn cất ở phần mộ của gia đình trong Nghĩa Trang Thánh Phêrô, tại quê hương Staten Island, New York.
Ngày 27 tháng Mười Hai năm 1968, Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Paul Ignatius thông báo cho gia đình cha hay Đại Úy Capodanno sẽ được truy tặng Huy Chương Danh Dự để thừa nhận sự hy sinh vô vị lợi của ngài.
Trong bản ghi công trạng của huy chương, tính anh hùng của cha đã được mô tả như sau:
“Đáp ứng các tường trình cho rằng trung đội 2 của Đại Đội M có nguy cơ bị tràn ngập bởi một lực lượng tấn công đông đảo của địch, Đại Úy Capodanno đã rời bỏ nơi an toàn tương đối của mình ở đài chỉ huy đại đội và chạy qua khu vực trống đang chằng chịt lằn đạn, trực tiếp tới với trung đội đang bị vây khốn.
“Bất chấp các súng nhỏ, vũ khí tự động và đạn súng cối dầy đặc của địch, đại úy chạy tới lui khắp chiến trường, ban các bí tích sau cùng cho binh sĩ hấp hối và đem thuốc thang tới cho các binh sĩ bị thương.
“Khi loạt súng cối nổ tung gây cho đại úy nhiều thương tích đau đớn nơi cánh tay và bắp chân, và xé nát một phần bàn tay phải của ông, đại úy vẫn nhất định từ chối mọi giúp đỡ y khoa. Thay vào đó, đại úy hướng dẫn các binh sĩ đi giúp các chiến hữu bị thương của họ và, với một sinh lực trầm tĩnh, đại úy tiếp tục chạy tới lui khắp chiến trường để khuyến khích các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến dũng cảm bằng lời nói và gương sáng.
“Khi thấy một chiến hữu bị thương ngay ở lằn đạn của nòng súng máy kẻ thù cách xa chừng 15 thước Anh, Đại Úy Capodanno đã anh dũng lao tới để trợ giúp người chiến hữu bị tử thương. Ngay lúc ấy, chỉ còn cách mục tiêu không đầy nửa thước, đại úy bị gục ngã vì hỏa lực của súng máy địch quân”.
Bản ghi công kết luận: “Nhờ tác phong anh dũng trên chiến trường, và gương sáng gây cảm hứng của ông, Đại Úy Capodanno đã nêu cao truyền thống tốt đẹp của Ngành Hải Quân Hoa Kỳ. Đại Úy anh dũng hiến mạng sống mình cho chính nghĩa tự do”.
Đức Tổng Giám Mục Broglio thì cho rằng Cha Capodanno “từ một nhà truyền giáo bình thường trở thành một vị tuyên úy ngoại thường. Trong đó, ta tìm thấy rõ ràng bàn tay của Thiên Chúa”.
Câu truyện về đức tin, sự hy sinh và anh hùng tính của Cha Capodanno đã được ghi lại trong cuốn The Grunt Padre: The Service and Sacrifice of Father Vincent Robert Capodanno, Vietnam 1966-67, do Cha Daniel Mode viết năm 2000. Cha Mode là một linh mục xuất thân từ một gia đình Hải Quân và cảm kích vì cuộc đời của Cha Capodanno đến nỗi, khi còn là một chủng sinh, đã viết luận án tốt nghiệp về vị linh mục anh hùng này, sau khi phỏng vấn cả hàng trăm người từng biết về ngài.
Theo gương Cha Capodanno, Cha Mode cũng trở thành tuyên úy của Hải Quân Hoa Kỳ, phục vụ tại Vịnh Ba Tư và Afghanistan và trên nhiều hàng không mẫu hạm, và tại Phi Luật Tân sau cơn bão năm 2013. Ngài cho hay: thừa tác vụ của ngài đã lấy hứng từ ơn thánh và lòng can đảm của “Ông Cha Bộ Binh”, người đã mang Chúa Kitô tới các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến mà ngài phục vụ tại Việt Nam.
Trong tiểu sử Cha Capodanno, có câu truyện về hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến Ray Harton, người bị bắn trọng thương vào cánh tay trái. Hạ sĩ kể lại: khi ông mở mắt ra, thấy Cha Capodanno bình thản nói với ông: “anh thủy quân lục chiến, anh hãy nằm yên. Anh sẽ không sao. Một người sẽ đến đây giúp anh ngay bây giờ. Thiên Chúa sẽ ở với chúng ta suốt hôm nay”.
Trong bài giảng Lễ Ngày Tưởng Niệm, Đức Tổng Giám Mục Broglio, khi nhắc lại câu truyện trên, đã nói: “Quả thích đáng xiết bao khi Thánh Lễ Tưởng Niệm hàng năm cho ta dịp may kết thúc giai đoạn tổng giáo phận của án phong thánh cho Cha Vincent Capodanno.
“Ngài rõ ràng biết giá trị chức linh mục của ngài, và ngài sẵn lòng hy sinh mạng sống mình để nhiều người khác được hưởng những ơn phúc ngài mang tới. Ray Harton sẽ không bao giờ quên được sự khuyến khích của Cha Capodanno 'anh thủy quân lục chiến, anh hãy nằm yên. Anh sẽ không sao'”…
Trong cuộc phỏng vấn của Crux, Đức Tổng Giám Mục Broglio nói rằng tinh thần của vị tuyên úy anh dũng này sẽ sống mãi trong hơn 200 linh mục đang phục vụ như các tuyên úy quân đội Hoa Kỳ trên khắp thế giới.
“Ý niệm chăm sóc người khác ấy hết sức hiển hiện trong khả năng vị tuyên úy gặp gỡ các binh sĩ ngay ở nơi họ hiện diện, và tìm ra cách đề truyện trò với họ… Sự sẵn lòng hiến đời mình và thì giờ nhàn rỗi của mình, ý niệm tuyệt vời muốn săn sóc người ta. Điều ấy rất rõ trong cuộc đời Cha Capodanno, và rất rõ trong phần lớn các vị tuyên úy tôi biết”.
Đức Tổng Giám Mục Broglio nói thêm: “Linh mục có tính độc đáo trong hàng ngũ tuyên úy, theo nghĩa ngài mang đến một điều mà chỉ có linh mục Công Giáo mới có thể mang: đó là con người của Chúa Kitô trong các bí tích. Ngài cử hành Thánh Thể, xức dầu người bệnh và giải tội. Đó là các ơn phúc chỉ có ngài mới có thể mang đến”.
Trang mạng của tổng giáo phận quân đội nhận định rằng các linh mục tuyên úy “đi đến bất cứ nơi nào người ta hiện diện: trong lều trại ở sa mạc, trên boong hàng không mẫu hạm, trong trại lính ở căn cứ, trên tuyến lửa đạn, trong bệnh việc cựu chiến binh, trong các hội trường của Ngũ Giác Đài”.
Tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ được Đức Thánh Giáo Hoàng Goan Phaolô II thiết lập năm 1985. Các linh mục của tổng giáo phận phục vụ tại hơn 220 căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại 29 quốc gia, biến nó thành tổng giáo phận hoàn cầu duy nhất trên thế giới. Các linh mục của nó cũng phục vụ tại 153 trung tâm y tế cựu chiến binh khắp Hoa Kỳ.
Trang mạng này ghi nhận rằng khoảng 1 triệu 8 người Công Giáo lệ thuộc tổng giáo phận này để thỏa mãn các nhu cầu thiêng liêng và bí tích của họ. Con số này bao gồm 325,000 người Công Giáo đang thi hành nhiệm vụ và gia đình họ.
Cha Capodanno đã được tuyên bố là “tôi tớ Chúa” từ năm 2006 bởi bộ Phong Thánh do lời yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục lúc ấy là Edwin O’Brien, vị đứng đầu tổng giáo phận quân đội cho tới năm 2007 và một năm sau đó, được kế nhiệm bởi Đức Tổng Giám Mục Broglio, người đã mở án phong thánh cho Cha Capodanno năm 2013 và cử nhiệm một tòa án để điều tra xem Cha có thực sự sống cuộc sống nhân đức đến độ anh hùng hay không. Việc điều tra này thu thập các dữ kiện về đời sống của ngài, phỏng vấn những người từng biết ngài và khảo sát các trước tác của ngài.
Các vinh dự trần thế của Cha bao gồm Huân Chương Ngôi Sao Đồng Hải Quân, huân chương Trái Tim Hồng. Một chiến hạm của Hải Quân hoạt động từ năm 1973 tới 1993 và được triển khai trong chiến dịch Desert Storm đã được đặt tên bằng tên của ngài, cũng như 7 nhà nguyện trên khắp thế giới, kể cả 1 nhà nguyện tại Trường Tuyên Úy Hải Quân ở Newport, Rhode Island, và 1 nhà nguyện trên Đồi 51 ở Thung Lũng Quế Sơn, Việt Nam mà chính cha đã giúp xây dựng bằng lá dừa và tre.
Một bệnh xá của Hải Quân tại Gaeta, Ý, cũng đã lấy tên ngài để đặt, cũng như Đại Lộ Capodanno ở Staten Island, và một học bổng hàng năm dành cho con em các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến cũng mang tên ngài. Một phòng tại tòa Tổng Giám Mục quân đội được dành trưng bày các vật kỷ niệm có liên quan tới đời sống và cái chết của ngài, trong đó, có chiếc mũ dã chiến mầu xanh ngài vốn đội tại Việt Nam, và bản khắc tên của ngài lấy từ Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam.
Vũ Văn An
Nguồn: Vietcatholic News