Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 03 Tháng 4 2019 07:47

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (01/4) tới CN-V MC Năm C (07/4)-

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (01/4) tới CN-V MC Năm C (07/4)

 Lm Giuse BCD, SJ

 

I.Tin Mừng Ga 4:43-54 (Thứ 2, IV-MC)
(Thứ Hai sau CN thứ IV Mùa Chay)
"Ông cứ về đi, con ông sống" (Ga 4:50).

43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.
46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! "49 Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! "50 Đức Giê-su bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt."53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

Bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành con trai ông cận vệ nhà vua ở Capernaum.

Tôi mời các bạn hãy nhìn ngắm hình ảnh người cha có con trai bị ốm nặng.

Viên sĩ quan này có tin vào quyền năng của Chúa Giê-su không? Niềm tin của ông được thể hiện như thế nào?
Để trả lời câu hỏi trên, tôi thiết nghĩ các bạn hãy chú ý câu 52 và câu 53 trong đoạn Lời Chúa hôm nay.

Chắc hẳn ông tin vào quyền năng chữa lành mọi bệnh tật trong mọi hoàn cảnh của Chúa Giê-su, nên ông tìm kiếm Người. Khi tìm được rồi, ông xin ơn lành từ Chúa.
Chưa hết, niềm tin của ông sẽ trở nên trống rỗng, vô vị, nếu ông không để tâm hồi tưởng lại những gì Chúa đã nói với ông (c.52-53): "Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: 'Con ông sống,' nên ông và cả nhà đều tin".

Khi ông nhớ lại thời khắc và ngôn từ của Chúa, niềm tin của ông được gia tăng và niềm vui của ông trở nên trọn vẹn.
Hình ảnh viên sĩ quan nhớ lại lời nói của Chúa giúp chúng ta liên tưởng tới việc cầu nguyện và sống cầu nguyện trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhớ lại những gì Chúa nói với bản thân mình chính là việc sống đời sống cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa ban thêm ơn sủng sống niềm tin và cầu nguyện với Chúa cách liên lỉ trong từng nhịp sống của chúng ta, các bạn nhé.
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng và có một ngày đầu tuần tràn niềm vui và ngập bình an của Chúa!


II. Tin Mừng Ga 5:1-3a.5-16 (Thứ 3, IV-MC)
(Thứ Ba sau CN thứ IV Mùa Chay)

Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó.
Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không? "7 Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! "8 Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! "9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát.

10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! "11 Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi! "12 Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi"? "13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! "15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.


-Bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành người đàn ông bị bại liệt 38 năm bên hồ nước Bết-da-tha.

Địa điểm Chúa chữa lành người bị bại liệt là tại một "hồ nước".
Hồ nước làm chúng ta liên tưởng tới Đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan chương 4, nơi Đức Giê-su gặp gỡ người phụ nữ Samarian bên bờ giếng Gia-cóp. Tại nơi ấy, Chúa mặc khải cho người phụ nữ biết Người chính là nguồn mạch sự sống, nguồn Nước Hằng Sống.

Hồ nước cũng làm chúng ta liên tưởng tới Đoạn Lời Chúa trong Bài đọc 1 của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay từ sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en 47:1-9 khi ngôn sứ nói về nguồn nước từ một con sông ở Đền Thờ: "nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống". Nguồn nước này có thể hiểu như một lời tiên báo về Nước Hằng Sống là chính Con Thiên Chúa.

Chúa Giê-su nhìn thấy người thanh niên bị bại liệt 38 năm ở bờ hồ Bethzatha và biết anh ta ở trong tình trạng ấy đã lâu nên chạnh lòng thương và chữa anh lành bệnh.

Có thể nói chỉ có Chúa mới có thể làm được điều đó! Chỉ có Chúa mới là Đấng có đủ quyền phép để giúp anh lành bệnh. Ngài chính là Nước Hằng Sống, Nước chảy tới đâu thì người nhận lãnh được chữa lành và có sự sống. Chúa đi tới đâu thì con người sẽ có được nguồn nước thường tồn và nhận lãnh sự sống từ nguồn nước ấy.

Bạn có thấy mình bị giam cầm nhiều năm tháng trong tội lỗi, đam mê trần tục và xa cách Chúa như người thanh niên bị bại liệt suốt 38 năm, và bạn có tin rằng chỉ có Chúa mới có thể giải cứu anh ta cũng như giải thoát chính bạn?

Chúa gặp người bại liệt ở bờ hồ như một sự tình cờ, nhưng lại đem đến ơn giải thoát cho anh như một sự an bài do lòng xót thương và sứ mạng cứu chuộc của Người khác hẳn với những người đã khiêng anh bại liệt tới bờ hồ suốt nhiều năm tháng, nhưng thiếu sự kiên nhẫn và tình thương tròn đầy, nên anh bại liệt vẫn sống trong căn bệnh trầm kha của mình. Bạn có đủ can đảm để bắt chước Chúa cất bước ra đi gặp gỡ anh chị em đồng loại và đem lại sức sống mới cho họ với tất cả con tim yêu thương và phục vụ chân tình không? Bạn có dám vượt lên trên những ràng buộc luật lệ để đem tới cho người khác niềm vui được giải thoát? Bạn có đủ khôn ngoan để kín múc nguồn nước hằng sống từ nơi Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ và thực thi bác ái công bình trong cuộc sống hằng ngày?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng và nhớ cầu nguyện cho tôi nữa!


III. Tin Mừng Ga 5:17-30 (Thứ 4, IV-MC)
(Thứ Tư sau CN thứ IV Mùa Chay)
Cho đến giây phút hiện tại này, Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương và chăm sóc con người.

Bấy giờ, Đức Giê-su đáp lại người Do Thái: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.
25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con 29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.
30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.


Bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe những gì xảy ra ngay sau khi Chúa Giê-su chữa lành người đàn ông bị bại liệt 38 năm bên hồ nước Bết-da-tha.
Đó chính là cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su với những người đồng hương thuộc tín đồ Do-thái-giáo về việc giữ luật ngày Sa-bát.

Người Do-thái dựa vào các lề luật của họ trong Sách Ngũ Thư, đặc biệt về các đoạn Lời Chúa trong Sáng-thế-ký, trong đó có nói về kiêng việc ngày Chúa Nhật. Họ hiểu rằng ngày Sa-bát không được phép làm việc gì, ngay cả cho đến bây giờ việc đi thang-máy trong ngày Sa-bát ở đất nước Do-thái cũng không cần ấn nút chọn lên xuống vì thang máy được cài đặt cách tự động khi lên xuống.

Thực tế, đúng là "ngày thứ Bảy" trong trình thuật về việc tạo dựng trời đất muôn vật thì Thiên Chúa nghỉ ngơi. Tuy nhiên, Thiên Chúa nghỉ không sáng tạo nữa, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể không ngừng yêu thương chăm sóc và quan phòng để bảo tồn và thăng hoa các tạo vật của Người.

Đây có lẽ chính là điều Chúa Giê-su muốn mặc khải cho chúng ta biết "cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Chúa Giê-su tiếp nối các công việc của Chúa Cha, đó là yêu thương, chăm sóc, chữa lành bệnh tật và mọi nỗi thống khổ của con người, để đem lại sự sống đích thực cho những ai tin và bước theo chân Ngài. Đó cũng chính là sứ mạng của Chúa Giê-su trên trần gian này: giúp con người được sống và sống dồi dào (Ga 10:10) dù phải đánh đổi sự sống nơi bản tính con người của Ngài.

Phần bạn, ngày Chúa Nhật của bạn ra sao? Bạn có dâng Chúa trọn vẹn "ngày Sa-bát" của bạn không? Bạn có học với Chúa làm việc không ngừng, nghĩa là dành ngày Chúa Nhật không chỉ để ngợi khen, cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa qua giờ cầu nguyện và Thánh Lễ, nhưng còn xả thân phục vụ gia đình, Xứ Đạo, các trung tâm chăm sóc người già và trẻ em khuyết tật..., ra đi tới những nơi còn có nhiều người chưa nhận biết Chúa để gặp gỡ và chia sẻ Đức Tin với họ?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!


IV.Tin Mừng Ga 5:31-47 (Thứ 5, IV-MC)
(Thứ Năm sau CN thứ IV Mùa Chay)

31 Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.
41 Tôi không cần người đời tôn vinh.42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?
45 Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói? "


Các bạn thân mến,
Nếu các bạn chú ý, kể từ sau Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe các bài đọc Lời Chúa từ sách Tin Mừng Gioan, để mỗi người dễ dàng chiêm ngắm Chúa Giê-su qua các cuộc tranh luận của Người với dân Do-thái.
Đó là lý do tại sao Lời Chúa trong Tin Mừng của ngày thứ Năm sau CN IV Mùa Chay đến từ sách Phúc Âm của Thánh sử Gioan.

Đoạn Lời Chúa này một lần nữa cho chúng ta nghe những lời lẽ Chúa Giê-su thuyết phục người Do-thái. Chúa muốn họ tin rằng Người chính là Đấng Mê-xi-a mà họ đang nóng lòng mong đợi.

Chúa đưa ra nhiều dẫn chứng để lý giải về nguồn gốc của Người như ông Gioan Tẩy Giả, Kinh Thánh và ông Mô-sê. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tin!

Cuối đoạn Phúc Âm hôm nay, hạn từ "TIN" được sử dụng khá nhiều. Ít nhất sáu (6) lần Chúa sử dụng hạn từ TIN.
Điều giúp chúng ta phản tỉnh về việc thiếu lòng tin vào Đấng Mê-xi-a của người Do-thái, có lẽ chính là câu "Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?"
Người ta chỉ có thể đặt trọn niềm tin vào Chúa khi họ sẵn lòng gạt bỏ mọi sự, mọi cản trở đối với lòng tin, để Chúa trở thành trung tâm của đời sống họ. Làm sao một người có thể tin Chúa khi xung quanh họ và trong con tim họ còn đầy rẫy những lôi cuốn trần tục, những quyến luyến lệch lạc, những sự mê tín dị đoan, v.v.?!

Bạn có dám gạt ra bên lề những gì cản trở niềm tin của bạn nơi Chúa? Bạn có giống như những kẻ chống đối Con Thiên Chúa khi chỉ biết tôn thờ nhau, sống trong u muội và dối trá, không dám thoát ra khỏi chính mình? Bạn cần làm gì để có thể đặt trọn niềm tin vào Chúa?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!


V.Tin Mừng Ga 7:1-2.10.25-30 (Thứ 6, IV-MC)
(Thứ Sáu sau CN thứ IV Mùa Chay)


1 Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.
2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới, Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: "Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao?26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả."28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người.29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi."
30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.


Bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay kể cho chúng ta nghe việc Chúa Giê-su nhận xét cái biết về Đấng Ki-tô của người Do-thái.

Người Do-thái tưởng rằng họ biết Đức Ki-tô là ai, xuất phát từ đâu; nhưng Đức Giê-su khẳng định họ chẳng biết gì về Đức Ki-tô: "Các ông, các ông không biết Người"! (Ga 7:28)
Khi suy nghĩ về sự nhận biết Đấng Ki-tô, hay còn gọi là Đấng Mê-xi-a của người Do-thái, các bạn có thể nhớ lại cái biết về Đức Ki-tô của Xa-tan trong Kinh Thánh. Chính Xa-tan cũng biết Đức Giê-su là ai (x. Mc 1:21-28), có khi biết chính xác hơn cả người Do-thái và những người Ki-tô hữu của thời đại này nữa.
Tuy thế, Xa-tan lại không tôn thờ Đức Ki-tô.

Cái biết về Đức Ki-tô của người Do-thái, những người đang gièm pha Đức Giê-su, là một cái biết sai lạc, nhỏ hẹp. Họ dựa vào tri thức của con người để áp đặt "tri thức" của Thiên Chúa. Thiên Chúa chẳng cần tri thức vì Người là Đấng Toàn Năng và Siêu Việt. Hơn nữa họ không nắm rõ Thánh Kinh, mặc dù trích dẫn Thánh Kinh để chứng minh gốc tích nhân tính của Đấng Mê-xi-a, trong khi ngôn xứ Mi-kha đã nói tiên tri về nơi sinh của Đấng Emmanuel tại Bê-lem khá rõ ràng (Mk 5:1) cũng như nói về thần tính của Người là "có từ thời trước, từ thuở xa xưa".

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta cũng có thể suy tư về cái biết của mình đối với Đức Giê-su.
Các bạn có thể đặt câu hỏi: "Đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?" Hoặc "Tôi có tin Đức Ki-tô chính là Đấng cứu độ tôi?" "Tôi có thực sự biết Đức Ki-tô? Tôi biết Ngài như thế nào?" "Làm thế nào chứng minh tôi biết Chúa?"
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!


VI.Tin Mừng Ga 7:40-53 (Thứ 7, IV-MC)
(Thứ Bảy sau CN thứ IV Mùa Chay)
Các thượng tế và người Pha-ri-sêu dã tâm tìm cách hãm hại

40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ."41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? "43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? "46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! "47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! "50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? "52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả."53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Đức Giê-su.


Bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay khá đặc biệt! Nếu đọc lại toàn bộ đoạn này, các bạn sẽ thấy không có sự hiện diện của Chúa Giê-su trong toàn bộ mạch văn. Các nhân vật trong đoạn Phúc Âm "Ga 7:40-53" là những người Do Thái thuộc mọi thành phần đang tranh luận với nhau.

Các bạn có thể đặt một khung cảnh là "một tòa nhà đang có nhiều người tụ họp; ở đó trong mọi tư thế và mọi cử chỉ, hành vi, lời nói khác nhau" cho bài cầu nguyện này.

Các bạn chiêm ngắm từng nhân vật và tìm hiểu xem "tại sao các thượng tế và người Pha-ri-sêu dã tâm tìm cách hãm hại Đức Giê-su"? hoặc "nguyên nhân dẫn tới cái chết của Đức Giê-su ra sao?"
Các bạn hãy xin Chúa ban ơn cho được can đảm làm chứng cho Chúa trong sự thật và sự công chính giữa cuộc sống hằng ngày.

Chiêm ngắm từng nhân vật:
Nhân vật 1: dân chúng. Cái nhìn của dân chúng về Đức Giê-su như thế nào?
Nhân vật 2: các vệ binh. Tại sao các vệ binh không tra tay bắt Đức Giê-su để làm vui lòng các nhà chức sắc Do Thái giáo?
Nhân vật 3: các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Quan điểm của họ về Đấng Mê-xi-a ra sao? Họ căn cứ vào lời Kinh Thánh để chứng minh Đấng Mê-xi-a xuất thân từ đâu, nhưng họ quên mất người dân Do Thái (và các nước khác) có quyền di tản và sống ở một tỉnh khác, không thuộc về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Phải chăng các thượng tế và người Pha-ri-sêu chỉ muốn "hạ gục" Đức Giê-su vì lòng ghen tỵ, sợ dân chúng kéo theo Đức Giê-su và họ mất hết quyền lợi? Phải chăng đó là nguyên nhân họ dã tâm tìm giết Đức Giê-su? Có phải từ sự chống báng và mưu hại Chúa, họ xem thường luôn cả anh chị em đồng loại và sẵn sàng tước đoạt danh dự người khác?
Nhân vật 4: ông Ni-cô-đê-mô. Ông Ni-cô-đê-mô là ai? (x. Ga 3) Ông thuộc về phe cánh nào? Ông có dám công khai bênh vực Đức Giê-su? Cách thức ông bênh vực Chúa ra sao? Phải chăng nhờ có dịp đối thoại trực tiếp với Chúa (còn gọi là cầu nguyện với Chúa) nên ông đã nhận biết Chúa, tin yêu Chúa, âm thầm theo Chúa và sẵn sàng làm chứng và bảo vệ Chúa?

Hình ảnh ông Ni-cô-đê-mô rất đáng giúp chúng ta phản tỉnh lại cuộc sống xã hội và đức tin của bản thân và của những người xung quanh. Ông Ni-cô-đê-mô không những đã từng gặp gỡ Chúa, đối thoại với Chúa và được Người mặc khải cho biết Mầu Nhiệm Nước Trời; mặt khác, ông còn hiểu biết luật, nên dùng sự hiểu biết ấy để tranh luận và bảo vệ người công chính và thấp cổ bé họng. Đó là một việc làm tốt và cao thượng. Để có thể bảo vệ Giáo Hội trong thời đại này, chúng ta cũng rất cần học lấy gương của ông Ni-cô-đê-mô, đó là trau dồi cho bản thân mình một tri thức về Giáo lý Đức tin và Học thuyết Xã hội cách vững chắc để bảo vệ đức tin và thăng tiến công bình cho những người anh chị em đang gặp khó khăn trong cuộc sống đức tin và xã hội, cũng như giúp Giáo Hội phần nào đương đầu với những kẻ đan tâm chống phá Giáo Hội.

Tuy nhiên, ông Ni-cô-đê-mô không dám công khai đứng về phía Đức Giê-su, Đấng vô tội và công chính. Hình ảnh này chúng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Có những Ki-tô hữu không dám xưng danh Ki-tô hữu vì sợ bị ảnh hưởng đến quyền lực, danh vọng, địa vị trong xã hội. Có những "Đảng viên vô thần" tin vào Chúa, tin vào sức mạnh của tôn giáo, tin vào sự trừng phạt của lương tâm... nhưng họ không dám công khai tuyên xưng lòng tin ấy vì sợ ảnh hưởng công việc và địa vị của họ cũng như của người thân trong gia đình họ. Vì thế, họ đành câm nín. Tôi tin rằng trong số họ cũng có những người biết tìm những cách thức gián tiếp giúp đỡ người cô thân cô thế, người bị bách hại vì sống công chính và làm chứng cho sự thật, v.v.. Những người này thật đáng thương và cần lời cầu nguyện của chúng ta để họ đủ ơn Chúa Thánh Thần mạnh mẽ tuyên xưng lòng tin và đánh đổi tất cả mọi sự trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giê-su Ki-tô và thuộc trọn về Ngài (x. Pl 3:8).

Qua từng nhân vật, từng hành động và lời nói của từng nhân vật, các bạn có nhận ra nguyên nhân dẫn tới cái chết của Đấng công chính và vô tội là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta không?
Giết người bằng gươm giáo và súng đạn bị coi là một hành động dã man và bạo lực. Nhưng nếu giết người bằng những lời nói gian dối bởi một âm mưu độc ác... thì tàn nhẫn, dã man và khủng khiếp thế nào?!
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!


VII.Tin Mừng Ga 8:2-11 (CN, V-MC Năm C)
(Chúa Nhật thứ V Mùa Chay Năm C)
"Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8:7).

Khi ấy, vừa tảng sáng, Đức Giêsu trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? "6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "
11Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! "


Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt gặp quả tang. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu nhân cơ hội này tìm cách hạ bệ Đức Giê-su bằng cách bẫy Ngài chống lại luật Mô-sê. Luật Mô-sê không cho phép ngoại tình và ai ngoại tình thì bị ném đá đến chết.
Đức Giê-su xử trí thế nào trước tình huống này?

Trước tiên, các bạn hãy chiêm ngắm cảnh vật xung quanh: con người, thời gian và nơi chốn diễn ra sự việc người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị kéo đến trước Đức Giê-su. Có bao nhiêu nhân vật trong câu chuyện này? Ai đã bắt được người phụ nữ? Người đàn ông ngoại tình với chị sao không bị xử tội, ông ta đang ở đâu và làm gì khi chị bị kết án? Phản ứng của dân chúng, các kinh sư, người Pha-ri-sêu và Chúa Giê-su ra sao? Và sau cùng, bạn là ai trong số những nhân vật này?

Có thể có rất đông người ùn ùn kéo đến xem người phụ nữ áo quần tả tơi mặt mũi thế nào, sống ở đâu... vì sự hiếu kỳ của con người.
Có tiếng la hét kết án, có tiếng thở dài thương hại, v.v..
Còn Đức Giê-su, Người phản ứng ra sao?

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?"

Họ muốn giăng bẫy Đức Giê-su vì Người hay phạm luật Mô-sê. Nếu Chúa nói tha thứ, họ sẽ sách động dân chúng chống đối Người vì Người không tuân thủ luật lệ. Nếu Chúa nói không và đồng ý với Luật dạy, thì những gì Ngài giảng dạy "phải yêu thương và tha thứ" đều bị phản tác dụng, "tiền hậu bất nhất". Và họ cũng sách động dân chúng "tẩy chay" Ngài.
Bây giờ, các bạn hãy chiêm ngắm cung cách hành xử của Chúa.

Chúa viết trên đất. Chúa viết gì? Thánh Gioan chẳng ghi lại rõ ràng, nên chẳng ai biết Chúa đã viết gì trên đất. Các tác giả Tin Mừng thường để một khoảng trống cho người đọc từ thêm vào. Bạn có thể tưởng tượng Chúa đang viết gì? Có thể Chúa viết: "Yêu là gì?", "Tội là gì?", "Luật là gì?", v.v..
Tuy nhiên, chúng ta có thể suy luận bằng lý trí để hiểu phần nào hành vi "ngộ nghĩnh" này của Chúa. Chúa muốn "câu giờ"? Chúa muốn mọi người có thêm thời gian để phản tỉnh về những suy nghĩ, cử chỉ và hành vi của bản thân? Nghĩa là, trước khi xét đoán ai thì hãy xét mình trước. Chính vì thế, Chúa mới nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8:7).

Kết quả là những người lớn tuổi bỏ đi trước hết (Ga 8:9), rồi chẳng còn ai ở lại nơi đó, ngoại trừ Đức Giê-su và người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Phải chăng đây là hình ảnh diễn tả một thế giới mới, một thế giới chỉ tồn tại người vô tội và nạn nhân của tội mà thôi? Phải chăng Chúa Giêsu đến để lặp lại trật tự thế giới này, thế giới mà từ ban đầu Chúa Cha tạo dựng là một thế giới của tình yêu và sự sống, của sự thanh khiết và bình đẳng, một thế giới không vấn vương tội lỗi? Vâng, con người ngay từ đầu là "nhân chi sơ, tính bổn thiện", còn bây giờ, con người là nạn nhân của tội. Chúa đến để phục hồi tình trạng nguyên thủy cho con người.

Thật thế, khi mỗi người có thời gian hồi tâm suy xét lại con người thật của mình, chẳng còn ai dám lên tiếng kết án người khác. Chúng ta đã, đang và vẫn thú nhận bản thân mình là tội nhân khi đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Vì thế, ai trong chúng ta không hề phạm tội? Ai trong chúng ta không là nạn nhân của tội? Ai trong chúng ta không cần yêu và được yêu? Ai trong chúng ta không cần được cảm thông, nâng đỡ và khoan hồng? Ai trong chúng ta đang thực hành Luật Yêu Thương của Chúa?

Khi yêu thương, người ta dễ dàng cảm thông, nâng đỡ, bao dung và tha thứ cho nhau. Chúa nói với người phụ nữ: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8:11) Chúa yêu thương và tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình, nhưng Người không đồng lõa với tội của người phụ nữ và cũng chẳng chấp nhận tội ngoại tình của chị, nên Người đã nói "đừng phạm tội nữa"! Một lần nữa, chúng ta lại có dịp chiêm ngắm lòng thương xót vô biên của Chúa khi con người phạm tội. Quả thực, nếu con người không phạm tội thì Chúa chẳng có cơ hội để bày tỏ lòng thương xót của Người và con người cũng khó có thể nhận ra Chúa yêu mình như thế nào!

Vâng, Chúa không muốn con người phạm tội, nhưng nếu con người lỡ lầm, sai phạm thì sao? Chúa chết để chiến thắng tội lỗi. Chỉ có Chúa mới có thể giúp con người chiến thắng tội lỗi và sống an bình, vui tươi và tự do mà thôi, như chính thánh Phao-lô đã thốt lên: "Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!" (Rm 7:24-25) Tuy thế, để đạt tới kinh nghiệm này như thánh Phaolô, mỗi người chúng ta cần có một kinh nghiệm sâu thẳm trong tương quan với Chúa, một kinh nghiệm thiết thân với Chúa để biết thật: Chúa là ai và tôi như thế nào?

Bài Tin Mừng hôm nay khá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng cầu nguyện với đoạn Tin Mừng này trong cuộc sống để lắng nghe thông điệp của Chúa. Có lẽ điểm nhấn và mấu chốt của đoạn TM này chính là khoảnh khắc nhiều người đến gặp Chúa, đứng đối diện với Chúa và chất vấn Chúa. Sau khoảnh khắc thinh lặng để nghe tiếng Chúa, họ đã được toại nguyện. Họ đã nghe tiếng Chúa. Chúa nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8:7). Thực thế, người Kitô hữu hôm nay cần đào sâu kinh nghiệm gặp Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Những người đã cầm sẵn hòn đá trên tay để ném đá người phụ nữ ngoại tình đã thả nó xuống đất và bỏ đi. Hình ảnh này khá giống với hình ảnh người con thứ trong dụ ngôn Người Cha Nhân Từ: sau khi hồi tâm và tự nhủ, anh ta đã đứng dậy đi về nhà cha. Người Kitô hữu hôm nay rất cần có những giây phút hồi tâm để xét mình và nhận định ý Chúa, để rồi có thể thay đổi lối sống và cung cách hành xử nhờ vào sự thúc đẩy của Thánh Thần. Chúng ta sẽ nhận ra con người thật của mình khi biết trân quý những giây phút tĩnh mịch, những giây phút được ở với Chúa và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần mà thôi.

Con người luôn cần có Chúa để được tha thứ và chở che, cũng như có thêm sức mạnh và niềm tin để vượt thắng cám dỗ và đam mê trên đường đời. Bạn hãy mạnh dạn xin Chúa ban ơn mà bạn đang cần khi cầu nguyện bài này và trong Mùa Chay Thánh này, bạn nhé!
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!


Lm Giuse BCD, SJ

Read 11168 times Last modified on Thứ tư, 03 Tháng 4 2019 10:33