Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 11 Tháng 10 2016 15:45

HÁT cho DÂN TÔI nghe

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  HÁT cho DÂN TÔI nghe

 

“Thiên Chúa yêu thương thế gian…” (Ga 3,16a)

Sớm mai này tôi thức dậy thật sớm, đảo mắt nhìn quanh, đó đây nhiều nhà vẫn cửa đóng then cài, xa tít phía chân trời, vầng thái dương như còn ngái ngủ, lấp ló sau những đám mây trắng hồng. Đứng nhìn dòng xe cộ qua lại, càng lúc càng tấp nập, tôi thả hồn lắng nghe giai điệu cuộc sống, cảm nghiệm niềm vui của mỗi con người và của muôn tạo vật trong vòng tay của Trời.

Ông TRỜI, trong niềm tin của các dân tộc, luôn yêu thương con người, bàn tay của Trời được bầy tỏ và để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa và truyền thống muôn dân. Ngay như tộc Việt chúng ta, khi tổ tiên dựng nước thì Trời dựng đạo, Trời sẵn có mặt trong lòng mỗi con người, nói với con người qua tiếng lương tâm, để rồi đưa con người vào trong tương giao gia đình, làng xóm và dân nước, và thế là trên đôi tay quyền năng của Trời, chúng ta có đạo Việt, được thể hiện bẳng lòng hiếu thảo : hiếu với Trời, với cha mẹ ông bà tổ tiên, và sống nghĩa đồng bào. Bước đường cuộc sống giữa Trời với người đã đưa dân ta vào một đường nẻo riêng, gọi là đạo hiếu.

Tiếc thay, nhiều người Việt lại cứ ngỡ rằng Trời ở mãi tận chốn cao xanh kia xa lắc xa lơ. Những truyền tụng dân gian như Trời sinh Trời dưỡng, hay lưới trời lộng lộng là để con người nghiệm ra tấm lòng trìu mến yêu thương che chở và gần gũi của Trời, chứ có đâu cũng giống lòng dạ con ngừơi chỉ lo bắt lỗi thiên hạ.

Trời đã có mặt ngay trong luơng tâm từng người, thế nhưng con người lại cố kiếm thang để bắc lên Trời, cây thang thấm đậm tình cảm, mang tính đổi trao, và đòi sòng phảng, làm cho các nấc thang cứ đảo chiều lên lên xuống xuống. Thật vậy, con người yêu thương đó rồi giận ghét cũng đó, cũng một trái tim, bắc thang lên đỉnh cao mà chưa lên đã vội xuống, cuối cùng có người leo cả cuộc đời mà vẫn dậm chân tại chỗ, cuộc sống buồn vui thương ghét lẫn lộn, tưởng đâu là sân khấu tấu hài.

Thích đổi trao và sòng phẳng, nghe thì hay mà sao quá lạnh lùng, chỉ thấy lý chứ không có tình, nói chi tới xót thương, và thực tế trong nhiều chuyện đã chất thêm gánh nặng và thêm đau khổ cho người. Lý lẽ làm nên luật pháp, có những truyền thống người xưa dạy rằng, hãy yêu bạn và hãy ghét kẻ thù, mắt đền mắt, răng đền răng, và cuối cùng là mạng đổi mạng, không đền nổi thì phải bán thân làm nô lệ. Cái tình, cái lý và lẽ công bằng được nói đến nhiều, nhưng phải đi đôi với tấm lòng thành, chứ mỗi khi gặp chuyện là lo bao biện để che dấu sự thật thì tình lý đâu chẳng thấy mà chỉ thấy bất công.

Trời, Thiên Chúa từ muôn ngàn đời vẫn yêu thương con người

Con người trong vòng tay của Thiên Chúa Trời Đất vẫn hằng gánh vác lẫn nhau : lá lành đùm lá rách.

Thế nhưng, Đấng Linh Thiêng nói trong lương tâm con người và ngang qua vạn vật nhiều khi con người không thấu đáo, Người đã dùng nhiều cách để nói với tổ tiên chúng ta khi dựng đạo cho dân ta ngay trong những ngày đầu dựng nước, với dân Do Thái cũng vậy, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã dùng miệng các tổ phụ và các sứ giả để dạy dỗ, hướng dẫn và răn đe… nhưng giữa tiếng nói của Đấng thiêng liêng thiện hảo còn biết bao nhiêu những lôi cuốn do lòng ích ký tham lam, làm mờ mắt con gười, không nhận rõ được chân trời của cái đẹp…. Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người trong lầm lac, Người yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một : đức Giêsu Kitô,

khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con. (Dt 10,5-7)

Người Con Một yêu dấu của Thiên Chúa Cha, khi được sai vào trong thế gian để khai mở vương quốc Thiên Chúa, đã cất lên lời kinh với tất cả tấm lòng con thảo trước tình Cha yêu thương nhân thế: “này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.

Ý Cha là yêu thương nhân thế, và Con cũng chung ước nguyện này, là đưa con người về lại tình cha với tấm lòng con thảo hiếu.

Nhân thế ơi, dòng người đang tất tả ngược suôi kia có nhận biết rằng Con Thiên Chúa đã làm người để con người nhận rõ con đường làm con Thiên Chúa chưa,

“Người đã đến nhà mình” để nói với mọi người bằng tiếng nói con người, yêu thương bằng trái tim người, và mọi người có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã mở ra một con đường nối liền trời với đất : đường của Con Thiên Chúa làm người, trên con đường này, Thiên Chúa đã trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và con đường vươn tới Thiên Chúa giờ đây thật dễ dàng và gần gũi : đường chúng ta ở cùng Thiên Chúa.

Đất trời là đây, khi con người cùng chung lời kinh của người Con hiếu thảo : …lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài như Giêsu, với Giêsu và trong Giêsu…“

NGƯỜI đã đến nhà mình…,

Để bất cứ ai đón nhận,

tức là những ai tin vào Danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,11-12).

Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, con của bác thợ mộc,

đã sống phận làm con Thiên Chúa trong phận người,

với một trái tim lắng nghe và vâng phục.

để mỗi chúng ta, phận người, với Giêsu, có thể cất tiếng gọi : Abba, CHA ơi, trong phẩm giá làm con Thiên Chúa,

Niềm vui dâng trào, miệng tôi bập bẹ hai chữ ABBA, lòng tôi rung theo giai điệu bài tình ca Giêsu, Bài ca Con Thiên Chúa Làm người và ở cùng chúng ta, bài ca dìu tôi vào bước đường của con người làm con Thiên Chúa, và tôi thấy mình như vừa lạc vào địa đàng, vì một thế giới đã trở thành diệu kỳ, “vì một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta”, và tôi cảm nhận đâu đây một thoáng thiên đàng.

Nhưng kìa, trời ạ, tiếng hát tôi bỗng dưng đứt quãng, cái thế giới diệu kỳ chuyển qua màu tối, tôi bắt gặp khuôn mặt của những con người chưa nghe biết Giêsu, và nhất là những người biết mà không nhận hoặc đã bỏ đi, và tôi cảm thấy xót xa trước cảnh : “Người đã đến nhà mình, mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

Tôi lúng túng không biết phải xử sự ra sao khi dìm mình giữa những người con chối bỏ tình Cha, chối bỏ bước đường của Con Thiên Chúa làm người ?

Mai đây trên mọi nẻo đường cuộc sống, có thể tôi sẽ gào lên trong tiếng nấc nghẹn, không, tôi sẽ hát, tôi vẫn hát bài tình ca Giêsu: tiếng tôi ca sẽ ủi an, van nài, khích lệ và đỡ nâng mọi người tôi gặp,

Khi tiếng tôi ca êm ái, nhẹ nhàng,

Và lời ca hiền hòa, khiêm tốn,

cất lên từ trái tim đơn nghèo của người hiến dâng trọn vẹn để thì hành ý muốn của Cha,

thì đời tôi sẽ là một khúc hoan ca,

khúc hát đời tôi,

hát với dân tôi là bài ca thảo hiếu

hát cho dân tôi nghe : bài tình ca Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đầy tràn ân nghĩa và sự thật

MM Tân, S.J.

 

Read 674 times Last modified on Thứ năm, 13 Tháng 10 2016 14:33