Đức Mẹ có chết trước khi được hồn xác lên trời không?
Posted by Ban Biên TậpGiáo Hội đến nay vẫn không tuyên tín chính thức Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh có phải chết trước khi được Chúa rước hồn xác lên trời hay không, kể cả bản tuyên bố tín điều của Đức Giáo Hoàng Piô XII cũng không khẳng định chuyện này. Tuy nhiên, đa số các Thánh trong Giáo Hội đều nhất trí rằng Đức Mẹ đã chết và được chôn cất trước khi được rước lên trời.
Niềm tin Đức Mẹ hồn xác lên trời, cũng như niềm tin về việc Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, đã có từ thời sơ khai, tuy nhiên được duy trì như một niềm tin không bắt buộc suốt thời gian dài. Mãi đến ngày 1/11/1950, Đức Thánh Cha Piô XII mới chính thức ban bố tông hiến Munificentissimus Deus, định tín tín điều “Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh Maria, sau khi hoàn tất quãng đời trần gian, đã được mang cả thân xác và linh hồn lên vinh quang thiên đàng”. Biến cố này được mừng trọng thể vào ngày 15/8 hàng năm.
Tông hiến không đề cập đến chuyện Đức Mẹ đã có chết về thân xác trước khi được Thiên Chúa đem lên thiên đàng hay không. Tất cả những gì được nói đến là “sau khi hoàn tất quãng đời trần thế.” Như thế, đức tin Công Giáo không đòi buộc tín hữu tin về việc Đức Mẹ có chết hay không trước khi được lên trời, chỉ cần tin chính xác Đức Mẹ đã hồn xác lên trời.
Tuy nhiên, tông truyền lại có một điểm dị biết: Các tín hữu Đông Phương mừng lễ “An giấc của Mẹ Thiên Chúa” vào ngày 15/8 chứ không phải lễ Mẹ hồn xác lên trời.
Sách Giáo Lý cho chúng ta biết một đoạn kinh trong nghi lễ Byzantine: “Khi sinh con Mẹ vẫn giữ trinh sạch; khi lìa trần, Mẹ không rời trần thế, lạy Mẹ Thiên Chúa, nhưng đã được kết hiệp cùng nguồn Sự Sống. Mẹ thụ thai Thiên Chúa hằng sống và, nhờ lời cầu nguyện, sẽ dẫn đưa linh hồn chúng con qua khỏi sự chết.”
Nhiều Giáo Hoàng và các tài liệu Giáo Hội đã đề cập đến những mầu nhiệm này, trong đó nhiều nguồn khẳng định Đức Maria đã trải qua cái chết thân xác trước, mặc dù không hề trải qua bất kỳ sự hư hại nào.
Chính Đức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến việc Đức Mẹ chết 5 lần khác nhau. Ví dụ, trong cùng tài liệu định tín tín điều Mông Triệu, ngài viết “Xác Đức Trinh Nữ Maria hồng phúc được ơn nhục thân bất hoại, nhưng … Mẹ đã đạt được sự chiến thắng cái chết, vinh quang thiên quốc theo gương Người Con Duy Nhất của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô.”
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng Đức Maria đã trải qua cái chết thể xác trước khi được rước lên trời. Ngày 25/06/1997, trong buổi tiếp kiến chung, ngài nói: “Để chia sẻ sự phục sinh của Chúa Kitô, Đức Maria cũng phải chia sẻ cái chết của Người trước.”
Từ thế kỷ VI, chúng ta có kinh Gregory Tours nói về việc Đức Mẹ lìa trần và sự mông triệu như sau: “Sau khi đời sống trần thế được Đức Maria Diễm Phúc hoàn tất, khi ấy Mẹ được gọi khỏi trần thế, tất cả các Tông Đồ Thánh từ nhiều vùng trở về quy tụ quanh Mẹ. Và khi họ nghe biết rằng Mẹ sắp được cất khỏi thế giới, họ chăm chú nhìn Mẹ. Và kìa, Đức Chúa Giêsu cùng các thiên thần của Người ngự đến, đón lấy linh hồn Mẹ, Người dẫn linh hồn ấy đến thiên thần Micaen và về trời.
Vào chiều tà, các Tông Đồ đặt thân xác Mẹ vào vải liệm và đặt vào mộ; họ bảo vệ mộ và chờ đời Chúa đến. Và kìa, Đức Chúa lại xuất hiện giữa họ; và thân xác thánh được đón nhận, Chúa truyền mang thân xác Mẹ vào đám mây để lên thiên đàng: bấy giờ, sau khi hiệp nhất cùng linh hồn, Đức Maria mừng vui cùng những người được Chúa chọn, và trở thành niềm vui của những người lành đến mãi mãi không cùng.”
Một điều quan trọng cần nhớ: Chúa Giêsu thăng thiên bởi quyền năng của chính Người là Thiên Chúa. Đức Mẹ Maria lên trời bởi được Chúa mang lên, không phải bởi quyền năng của Mẹ.
Giáo lý chung kết như sau (GLHTCG 967): “Nhờ việc hoàn toàn gắn kết cùng thánh ý Cha trên trời, cùng công trình cứu thế của Con Người, cùng mọi nhắc nhở của Thánh Thần, Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành gương mẫu đức tin và đức mến. Bởi thế Mẹ là một “thành viên ưu việt và hoàn toàn độc nhất của Giáo Hội”; cũng vậy, Mẹ là “gương mẫu quy chiếu” của chính Hội Thánh.”
Theo Larry Peterson, Aleteia
Gioakim Nguyễn dịch