Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 08 Tháng 4 2019 07:22

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (08/4) tới CN Lễ Lá Năm C (14/4)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (08/4) tới CN Lễ Lá Năm C (14/4)

Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Ga 8:12-20 (Thứ 2, V-MC)
(thứ Hai sau CN thứ V Mùa Chay)
"Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi" (Ga 8:19).

Khi ấy, Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."
13 Người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: "Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật! "14 Người trả lời: "Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu.15 Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả.16 Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi.17 Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật.18 Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi."19 Họ liền hỏi Người: "Cha ông ở đâu? " Đức Giê-su đáp: "Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi."
20 Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.

Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và người Pha-ri-sêu về lời chứng của Đức Giê-su khi Người nói: "Ta là Ánh Sáng thế gian" (Ga 8:12).

Người Pha-ri-sêu phủ nhận lời chứng của Đức Giê-su liên quan đến bản thân Người, vì theo luật lệ Do Thái, muốn lời chứng về bản thân có giá trị thì phải có thêm một nhân chứng. Do đó, Đức Giê-su đưa ra nhân chứng của Người là chính người Cha.

Tuy nhiên, người Pha-ri-sêu không biết Cha Đức Giê-su là ai, vì như Người nói: "Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi" (Ga 8:19).

Người Pha-ri-sêu cũng không biết Đức Giê-su là ai, mặc dù Người đã bộc bạch về chính Người cho họ biết: "Ta là Ánh Sáng thế gian".

Khi Chúa Giê-su nói "Ta là", chúng ta có thể liên tưởng tới một chủ thể quan trọng và xác quyết, và chúng ta có thể nhớ lại những từ ngữ "Ta là" trong các đoạn văn khác của Sách Thánh: "Ta là Đấng Ta Là" (Xh 3:14), "Ta là Mục Tử Nhân Lành" (Ga 10:11), "Ta là Bánh Hằng Sống" (Ga 6:35), "Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14:6), v.v.. Chúa Giê-su tự mặc khải chính thiên tính của Người cho những ai nghe lời Ngài giảng dạy. Tuy thế, người Pha-ri-sêu lòng dạ chai đá, nên chẳng hiểu và chẳng thể tin.

Từ lời chứng về chính Đức Giê-su, người ta có thể suy luận và nhận biết Người là ai và Cha Người là ai. Người chính là Thiên Chúa ("Ta là Đấng Ta Là") vì Người mang trong mình bản tính Thiên Chúa, và như thế, Cha Người cũng chính là Thiên Chúa Đấng mà dân Do Thái đang tôn thờ.

Phần bạn, bạn xem Đức Giê-su là ai? Người có quan trọng với bạn không?
Người có phải là Ánh Sáng dẫn dắt bạn trong từng nhịp sống, từng hơi thở của bạn, đặc biệt trong những thời khắc u ám của đời bạn không?
Bạn phải làm gì để chứng minh cho mọi người biết rằng bạn biết Đức Giê-su là ai và Người quan trọng với bạn như thế nào?


II.Tin Mừng Ga 8:21-30 (Thứ 3, V-MC)
(Thứ Ba sau CN thứ V Mùa Chay)
"Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Hằng Hữu" (Ga 8:28).

21 Bấy giờ, Đức Giê-su lại nói với người Do Thái: "Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được."22 Người Do-thái mới nói: "Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: "Nơi tôi đi, các ông không thể đến được"? "23 Người bảo họ: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết."25 Họ liền hỏi Người: "Ông là ai? " Đức Giê-su đáp: "Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó.26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói."27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha.28 Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người."30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Bạn thân mến,
Đoạn Lời Chúa hôm nay nối tiếp cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người Do Thái của những ngày vừa qua. Tuy nhiên, hôm nay sau cuộc đối thoại, đã có nhiều người tin vào Đức Giêsu (x. Ga 8:30).

Sỡ dĩ họ tin vào lời giải thích về gốc tích của Đức Giêsu là vì Người sẵn sàng dùng cái chết của mình để làm chứng cho sự thật, cho sự mặc khải về Thiên Chúa nơi Người: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Hằng Hữu" (Ga 8:28). Mặc dù trước đó Đức Giêsu đã biểu lộ cho họ biết về con đường Người sẽ đi và sẽ chẳng có ai muốn hoặc có thể đi theo con đường ấy nếu không có ơn Chúa: "Nơi tôi đi, các ông không thể đến được" (Ga 8:21).

Đức Giêsu khẳng định với những kẻ chống đối và không tin vào Người rằng họ sẽ mang tội lỗi của họ mà chết vì họ không tin Đức Giêsu là Đấng Hằng Hữu. còn những người tin thì hầu chắc sẽ đến được với Thiên Chúa vì đã đi hết con đường Đức Giêsu đã đi nhờ lòng tin.

Như thế, lòng tin là chía khóa sẽ cứu con người khỏi chết đời đời, sẽ giúp con người đến được với Chúa Giêsu và tìm gặp hạnh phúc đích thực. Chúng ta có đi hết con đường Chúa đã đi hay không là phụ thuộc vào lòng tin chúng ta đặt nơi Chúa. Con đường chúng ta đang đi là con đường nào, con đường của Chúa hay của ai, và chúng ta đi với niềm tin được đặt nơi Chúa hay thế lực nào khác?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!


III.Tin Mừng Ga 8:31-42 (Thứ 4, V-MC)
(thứ Tư sau CN thứ V Mùa Chay)
"Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8:31-32).

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi;32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông."33 Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do? "34 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông.38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói."39 Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham." Đức Giê-su nói: "Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm." 42 Đức Giê-su bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi."


Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe về việc Chúa Giê-su giải thích cho người Do Thái hiểu sự thật là gì.

Gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta hay nghe người ta nói về sự thật. Có người viết bài với tiêu đề gần giống nội dung trong câu Tin Mừng "Gioan 8:32": "Sự thật sẽ giải phóng chúng ta".

Có lẽ điều đó cũng đúng thôi, bởi lẽ chúng ta đang sống trong một xã hội với nhiều dối trá, lừa lọc, đặt lợi ích cá nhân lên trên con người, con người có khi bị đặt bên dưới tiền bạc, địa vị, quyền lợi, danh vọng. Người ta sẵn sàng chà đạp danh dự người khác để đạt được ước muốn xấu xa của bản thân.

Vì thế, con người sẽ đi tới chỗ khát khao Sự Thật.
Vậy, "sự thật" Chúa Giê-su muốn nói tới trong bài đọc Phúc Âm hôm nay là gì?
Nếu đọc lại đoạn Phúc Âm này cách chậm rãi, các bạn có thể sẽ đồng ý với tôi về bố cục của toàn bộ đoạn văn.
Câu 31 và câu 32 là đoạn mở đầu, hoặc câu mở bài.
Câu 33 đến câu 41 là thân bài, dùng để giải thích cho phần mở bài.
Câu 42 là đỉnh cao và cũng là phần tóm kết, nhấn mạnh ý chính của câu mở bài.
Vậy, ai đích thực là môn đệ Đức Giê-su, và Sự Thật là gì?
Các bạn hãy đọc kỹ câu "mở bài" để có câu trả lời và đọc phần "thân bài" để tìm kiếm lời giải thích.

Phải chăng người môn đệ đích thực của Đức Giê-su là người biết ở lại trong lời của Người, nghĩa là tin và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Phải chăng việc trở thành môn đệ của Đức Giê-su sẽ giúp con người sống trong "sự thật" và được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, được tự do và an bình trong Đấng Thiên Sai.

Có nhiều người hay dùng hạn từ "sự thật" khi nói, viết và suy tư, nhưng rất có thể họ không hiểu trọn vẹn sự thật là gì, và cũng rất có thể họ chẳng tìm được sự thỏa mãn trong tư tưởng khi nói về điều ấy.
Bởi vì, đối với họ, sự thật chỉ ở trên bình diện nhân bản dưới cái nhìn của một con người thuần túy.

Tiêu chuẩn của sự thật là gì? Con người có đủ khả năng để đánh giá sự thật cách chân xác và bảo toàn sự thật?
Như thế, phải làm sao để có thể thỏa mãn và no đầy khi nói về "sự thật"? Phải chăng sự thật chính là Đức Giê-su? Nói cách khác, chỉ ở trong Giê-su, con người mới có thể hiểu và sống sự thật? Phải chăng sống trong sự thật là sống trong tự do; sống trong tự do là sống trong niềm vui và hy vọng?
Ai là người có thể vươn tới sự thật đích thực? Phải chăng là những người biết tin và yêu mến Giê-su như chính Người đã quả quyết: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến" (Ga 8:42)?

Phải chăng khi tin yêu Đức Giê-su là lúc con người có khả năng lắng nghe và thực hành Lời Người và trở thành môn đệ đích thực của Người?
Có một câu chuyện về Sự Thật và Sự Dối Trá. Số là, một hôm sự thật và dối trá rủ nhau đi tắm sông. Khi tới bờ sông, dối trá nói sự thật xuống tắm sông trước đi, vì dối trá có việc phải đi. Sự thật nghe dối trá nói thì tin ngay. Khi sự thật xuống tắm, dối trá ở trên bờ đã lấy quần áo của sự thật mặc vào mình. Còn sự thật thì trần trụi ở lại bờ sông mà không dám bước ra ngoài công cộng vì ngại ngùng. Từ đó, dối trá đã khoác quần áo sự thật đi khắp thế gian mà không bị vạch trần, và mọi người thì không dám đối diện sự thật trần trụi.
Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn và giúp sức để mỗi người đều được sống trong sự thật, làm theo sự thật, suy nghĩ trong sự thật hầu mỗi người chúng ta được giải thoát khỏi sự dối trá (ma quỷ là cha của sự dối trá), và luôn là bạn của sự thật. Amen.
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!


IV.Tin Mừng Ga 8:51-59 (Thứ 5, V-MC)
(thứ Năm sau CN thứ V Mùa Chay)
"Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 8:51).

Khi ấy, Đức Giêsu nói: "tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."
52 Người Do-thái liền nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.
53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? "54 Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."
57 Người Do-thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! "58 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! " 59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp tục tường thuật cho chúng ta nghe về việc Chúa Giê-su thuyết phục người Do Thái hiểu sự thật là gì.

Hôm qua trong câu Ga 8:31, Chúa Giê-su nói: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi". Hôm nay, Chúa nhấn mạnh hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 8:51).
Như thế, việc trở thành môn đệ của Đức Giê-su là một hồng phúc lớn lao đến nỗi được sống đời đời vì không bao giờ phải chết.
Vậy, môn đệ của Đức Giê-su là người thế nào?

Môn đệ của Đức Giê-su, chính Người đã hai lần lặp lại như một lời quả quyết, là người biết "ở lại trong lời Ngài và tuân giữ lời Ngài" (x. Ga 8:31.51).
Bởi lẽ chính Chúa Giê-su cũng đã làm như thế: "tôi biết Người và giữ lời Người" (Ga 8:55) và đã mặc khải cho nhân loại điều đó: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17:3).

Cầu nguyện với Lời Chúa là đang được hưởng niềm hạnh phúc viên mãn và đang bước vào sự sống đời đời, vì đang ở lại trong lời của Chúa Giêsu Kitô. Dẫu biết thế, nhưng nhiều người chưa cảm nhận được nhu cầu "ăn Lời Chúa" mỗi ngày. Nhiều người chú trọng bữa ăn thể xác, còn thức ăn cho tâm hồn thì không quan tâm. Những gì đang diễn ra cách tiêu cực trong xã hội Việt Nam vạch trần sự thật trần trụi này. Nhiều vụ dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm kèm cướp của và giết người cứ tăng vọt mỗi ngày. Nhiều "ngôi chùa" mọc lên như nấm sau mưa và nhiều "sư thầy" chẳng hiểu gì về Phật pháp lại thuyết pháp rất hùng hồn. Dân chúng đổ xô đi cúng hạn, giải hạn, cúng dường, v.v., đến nỗi có người thiệt mạng vì sự chen lấn, xô đẩy. Có nhiều người hiểu sai Lòng Thương Xót Chúa, dẫn đến tình trạng phản lại đức tin, gây hiểu lầm và ngộ nhận về đức tin tinh ròng. Họ đi "hành hương" đến các trung tâm kính Lòng Thương Xót Chúa để xin được chữa lành bệnh tật, khổ đau... (ở giáo xứ, ở gia đình kính tôn Lòng Thương Xót Chúa không linh), nhưng họ quên rằng Chúa đã cảnh báo "các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê" (Ga 6:26), thánh Phaolô nói "Chúa họ thờ là cái bụng" (Pl 3:20)! Trong khi điều Chúa muốn là cảm nghiệm Chúa yêu, Chúa tha thứ, Chúa cho có đức tin và hy vọng để hưởng sự sống đời đời hơn là được chữa lành bệnh tật, khổ đau hoặc thoát nghèo khổ, bởi chính Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn đã đón nhận khổ đau và sẵn sàng uống cạn chén đắng theo ý Chúa Cha. Tất nhiên, nếu được chữa lành và có lòng tin thì tốt, nhưng nếu chỉ tìm Chúa để được chữa lành thì rất nguy hiểm! Nó sẽ dẫn đến tình trạng "buồn thần bán thánh", mê tín dị đoan.

Con người gồm xác (con) và hồn (người). Một người hư hỏng và làm điều xấu xa thì bị người đời quở trách: "nó không còn là người nữa!" (nghĩa là chỉ có cái xác thôi, không có hồn). Xác cần thức ăn, thì hồn cũng cần lương thực. Chính Chúa Giêsu cũng cần lương thực này là thi hành ý muốn của Chúa Cha (Ga 4:34). Để biết Chúa Cha muốn gì, người Kitô hữu cần: 1/ có tương quan gần gũi và khắng khít với Chúa (còn gọi là kinh nghiệm thiết thân với Chúa), 2/ muốn có kinh nghiệm thiết thân với Chúa thì cần sống trong cầu nguyện (cầu nguyện mỗi ngày và mỗi khi cần), 3/ tinh thần nhận định ý Chúa sau khi cầu nguyện và trong cuộc sống hằng ngày. Không có ba yếu tố này, con người sẽ rất dễ đi lạc và bị lèo lái bởi thần dữ, bởi vì thần dữ (Satan) rất tinh vi và xảo quyệt, nó có thể giả giọng thần lành (Chúa) và đột lốt thần lành để lừa gạt con người. Những gì xấu xa đang diễn ra trong xã hội như một minh chứng rằng "thần dữ đang đột lốt thần lành" quấy phá con người và đức tin Công giáo, cũng như niềm tin tôn giáo của các tín hữu khác.

Bạn có thực sự sống trong Lời Chúa và thực thi Lời Ngài mỗi ngày không? Bạn phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Đâu là sự thật bạn cần tìm kiếm giữa cuộc sống bộn bề, ngổn ngang này?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Ga 10:31-42 (Thứ 6, V-MC)
(thứ Sáu sau CN thứ V Mùa Chay)
"Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su" (Ga 10:42).

31 Bấy giờ, Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.32 Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? "33 Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."34 Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh""?35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa"?37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."
39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng."42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Bạn thân mến,
Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, tác giả Gioan kể cho chúng ta nghe biết "người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su" (Ga 10:31), bởi vì Đức Giê-su tự tuyên xưng Người là Thiên Chúa: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10:30).

Sau khi Đức Giê-su tuyên xưng Người là Mục Tử Nhân Lành, có người đã tin Người, có người không tin. Vì thế, những người không tin thì lấy đá ném Người. Còn những người tin thì muốn Đức Giê-su nói rõ ràng cho họ biết Người có phải là Đấng Ki-tô hay không.
Đức Giê-su trả lời họ rằng: "Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó " (Ga 10:37-38).

Cho dù một người có kém tin thế nào, khi chứng kiến các việc tốt lành Đức Giê-su đã đang làm cho người bất hạnh, khổ đau, bị loại trừ.... thì ắt hẳn người ta sẽ tin Người là Đấng Thiên Sai. Quả thế, sau khi nghe Đức Giê-su giải thích, "ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su" (Ga 10:42).
Như thế, vẫn còn có nhiều người chưa tin Ngài. Tại sao vậy?

Chúng ta hãy xin Chúa soi sáng để có thể trả lời câu hỏi "tại sao" này. Tại sao, vào thời Đức Giê-su và cho đến bây giờ, vẫn còn có nhiều người chưa tin Đức Giê-su là Thiên Chúa đến thế gian để giải thoát con người, giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, đưa con người vào một thế giới của sự thật, sự tự do và niềm vui bất tận. Chúng ta phải làm gì để cộng tác với Chúa Giê-su giúp cho những ai chưa tin Người có được lòng tin nơi Người như chúng ta?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!


VI. Tin Mừng Ga 11:45-57 (Thứ 7, V-MC)
(thứ Bảy sau CN thứ V Mùa Chay)
"Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ" (Ga 11:47).

45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta."49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? "57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp theo sau biến cố Chúa Giê-su làm cho anh La-da-rô chết bốn ngày được sống lại. Chứng kiến phép lạ diệu kỳ này của Chúa, nhiều người đã tin vào Ngài. Tuy nhiên, những kẻ không tin hoặc vì lòng ganh tỵ thì lại tìm cách hãm hại Chúa.

Qua những mưu đồ giết hại Chúa của các thượng tế và người Pha-ri-sêu, chúng ta dễ dàng cảm nhận sâu xa hơn nguyên nhân dẫn tới cái chết của Chúa. Họ bàn tán với nhau: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta" (Ga 11:47-48).

Như thế, chỉ vì lòng ganh tỵ và lợi ích cá nhân mà các thượng tế và người Pha-ri-sêu đan tâm giết hại Chúa. Gốc rễ của tội lỗi là từ đây, rất giống với câu chuyện phạm tội của tổ tiên loài người trong Sách Sáng Thế ký chương 3. Con người không chỉ ganh tỵ với nhau nhưng còn dám ganh tỵ với Thiên Chúa. Ganh tỵ với Thiên Chúa chính là sự kiêu ngạo và bất phục tùng. Vì thế, tội lỗi sản sinh tội lỗi, tội này chất chồng lên tội khác.
Con người phải làm gì để được giải thoát khỏi TỘI?

Nếu Con Thiên Chúa không giáng thế, không chịu nạn, chịu chết và sống lại thì liệu con người có được giải thoát? Không có Chúa, con người biết nương tựa vào đâu? Không có Chúa, ai sẽ là người đưa ra những tiêu chuẩn và kiểu mẫu để sống cuộc đời thánh thiện, để vượt lên trên luật của tội và có khả năng sống luật mới, luật yêu thương?
Nhờ có Đức Giê-su, con người có một nguồn cậy trông và an ủi vững chắc cho cuộc sống tạm bợ nơi dương thế này để hướng tâm hồn về cõi phúc vĩnh hằng. Nhờ lời Đức Giê-su, con người biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và tìm gặp nguồn vui, tự do và bình an đích thực cho đời mình.

Nhờ tấm gương chịu nạn, chịu khổ, chịu sỉ nhục và bị khinh chê của Chúa Giê-su, con người được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua "bể khổ" của đời mình và giữ vững niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống đời sau hạnh phúc và vinh quang. Không có niềm tin tôn giáo, con người sẽ sống trong một thế giới loạn lạc, giết chóc, các giá trị bị đảo lộn (con người không bằng cái Iphone, con người trở nên hàng hóa...), tự hủy diệt lẫn nhau.

Tạ ơn Chúa, chúng ta có niềm tin và là một niềm tin vào Con Thiên Chúa Đấng đã hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Hãy tìm đến Người để gặp được niềm vui và bình an, tự do và sự thật, để được giải thoát khỏi "tham-sân-si" và lòng ghen tỵ.
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII. Tin Mừng Lc 22:14-23:56 (CN Lễ Lá, Năm C)
(Chúa Nhật Lễ Lá - Mùa Chay Năm C)

"Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!" (Lc 19:38).

Bạn thân mến,
Hôm nay, chúng ta chính thức bước vào Tuần Thánh, tuần lễ cao điểm tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng đang ở trong Năm C của chu kỳ Phụng vụ. Vì thế, các bài đọc Tin Mừng được trích từ sách Tin Mừng Luca. Trong phần Nghi Thức Rước Lá, chúng ta sẽ nghe Cha chủ tế đọc Lc 19:28-40; còn trong Thánh Lễ, chúng ta được nghe lại Trình thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa theo Tin Mừng Luca (Lc 22:14-23:56).

Cuộc Thương Khó của Chúa đều được ghi lại trong cả bốn sách Tin Mừng. Mỗi Tin Mừng có một cách diễn tả khác biệt và độc đáo về sự kiện này. Do đó, Tin Mừng Luca cũng sẽ có những nét riêng của mình. Luca là một thầy thuốc và thiên về những vấn đề xã hội; vì thế, Tin Mừng của Luca cũng mang dấu ấn xã hội tính với những mối tương quan liên vị và sự tha thứ của Chúa dành cho những con người yếu đuối như Phê-rô và tên gian phi (kẻ trộm lành): trước tiên là hình ảnh ông Si-môn người Ky-rê-nê vác đỡ thập giá, thứ đến là hình ảnh Chúa an ủi những người phụ nữ khóc thương Chúa, sau cùng là tên trộm lành được Chúa xót thương và cho hưởng vinh quang với Người. Các bạn hãy đọc chậm rãi toàn bộ Cuộc Thương Khó trong Tin Mừng Luca để cảm nếm những khổ đau Chúa phải chịu và phản tỉnh lại cuộc sống đức tin của mình.

Sau khi chiêm ngắm Cuộc Khổ Nạn của Chúa, các bạn có thấy xấu hổ và ăn năn về những gì mình đã sai phạm mất lòng Chúa không? Các bạn sẽ làm gì để sống một Tuần Thánh ý nghĩa và có nhiều niềm vui thiêng liêng trong Chúa Chịu Nạn? Các bạn có nhận thấy những gì thánh Phao-lô kinh nghiệm trong Thư Gửi Tín Hữu Do Thái của ngài rất thánh thiêng và sâu xa, và các bạn có tâm đắc với những tâm tình của ngài: "Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần" (Dt 4:14-16)?

Thật là một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta, nhất là những ai đang chịu khổ đau, bất hạnh và vác thánh giá nặng nề, bởi lẽ chúng ta biết rằng những đau khổ và nhục nhã chúng ta đang chịu lúc này thì hơn 2000 năm trước Con Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta đã chịu trước và đã vượt qua. Ơn huệ lớn lao cho chúng ta, những người tin vào Đức Giê-su, là luôn có Người đồng hành và nâng đỡ, an ủi và tăng thêm sức mạnh để bước theo Ngài tới cùng. Chúng ta không bước đi trong cô độc, nhưng chúng ta luôn có Chúa ở cùng và sẵn sàng san sẻ gánh nặng cho chúng ta.
Cầu chúc các bạn có một Tuần Thánh tràn ngập ơn an ủi của Chúa và sốt sắng tham dự các giờ Phụng vụ tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa!

Tâm sự với Chúa:

Lạy Chúa Giê-su chịu đóng đinh,
Chúng con thật hạnh phúc khi hàng năm có một Mùa Chay.
Mùa Chay không chỉ nhắc nhớ chúng con cải đổi tâm trí,
nhưng còn là dịp giúp chúng con
tháp nhập vào con đường khổ giá của Chúa.
Mùa Chay không chỉ là cơ hội
để chúng con thức tỉnh con tim hèn yếu, trở về bên Chúa,
nhưng còn là dịp giúp chúng con
dự phần vào bàn tiệc thánh của Chúa.

Mỗi lần dâng lễ,
chúng con được uống chung Chén Máu Chúa
và chia sẻ Thân Thể Chúa,
được nuôi dưỡng bởi Mình Máu Thánh Chúa.
Đó là kết quả siêu việt của tình yêu Chúa,
của sự phục tùng và hy sinh của Chúa,
của việc hoàn tất chén đắng cứu chuộc của Chúa.

Nếu chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa cùng chia sẻ một chén đắng,
thì dường như điều đó trở nên dang dở, thiếu trọn vẹn
bởi vì đối tượng của mầu nhiệm cứu chuộc
là chính nhân loại chúng con.
Nếu có thêm một thụ tạo của Ba Ngôi Thiên Chúa
cùng uống chung chén đắng ấy
thì tuyệt vời và trọn vẹn biết bao!

Nếu chén đắng chúng con cần uống
là sự khổ đau, cô đơn, bần cùng, thất bại, gian nan,
bị sỉ nhục, khinh khi, miệt thị,
bị đối xử bất công và phi nhân,
gia đình ly tán, con cái lười biếng, bướng bỉnh,
vợ chồng thất nghiệp, bất mãn, vô sinh…
thì xin Chúa giúp chúng con đón nhận
và uống cạn chén đắng ấy
như là một cơ hội quý giá
giúp chúng con cùng chia sẻ
chén đắng của Ba Ngôi Thiên Chúa,
cùng dự phần vào mầu nhiệm khổ giá,
bước theo Chúa gần gũi hơn
trên suốt chặng đường lên đỉnh đồi Can-vê.
Amen.

Lm Giuse BCD, SJ


 

Read 10738 times