Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (03/6) tới CN Lẽ CTTHX (09/6)
Posted by Ban Biên Tập
Lm Giuse BCD,SJ
I.Tin Mừng Ga 16:29-33 (Thứ 2, VII-PS)
(Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh)
"Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy" (Ga 16:24).
24 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.
25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."
29 Các môn đệ Người thưa: "Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa.30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến."31 Đức Giê-su đáp: "Bây giờ anh em tin à?32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian."
Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cuộc nói chuyện thân tình giữa các thầy trò của Đức Giê-su với các chủ đề khác nhau: Thầy không cần dùng dụ ngôn vì trò có thể hiểu lời Thầy, trò tin Thầy là Thiên Chúa, cảm giác cô độc của Thầy và sự đồng hành của Chúa Cha, sự động viên của Thầy - "can đảm lên!".
Sau một thời gian dài sống với Đức Giê-su, các môn đệ đã hiểu những gì Người giảng vì họ đã hiểu và yêu mến Đức Giê-su hơn. Càng sống gần nhau con người càng dễ hiểu nhau hơn. Hai người yêu nhau, đến một lúc nào đó, họ không cần nói nhiều nữa, chỉ cần nhìn ánh mắt của nhau cũng đủ nghe được tiếng nói của đối tượng mình. Phải chăng tương quan của chúng ta với Chúa Giê-su và đời sống cầu nguyện của chúng ta cũng thế, nghĩa là chúng ta ở lại với Người càng lâu, càng nhiều thì chúng ta dễ dàng hiểu Người, nghe tiếng thì thầm của Người rõ ràng như tiếng kêu gào của ai đó?
Càng gần Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy lời Chúa Giê-su nói "Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy " càng ý nghĩa và xác thực, bởi vì chúng ta kinh nghiệm thiết thân về điều này. Quả thực, chúng ta không cô độc, không đi một mình, vì Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Các bạn có nhớ lời mời gọi "hãy nên như trẻ nhỏ" của Chúa không? Các bạn hãy chiêm ngắm hình ảnh của các trẻ em khi chúng sợ hãi và đặt câu hỏi "tại sao trẻ em sợ hãi?"
Trẻ em hoảng sợ khi chúng không thấy cha mẹ chúng, khi chúng phải ở một mình, khi chúng nghĩ rằng cha mẹ đã bỏ rơi chúng. Trẻ em sẽ không sợ hãi khi chúng biết rằng cha mẹ luôn ở kề bên, không bao giờ bỏ rơi chúng. Có cha mẹ nào đành lòng để con cái một mình trong sợ hãi bao giờ.
Chúng ta cũng vậy. Khi lòng tin đặt trọn nơi Thiên Chúa, khi tâm hồn như trẻ thơ, chúng ta luôn ở kề bên Chúa và Chúa luôn ở cạnh chúng ta. Chúng ta không mồ côi, không đi một mình, không chiến đấu cô độc.
Làm thế nào chúng ta có thể đặt trọn niềm tin vào Chúa và tâm hồn như trẻ thơ để luôn ở gần Chúa, không cô độc một mình? Phải chăng là đời sống chuyên cần cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, phục vụ bác ái xã hội...? Bạn có kinh nghiệm gì khác hơn không?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
II.Tin Mừng Ga 17:1-11a (Thứ 3, VII-PS)
(Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh)
"Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô" (Ga 17:3).
1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.7Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.10Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ.11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
Bạn thân mến,
Lời Chúa hôm nay kể cho chúng nghe lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha, một lời cầu nguyện tựa như lời tâm sự rất gần gũi và thân thương của hai con người, một lời cầu nguyện gương mẫu cho mọi lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa có giúp chúng ta hiểu cách tâm sự với Chúa Cha trong giờ cầu nguyện mỗi ngày không?
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dường như ở trong bối cảnh của những ngày Người đang ở bên cạnh Chúa Cha, nghĩa là sau khi Chúa Phục Sinh về trời, như chính Người đã nói: "Con không còn ở trong thế gian nữa" (Ga 17:11). Đọc lại toàn bộ đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nhận thấy Chúa Giêsu tâm sự với Chúa Cha về những điều xảy ra trong quá khứ, bằng chứng là có mười bảy từ "đã" trong một đoạn ngắn này (Ga 17:1-11). Đó cũng là chất liệu sống động để Người tâm sự với Chúa Cha.
Thông thường, khi chúng ta nói chuyện với ai đó, để câu chuyện trở nên sống động, chúng ta thường kể lể về những chuyện đã qua, từ đó, hướng tới những chuyện tương lai. Chiêm ngắm lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta cũng sẽ nhận ra điều này. Vì lẽ đó, những sự kiện và biến cố xảy đến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là những chất liệu tốt để chúng ta tâm sự với Chúa. Bạn có nghĩ thế không?
Hơn nữa, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là lời tín thác hoàn toàn vào Chúa Cha với một tình yêu tinh ròng, và là lời ngợi khen tôn vinh Chúa Cha khôn nguôi. Bạn có nhận ra điều ấy? Bạn có dám phó thác cuộc sống và sứ mạng của bạn trong tay Chúa Cha và luôn tìm lời tôn vinh Người không?
Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của chúng ta, và sự sống ấy là sự sống vĩnh cửu. Qua cầu nguyện chúng ta hiểu biết Chúa hơn, yêu Chúa nhiều hơn và gần với Chúa hơn. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng nói cho người khác nghe biết về Chúa và họ cũng được hưởng sự sống đời đời, như Chúa Giêsu đã thổ lộ với Chúa Cha rằng "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô" (Ga 17:3). Bạn có yêu thích cầu nguyện không? Làm thế nào để những lời tâm sự của bạn với Chúa thật gần gũi và chân thành?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
III.Tin Mừng Ga 17:11-19 (Thứ 4, VII-PS)
(Thứ Tư sau Chúa Nhật VII Phục Sinh)
"Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật" (Ga 17:17).
11 Bấy giờ, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Bạn thân mến,
Hôm nay chúng ta được nghe một đoạn trong chương 17 của Tin Mừng Gioan. Chương này kể lại cho chúng ta nghe những lời thầm thì yêu thương của Chúa Giê-su với Chúa Cha, cũng là những lời cầu nguyện của Người dành cho những ai tin và bước theo Người.
Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong đoạn này nhấn mạnh tới sự thật: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật" (Ga 17:17). Sự thật là gì? Sự thật giúp gì cho người môn đệ Đức Giê-su?
Ông Phi-la-tô đã từng hỏi Đức Giê-su: "Sự thật là gì?" (Ga 18:38). Quả thực, đối với một người chưa hiểu Đức Giê-su, chưa từng nghe Tin Mừng của Người thì không thể hiểu sự thật mà Đức Giê-su muốn nói tới. Nhiều người hiểu sự thật thì tương phản với sự giả dối. Có thể nói hiểu như thế không sai, nhưng chưa đủ, vì nó chỉ dừng lại ở những điều thuộc về hạ giới, chưa thể vươn tới chiều kích siêu nhiên và chưa đủ sức mạnh để chiến đấu chống lại sự giả dối, bằng chứng là xã hội chúng ta đang ngập tràn sự giả dối, đến nỗi các em bé cũng biết dùng sự giả dối để tìm kiếm lợi ích xấu xa cho bản thân như quay cóp trong thi cử để có thành tích tốt, như lấy tiền học phí đi chơi "games online", như lừa dối cha mẹ đi chơi thay vì đến Nhà Thờ học Giáo lý hoặc tham dự Thánh Lễ, v.v..
Đoạn Tin Mừng hôm nay như một mặc khải của Con Thiên Chúa dành cho nhân loại. Mặc khải ấy giúp chúng ta hiểu biết thêm rằng đối với Đức Giê-su, sự thật chính là Thiên Chúa, là Thánh Thần của Người - thần khí sự thật, là Lời Thiên Chúa, Lời ấy chính là Logos (Ga 1:1), Logos ấy đã làm người và ở giữa chúng ta (Ga 1:14). Và Đức Giê-su đã van xin Chúa Cha lấy sự thật mà thánh hiến các môn đệ của Người.
Như thế, để con người được thánh hiến hầu thuộc trọn về Thiên Chúa, họ cần có Lời Chúa, cần có Thánh Thần, cần có ơn của Chúa Giê-su, cần có tình yêu của Chúa Cha. Nói cách khác, mọi người đều sẽ được thánh hiến, nếu họ siêng năng cầu nguyện với Chúa; bởi vì khi cầu nguyện, họ được Thánh Thần hiệp thông, hướng dẫn và dạy cho biết phải cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, được nghe Lời Chúa và tâm sự với Người để ơn sủng Người tuôn đổ trên họ.
Bạn thân mến, để chúng ta được hưởng hạnh phúc Nước Trời trong đời mình, chúng ta cần được thánh hiến từng hơi thở, từng phút giây, và không dễ gì đạt được điều này. Bạn có khát khao được thánh hiến cho Thiên Chúa không? Bạn nên làm gì để được sống trong sự thật? Cuộc sống hằng ngày của bạn phải đương đầu với nhiều sự giả dối, bạn sẽ chiến đấu với nó ra sao nếu bạn không sống trong sự thật?
Trong giờ cầu nguyện này, theo tôi, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn sự thật và biết sống trong sự thật, để chúng ta có đủ sức mạnh chống trả lại sự giả dối trong con người mình và trong xã hội chúng ta đang sống, các bạn nhé!
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
IV.Tin Mừng Ga 17:20-26 (Thứ 5, VII-PS)
(Thứ Năm sau Chúa Nhật VII Phục Sinh)
"Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa" (Ga 17:26).
20 Khi ấy, Chúa Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
Bạn thân mến,
Những ngày này chúng ta đang được nghe chương 17 của Tin Mừng Gioan. Như tôi đã chia sẻ hôm qua, chương này nói về lời cầu nguyện của Chúa Giê-su dành cho tất cả mọi người. Chúa Giê-su cầu nguyện với một mục đích duy nhất là để mọi người đều được nhận biết Thiên Chúa Cha, đều tin vào Người và được cứu độ.
Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su đánh động tâm hồn tôi, giúp tôi nhận ra vài điều quan trọng trong đời sống nội tâm của mình.
Thứ nhất, tôi không nên chỉ biết cầu nguyện cho mình, nhưng tôi cần cầu nguyện nhiều cho người xung quanh. Chúa biết tôi cần gì, tuy nhiên, tôi không biết Chúa cần gì ở tôi. Tôi chỉ có thể biết điều này là khi tôi nghĩ tới nhu cầu của anh chị em đồng loại, biết thấu cảm trước nhu cầu và ước muốn của họ, để giúp đỡ họ, cầu nguyện cho họ..., tôi thấy tâm hồn mình vui sướng, bình an. Và tôi lắng nghe tiếng Chúa để biết ý Người qua những điều trên.
Thứ hai, tôi không cần cầu nguyện cho người khác có được nhiều của cải vật chất, sống sung túc, thành tựu, v.v.. Nhưng tôi học với Chúa cầu nguyện cho họ nhận biết Thiên Chúa, tin tưởng vào Chúa, yêu mến Chúa và can đảm bước theo Người. Bởi vì, khi người ta biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa..., họ sẽ sống bình an, tự do, vui tươi, tín thác... dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách đố trong cuộc sống hằng ngày.
Thứ ba, khi cầu nguyện với Chúa và cho người khác, tôi sẽ được hiệp nhất nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa, như lời cầu nguyện mặc khải của Chúa về ơn đặc biệt này: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta" (Ga 17:20-21).
Cuối cùng, cầu nguyện với Chúa giúp chúng ta có được tình yêu với Người và có thể thể hiện tình yêu ấy với người xung quanh: "Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa" (Ga 17:26).
Như thế, cầu nguyện là lương thực không thể thiếu trong đời sống đức tin và trong sứ mạng của mỗi người chúng ta. Bạn có cảm thấy đã lãnh nhận được những ơn huệ thiêng liêng của Chúa đến từ việc cầu nguyện không? Bạn có khát khao được siêng năng cầu nguyện với Chúa không? Bạn có thường xuyên cầu nguyện cho người khác không? Mục đích cầu nguyện của bạn ra sao?
Chúc bạn có những phút giây được chìm đắm trong tình yêu của Chúa!
V.Tin Mừng Ga 21:15-19 (Thứ 6, VII-PS)
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật VII Phục Sinh)
"Hãy theo Thầy" (Ga 21:19).
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."16Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."17 Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."
Bạn thân mến,
Bạn còn nhớ Tin Mừng Luca nói về điều kiện để được theo Đức Giê-su không? Đó là "từ bỏ mọi sự", nghĩa là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, không quyến luyến của cải vật chất - gia đình (cha mẹ, anh chị em, họ hàng) - sự nghiệp... (Lc 9:23.57-62).
Trong sách Linh Thao số 23, Thánh I-nhã Loyola viết về Nguyên Lý và Nền Tảng sự hiện hữu của con người như một lời giải thích cho điều kiện nói trên của Đức Giê-su: Con người được dựng nên với mục đích là để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa... Tất cả mọi sự ở trên trần gian là phương tiện để giúp con người đạt được mục đích ấy. Như thế, chúng ta có thể sử dụng mọi thứ miễn sao những thứ ấy giúp chúng ta tôn vinh Thiên Chúa hơn và biết ngợi khen, tôn kính và phụng sự Người.
Trong đoạn cuối của Tin Mừng Gioan hôm nay, chúng ta được nghe thánh sử kể lại cuộc hội ngộ của Đức Giê-su Phục Sinh với các môn đệ của Người, trong đó có một sự kiện được ngài ghi lại, có lẽ đối với ngài là điều rất quan trọng, đó là Đức Giê-su đã hỏi Tông đồ Phê-rô ba lần "Anh có yêu mến Thầy không?", đúng hơn nên viết "Anh có yêu mến Thầy hơn mọi sự khác không?" Sau khi thánh Phê-rô trả lời "Có", Chúa Giê-su mời gọi ngài: "Hãy theo Thầy". Lúc này, chúng ta có thể nhận ra điều kiện đi theo Chúa ở mức độ cao hơn và sâu hơn nhiều so với đoạn 9 của Tin Mừng Luca. Chúa Giê-su không đòi hỏi người môn đệ của Người nhiều điều, cho bằng chỉ cần một điều kiện duy nhất mà thôi: Tình Yêu.
Tại sao điều kiện để theo Chúa lại là Tình Yêu dành cho Người?
Trong tình yêu, người ta có thể vượt qua mọi trở ngại như sự ngăn cản của cha mẹ, áp lực công việc, hoàn cảnh khó khăn, thách đố về kinh tế, v.v.. Trong tình yêu, người ta dễ dàng tha thứ cho nhau, làm hòa với nhau, cảm thông cho nhau, nâng đỡ nhau, khích lệ nhau, bảo vệ nhau, v.v.. Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày; bây giờ chúng ta có thể xin Chúa ban cho chúng ta có được Tình Yêu mỗi ngày.
Nếu người môn đệ Đức Giê-su có lòng yêu mến Ngài, người ấy dễ dàng yêu mến con chiên của Ngài, yêu mến sứ mạng của Ngài, xả thân cho sứ mạng và thăng hoa đời sống ơn gọi của bản thân và của người cùng chí hướng, dễ dàng từ bỏ những quyến luyến lệch lạc, đủ sức mạnh làm chủ các phương tiện vật chất và khôn ngoan sử dụng chúng như phương tiện để đạt tới cứu cánh của mình, dễ dàng sống các lời khuyên Phúc Âm và thể hiện tình yêu ấy trong các mối tương quan liên vị một cách quân bình, vui tươi, an nhiên và tự do.
Vì lẽ đó, trong đời sống đức tin và Ơn Gọi của từng người Ki-tô hữu, tình yêu dành cho Chúa là điều kiện tiên quyết và tối quan trọng để đi theo Chúa, để sống đẹp lòng Chúa và tìm gặp niềm vui Thiên Đàng trong tâm hồn mình.
Làm sao chúng ta có được tình yêu nồng nàn dành cho Chúa? Phải chăng chúng ta cần có kinh nghiệm thiết thân về lòng thương xót Chúa đã dành cho chúng ta như Người đã dành cho thánh Phêrô, bất chấp quá khứ yếu đuối của thánh nhân? Phải chăng, trước hết, chúng ta cần ơn của Chúa, ơn được yêu Chúa chân tình, ơn yêu Chúa hơn và ơn yêu Chúa mãi? Phải chăng chúng ta cần duy trì mối tương quan thân thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ, thực thi bác ái công bình? Phải chăng chúng ta xin Chúa soi sáng cho bản thân biết nhận ra những sai lầm trong đời sống yêu thương của mình và can đảm sửa chữa sai lầm theo đúng ý Chúa muốn, như thánh I-nhã khuyên các bạn của ngài rằng chúng ta cần thực thi bác ái nhưng là bác ái có nhận định (Discreta Caritas)?
Bạn thân mến, tôi thiết nghĩ trong giờ cầu nguyện này, chúng ta cùng nhau xin Chúa ban cho chúng ta được "ơn yêu mến Ngài hơn" để chúng ta có thể đáp trả lời mời gọi "hãy theo Thầy" cách tự do, bình an và hân hoan.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VI,Tin Mừng Ga 21:20-25 (Thứ 7, VII-PS)
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh)
"Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy" (Ga 21:22).
20 Bấy giờ, Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? "21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? "22 Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "
24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.
25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Bạn thân mến,
Hôm nay chúng ta được nghe đoạn cuối cùng trong Tin Mừng Gioan. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn cuối của Tin Mừng Gioan, thực ra, là chương 20; còn chương 21 được thêm vào sau này. Ai là người đã thêm vào? Có lẽ là các môn đệ của thánh sử Gioan chăng?
Trong đoạn cuối cùng này, chúng ta vẫn nghe lời mời gọi "phần anh, hãy theo Thầy" của Chúa Phục Sinh. Lời mời gọi "hãy theo Thầy" này khác với đoạn trên (Ga 21:15-19) ở chỗ có thêm hai chữ "phần anh". Nghĩa là Chúa không muốn môn đệ của Người so sánh ơn gọi của nhau, bởi vì mỗi người một vẻ, mỗi người một ơn gọi, mỗi người một đặc sủng khác nhau.
Mặt khác, chúng ta cũng nên để ý về cách viết sách Tin Mừng của các thánh sử. Các ngài thường không nói về bản thân mình và dùng một hình ảnh khác để ngụ ý về điều này. Chẳng hạn như trong Tin Mừng Mác-cô, có một chi tiết ít người chú ý, đó là "Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng" (Mc 14:51-52). Người thanh niên này là ai? Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng người này chính là tác giả Mác-cô. Trong Tin Mừng Luca và sách Công vụ Tông đồ, khởi đầu cả hai quyển sách này, thánh Luca đều viết "thưa ngài Thêô-philô ". Chữ "Thêô-philô" (Theophilo) có nghĩa là yêu mến (philo) Thiên Chúa (Theo). Rất có thể thời thánh Luca có người mang tên này, nhưng rất có thể " Thêô-philô " là danh từ dùng để chỉ tất cả những người yêu mến Thiên Chúa, con cái của Người, môn đệ của Con Một Người. Vì thế, "người môn đệ được Đức Giê-su thương mến" thường được hiểu là chính tác giả của cuốn Tin Mừng thứ tư như câu đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay mách bảo: "Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: 'Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?'" (Ga 21:20). Tuy nhiên, cũng có thể tác giả muốn mỗi người chúng ta tự đặt mình vào vị trí này, tức là chúng ta cũng là "người môn đệ Đức Giê-su thương mến " và cũng có thể giữ niềm hy vọng là được gặp Chúa ngự đến lần hai ngay khi còn sống, hiện hữu và hoạt động trên dương gian này: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? " (Ga 21:23)
Bạn thân mến, bạn có nhận ra Chúa rất thương mến bạn không? Đâu là dấu chỉ bạn nhận ra điều ấy? Bạn sẽ làm gì khi nhận ra tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa dành cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho dân tộc mình, cho thế giới mình?
Trong giờ cầu nguyện này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn "nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng ta cách cá vị" để mỗi người chúng ta mạnh dạn đáp trả tình yêu ấy bằng những hành động cụ thể và kiên trung bước theo Người.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VII.Tin Mừng Ga 14:15-16.23b-26 (Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Năm C)
(Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống NĂM C)
"Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14:26).
15 Khi ấu Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.
23 Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em."
Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trước Công đồng Vatican II, Lễ này buộc tín hữu phải kiêng việc xác. Nói như thế để chúng ta thấy Giáo Hội rất coi trọng đại lễ này, vì Giáo Hội sống trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần.
Các Bài Đọc Lời Chúa trong ngày lễ hôm nay đều mô tả cho chúng ta các hình ảnh về Chúa Thánh Thần (gió, lửa) và hoạt động của Người (giúp các tông đồ nói tiếng lạ, giúp người tín hữu thuộc về Đức Ki-tô, sống tự do và không sợ hãi, tuân giữ Lời Chúa, dạy dỗ các môn đệ và giúp các ngài nhớ lại Lời Chúa...).
Nếu chúng ta cầu nguyện với bài Tin Mừng của đại lễ hôm nay, tôi xin gợi ý hai điểm nhỏ sau đây:
Thứ nhất, Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta, đó là Người sẽ thay Chúa Giê-su dạy dỗ các môn đệ và giúp các ngài nhớ lại những gì Chúa đã nói, nghĩa là nhớ lại Lời Chúa (Ga 14:26). Đây là một trong những vai trò trọng yếu của Chúa Thánh Thần. "Nhớ lại Lời Chúa" tức là luôn kết hiệp với Chúa, sống tình thân với Chúa, luôn hướng tâm trí về Chúa trong mọi khoảnh khắc của ơn gọi và của đời sứ vụ. Thiếu những điều này, người môn đệ sẽ mất đi căn tính của mình và sẽ đi lạc hướng, sẽ không còn là môn đệ của Đức Ki-tô nữa.
Thứ hai, Chúa Giê-su nói về Chúa Thánh Thần cho chúng ta nghe; phần chúng ta, chúng ta cần có những kinh nghiệm thiết thân về Chúa Thánh Thần. Đây là điều tối quan trọng trong đời sống đức tin của chúng ta. Bạn kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần như thế nào? Người hoạt động trong bạn ra sao? Bạn có nhìn thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội, trong Xã Hội, trong gia đình bạn, trong những người bạn gặp gỡ, trong các sự kiện và biến cố xảy đến trong đời bạn không? Đâu là dấu chỉ giúp bạn nhận ra Chúa Thánh Thần đang sống trong bạn: bình an, hoan lạc, tự do, yêu Chúa thương người, khát khao phụng sự Chúa và học hỏi Giáo lý - Kinh Thánh, siêng năng cầu nguyện, chăm chỉ dâng lễ mỗi ngày, đọc kinh, Lần Chuỗi Mân Côi, v.v.?
Trong giờ cầu nguyện này, bạn hãy dành thời gian để chiêm ngắm Chúa Thánh Thần và các hoạt động của Người trong cuộc sống và thế giới của bạn, cùng xin Chúa ban cho bạn được đủ ơn Chúa Thánh Thần để luôn tuân giữ Lời Chúa và sống đời chứng nhân như Người mong muốn. Tóm lại, chúng ta dễ hình dung khuôn mặt của Chúa Giêsu và Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đã hóa thân làm người và "ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14:9); còn Chúa Thánh Thần, quả thực, chúng ta chẳng biết hình dung hình dáng Người thế nào, chỉ có thể thấy Người qua biểu tượng "khí, gió, nước, lửa, bồ câu... và các ơn thiêng liêng". Vì lẽ đó, chúng ta chỉ có thể nhận ra Chúa Thánh Thần qua chính kinh nghiệm thiêng liêng của bản thân mà thôi.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
Lm Giuse BCD,SJ