Nếu có ai đó bất chợt hỏi tôi: niềm tự hào lớn nhất của bạn là gì? Tôi sẽ không đắn đo và trả lời dứt khoát: niềm tự hào lớn nhất tôi có, đó là Thầy tôi. “Thầy” là cách gọi của người miền Bắc vì gia đình tôi xuất thân từ miền quê Phú Thọ, khác với miền Nam gọi là “ba”, người trụ cột trong gia đình. Mặc dù đã vào Nam hơn 40 năm nhưng gia đình tôi vẫn giữ nguyên cách xưng hô ấy đến tận thời điểm hiện tại.
Nếu ngày trước tôi gọi “Thầy” vì ngay khi ở tuổi khôn đã nghe mọi người nói, đơn giản chỉ là bắt chước, nhưng giờ khi đã ở tuổi trưởng thành, tiếng gọi “Thầy” ấy mỗi khi cất lên chứa đựng cả một tình thương đong đầy của người con dành cho Thầy mình.
Đối với tôi, Thầy là một người cha mạnh mẽ, kiên cường vừa là một người thầy mẫu mực, giỏi giang dù chỉ được học hết lớp 3.
Sinh ra trong một gia đình 11 người con, thầy tôi là con cả nên mọi việc dồn nên đôi vai ấy, thật may mắn vì đôi vai ấy đủ rộng để làm tất cả những việc mưu sinh cho cuộc sống nghèo khổ ngày nào. Ngày xưa thầy tôi lấy mẹ sớm, 18 tuổi thầy mẹ đã sinh ra anh hai tôi. Thầy bảo: ngày ấy ở riêng, nhà lại nghèo nên ông bà cho 5 ngàn, bên ngoại nghèo hơn cho mẹ tôi một cái hộp dùng để đựng quần áo. Điều kiện lao động miền quê ngày một khó, đến nỗi thầy bảo: phải ăn cơm độn với muối cả năm, nên thầy tôi quyết định vào Nam để tìm kế mưu sinh mới.
Vào Nam với một ngàn đồng trên tay, thầy làm đủ thứ nghề: thợ mộc, đánh cá, thợ hàn, thợ may, thợ máy đến thợ hồ… có những lúc tôi nghĩ thầy tôi là siêu nhân vì việc gì thầy cũng làm được. Tạ ơn Chúa đã cho tôi một người cha thật hoàn hảo trong mắt tôi. Tuy nhiên thầy tôi vẫn có một tật xấu, đó là uống rượu. Mẹ bảo bỏ đi nhưng thầy bảo: “Làm chung với đám tụi nó (người dân tộc) là phải uống, nó mời gì cũng phải ăn, thì nó mới nghe lời mình, nên muốn thôi cũng không được, mẹ mày đừng có trách tôi”.
Dù chỉ học hết lớp 3, nhưng vì ham học hỏi, kiến thức của thầy tôi không chỉ dừng lại ở đó. Thời của tôi không được vinh dự nghe thầy tôi dạy, nhưng nghe các anh kể, thầy rất nghiêm khắc trong việc học, học ra học, chơi ra chơi, và đã học thì phải chảy mồ hôi. Đặc biệt thầy tôi rất ghét nói dối. Đó cũng làm nên kỉ luật trong gia đình tôi. Vì thầy mẹ không được học hành tới nơi (mẹ tôi mới học hết lớp 1), nên thầy tôi luôn thao thức cho các anh chị tôi học hành tới nơi, tới chốn.
Đối với tôi niềm hạnh phúc nhất là được mang đồ thầy may suốt bảy năm đi học. Thầy cũng là người dạy tôi biết tự sửa lấy trang phục của mình, thầy tôi đã làm được điều ấy khi cô bé 12 tuổi làm gãy mất 13 chiếc kim máy may. Thầy luôn là người truyền cảm hứng cho tôi trong tinh thần tự học, kiên trì và lối sống tự lập. Cùng với việc sống yêu thương trong gia đình, đó là điều thầy luôn căn dặn các gia đình anh chị tôi: “phải biết nhường nhịn nhau”…
Thắm đậm tình thương và hy sinh của thầy, của người cha trong gia đình, tôi thấu cảm được phần nào hoàn cảnh của những chị em bên cạnh tôi đang thiếu vắng đi hình ảnh người cha trong gia đình, đó là một sự mất mát thật lớn, mà điều đó mấy ai thấu hiểu được?
Ước mong sao, những ai đang còn cha hãy trân trọng món quà quí giá Thiên Chúa ban cho để luôn sống yêu thương và bao dung với cha mẹ đến hết cuộc đời. Còn những ai làm cha mẹ, hãy sống đúng với thiên chức của mình, sống ý thức, sống trách nhiệm và sống vì con cái.
http://daminhrosalima.net/van-hoa-nghe-thuat/thay-toi-29335.html