Tết là những ngày đầu tiên của năm. Lần trở về cái Tết đầu tiên của lịch sử con người. Những tháng ngày khai sinh của vũ trụ. Ta thấy chuyện người con gái đi hái lộc đầu năm buồn như một pho sách cổ bụi mờ.
-Khi làm một điều sai vào ngày Tết, người ta thường nói: "Thế này thì xúi quẩy cả năm!". Tại sao lại kiêng kỵ vào ngày đầu năm? Cái gì khởi đầu bao giờ cũng linh thiêng. Vì đầu năm quan trọng nên ai cũng chúc cho nhau những điều tốt, hy vọng cả năm được may. Tránh điều xấu để cả năm khỏi xui. Người ta cầu chúc cho nhau đầu năm hái được nhiều lộc.
Không phải bây giờ người ta mới hái lộc. Từ nghìn xưa đã có chuyện "đầu xuân người con gái đi hái lộc" rồi. Không phải bây giờ mới có chuyện đầu năm xúi quẩy sẽ xui cả năm. Từ nghìn xưa chuyện người con gái hái lộc đã chứng minh cái xúi quẩy đó rồi.
Tết đầu tiên
Tết là những ngày đầu tiên của năm. Lần trở về cái Tết đầu tiên của lịch sử con người. Những tháng ngày khai sinh của vũ trụ. Ta thấy chuyện người con gái đi hái lộc đầu năm buồn như một pho sách cổ bụi mờ.
Cái Tết lịch sử ấy đã đi vào sách Sáng Thế Ký từ nghìn xưa Cựu Ước. Nhưng cái xúi quẩy của nó đã chảy dài đến hôm nay, và, sẽ xuôi dòng mãi mãi cho đến hút thẳm của thời gian.
Ngày đầu năm ấy đã huy hoàng. Chúa xuân đã rực rỡ. Tờ khai sinh của vũ trụ đã được Kinh Thánh kể:
Trời đất trống không mông quạnh và tối tăm bao phủ.
Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng.
Và ánh sáng đã có.
Thiên Chúa thấy ánh sáng thật tốt lành.
Thiên Chúa phán: Ðất hãy xanh um thảo vật tốt tươi.
Và đã xẩy ra như vậy.
Ðất lên màu xanh.
Cây có quả đã sinh qủa.
Cây có hoa đã nở hoa.
Thiên Chúa thấy màu xanh thật tốt lành.
Thiên Chúa đã làm hai cái đèn.
Cái lớn cai quản ban ngày.
Cái nhỏ cai quản ban đêm.
Thêm vào, Ngài trang điểm bầu trời bằng các vì sao.
Thiên Chúa thấy thế thật tốt lành.
Như vậy, lại thêm một buổi chiều và một buổi mai.
(Xem Sáng Thế Ký 1,2:1-4a)
Vũ trụ chào đời. Mùa xuân về trải gió. Nắng đã vỗ cho xanh rừng lá. Ðịa đàng bắt đầu rạo rực vì bước chân người thiếu nữ đi hái lộc. Kinh Thánh kể về chuyện người thiếu nữ hái lộc như sau:
- Con hãy tránh cây "sự biết tốt xấu."
Nhưng, đầu xuân em đi hái lộc. Vết chân người xưa hái lộc còn in nguyên hình trên từng trang Kinh Thánh. Mãi về sau nghìn năm lịch sử, bụi chẳng thể phủ mờ và cát chẳng lấp đi. Thế nhân vẫn nhớ về lời nói của Satan những ngày ấy:
- Chẳng chết chóc đâu. Quả nhiên Thiên Chúa biết ngày nào ngươi hái lộc ấy mà ăn. Ngươi sẽ nên đẹp, ngươi sẽ nên duyên.
Evà, người thiếu nữ trong dáng lộc đầu xuân đã trở thành câu chuyện buồn của một vùng trời úa nắng hoàng hôn. Vì mầu hồng của trái táo nên nàng đã hái lầm. Vì thấy đẹp mắt nên bàn tay đã gọi tới (Stk. 3:1-24). Sự sai lầm ấy đã làm Adong ngồi buồn cúi mặt than thở: "Thế này thì xúi quẩy cả năm!" Lời thở than nhẹ nhàng thôi, mà sóng biển chẳng làm im tiếng được. Mãi đến hôm nay, con cháu vẫn thở dài vì cái "xúi quẩy" ấy. Mãi đến hôm nay, đã ngàn trùng thời gian mà hoàng hôn vẫn cứ úa nắng khi xuân về.
Sau ngày hái lộc. Mùa xuân trở thành những giải mây tím về với trần thế, lãng đãng đi tìm một thủa đã mất. Kinh Thánh viết về một nỗi nhớ, đau thương làm sao: "Những gai cùng góc, nó sẽ mọc lên cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ lả ngoài đồng nội. Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại với bụi đất" (Stk. 3:18-19).
Ðó là sự tích hái lộc đầu năm. Mùa xuân êm đềm thành chìm vắng lặng lẽ. Cũng chỉ vì câu chuyện hái lộc, mùa xuân thảo mộc xanh um đã thành những gai cùng góc. Một lần hái lộc lầm hướng là bây giờ khổ ải mồ hôi.
Thái độ chọn lộc
Những ngày đầu tiên khai sinh của vũ trụ là thế. Hôm nay, tôi mừng Tết bằng cách tránh những lầm lỗi đầu năm để khỏi xui. Tôi kiêng kỵ ngày Tết không làm phiền lòng ai để cả năm được bình an. Như vậy mùa xuân hệ tại ở thái độ lựa chọn. Lựa chọn sai lầm hay lựa chọn đúng sẽ xác định mùa xuân hồng hay mùa xuân buồn.
Hôm nay tôi đi hái lộc. Cũng thế, sự lựa chọn hướng nào tôi đi sẽ quyết định mùa xuân của đời tôi, bình minh hay hoàng hôn.
Chỉ có hai loại cây. Chỉ có hai thứ lộc. Lộc của cây táo hồng và lộc của thánh giá gỗ. Chỉ có hai lựa chọn, lộc bóng tối và lộc ánh sáng. Tôi chỉ có hai hướng đi. Lối vào mời mọc địa đàng hôm qua và đường lên Golgotha hôm nay.
Lộc của táo hồng thì quyến rũ. Tôi nhìn thấy màu xanh của lá, màu hồng của da. Tôi cảm thấy mặn mà. Vì "cây biết lành, biết dữ mọc lên ở giữa vườn" (Stk. 2:8), nên gần gũi tôi lắm. Dễ dàng.
Lộc của thánh giá là tiếng mời gọi bằng đức tin. Tôi không thấy màu sắc. Muốn hái lộc của thánh giá tôi phải đi từ Jêrusalem lên núi sọ. Ðường khá dài. Dốc khá cao. Ðồi Golgotha chiều ấy đã chỉ có một mình ông Simon vác thánh giá đỡ Chúa mà thôi.
Lộc cây ơn sủng
Cũng từ nghìn năm đã có lời kinh cầu: Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Ðấng Cứu Chuộc tôi. Ðã từ lâu lắm rồi con người đã biết mình thiếu thốn lộc gì. Họ đã muốn giơ tay hái lộc trời cao. Trong u minh, vắng lặng, Thiên Chúa đã nghe tiếng vọng cầu kinh. Lộc trời cao đã gởi xuống đất thấp mong chờ: Lộc Ðấng Cứu Thế.
Ngài vào đời trồng cây Thập Giá. Lộc Thập Giá của Ngài là nối lại tình người với tình thánh. Ðể rồi với tình thánh, tình người có thể đến được với tình người. Tôi đã xa tình thánh. Tôi cũng xa tình người với người. Thánh giá Chúa là nhịp cầu nối lại tôi với Chúa, giữa tôi với anh em. Sự giao hòa ấy nẩy lộc Bình An.
Trước ngày chia ly, tặng vật cao quý Chúa lưu lại cho môn sinh của mình chính là bình an: "Ta để lại bình an cho các ngươi, Ta ban bình an của Ta cho các ngươi. Bình an mà thế gian không thể ban được" (Yn. 14:27). Khi sống lại, mới gặp nhau, Chúa đã chào các môn đệ: "Bình an cho các ngươi" (Yn. 20:19). Tám ngày sau, trở lại thăm họ, Chúa vẫn chỉ có một lời chào: "Bình an cho các ngươi" (Yn. 20:26). Lúc các môn đệ lên đường truyền đạo, Chúa căn dặn: "Khi vào nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này" (Lc. 10:5). Chúa dặn rõ, trước tiên hãy chúc bình an đã, rồi mới nói chuyện khác. Chính Chúa cũng làm như vậy trong đời Chúa.
Theo sự quan trọng mà Chúa đã nhấn mạnh và xử sự, thì bình an không là lời để cầu chúc, nhưng là sự sống để ban tặng. Nói cách khác, lộc bình an là chính Chúa.
Thiếu vắng Chúa là hiện diện của lo âu. Nếu lòng tôi không có bình an, tôi chẳng thể có lời nói nhẫn nại cho nhau. Nếu hồn tôi sóng động, tôi chẳng thể đem hạnh phúc cho gia đình.
Mùa xuân của đất trời không thay đổi được "xúi quẩy" của đời tôi. Mùa xuân hồng hay mùa xuân buồn là do lộc tôi hái, là do thái độ tôi chọn lộc. Như thế, giữa tiếng pháo nổ của ngày Tết, lòng tôi vẫn có thể là một mùa xuân lặng lẽ. Ngược lại, trong cái lặng lẽ của đất trời, lòng tôi có thể đang là mùa xuân tươi.
Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu nguyện. Chúa là lộc đầu xuân của con. Mỗi lần con chọn Chúa là một ngày con có mùa xuân. Qua bí tích Hòa Giải sau mỗi lần con phạm tội là một ngày con mừng Tết. Có hai lối rẽ để đi. Lối vào vườn táo, dấu chân người xưa hái lộc đầu năm vẫn còn in nét mời gọi. Lối lên Golgotha với lời chúc bình an cũng vẫn vang vọng. Chúa ơi, đầu năm hái lộc, con phải chọn lựa, lối nào con đi?
(Trích tập Con Biết Con Cần Chúa)
Lm. Nguyễn Tầm Thường,