Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 05 Tháng 5 2019 16:14

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (06/5) tới CN IV-PS Năm C (12/5)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (06/5) tới CN IV-PS Năm C (12/5)


Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Ga 6:22-29 (Thứ 2, III-PS)

(Thứ Hai sau Chúa Nhật III Phục Sinh)

22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? "26 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."28 Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? "29 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."

Các bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay và suốt cả tuần này tiếp nối Tin Mừng (TM) của ngày thứ Sáu vừa qua, nghĩa là chúng ta tiếp tục được nghe bài diễn từ của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống (Ga 6).

Đoạn TM hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và dân chúng, những người nô nức đi tìm gặp Thầy Giê-su không phải để nghe Lời Chúa - là lương thực thường tồn - nhưng là để thể xác tiếp tục được ăn uống no nê, một thể xác sẽ mục nát và trở thành tro bụi.

Con người là một tổng thể của thân xác - linh hồn - tinh thần; vì thế, không thể chỉ chú trọng đến thể xác mà quên đi việc chăm sóc linh hồn. Đức Giê-su chăm sóc cho cả ba phương diện của một con người: Ngài lo cho thân xác con người được đủ ăn, bồi bổ tâm linh con người qua lời giảng dạy, giúp tâm trí con người được vươn lên tới trời cao. Nếu chỉ biết lo cho thân xác thì đó là công việc của con người. Nhưng nếu chú trọng cả ba phương diện trên thì đó là công việc của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ (1Tm 2:4) và muốn con người được sống và sống dồi dào (Ga 10:10). Bạn yêu thương một người thì không thể chỉ yêu thương thân xác họ (vì họ đẹp, sạch sẽ, giàu có...) nhưng còn cần yêu thương linh hồn và tri thức của họ nữa (lo cho linh hồn họ được cứu rỗi và có một tri thức đúng đắn, một tri thức chân-thiện-mỹ, v.v.)

Công việc của Thiên Chúa được Đức Giê-su định nghĩa khá đơn giản, đó là "hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến" (Ga 6:29), nghĩa là hãy tin vào Thầy Giê-su, Đấng đang rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho những ai đang vểnh tai nghe. "Tin" chỉ có một từ, nhưng để ôm trọn được nó thì chẳng mấy ai có thể. Cho đến nay, chưa tới một nửa dân số thế giới tin vào Thầy Giê-su.

Tại sao phải tin vào Thầy Giê-su? - Bởi vì Thầy có khả năng đưa dẫn mọi người trở về với Thiên Chúa, có khả năng phục hồi cho con người địa vị làm con cái Thiên Chúa, được hưởng mọi sự như con người đáng được hưởng chứ không còn phải đi tìm kiếm "lương thực mau hư nát". Thực sự tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa. Tuy nhiên, có quá nhiều người chưa thể nhận ra chân lý này!

Tôi xin phép kể cho các bạn nghe một câu chuyện tôi đã đọc được cách đây hơn chục năm trong một quyển sách mang tên "Thức Tỉnh" của tác giả Anthony de Mello là một Linh mục Dòng Tên. Câu chuyện đại loại thế này:

Có một con gà và một con chim đại bàng cùng nhau đẻ trứng trong một cái ổ. Sau khi đẻ trứng, con đại bàng bay đi. Thế rồi một ngày kia số trứng đó được ấp thành con. Như thế, đại bàng con và gà con bị lẫn lộn vào nhau và được săn sóc dưới cánh của một gà mẹ. Đại bàng con không biết thân phận mình là đại bàng; gà con cũng chẳng biết đại bàng con thuộc giống nòi đại bàng. Chúng cùng ăn cùng vui chơi với nhau. Bỗng một ngày, đại bàng con thấy một chim đại bàng đang bay lượn trên bầu trời thì nói với bầy gà con: "Ước gì tớ là chim đại bàng, có thể tự do cất cánh tung tăng bay lượn trên bầu trời!" - Bầy gà con đáp lại: "Cậu hãy an phận làm gà con đi. Đừng mơ mộng hão huyền làm chi!"

Thế đấy, có nhiều người trong chúng ta cũng khá giống với thân phận của đại bàng con trong câu chuyện trên. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta không nhận ra. Chúng ta có thể tự do bay lượn trên bầu trời, nhưng cứ nghĩ rằng đó là suy nghĩ viễn vông, ảo tưởng.

Bạn có tin bản thân mình là con cái Thiên Chúa, là anh em của Đức Giê-su không? Bạn có nhận ra hồng ân cao quý khi tin vào Thầy Giê-su và được làm con cái Thiên Chúa không? Bạn phải làm gì để sống niềm tin vào Con Một Thiên Chúa, để có thể làm công việc của Thiên Chúa? Nhiều người chưa tin Chúa, nhưng làm sao họ tin, nếu không người rao giảng? (x. Rm 10:14-17)

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Ga 6:30-35 (Thứ 3, III-PS)

(Thứ Ba sau Chúa Nhật III Phục Sinh)

30 Bấy giờ, người Do Thái lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."

32 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian."34Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy."35 Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Các bạn thân mến,

Đoạn Tin Mừng (TM) hôm nay kể lại cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và dân Do Thái, những người cứ nghĩ rằng thuở xưa tổ tiên họ lãnh nhận "manna - bánh bởi trời" chẳng liên quan gì tới Đức Giê-su, và đòi hỏi Con Thiên Chúa chứng tỏ uy lực thần linh của Người.

Dân Do Thái hiểu "bánh bởi trời" tựa như những mẫu bánh "manna" tổ tiên họ đã ăn trong sa mạc khi lâm cảnh đói khát. Đối với Đức Giê-su, bánh ấy ăn vào rồi lại đói.

Chúa Giê-su muốn mặc khải cho dân chúng biết sâu xa hơn những điều Thiên Chúa Cha đã thực hiện trong Cựu Ước nay đã ứng nghiệm nơi Người Con. Đức Giê-su chính là Bánh Bởi Trời, tấm bánh duy nhất có thể bẻ ra và trao ban cho mọi người, để thỏa lấp cơn đói của nhân loại, đói tình thương, đói chân lý, đói sự thật, đói sự sống, đói niềm vui, đói tự do...

Đâu là dấu lạ Đức Giê-su đã làm để minh chứng điều Người đã nói? - Dấu lạ Thầy Giê-su đã làm thì nhiều lắm. Tin Mừng thuật lại biết bao phép lạ do Thầy Giê-su thực hiện. Tuy nhiên, phép lạ lớn nhất Người đã bày tỏ cho mọi người thấy rõ chính là sự phục sinh vinh hiển của Người. Phép lạ ấy vẫn tiếp diễn mỗi ngày trong cuộc sống của những ai tin vào Đức Ki-tô nơi Thánh Lễ, nơi sự hiện hữu - sống - hoạt động của mỗi người.

Sự sống Đức Giê-su đem lại cho con người không đơn thuần là sự sống thể xác, nhưng là sự sống thần linh. Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô giúp những ai lãnh nhận được gia tăng niềm tin, sự bình an và hy vọng, cũng như lòng tín thác vào Người. Lãnh nhận Bánh Bởi Trời giúp tâm hồn con người trở nên dịu dàng, hiền lành, khiêm nhường, lạc quan, tin tưởng, bình an... để vươn tới một thế giới chứa chan tình thương và tràn ngập sự sống viên mãn. Lãnh nhận Bánh Bởi Trời giúp tâm hồn con người vượt thắng sự sợ hãi, xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, và giúp tâm hồn ấy được tràn đầy nhựa sống để luôn bám chặt vào Thầy Giê-su đến nỗi sức mạnh của sự dữ không thể nào lôi kéo tâm hồn ấy lìa xa thân thể của Cây Sự Sống.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện rằng "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày...", nghĩa là chúng ta cần lương thực thể xác và cả lương thực thần linh, đó chính là Thánh Thể của Chúa, Lời của Chúa trong Thánh Lễ, trong cầu nguyện mỗi ngày. Nếu không đến được với Thánh Lễ mỗi ngày, thì khi cầu nguyện với Lời Chúa là lúc chúng ta được ăn nguồn lương thực thần linh của Người. Rõ ràng Chúa Cha vẫn không ngừng tặng ban "manna" mỗi ngày cho chúng ta qua Lời Chúa và lương thực ăn uống. Vấn đề là chúng ta có chịu xòe tay ra hứng lấy "lương thực" của Người hay không mà thôi.

Bạn có ý thức đủ những hoa trái tốt tươi của việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể không? Bạn có nhận ra những phép lạ Chúa thực hiện trên con người bạn khi tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể không? Bạn có bao giờ vô ơn và vô cảm trước tình yêu Chúa dành cho bạn khi Người tạo cho bạn có cơ hội và điều kiện tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể mỗi ngày không? Bạn có được thôi thúc sống chứng tá cho Chúa và lôi kéo mọi người đến với Chúa để được sống và sống dồi dào trong tình yêu và ân sủng Chúa không?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Ga 6:35-40 (Thứ 4, III-PS)

(Thứ Tư sau Chúa Nhật III Phục Sinh)

35 Khi ấy, Đức Giê-su bảo người Do Thái: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!36 Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

Các bạn thân mến,

Trong diễn từ về Bánh Trường Sinh, Thầy Giê-su vạch cho dân Do Thái biết rõ một cách thế duy nhất để thi hành ý muốn Thiên Chúa và để được sống đời đời, đó là Tin vào Đấng Chúa Cha đã sai đến thế gian, Đấng ấy chính là Đức Giê-su, Đấng Mê-xi-a, Con Một Thiên Chúa. Thế mà có mấy ai dám tin vào Người?!

Đâu là cách thế của người Công giáo thể hiện Niềm Tin ấy trong cuộc sống nhân loại hôm nay? Phải chăng là họ sống tinh thần sám hối và thực thi những điều Chúa dạy trong Sách Thánh với một con tim chân thành và hoán cải?

Có nhiều người chưa tin hoặc hoài nghi "tấm bánh" họ cầm trên tay, họ rước vào miệng là chính thân thể của Chúa Giê-su. Đây đó vẫn có một số người ngoại đạo hiếu kỳ lãnh nhận Thánh Thể Chúa. Làm sao để họ tin rằng "tấm bánh" trên tay họ chính là Thánh Thể, Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Giê-su, Đấng chịu chết trên thập giá để đem lại sự sống mới cho những ai tin vào Người?

Có một câu chuyện kể rằng tại Ý trong một Nhà Thờ nọ có một vị Linh mục dâng lễ, nhưng sau khi truyền phép ngài đã hoài nghi bánh và rượu chưa trở thành Mình và Máu Chúa. Ngay tức thì "chén rượu" (Máu của Chúa) ngài vừa truyền phép đã chảy thành máu ướt đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ.

Một câu chuyện khác có thật đã xảy ra trong một làng người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Một người đàn ông đi lễ trong làng. Ông đã được lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm Kytô giáo. Tuy nhiên, khi đi rước Thánh Thể Chúa, ông hoài nghi, không tin Tấm Bánh là Thánh Thể Chúa. Ông rước Chúa nhưng ngậm lại trong miệng. Về chỗ ngồi, ông nhổ Thánh Thể ra tay, và nhìn thấy một miếng thịt máu trên tay, ông vội đưa tay lên miệng liếm trọn Thánh Thể vào miệng và nuốt. Kể từ đó, ông xác tín Tấm Bánh ông rước vào mỗi Chúa Nhật chính là Thánh Thể Chúa, và làm chứng về điều này cho bà con trong buôn làng.

Bạn thân mến, bạn có tin Chúa đang hiện diện trong Thánh Thể mà bạn rước mỗi ngày không? Bạn chuẩn bị ra sao để rước Chúa vào lòng cho xứng đáng? Bạn làm chứng hay giải thích thế nào cho người chưa tin về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Cực Thánh? Có cách nào để giúp những ai chưa tin Chúa có được lòng tin như bạn? Nói đúng hơn, có bao giờ bạn được Chúa thôi thúc ra đi loan báo Tin Mừng chưa? Bạn đáp trả tiếng Người ra sao?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Ga 6:44-51 (Thứ 5, III-PS)

(Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh)

44 Bấy giờ, Đức Giêsu nói: "Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.48 Tôi là bánh trường sinh.49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Các bạn thân mến,

Trong bài gợi ý này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu ngắn "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống" trong bài Diễn Từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giê-su với hy vọng có thể giúp các bạn dễ dàng đi vào cầu nguyện với Chúa Thánh Thể hơn.

Khi Chúa Giê-su dùng chủ từ "Tôi" là Người có ý nhấn mạnh về bản thân Người, chứ không phải là ai khác. Người là ai? Người là "bánh hằng sống từ trời xuống".

Bánh là lương thực chính của người Do Thái, đến nỗi họ có một ngày lễ lớn trong tôn giáo của họ, đó là ngày lễ Bánh Không Men (x. Lv 23:6-11). Bánh không men có thể giữ được lâu, không sợ hư thối, và thuận tiện cho việc mang đi đây đó, nhất là trong thời gian dân Do Thái vượt biển đỏ thoát khỏi Ai Cập. Đức Giê-su tuyên bố Người là bánh, nghĩa là một thứ lương thực chính của toàn dân Ít-ra-en.

Tuy nhiên, "bánh Giê-su" không giống như các loại bánh khác, bánh ấy là "bánh hằng sống", tức là bánh ăn vào sẽ được sống muôn đời và không sợ bị đói, bánh không bao giờ hư nát - bánh thường tồn.

"Bánh hằng sống" này rất đặc biệt, từ trời rơi xuống giống như dân Do Thái được ăn Manna trong sa mạc vậy. Bánh từ trời là bánh thần linh. Khi nói "từ trời xuống" là Đức Giê-su tự mặc khải cho chúng ta biết thân phận thần linh của Người.

Như thế, "Bánh hằng sống từ trời xuống" vừa chứa đựng chiều kích nhân linh (bánh) vừa ẩn chứa chiều kích thần linh (từ trời xuống). Chúa Giê-su vừa mang phận người vừa mang bản tính Thiên Chúa.

Việc rước Thánh Thể trong đời sống của người Ki-tô hữu có quan trọng không? Thưa, rất quan trọng. Vì Thánh Thể Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta, nhờ đó Chúa Giê-su luôn ở cùng chúng ta như Sách Thánh đã chép về Người là Đấng Emmanuel, để đồng hành với chúng ta và trở nên nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta vượt thắng những giới hạn của phận người, và để chúng ta sống sức sống của Chúa như lời thánh Phao-lô đã thổ lộ: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2:20).

Các bạn nhìn ngắm cái bàn. Nếu cái bàn được làm bằng gỗ, thì gỗ là "chất thể" và cái bàn là "bản thể". "Tấm bánh" được làm từ bột mì thì bột là chất thể, tấm bánh là bản thể. Trong Bí tích Thánh Thể, bản thể "tấm bánh" ấy đã được biến đổi trở nên một bản thể mới là thân thể của Chúa Ki-tô.

Các bạn thân mến, các bạn có nhận thấy mỗi người Ki-tô hữu chúng ta thật diễm phúc khi được Chúa Giê-su để lại cho chúng ta Bí tích Thánh Thể như dấu chứng về tình yêu của Người dành cho nhân loại và về sự hiện diện mãi mãi của Người trong cuộc đời chúng ta không? Các bạn có cảm thấy Chúa Thánh Thể đang rất cô đơn khi mà ngày nay có nhiều Người không còn sốt sắng ở lại với Chúa qua việc Chầu Thánh Thể? Các bạn có nhận thấy Chúa Giê-su Thánh Thể đang cư ngụ trong tâm hồn mình không? Các bạn có cảm thấy bình an và tin tưởng, vui tươi và tự do để trò chuyện với Chúa trong mọi hoàn cảnh ở mọi lúc mọi nơi không?

Các bạn hãy xin Chúa ban ơn biết siêng năng viếng Thánh Thể, kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể như một nguồn sống chính yếu của đời bạn.

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Ga 6:52-59 (Thứ 6, III-PS)

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh)

52 Bấy giờ, người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? "53 Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

Các bạn thân mến,

Khi nghe diễn từ của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống, dân Do Thái bèn tranh luận sôi nổi với nhau và nói rằng: "Làm sao ông này [Đức Giê-su] có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6:52) Đức Giê-su giải đáp cho những thắc mắc của họ bằng một trong những câu nói khẳng định mạnh mẽ: "Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống" (Ga 6:55).

Thịt và Máu là hai nhân tố chính tạo nên hình hài và sự sống cho con người. Xác thịt cũng là thành phần tạm gọi là yếu đuối nhất trong toàn thể con người (thể xác, tinh thần và tâm hồn), như chính Thầy Giê-su đã nhắc nhở các học trò trong vườn dầu: "Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mc 14:38). Vì thể xác yếu đuối và mau hư mất, nên việc bồi bổ cho thân xác được mạnh khỏe là nhu cầu chính đáng của con người. Thể xác ốm yếu sẽ ảnh hưởng không tốt tới tinh thần, như người ta thường nói "một tinh thần minh mẫn phải đi đôi với một thân thể cường tráng". Tinh thần và thể xác luôn song hành bên nhau. Thể xác khỏe, tinh thần mạnh, tâm hồn sẽ vui tươi, bình an và tự do.

Đối với người Ki-tô hữu, "thân xác khỏe mạnh" không chỉ mang ý nghĩa thể lý nhưng còn mang tính thiêng liêng. Thân xác khỏe mạnh là thân xác luôn ấp ủ Chúa Ki-tô trong lòng qua việc siêng năng cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ, cũng như lãnh nhận các Bí tích (như Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể). Như thế, Thánh Thể Chúa, tức là Thịt và Máu Chúa, đích thực là của ăn của uống thiêng liêng của con người. Người Ki-tô hữu không thể thiếu lương thực thần linh này trong đời sống đức tin của mình.

Chúng ta hãy xin Chúa Giê-su Thánh Thể ban thêm lòng yêu mến Thánh Thể Chúa trong tâm hồn chúng ta, và đừng bao giờ vô ơn vô cảm trước tình yêu cao vời của Chúa khi Người luôn yêu thương chờ đợi chúng ta và sẵn sàng đến ở trong ngôi nhà tâm hồn chúng ta dù ngôi nhà ấy có khi chưa được quét dọn kỹ lưỡng và có nhiều bụi trần.

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Ga 6:60-69 (Thứ 7, III-PS)

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh)

60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? "61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.65 Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho."66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. 67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? "68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."

Các bạn thân mến,

Ngày hôm qua, trong đoạn Tin Mừng trước, chúng ta nghe dân chúng bàn tán về diễn từ của Đức Giê-su vì họ không hiểu và lời Thầy Giê-su nói thật khó tin. Hôm nay, chúng ta sẽ nghe những phản ứng của chính các môn đệ của Thầy Giê-su khi nghe Người giải thích về Bánh Hằng Sống.

Một số môn đệ nói rằng "lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi" (Ga 6:60)! Chính những người đang đi theo Thầy Giê-su cũng không hiểu, không tin và rút lui không theo Người nữa. Tuy nhiên, những người này không phải là tất cả, bởi vì Nhóm Mười Hai, đại diện bởi Phê-rô tin vào lời của Thầy Giê-su và quyết tâm bước theo Người.

Đức Giê-su biết có nhiều người không hiểu và không tin, bởi vì diễn từ ấy chất chứa những lời thần khí và sự sống. Lời Chúa là lời thần khí và đem lại sự sống, bởi vì Chúa bởi Thần Khí mà đến, không phải do xác thịt (x. Ga 3:6). Đức Giê-su là Đấng từ trên cao xuống đất thấp (x. Ga 3:31), là Bánh từ trời xuống, nên Người nói về những chuyện trên cao. "Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất" (Ga 3:31). Đó là lý do mọi người cần phải sinh ra một lần nữa trong Thần Khí và Sự Thật. Khi con người được sống trong Thần Khí, con người sẽ có đủ niềm tin và sự khôn ngoan để hiểu biết và thực thi những giáo huấn của Chúa.

Trong cuộc sống hằng ngày, người Ki-tô hữu vẫn phải đối diện với những người khác biệt niềm tin tôn giáo, với những điều trái ngược với niềm tin của mình, v.v.. Họ phải làm gì trước những điều trái ngược ấy? Họ nên phản ứng ra sao trước những người không tin Chúa Giê-su hiện diện trong Bí tích Thánh Thể?

Chúng ta hãy xin Chúa Giê-su giúp mỗi người được ơn kiên trung bước theo Ngài, bám chặt vào Ngài để được nuôi dưỡng bởi chính Thánh Thể Chúa và sống điều Ngài muốn để làm chứng về Chúa trong sự âm thầm phục vụ mọi người xung quanh.

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Ga 10:27-30 (CN IV-PS, Năm C)

(Ngày của Mẹ - Cầu nguyện cho các người mẹ)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái: "27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một."

Các bạn thân mến,

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay miêu tả chân dung và con người của một Mục Tử Nhân Lành là chính Thầy Giê-su để chúng ta chiêm ngưỡng Người.

Thầy Giê-su là Mục Tử Nhân Lành bởi vì Thầy luôn sống hết mình vì đoàn chiên, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ đoàn chiên, không để ai cướp chiên của Thầy và đem lại cho chiên sự sống đời đời. Nói theo những lời tâm huyết của Đức Thánh Cha Phanxicô, người mục tử nhân lành là người "mang lấy 'mùi của đàn chiên' và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ" (Tông huấn "Niềm Vui Tin Mừng", số 24).

Sau khi chiêm ngắm hình ảnh người Mục Tử Nhân Lành Giê-su, bạn hãy liệt kê ra những đức tính của Người, những nhân tố khiến Người trở thành vị mục tử vĩ đại nhất của nhân loại, và bạn được đánh động điều gì nhất? Bạn muốn mãi mãi thuộc về đoàn chiên của Thầy Giê-su hay cũng muốn trở nên người mục tử như Thầy Giê-su? Bạn cần làm gì để đạt được ước muốn ấy?

Bạn hãy xin vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su gìn giữ, ban ơn, thánh hóa cho bản thân và những người thân quen trong Giáo Hội, Giáo Xứ, Gia Đình... để họ trở nên những mục tử mới hiền hậu và khiêm nhường như Thầy Giê-su và để Giáo Hội không thiếu những vị mục tử giống như Người.

Để minh họa chân dung về Người Mục Tử Nhân Lành Giêsu, Đấng luôn bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người, Đấng luôn muốn banh rộng cung lòng của Người cho con người nép vào để hưởng nếm hương vị mật ngọt của một tình yêu tinh ròng..., tôi xin phép kể lại câu chuyện cũ rích sau:

Có một con bò cạp sắp chết đuối trên sông. Bỗng nhìn thấy một con rùa đang bơi qua sông, bò cạp liền kêu cứu: "Anh Rùa ơi, cứu tôi với. Anh làm ơn cõng tôi trên lưng đưa qua sông. Tôi sắp chết đuối rồi!" Rùa khôn ngoan đáp: "Không đời nào tôi cõng anh trên lưng, vì tôi sợ anh sẽ cắn tôi chết." Bò cạp liền phân trần: "Không đời nào tôi cắn anh, vì nếu cắn anh thì cả anh và tôi đều chết." Nghe lời phân trần của bò cạp có vẻ hợp lý, rùa đồng ý cứu giúp bò cạp. Khi hai anh chàng sắp tới gần bờ sông, thì với bản năng và bản chất sẵn có, bò cạp đã cong đuôi cắn rùa. Rùa đau điếng người, quay đầu than trách bò cạp: "Sao anh lại thất hứa? Sao anh lại cắn tôi?" Bò cạp đau buồn trả lời: "Xin lỗi anh! Tôi thực sự không muốn cắn anh đâu, nhưng bản chất của tôi là cắn người." Thế rồi, rùa từ từ chết và chìm dần xuống sông, và bò cạp lại bị trôi nổi trên sông. Có hai người đang câu cá trên bờ sông. Một người thấy thế, thương xót bò cạp, lấy tay vớt lấy bò cạp. Bò cạp được an toàn trên lòng bàn tay của người câu cá. Tuy nhiên, bàn tay đang đỡ lấy bò cạp để đưa vào bờ thì bỗng nhiên lại bị cái đuôi bò cạp cong lên và cắn vào bàn tay ấy. Thế rồi, theo phản xạ tự nhiên, anh đau đớn và thả bò cạp rớt xuống sông. Thấy bò cạp ngoi ngóp sắp chết đuối, anh lại thương xót và lấy tay vớt lấy bò cạp. Một người câu cá gần đó nói với anh này: "Tại sao bò cạp cắn anh khi anh cố cứu nó, mà anh lại còn cứ cứu nó?" Anh ta trả lời: "Dẫu biết là bản chất của bò cạp là cắn người, nhưng bản chất của tôi lại là cứu người!"

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
Lm Giuse BCD, SJ

Read 12620 times