Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (08/7) tới CN XV-TN Năm C (14/7)
Posted by Ban Biên Tập
Lm Giuse BCD, SJ
I.Tin Mừng Mt 9:18-26 (Thứ 2, XIV-TN)
(Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên)
"Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống" (Mt 9:18).
Bấy giờ, khi Đức Giêsu còn đang nói với người Pharisêu, thì kìa, một kỳ mục đến gần bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống". (19) Ðức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. (20) Và kìa, một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, (21) vì bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!" (22) Ðức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con". Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa. (23) Ðức Giêsu đến nhà viên kỳ mục; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: (24) "Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Nhưng họ chế nhạo Người. (25) Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền chỗi dậy. (26) Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.
Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai phép lạ xảy ra cùng một lúc nhờ vào lòng tin của con người đặt nơi Đức Giê-su: một người xin cho con gái và một người tự chữa lấy bệnh tật nhờ vào lòng tin của mình đặt nơi Đức Giê-su.
Hai hành động chữa lành của Đức Giê-su hôm nay cũng thật giản đơn. Người chẳng làm gì to tát, cũng chẳng phức tạp. Chúa chỉ cầm tay em bé đỡ dậy, và em khỏe lại. Người đàn bà bị băng huyết dùng bàn tay chạm vào áo choàng của Chúa và được khỏi.
Người đàn bà bị băng huyết mười hai năm, chắc hẳn rất đau khổ, bi quan, tuyệt vọng. Hơn thế nữa, Đức Giê-su hẳn biết rõ người đàn bà này là ai, bởi lẽ nếu đọc Tin Mừng Mác-cô và Luca, chúng ta sẽ thấy Đức Giê-su hỏi đám đông "Ai đã sờ vào áo tôi?" (Mc 5:30). Đám đông chen lấn thì việc đụng chạm vào người nhau là chuyện đương nhiên. Tuy thế, Đức Giê-su biết điều gì đang xảy ra xung quanh Người, nên mới hỏi vậy. Sứ mạng của Đức Giê-su là giúp mọi người được sống và sống dồi dào. Do đó, việc người đàn bà được chữa lành nhờ lòng tin mạnh mẽ của bà nơi Đức Giê-su hầu chắc là điều Người muốn. Nhưng để tán dương lòng tin của bà, Đức Giê-su mới quay lại nói với bà những lời ủi an và chúc lành: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt 9:22).
Viên thủ lãnh (Tin Mừng Mác-cô và Luca gọi đích danh người đàn ông này là Gia-ia, trưởng hội đường) dùng lòng tin của mình để kêu cầu Đức Giê-su chữa lành con gái ông. Một người cha bất lực nhìn thi thể con gái mình lìa xa ông mãi mãi, chắc hẳn ông rất tuyệt vọng và đau khổ. Ông chỉ còn biết tin vào một người ông đã từng nghe biết về những phép lạ người ấy đã và đang làm, đó chính là Đức Giê-su thành Na-da-rét. Đức Giê-su đã giúp ông đạt được ước nguyện của mình nhờ lòng tin của ông và nhờ ông nhận ra sự bất lực và hạn hẹp của bản thân ông.
Qua hai hình ảnh và hai phép lạ nhiệm mầu trên, điều gì đánh động tâm hồn bạn nhất? Phải chăng bạn khuyến khích bản thân mình đừng bao giờ tuyệt vọng nhưng hãy đặt trọn lòng tin vào Thiên Chúa? Phải chăng dù cuộc sống bạn có bi đát như thế nào, bạn vẫn có thể vượt qua nhờ lòng tin vào Thiên Chúa? Bạn có dám đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su, có dám đánh đổi đời mình bằng một cuộc sống dấn thân theo Chúa để phục vụ sứ mạng của Người? Bạn có sẵn sàng để bàn tay Chúa chạm vào tâm hồn hoặc gõ cửa trái tim bạn? Bạn có sẵn sàng chìa đôi tay cộng tác với Chúa để được chữa lành và giúp người khác chữa lành?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
II.Tin Mừng Mt 9:32-38 (Thứ 3, XIV-TN)
(Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên)
"Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ" (Mt 9:34).
Sau khi hai người mù được chữa lành vừa đi ra thì kìa người ta đem đến cho Ðức Giêsu một người câm bị quỷ ám. (33) Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Ðám đông kinh ngạc, nói rằng: "Ở Ítraen, chưa hề thấy thế bao giờ!" (34) Nhưng người Pharisêu lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ". (35) Ðức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (36) Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (37) Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. (38) Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về".
Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc trừ quỷ của Đức Giê-su và những biến cố diễn ra sau sự việc này.
Đức Giê-su trừ quỷ xong, có người tán dương, có người gièm pha với những lời độc địa như "Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ " (Mt 9:34). Đức Giê-su đường đường là một Thiên Chúa, một Quân Vương, đón nhận và cưu mang những yếu đuối của phận người, để sống như một con người. Ấy vậy mà, người Pha-ri-sêu xem Người như một quỷ vương, vì dùng thế lực của quỷ vương mà trừ quỷ. Tuy nhiên, Đức Giê-su không quan tâm những lời gièm pha độc địa ấy như chính Người đã thốt ra từ miệng của Người khi bị treo trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm"; ngược lại, Người vững bước loan báo Tin Mừng với một con tim yêu thương và quan tâm con người cách cá vị.
Con đường loan báo Tin Mừng của chúng ta cũng sẽ không khác Đức Giê-su đâu. Chúng ta cũng sẽ phải đối diện với nhiều thử thách, có khi phải ngậm đắng nuốt cay, nhưng lại giúp chúng ta tìm gặp ý nghĩa của cuộc đời, của người môn đệ Thầy Giê-su. Có khi những lời gièm pha đến từ bạn bè, người thân trong gia đình, anh chị em cùng chí hướng (nhưng có khi khác lý tưởng). Như thế mới đắng cay, chua xót! Dẫu biết là vậy, giữa chúng ta vẫn có những người hiên ngang vững bước theo con đường của Thầy Giê-su. Họ đã đi đến đích. Họ được người đời khóc thương, tưởng nhớ, được Giáo Hội tôn vinh. Một mục tử mà thiếu vắng con tim phục vụ, yêu thương, xả thân vì đàn chiên, thì đâu là ý nghĩa của cuộc đời và ơn gọi của họ.
Mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su, nghĩa là trở nên một người mục tử hiền hậu và khiêm nhường trong lòng. Bạn có cảm thấy bạn đang xa cách với hình ảnh của người mục tử như Chúa mong ước? Bạn có nhận thấy bạn đang xa cách Chúa Giê-su, khi thiếu sự đồng cảm với Người, thiếu sự nhạy bén và tinh thần xả thân cho sứ mạng của Chúa như chính Người đã cảm nhận, chia sẻ và mời gọi: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9:37-38)? Mục tử thì nhiều, nhưng mục tử luôn nghe được tiếng chiên và sẵn sàng mang lấy mùi chiên trên cơ thể mình thì không nhiều. Chúng ta cần cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử như "mục tử Giêsu"!
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
III.Tin Mừng Mt 10:1-7 (Thứ 4, XIV-TN)
(Thứ Tư Tuần XIV Thường Niên)
"Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi " (Mt 10:1.5).
(1) Khi ấy, Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (2) Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; (3) ông Philiphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; (4) ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. (5) Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: "Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. (6) Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. (7) Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần.
Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe việc Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ, ban quyền và sai các ông lên đường loan báo Tin Mừng, tiếp tục công việc dang dở của Người.
Đức Giê-su gọi đích danh từng người một, mỗi người có một danh xưng và được chính Người sai đi. Điều này như dạy chúng ta hiểu rằng chúng ta được Chúa mời gọi, được tuyển chọn, được Người ban quyền và được Người bảo vệ, đỡ nâng (1Pr 2:5.9-10). Hơn thế nữa, chúng ta không tự mình ra đi loan báo Tin Mừng; ngược lại, chúng ta được sai đi, nghĩa là chúng ta không tự ý làm việc của mình, chúng ta làm việc của Chúa.
Bạn thân mến, có nhiều người vẫn thường xuyên lên đường loan báo Tin Mừng, nhưng họ không nhận "lệnh lên đường" từ Chúa qua vị đại diện Giáo Hội hoặc qua Bề Trên của họ, họ không làm việc của Chúa, họ không tuân thủ những điều Chúa căn dặn, để rồi họ thất bại, đau khổ, chán nản, có khi dẫn tới phá hoại Hội Thánh, phá nát mùa màng. Bạn có nhận thấy mình vướng vào tình trạng này không? Bạn có nghe thấy lời mời gọi của Chúa và lời sai đi của Người không? Bạn đang làm việc của Chúa hay đang làm việc của bạn trên cánh đồng đang vào mùa gặt ở khắp nơi trên thế gian này?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
IV.Tin Mừng Mt 10:7-15 (Thứ 5, XIV-TN)
(Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên)
"Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần" (Mt 10:7).
(7) Bấy giờ, Đức Giêsu căn dặn các môn đệ: Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần. (8) Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. (9) Ðừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. (10) Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. (11) "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. (12) Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. (13) Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. (14) Còn nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. (15) Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơđôm và Gômôra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.
Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe "Lệnh Lên Đường" của Đức Giê-su cùng với các chỉ thị của Người dành cho các môn đệ khi vâng lệnh truyền của Người ra đi tới những vùng đất mới.
Lệnh Lên Đường của Đức Giê-su gói gọn trong một câu chỉ thị "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần" (Mt 10:7) nhưng lại chứa đựng những lời căn dặn cặn kẽ của Thầy Giê-su dành cho những ai muốn lao nhọc với Người trên cánh đồng đang vào mùa gặt. Chắc hẳn lời căn dặn trên đến từ kinh nghiệm của bản thân Thầy Giê-su, bởi vì chính Người đã sống và đã làm như thế!
Những lời căn dặn các học trò trước lúc lên đường của Thầy Giê-su khá nghiêm khắc và nghiêm túc: chữa lành bệnh tật với một tinh thần xả thân vô vị lợi, không mang theo nhiều hành trang, ra đi không ngừng nghỉ tới mọi ngõ ngách, v.v.. Nghe lời căn dặn như thế, không biết các môn đệ của Thầy Giê-su nghĩ gì, phản ứng ra sao. Với các nhà thừa sai hôm nay, lời căn dặn của Thầy Giê-su, quả thực, không dễ ứng dụng chút nào. Tuy nhiên, nếu đã có kinh nghiệm bước đi trên cánh đồng truyền giáo, lời dặn dò của Thầy Giê-su là có cơ sở. Bởi lẽ, người đời có thể bỏ rơi các nhà thừa sai, nhưng Thầy Giê-su không bao giờ bỏ rơi các ngài, như chính Thầy Giê-su đã kinh nghiệm khi Người ở trong Vườn Dầu nơi các môn đệ của Người bỏ chạy và chối bỏ Người, thì Chúa Cha luôn ở bên Người, nâng đỡ Người, để Người chu toàn sứ mạng đã được trao phó. Sự đồng hành của Thầy Giê-su trong con tim của người môn đệ chính là hành trang vững chắc nhất giúp các ngài hoàn thành sứ mạng được trao. Nói đúng hơn, Thầy Giê-su chính là hành trang của người môn đệ trên các nẻo đường loan báo Tin Mừng.
Bạn thân mến, bạn chuẩn bị gì để làm hành trang lên đường loan báo Tin Mừng? Bạn cần phải làm gì để có Chúa Giê-su trong tâm hồn bạn như là hành trang giúp bạn bước vào cuộc đời sứ mạng đến từ lệnh truyền của Chúa?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
V.Tin Mừng Mt 10:16-23 (Thứ 6, XIV-TN)
(Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên)
"Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em" (Mt 10:20).
(16) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. (18) Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. (19) Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: (20) thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em. (21) Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. (22) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (23) Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ítraen, thì Con Người đã đến."
Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng ngày hôm nay tiếp nối những lời căn dặn của Thầy Giê-su dành cho các môn đệ của Người trước lúc lên đường loan báo Tin Mừng trong Bài Đọc TM hôm qua (Mt 10:7-15).
Đọc Bài TM hôm nay tôi cảm nhận một điều, đó là Đức Giê-su rất quan tâm đến các môn đệ và sự an toàn của các ngài trên con đường loan báo Tin Mừng, và tôi càng xác tín thêm rằng người đời có thể bỏ rơi các môn đệ, nhưng Đức Giê-su không bao giờ bỏ rơi các ngài.
Trong lời căn dặn của Đức Giê-su, Người không quên chia sẻ cho các môn đệ nghe biết về kinh nghiệm thiết thân của Người với Chúa Thánh Thần, còn gọi là Thần Khí của Thiên Chúa, đó là sự hoạt động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần nơi những người đang vất vả làm những công việc của Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn động lực, nguồn trợ lực, nguồn sức mạnh cho các môn đệ của Thầy Giê-su, để các ngài vượt qua mọi sợ hãi, âu lo, bách bớ, đàn áp, rào cản của văn hóa, tôn giáo và chính trị, v.v..
Chúa Thánh Thần biến đổi các môn đệ của Thầy Giê-su từ những kẻ bị người đời khinh khi, bị xem như những "đồ vô dụng"... trở nên những khí cụ sắc bén trong bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa Cha, tiếp nối kế hoạch tái tạo và cứu chuộc nhân loại còn đang dang dở của Chúa Con. Nhiệm vụ của các môn đệ là cộng tác với Chúa Thánh Thần để các ơn sủng của Người trở nên hữu hiệu trên các ngài.
Bạn thân mến, bạn có nhận ra sự hoạt động và ơn sủng của Chúa Thánh Thần trên con người của bạn không? Bạn có dám mở rộng tâm trí để tin vào sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trên con người bạn và cộng tác với ơn của Người lao nhọc trên cánh đồng đang vào mùa gặt của Chúa Giê-su không?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VI.Tin Mừng Mt 10:24-33 (Thứ 7, XIV-TN)
(Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên)
"Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn" (Mt 10:28).
(24) Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. (25) Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà. Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. (28) Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. (29) hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. (30) Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. (31) Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. (32) Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. (33) Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời."
Bạn thân mến,
Có một điều tựa như một chân lý bất biến trong đời sống đức tin của người tín hữu, đó là một khi người ta đã kinh nghiệm về Chúa, đạt tới những kinh nghiệm của Chúa, hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn và theo Chúa sát hơn... thì họ không thể nào giữ kín những kinh nghiệm ấy cho riêng họ. Họ sẽ nói ra, sẽ làm chứng về những gì họ tin và cảm nghiệm được. Đây cũng là điều Đức Giê-su đã loan báo trong đoạn Lời Chúa hôm nay: "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng" (Mt 10:27-28).
Một khi người ta đã tin, người ta sẽ không ngại làm chứng về điều họ tin, thậm chí họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin. Các thánh tử đạo trong Giáo Hội là bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất về điều này. Sở dĩ các ngài dám hy sinh mạng sống để bảo vệ niềm tin của mình là vì các ngài biết rằng những kẻ không tin, những kẻ chống đối các ngài chỉ có thể hãm hại thân thể các ngài, chứ không thể nào làm tan nát tâm hồn chứa đựng niềm tin sắt son vào Thiên Chúa của các ngài, như Chúa Giê-su đã nói: "Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn" (Mt 10:28).
Đời người môn đệ Thầy Giê-su cũng là cuộc đời của mỗi người chúng ta, những người đang đặt niềm tin vào Thiên Chúa, cũng sẽ phải đối diện với những bắt bớ, đàn áp vô hình và hữu hình trên hành trình sống đức tin của mình. Những bắt bớ vô hình thường thách đố người tín hữu ngày nay nhiều hơn, chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy lợi, v.v.. Bạn có dám đối diện với thực trạng này để tuyên xưng niềm tin vào Thầy Giê-su không? Nói cách khác, bạn có dám lội ngược dòng nước của xã hội hiện đại này để làm chứng về một Đức Giê-su nghèo khó và luôn yêu mến, bảo vệ và thăng hoa người nghèo khổ?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VII.Tin Mừng Lc 10:25-37 (CN XV-TN Năm C)
(CHÚA NHẬT Tuần XV Thường Niên C)
"Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy" (Lc 10:37).
Bầy giờ, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (26) Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (27) Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình". (28) Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống". (29) Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" (30) Ðức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. (31) Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. (32) Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (33) Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. (34) Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. (35) Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". (36) Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" (37) Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".
Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe mẩu đối thoại giữa Đức Giê-su và một nhà thông luật (có lẽ là một kinh sư) về sự sống đời đời. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể nhận thấy rằng điều kiện để có thể đạt tới sự sống đời đời không chỉ dừng lại ở một ý tưởng "mến Chúa yêu người" nhưng còn cần được thể hiện điều ấy bằng một hành động cụ thể.
Đức Giê-su vạch cho vị kinh sư này hiểu rõ bản chất của việc "mến Chúa yêu người" chính là lòng xót thương người, dù người ấy là ai và như thế nào. Câu chuyện dụ ngôn "Người Samarianô Nhân Lành" chính là lời khẳng định rõ ràng nhất cho chân lý này của Đức Giê-su.
Một số nhà chú giải Kinh Thánh giải thích cho chúng ta biết rằng hình ảnh người Samarianô nhân lành chính là hình ảnh về Đức Giê-su, Đấng cũng là mục tử nhân lành, dám hy sinh tính mạng cho đàn chiên. Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh của người Samarianô trong dụ ngôn "Người Samarianô Nhân Lành" để nhận ra hình ảnh của Thầy Giê-su và học với Người cách sống bằng hành động cụ thể giới luật yêu thương của Thầy Chí Thánh.
Trước hết, người Samarianô là một người biết xót thương người khác (c.33). Gặp người bị nạn, "ông ta lại gần" (c.34) chính là hình ảnh Ngôi Hai xuống thế làm người để gần gũi con người. Sau đó, ông ta "lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương của nạn nhân" là hành vi thiết lập các bí tích của Đức Giê-su, điển hình là Bí tích Xức dầu. Ông ta "đưa nạn nhân vào quán trọ" tựa như hình ảnh Chúa Chịu Nạn trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan và Chúa Giê-su Phục Sinh trao sứ mạng chăm sóc con chiên cho Thánh Phê-rô cũng như cho Giáo Hội. "Ông trao cho chủ quán hai quan tiền" (c.35) là một số tiền lớn và có giá trị, tượng trưng cho việc Chúa Giê-su trao ban Thánh Thần và các năng quyền đặc thù cho Giáo Hội. Sau cùng, "ông hẹn ngày quay trở lại để tính toán sổ sách cho chủ quán" là hình ảnh chờ đợi ngày Chúa ngự đến lần thứ hai để phán xét người sống và kẻ chết.
Tóm lại, lời giảng dạy của Chúa Giê-su luôn sống động và chân thật vì nó được rút ra từ chính kinh nghiệm sâu xa và chân thật của Người, kinh nghiệm về một tình yêu trao hiến với trọn con tim chân thành tinh ròng.
Mẩu đối thoại giữa Đức Giê-su và vị kinh sư trong đoạn TM hôm nay khá quen thuộc. Tuy nhiên, khi chiêm ngắm Lời Chúa qua câu chuyện dụ ngôn "Người Samarianô Nhân Lành", bạn có cảm thấy Lời Chúa thách đố tâm can bạn, làm tim bạn nhói đau khi nhận thấy có đôi khi bạn rất giống "thầy tư tế" và "thầy Lê-vi", nghĩa là bạn đặt công việc và lợi ích bản thân lên trên tính mạng con người, bạn có thể nói về giới luật "mến Chúa yêu người" nhưng chưa thể sống giới luật ấy bằng hành động cụ thể?
Bạn hãy tâm sự với Chúa về những thách đố diễn ra trong tâm trí bạn khi suy niệm bài TM hôm nay và xin Chúa ban cho bạn có được một tình yêu tinh ròng như Chúa muốn, hoặc như "Người Samarianô Nhân Lành", bạn nhé!
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
Lm Giuse BCD, SJ