Nó lao mình ra cửa, chiếc áo sơ mi trắng ướt nhẹp sau lưng một mảng lớn, chắc tại chiếc khăn tắm chưa kịp rờ tới đó vì khổ chủ đang quá vội. Trễ rồi, hẹn nhau 9 giờ có mặt tại cổng trường mà bây giờ đồng hồ đã điểm 9 giờ kém 5. Nếu đạp thả ga thì cũng phải mất 15p mới tới nơi. Lũ bạn bỏ đi trước thì chỉ có nước về nhà. Nó vừa nghĩ vừa lẩm bẩm: “Chỉ tại phải hái cho đủ hai chục ký điều!” Tính ra nó đã vất vả từ 6 giờ sáng tới giờ.
Thấy nó hối hả dắt xe, mẹ hỏi với theo:
– “Trưa có về ăn cơm không con?”
Sẵn nỗi bực mình đang âm ỉ trong bụng, nó đáp cộc lốc:
– “Chưa biết!”
Thoáng chốc đã thấy bóng nó khuất xa trên con đường trải nhựa hướng về phía thị trấn. Dọc hai bên đường, hàng điều um tùm xanh thẫm đứng xếp hàng, lá cành đong đưa trong nắng gió như réo gọi cậu bạn thân quen. Nhưng vì mãi cắm cúi đạp và đạp, nó chẳng kịp nghe gì, có chăng chỉ là tiếng trống ngực thình thịch đang đập rộn lên.
Hôm nay là ngày 20 tháng 11, ngày nhà giáo Việt Nam. Lớp nó tổ chức đi thăm thầy cô đang đứng lớp. Mới đó mà đã gần tròn 3 tháng của năm học lớp 10. Thoáng nhớ những ngày đầu lóng nga lóng ngóng bước vào trường mới lớp mới, nó cười. 3 tháng đủ dài để cả bọn làm quen và nên thân. 3 tháng cũng đã đủ để lớp nó gần gũi với thầy cô mới. Hôm nay quả là hứa hẹn, cuối cùng ngày này cũng chịu đến sau bao nhiêu đợi chờ. Sẵn tiện thăm thầy cô, cả bọn có dịp bên nhau, không phải trong lớp học nhưng trên những ngã đường, tha hồ rong ruổi và khám phá cái thị trấn mới mẻ và hấp dẫn kia.
Mãi nghĩ ngợi, cổng trường đã thoáng hiện phía xa. May quá, nó thấy cả bọn hãy còn đứng kia. Chúng nó mà đi trước chắc mình độn thổ cho xong chuyện, nó vừa nghĩ vừa mừng. Ở cái tuổi mới lớn này, hình như ai cũng thấy tình bạn sao mà thiêng liêng quá đỗi. Không phải ngoại lệ, nó cũng bị hút vào một cái gì đó mà người ta gọi là tình bạn. Không chỉ là những người bạn đồng trang lứa, cô thầy của nó cũng được xem là những người bạn. Khác lắm, nếu thầy cô của những năm cấp 1, cấp 2 như mẹ như cha, thì thầy cô cấp 3 lại đóng vai bạn hữu. Những người bạn đâu cứ nhất thiết phải ngang tuổi nhau. Thầy cô của nó là những người bạn xuyên thế hệ, vừa truyền tải kiến thức, vừa đồng hành sát cánh với học sinh. Những người bạn thì dễ hiểu và chấp nhận hoàn cảnh của nhau hơn, đặc biệt với những kẻ nông nổi tuổi mới lớn như nó và chúng bạn.
Thấy đám bạn mới tới được hơn chục mạng, nó ngẩn tò te. Nó quên mất tụi này là chuyên gia “cao su” thời gian, có bao giờ đúng hẹn. Bất giác câu đáp “Chưa biết!” cụt lủn nó quẳng vào mẹ lúc nãy vang lên trong trí. “Cục” bực mình hồi sáng đã tan giờ lại bị ý thức khơi lên, lợn cợn như váng dầu loang chẳng chịu lắng xuống. Cảm giác xấu hổ bất chợt túm lấy nó như có ai vừa kéo tấm bạt phủ lên đống điều khô.
Buổi viếng thăm thầy cô vui thiệt vui. Hoa tươi, quà đẹp, bầu khí rộn rã. Lũ bạn cùng lớp cũng tận dụng thời cơ rong ruổi khắp thị trấn tới tận chiều. Riêng nó vẫn thấy “sao sao”. Cuộc chơi thì trọn vẹn, còn lòng nó thì ngổn ngang.
Đường về dẫn lối khi bóng chiều đã ngã. Ánh nắng vàng tươi sáng nay giờ đã đổi thành tím mờ ảm đạm. Gió cũng chẳng thấy reo, chỉ còn lại những tiếng xạc xào khô khốc. Hàng điều ủ dột ngã nghiêng, chút ánh sáng yếu ớt còn sót lại len lỏi trong đám lá càng tô thêm vẻ mệt mỏi của chúng sau một ngày reo vui. Nó về mặc nó, hàng điều chẳng còn muốn réo gọi chào mời.
– “Về rồi đó hả con?” – mẹ hỏi đang khi nó dắt xe vào cổng.
– “Dạ” – nó đáp nhẹ.
– “Coi tắm rửa rồi đi lễ, con. Hôm nay mẹ xin lễ cầu hồn cho ba. Mai giỗ rồi.”
– “Dạ”
Đã 10 năm qua, hôm nay là lần đầu tiên nó quên ngày giỗ của ba. Xấu hổ, giờ thêm cảm giác áy náy cứ thay nhau giày vò tâm hồn. Nếu không có những phút lắng đọng trong Thánh Lễ, có lẽ lòng nó đã nhàu nhò như tấm giẻ lau không chừng.
Nó nhớ ngày xưa, ba vẫn thường cõng nó trên vai rảo khắp rừng điều, dạy nó phân biệt cây mít với câu sầu riêng, chỉ cho nó con ngỗng khác con vịt thế nào. Những bài học đầu đời đâu có dễ, nó cười thầm. Mẹ thì ít nói hơn, và bà lại càng lặng lẽ hơn sau khi ba khuất núi. Bà nói ít nhưng lại làm nhiều. Khi vất vả cơ cực quá thì bà khóc, thế thôi. Vậy mà, nó nhận ra nó học từ mẹ nhiều hơn ai hết.
Đêm đã về khuya. Tiếng dế rỉ rích vang to hơn. Hàng điều đã ngủ mất xác từ bao giờ. Nó cũng đã say giấc, chập chờn trong đó những giấc mơ. Nó thấy chúng bạn đang hò hét. Nó thấy những bông hồng thẫm trao tặng thầy cô. Nó thấy nó đang đạp xe về trên con đường quen thuộc. Nó thấy ba, thấy mẹ. Nó lại thấy nó đạp xe trên đường, vẫy chào hàng điều thân thiết, trước giỏ xe là những bông hoa cúc trắng.
Những bông hoa cúc trắng, à, nó lại đạp xe ra thị trấn, mua lấy những bông hoa cho ngày 21 tháng 11.
Giuse Nguyễn Hữu Minh Vương SJ.