Bút Ký: Năm Tháng Trôi Qua, Đời Ta Còn Tình Bạn Nhớ Mãi Một Thời_ Chiều Bên Mẹ Măng Đen
Posted by Ban Biên TậpSau khi thăm chủng viện, 11 anh em chúng tôi dùng với nhau một bữa cơm theo kiểu dân tộc tại nhà nuôi trẻ mồ côi sát nhà thờ gỗ do các xơ dân tộc phụ trách,bữa cơm trưa có sự hiện diện của cha Truyền, quản lý giáo phận nên càng vui vẻ, thân tình, và bầu khí của chủng viện ngày xưa như trở lại trong ký ức của mỗi người, bữa cơm kéo dài kỷ lục tới 3 tiếng đồng hồ, từ 11 giờ tới 15 giờ mới kết thúc.
Sau khi bàn bạc chương trình hoạt động tiếp theo của ngày, 11 anh em đã quyết định chiều nay sẽ bắt đầu thực hiện cuộc hành trình mà tôi tạm gọi là: “ Hành trình theo bước chân truyền giáo của các sứ giả Giáo phận Kon Tum”. Mà điểm đến đầu tiên dĩ nhiên phải là Đức Maria, Người Mẹ đã khởi đầu công việc truyền giáo đầu tiên của mình bằng cách trèo đèo vượt non, đem Chúa Giê Su sứ giả của tình yêu và hòa bình đến với gia đình Êlidabet, Bởi thế, chúng tôi quyết định về Măng Đen, trung tâm hành hương của Giáo phận Kon Tum.
Măng Đen là tên một ngôi làng nằm ở độ cao 1200m so với mặt biển, được tọa lạc ở Đông Trường Sơn, ven quốc lộ 24 đường đi Quảng Ngãi, cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C.
Vì phải chờ Thọ Tam Ba mua sắm các vật dụng cần thiết cho chuyến hành trình, nên mãi đến 17g 30 chúng tôi mới có mặt tại đền Đức Mẹ Măng Đen.
Chiều Măng Đen mát lạnh, vắng vẻ không một bóng người, chỉ có chúng tôi về đây với Mẹ để học nơi Mẹ tâm tình truyền giáo và được lắng nghe thông điệp của Mẹ, qua hình ảnh pho tượng cụt tay của Mẹ.
Đúng vậy, giữa đại ngàn cao nguyên, pho tượng tật nguyền nhỏ bé của Mẹ nằm chơ vơ giữa đỉnh cao bạt ngàn cây xanh, chung quanh Mẹ là một rừng hoa và bảng tạ ơn chi chít của khách hành hương dâng kính và tạ ơn.
Thắp mỗi người một nén hương cầu nguyện cho quí linh mục thừa sai, chúng tôi thành kính dâng lên Mẹ, đọc kinh, hát một bài ca chúc tụng Mẹ Thiên Chúa, giữa chiều hoàng hôn lộng gió. Hương khói bay ngào ngạt, khiến bầu khí buổi chiều thêm linh thiêng, riêng chúng tôi cảm thấy tình Mẹ con càng khăng khít, và bàn tay tật nguyền của Mẹ như nói với chúng tôi nhiều điều.
Ngước nhìn lên Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay, chúng tôi cảm nghiệm được Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, khuôn mặt của một người Mẹ, một người Nữ Tỳ khiêm hạ, đã thông dự vào mầu nhiệm đau khổ, tự hạ của Đức Ki Tô, người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa trên thập giá.
Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay giúp chúng tôi hiểu được sự đồng cảm sâu sắc của Mẹ với những người đang đau khổ,những người tàn tật, yếu đau, nghèo đói, những người bị bỏ rơi, chính Mẹ vẫn đang từng giờ, từng phút, từng giây đồng hành với họ, và Mẹ mời gọi chúng tôi, những khách hành hương hãy cùng với Mẹ dấn thân, hãy sẵn sàng bẻ tấm bánh đời mình để làm được một điều gì đó cho họ, trong tinh thần hiệp thông và chia sẻ.
Mẹ như muốn trao bàn tay tật nguyền lại cho chúng tôi, để chúng tôi hãy cùng với Mẹ, tiếp nối bàn tay của Mẹ xoa dịu những mảnh đời khổ đau và bất hạnh….
Đứng bên Mẹ chúng tôi nhớ lại lời huấn từ ngày 29/03/2007 của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kon Tum: “Hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như Thư Chung (2006) của HĐGMVN mời gọi”
Đứng bên Mẹ chúng tôi cầu nguyện cho các Linh Mục, các tu sỹ nam nữ nói chung, cho Giáo phận Kon Tum nói riêng đang ưu tiên công cuộc phục vụ và truyền giáo cho đồng bào dân tộc, cho những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, cho những người khổ đau, cho những bệnh nhân đang rất cần những người chăm sóc và cảm thông sẽ tìm thấy được niềm vui và sức mạnh hiến thân nơi bàn tay tật nguyền của Mẹ.
Lạy Mẹ Măng Đen, chúng con xin dâng Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, các Linh mục, các tu sỹ nam nữ cùng những người ngày đêm đang theo chân Mẹ, cùng Mẹ rao truyền tin vui và phục vụ. Xin Mẹ ban muôn ơn bình an và bảo vệ các Ngài.
Chúng con xin dâng Giáo phận Kon Tum cho Mẹ, xin cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, và cánh tay tật nguyền của Mẹ mãi mãi sẽ là một động lực thúc đẩy bước chân những nhà truyền giáo và bàn tay của rất nhiều người biết dang rộng phục vụ con người.
Hồng Bính