Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết khoảng 36% dân số là những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh khung giá viện phí mới.
Bà Tiến cũng cho rằng sau khi điều chỉnh khung giá viện phí mới thì thời gian khám bệnh, chờ đợi, thanh toán của người bệnh ở một số bệnh viện được cải thiện đáng kể.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến nay đã có 42 tỉnh, thành phố thông qua mức viện phí mới. Đa số các địa phương đã thông qua mức tăng viện phí mới ở mức từ 70-75% khung giá của liên bộ Y tế-Tài chính. Riêng hai tỉnh Khánh Hòa và Đồng Tháp thì mức đề xuất tăng khá cao từ 93-95%. 21 tỉnh còn lại dự kiến thông qua cuối năm.
Chính phủ cũng quyết định nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo lên mức 70% giá trị thẻ. Đồng thời cho phép các địa phương có điều kiện về ngân sách tăng mức hỗ trợ để đối tượng này tham gia BHYT.
Bộ Y tế đang xây dựng đề xuất nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% hoặc 60% từ năm 2013, nhằm giảm bớt khó khăn và khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT nhiều hơn.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM
Người nghèo, diện chính sách, trẻ em dưới sáu tuổi, đồng bào dân tộc được miễn phí 100% chi phí mua thẻ BHYT.
Mặc dù có thẻ BHYT, nhưng bà Nguyễn Thị Sum không khỏi lo lắng khi hay tin giá viện phí tăng.
Bà Sum, 62 tuổi, điều trị bệnh thận từ bốn năm qua cho biết mỗi tháng bà phải đi bệnh viện tái khám và chạy thận hai lần theo yêu cầu của bác sĩ.
Dù có bảo hiểm y tế nhưng không phải lúc nào bà cũng có tiền đi khám định kỳ, “những lúc không tiền tôi ở nhà uống thuốc nam cầm cự, chỉ khi nào đau quá không thể chịu đựng được nữa tôi mới đi viện”.
Bà Sum cho biết mỗi lần đi khám bà tốn từ 1,5-2 triệu đồng, sau khi bảo hiểm đã chi trả cho 80%. “Nhà nước tăng viện phí khác nào bệnh nhân nghèo như tôi bị rút ngắn tuổi thọ”, bà than thở.
Mẹ của ba người con đã có gia đình nói thêm rằng bà không làm gì ra tiền, hằng ngày sống nhờ vào 30.000 đồng mà các con bà cho. Khi mắc bệnh bà đã cầm cố một công đất cho người em trai để lấy 30 triệu đồng lấy tiền chữa trị. “Tôi không thể tiếp tục cầm cố ngôi nhà đang ở để điều trị, còn phải để dành cho con cái ở. Thôi thì sống thêm được ngày nào hay ngày nấy vậy”.
Một bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Bến Tre than rằng: “Làm mướn mỗi ngày tui cũng chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng, mua một cái thẻ bảo hiểm mất hơn 500.000 đồng. Chẳng lẽ để con cái nhịn đói để mua cái thẻ bảo hiểm? Thẻ bảo hiểm chỉ dùng khi ốm đau, mà có ai muốn mình ốm đau bao giờ?”
Người phụ nữ có hai con chua chát nói: “Nghèo nghĩ khổ thiệt, ăn không dám ăn, bệnh cũng không dám bệnh”.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam có khoảng 56 triệu người đã có thẻ BHYT, chiếm 64% dân số cả nước.