Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (20/5) tới CN VI-PS Năm C (26/5)
Posted by Ban Biên Tập
Lm Giuse BCD,SJ
I.Tin Mừng Ga 14:21-26 (Thứ 2, V-PS)
(Thứ Hai sau Chúa Nhật V Phục Sinh)
21 Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? "23 Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
Các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng (TM) hôm nay, tuy ngắn ngủi, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa với loài người. Bên cạnh đó, thoạt nghe đoạn TM này xong, có thể nhiều người sẽ không hiểu rõ và chẳng nắm bắt hết được những điều Đức Giê-su trả lời cho Giu-đa.
Trước hết, các bạn sẽ thấy Đức Giê-su mặc khải về mối tương quan giữa Cha và Con. Sau đó, Người nói về vai trò của Chúa Thánh Thần. Cuối cùng là thông điệp của toàn bộ đoạn văn. Trong phần gợi ý cầu nguyện hôm nay, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn thông điệp của Đức Giê-su mà thôi.
Sau khi nghe câu hỏi của Giu-đa: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? ", Đức Giê-su trả lời rằng "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy... ". Như thế, câu trả lời của Đức Giê-su xoay quanh hai chủ đề chính, đó là "yêu mến" và "vâng lời" (hoặc "tuân giữ lời").
Môn đệ Đức Giê-su là những người dám bước theo Người, đi chung với Người trên cùng một con đường, dù thời Đức Giê-su các môn đệ chẳng biết con đường ấy cụ thể thế nào, còn thời đại này mọi người đều biết đó là con đường thập tự. Dẫu là vậy, cũng nên công nhận rằng môn đệ Đức Giê-su là những người thực tâm yêu mến Người. Còn "thế gian", tức là những người không đi theo Đức Giê-su, không phải là môn đệ của Người, thì không yêu mến Giê-su. Do đó, Đức Giê-su có lý khi tỏ mình cho các môn đệ, mặc khải cho họ biết Người là ai và làm thế nào để có thể hưởng vinh phúc với Người sau khi cùng Người đi trên con đường thập giá.
Những ai yêu mến Đức Giê-su thì hầu chắc sẽ tuân giữ lời Người. Nếu không giữ lời thì không thể nói là yêu mến. Vì thế, có thể nói Yêu mến và Vâng lời là hai động từ không thể tách rời nhau. Nói theo ngôn ngữ của tư tưởng Marxist thì Yêu mến và Vâng lời có mối quan hệ biện chứng.
Qua những phân tích trên, bạn có nhận thấy bản thân mình là môn đệ đích thực của Đức Ki-tô không? Bạn có yêu mến Ngài thực lòng và sẵn sàng tuân giữ lời Ngài truyền dạy, sẵn sàng đáp lời "xin vâng" dù phải đối diện với nghịch cảnh và nghịch ý?
Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa Giê-su Phục Sinh ban cho chúng ta có thêm lòng yêu mến và quảng đại với Ngài để chúng ta thực sự là môn đệ của Ngài.
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
II.Tin Mừng Ga 14:27-31 (Thứ 3, V-PS)
(Thứ Ba sau Chúa Nhật V Phục Sinh)
Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây! "
Các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay gửi tới chúng ta một thông điệp chủ chốt và quan trọng của Thầy Giê-su, đó là sự Bình An.
Chúng ta thường chúc bình an cho nhau. Nhưng đôi khi chúng ta chưa ý thức hết ý nghĩa cao đẹp của lời chúc này. Có khi chúng ta nói như "cái máy" hoặc cầu chúc cách sáo rỗng.
Khi cầu nguyện chúng ta cũng hay xin Chúa hết ơn này đến ơn khác, nhưng có khi chúng ta quên xin ơn Bình An. Giáo Hội dành trọn ngày Mồng Một Tết để Cầu Bình An Năm Mới. Điều đó như dấu chứng dạy chúng ta rằng Ơn Bình An là một ơn quan trọng, một ơn lớn của Chúa dành cho chúng ta.
Trong các ơn và hoa trái của Chúa Thánh Thần cũng có ơn bình an (x. Gl 5:22-23). Lúc này, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng ơn bình an có liên hệ mật thiết tới Chúa Thánh Thần. Khi cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động và dạy chúng ta cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta thấy tâm hồn bình an, thì đó cũng chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Và đây là một ơn lớn trong đời sống thiêng liêng của người Ki-tô hữu.
Chúa Giê-su nói "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy" là giây phút quý báu và linh thiêng lắm. Chúa để lại bình an cho chúng ta tựa như người cha để lại gia sản cho các con vậy. Cũng có thể hiểu, rằng trước khi về trời, Chúa đã không muốn các môn đệ phải sống trong cảnh mồ côi, nên Người muốn trao ban bình an, bình an ấy là Chúa Thánh Thần: "Thầy để lại Chúa Thánh Thần cho anh em, Thầy ban cho anh em Chúa Thánh Thần của Thầy". Quả thực, chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, sống nhờ Người, hoạt động và hiện hữu trong Người. Làm thế nào nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, làm sao để có thể cộng tác với Người cách tích cực nhất? Đó là câu trả lời mà mỗi người chúng ta cần cầu nguyện và cần tự khám phá và phát huy để trả lời cách đúng đắn và chân thực nhất.
Bạn có bao giờ nhận ra Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong tâm trí và trên thân xác của bạn chưa? Bạn có nhận thấy tâm hồn mình bình an và một niềm vui khôn tả bên cạnh niềm bình an ấy không? Bạn có quý ơn bình an của Chúa không? Đâu là niềm bình an bạn đang có?
Bạn hãy xin Chúa Phục Sinh ban ơn bình an cho bạn để bạn có chung một nhịp đập, một hơi thở với Thần Khí của Ngài, bạn nhé.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
III.Tin Mừng Ga 15:1-8 (Thứ 4, V-PS)
(Thứ Tư sau Chúa Nhật V Phục Sinh)
1 Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
Các bạn thân mến,
Như chúng ta đều biết, kể từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, nghĩa là mọi hoạt động trong Giáo Hội đều cậy nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Chúa Giêsu hoàn toàn bỏ rơi các môn đệ của Người, bởi như chính Người đã quả quyết: "Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15:5). Chúng ta hãy duyệt lại một vài hình ảnh của Chúa Giêsu trong cuộc đời sứ vụ của các môn đệ của Người nhé!
Trước tiên là sự tác động của Chúa Giêsu trong việc thánh Phêrô chữa lành cho một người bại liệt (x. Cv 3:1-10). Thứ đến, Chúa Giêsu tỏ mình cho Phó-tế Stêphanô nhìn thấy vinh quang của Người, nhờ đó thánh nhân có tràn đầy sự cam đảm để chịu tử đạo (Cv 7:55-60). Rồi đến sự can thiệp của Chúa Giêsu vào ơn gọi và sứ mạng của thánh Phaolô (Cv 9:1-18), cũng như giải thoát thánh Phêrô thoát khỏi chốn giam cầm (Cv 12:11), v.v..
Từ những hình ảnh chứng minh sự đồng hành không ngừng nghỉ của Chúa Giêsu Phục Sinh trên cuộc đời và sứ mạng của các Tông đồ và môn đệ của Chúa, chúng ta cảm nhận điều gì trong sự sống, hiện hữu và hoạt động của từng người chúng ta? Chúng ta có nhận ra tình yêu và sự quan phòng của Chúa trên từng bước chân của hành trình chúng ta đi theo Người không? Nói cách khác, bạn có xác tín rằng không có Chúa, bạn chẳng làm được việc gì? Chúng ta phải làm gì để không đánh mất hình bóng của Chúa trong cuộc sống và ơn gọi của từng người chúng ta?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
IV.Tin Mừng Ga 15:9-11 (Thứ 5, V-PS)
(Thứ Năm sau Chúa Nhật V Phục Sinh NĂM C)
9 Bấy giờ, Chúa Giêsu nói: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
Các bạn thân mến,
Thông điệp của Lời Chúa hôm nay rất giống với thông điệp của ngày thứ Hai vừa qua trong đoạn Ga 14:21-26. Đó là người môn đệ Đức Giê-su là người yêu mến Chúa và tuân giữ lời Chúa: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy" (Ga 15:10).
Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn một gợi ý khác để cầu nguyện.
Bối cảnh của đoạn Lời Chúa hôm nay nằm trong đoạn Ga 15, nghĩa là đoạn nói về "cây nho thật". Chúa Giê-su ví mình như một cây nho, còn môn đệ của Người là cành nho.
Cành nho và thân nho có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cành nho đứt rời thân nho sẽ héo khô vì thiếu nhựa sống từ thân nho. Cành nho buộc phải dính với thân nho.
Chúa Giê-su ví mình là cây nho, nghĩa là tất cả những gì của cây nho đều thuộc về Người, như thân nho, cành nho, lá nho, trái nho... Và Người sẽ làm cho chúng tốt tươi nếu chúng không rời xa Người. Người sẽ liên kết các thành phần của cây nho lại với nhau bằng một hợp chất duy nhất, đó là Tình Thương. Tôi tin rằng đây là thông điệp chính của Đức Giêsu khi Người ví mình là cây nho.
Tình Thương liên kết con người lại với nhau và liên kết họ với Thiên Chúa để tạo thành một khối thống nhất, một sức mạnh phi thường đánh bật những thứ tầm thường và tục tĩu.
Chính vì thế, khi nghe Đức Giê-su nói "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy", chúng ta có thể thấu hiểu và cảm nhận sâu xa lời mời gọi thiết tha và chân thành của Đức Giê-su dành cho mỗi người chúng ta, những người đang muốn theo Người đi trên con đường thập tự.
Bạn thân mến, tình yêu của bạn dành cho Thiên Chúa và tha nhân ra sao? Bạn có nhận thấy bản thân mình cần dính kết với Chúa bằng tình yêu đặc biệt dành cho Người không?
Chúng ta hãy xin Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta ơn được ở lại trong tình thương của Người, để chúng ta sống và hành xử trong yêu thương như Người mong muốn.
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
V.Tin Mừng Ga 15:12-17 (Thứ 6, V-PS)
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Phục Sinh)
12 Bấy giờ Chúa Giêsu tiếp tục nói với các môn đệ: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. "
Các bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay như diễn tả cách thức Chúa dạy chúng ta bài học về tình bạn. Bài học này khá bài bản.
Trước tiên, Chúa mời gọi: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Yêu thương là khởi điểm của tình bạn thân thiết. Không có yêu thương thì không có tình bạn. Muốn làm bạn nhau thì phải biết yêu thương nhau trước.
Tình yêu ấy cần phải được lớn lên, đến nỗi dám dùng tính mạng của mình để minh chứng [cho tình yêu]: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15:13). Và Thầy Giêsu đã làm chứng về điều này qua cái chết tức tưởi của Người trên thập giá. Đó là những ý niệm về tình bạn giữa người với người.
Tình bạn ấy cần phải được mở rộng hơn và vươn tới tình bạn với Thầy Giêsu. Điều kiện để có được tình bạn với Thầy Giêsu là thực thi những giáo huấn của Người: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy" (Ga 15:14). Như thế, không phải ai cũng dễ dàng làm bạn với Thầy Giêsu.
Tuy nhiên, Thầy Giêsu lại là bạn của mọi người và muốn kết bạn với hết thảy mọi người: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Ga 15:15). Tình bạn của Thầy Giêsu dành cho mọi người là một tình bạn chân thật, thuần khiết và hướng tới một mục tiêu duy nhất là nhận biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Tình bạn này sẽ vững bền mãi mãi vì nó vô vị lợi và cởi mở, tôn trọng và yêu thương.
Thầy Giêsu đã giúp chúng ta hiểu thế nào là tình bạn khi đưa ra định nghĩa tình bạn bằng kinh nghiệm tràn ngập tình yêu của Người: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15:13). Một định nghĩa về tình bạn và tình yêu đích thực. Tình bạn hay tình yêu đích thực ấy căn cứ vào sự hy sinh, thậm chí hy sinh cả tính mạng của đôi bên. Chúng ta hãy phản tỉnh lại tình bạn của chúng ta dành cho người khác và tình bạn của chúng ta dành cho Chúa. Tình bạn của chúng ta có bắt nguồn từ tình yêu thương vô vị lợi không? Tình bạn của chúng ta có chất chứa sự thiệt thòi, hy sinh, quảng đại... dành cho người khác không? Tình bạn của chúng ta có đặt Chúa làm trung tâm không, có hướng tới việc nhận biết và thực thi Lời Chúa không? Chúa Giêsu là gì của bạn? Bạn có xem Chúa Giêsu là bạn của mình không?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
VI.Tin Mừng Ga 15:18-21 (Thứ 7, V-PS)
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật V Phục Sinh)
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy."
Các bạn thân mến,
Thánh Gioan viết đoạn Tin Mừng này trong bối cảnh các Tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng khắp nơi, trong đó có Giê-ru-sa-lem nơi một vài Tông đồ và cả thánh Gioan nữa đang sống, hoạt động và hội họp, cũng như bị bắt bớ, đàn áp đủ điều. Vì thế, bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu sâu hơn những gì thánh sử Gioan viết lại: "Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em" (Ga 15:20).
Trải qua chiều dài lịch sử Giáo hội, cho đến nay, đây đó các vị thừa sai vẫn phải đối diện với sự bách hại, có khi phải hy sinh cả tính mạng để Tin Mừng của Thầy Giê-su được vang xa và đem lại sự giải phóng cho tâm hồn con người.
Có thể nói Loan Báo Tin Mừng luôn đi kèm với sự bách hại và các nhà truyền giáo luôn phải đối diện với những điều không mong muốn: "Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn" (Ga 21:18). Sự bách hại trở nên cực đối kháng với sứ mạng loan báo TM. Do đó, sự bách hại chính là tin dữ, tin xấu và thuộc về Xa-tan. Nói cách khác, con đường loan báo TM là con đường thập giá, con đường mà người loan báo TM phải dũng cảm bước đi và tiến về phía trước.
Vậy, đâu là niềm vui và sự hạnh phúc dành cho nhà truyền giáo? Đường thập giá mà chỉ dừng lại nơi những thương tích đau đớn và khổ sầu bởi sự bách hại gây ra thì thật vô nghĩa. Niềm vui và hạnh phúc nằm ở phía cuối con đường thập giá, nơi ấy có một người đã từng đi qua đang đứng đợi. Như thế, cuộc sống con người không chỉ dừng lại ở đời này nhưng nó hướng tới một cuộc sống khác chất chứa một khoảng trời tự do, vui tươi và hạnh phúc đích thực.
Mỗi người, dù là ai (giàu có hay nghèo khó, quyền cao hay thấp hèn, hạnh phúc hay sầu khổ...), rồi cũng sẽ có một lúc và đến một ngày, buộc lòng phải đối diện với một sự thật hiển nhiên, đó là sự sống và ý nghĩa của đời người trong lương tâm và con tim non yếu của mình. Tôi sống để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu khi tôi chết? Bằng chứng là có nhiều người sợ chết, sợ đau khổ, sợ hiểm nguy, sợ bệnh tật, v.v.. Trong các nhu cầu của con người (ăn uống, học tập, địa vị xã hội...), thì sự an toàn và niềm tin được xếp cao nhất. Con người dù muốn hay không muốn cũng phải tìm về với thế giới tâm linh để hồi tâm hoán cải và đối diện với sự luận phạt đến từ lương tâm của chính mình.
Vì lẽ đó, sự bách hại có nghĩa lý gì đối với những người đã "giác ngộ", đã "cải tà quy chánh", đã thuộc về một thế giới siêu việt và thánh thiêng, đã có một niềm tin son sắt vào Đấng đã chiến thắng sự chết và vượt qua mọi thử thách.
Bạn thân mến, bạn có nhận thấy mình thật diễm phúc khi sống trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh? Bạn có vui khi được làm con cái Chúa, được làm chứng nhân của Người dù phải chịu nhiều khó khăn, thách đố, đàn áp và khủng bố? Bạn phải làm gì để luôn sống một đời ý nghĩa và bình an?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VII.Tin Mừng Ga 14:23-28 (CN VI-PS Năm C)
(Chúa Nhật VI Phục Sinh NĂM C)
Bấy giờ, Chúa Giêsu nói : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy."
Các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng của ngày Chúa Nhật hôm nay gần như là một tổng hợp những thông điệp trong Tin Mừng của ngày thứ Hai và thứ Ba vừa qua. Nghĩa là các bạn đã cầu nguyện với gợi ý về tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, cũng như việc tuân giữ lời Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình. Hôm nay, tôi muốn gợi ý cho các bạn một điểm khác của toàn bộ đoạn văn này trong một câu nói "khó hiểu" của Đức Giê-su: "Thầy ra đi và đến cùng anh em" (Ga 14:28).
Trước khi Đức Giê-su chịu chết, các môn đệ luôn sống với Người trong mối tương quan thể lý, tức là như hình với bóng, luôn có thể nhìn thấy một Đức Giê-su khoác trên mình chiếc áo của loài người. Còn bây giờ, sau khi Người sống lại và về trời, ngự bên hữu Chúa Cha, các môn đệ không còn được sống với Thầy Giê-su như trước kia, các ngài chỉ có thể thấy Người trong cầu nguyện và Lễ Bẻ Bánh, trong khi rao giảng và giải thích Kinh Thánh cho những người chưa tin vào Đức Giê-su, Đấng Mê-xi-a đã đến và giải thoát con người khỏi bóng đêm của tội lỗi.
Như thế, chúng ta cũng đâu có khác các môn đệ thời Giáo Hội Sơ Khai. Chúng ta cũng có thể thấy Đức Ki-tô nhờ vào lòng tin do Thiên Chúa ban tặng. Tuy nhiên, niềm vui Phục Sinh là ở chỗ này: trước kia các môn đệ thấy Đức Giê-su cách giới hạn, dựa trên phương diện thể lý. Còn bây giờ, các ngài thấy Đức Ki-tô cách siêu nhiên, dựa trên đức tin thuần túy, thấy mọi lúc mọi nơi, chỉ cần cầu khẩn Danh Người và tin vào sự hiện diện của Người. Đó là lý do Đức Giê-su nói: "Thầy ra đi và đến cùng anh em" (Ga 14:28).
Đức Giê-su ra đi để có thể ở với chúng ta mọi lúc mọi nơi, vượt qua không gian và thời gian, ánh sáng và bóng tối... Bạn có vui khi cảm nhận sự hiện diện của Đức Ki-tô trong con tim và trong đời sống hằng ngày của bạn không? Điều quan trọng là làm thế nào để chúng ta luôn sống với, sống trong và sống vì Đức Ki-tô? Nói cách khác, trong tâm hồn bạn, bạn có kinh nghiệm khuôn mặt của Chúa Giêsu như thế nào? Bạn hãy xin Chúa ban cho mình ơn này nhé!
Để kết thúc, tôi xin phép kể cho bạn nghe một câu chuyện dưới đây:
Có một vị vua nọ, vì muốn được nhìn thấy Chúa, muốn phản bác lại sự hiện hữu của Chúa, nên đã ra lệnh cho các Giám mục, các Linh mục, các nhà thần học thông thái chỉ cho thấy Chúa, nhìn thấy sự hiện hữu của Chúa cách nhãn tiền. Nếu không giúp vua nhìn thấy Chúa, những người này sẽ bị xử tử. Trong lúc mọi người đang băn khoăn lo lắng, có một nông dân chạy đến, xin mời vua đi theo ông. Người nông dân dắt tay vua ra bãi đất trống, chỉ tay về phía mặt trời, rồi bảo vua hãy nhìn thẳng vào mặt trời là sẽ thấy Chúa. Vua nhìn một lúc, sau đó quát mắng người nông dân: "Ông muốn ta bị mù hay sao mà bảo ta nhìn vào mặt trời lâu như thế?" Bấy giờ, người nông dân thưa với nhà vua: "Vua xem, mặt trời chỉ là một tạo vật bé nhỏ của Chúa. Ấy vậy mà vua đã không thể nhìn được, thì làm sao vua có thể nhìn thấy Đấng cao cả và vĩ đại gấp vạn lần mặt trời!?"
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
Lm Giuse BCD,SJ