Ngày lễ này có từ thế kỷ 12. Lễ được các đan sĩ Xitô và Servites[1] rao truyền đặc biệt, đến nỗi vào thế kỷ 14 và 15, lễ đã được cử hành trong nhiều Giáo phận Công giáo. Năm 1482, lễ được thêm vào Sách lễ với danh hiệu “Đức Mẹ Sầu Bi.” Đức Bênêđíctô XIII đã thêm lễ này vào Lịch Công giáo Rôma năm 1727 vào ngày Thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá. Năm 1817, Đức Piô VII – chịu đau khổ trong cảnh lưu đày nhưng cuối cùng được giải thoát nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria – đã mở rộng ngày lễ này cho Giáo hội hoàn vũ. Năm 1913, Đức Giáo Hoàng Piô X ấn định ngày này vào ngày 15 tháng 9.
Tước hiệu “Đức Mẹ Sầu Bi” tập trung vào các nỗi thống khổ của Đức Maria trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, luôn luôn kết hợp Đức Mẹ với Người Con đau khổ của Mẹ. Lễ này được cử hành như kết thúc tuần bát nhật mừng sinh nhật Đức Mẹ mùng 8 tháng 9.
Như thế, ít nhất kể từ thế kỷ thứ mười hai, người Công giáo đã nhận ra bảy sự kiện trong cuộc đời của Đức Maria đã gây ra nỗi đau buồn lớn cho Mẹ. Đó là lý do tại sao hình ảnh Đức Mẹ Maria với tư cách là Đức Mẹ Sầu Bi thường cho thấy Mẹ với bảy thanh gươm xuyên thủng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Đôi khi Mẹ cũng được biểu trưng bằng một trái tim có cánh bị đâm bằng bảy thanh kiếm. Những thanh kiếm tượng trưng cho những nỗi đau buồn của Mẹ.
Bảy nỗi đau buồn của Mẹ Maria:
Lời tiên tri của Simêon (Luca 2: 25-35)
Trốn sang Ai Cập (Mátthêu 2: 13-15)
Lạc mất Hài Nhi Giêsu trong ba ngày (Luca 2: 41-50)
Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu trên đường lên đồi Canvê (Luca 23: 27-31; Gioan 19:17)
Cuộc đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu (Gioan 19: 25-30)
Tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thập giá (Thánh vịnh 130; Luca 23: 50-54; Gioan 19: 31-37)
Táng xác Chúa Giêsu (Isaia 53: 8; Luca 23: 50-56; Gioan 19: 38-42; Máccô 15: 40-47)
Ngày lễ này được dành để tôn vinh cuộc tử đạo thiêng liêng của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và sự thông phần của Mẹ với những đau khổ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Con của Mẹ. Trong sự đau khổ của mình, Mẹ nhắc nhở chúng ta về sự xấu xa khủng khiếp của tội lỗi và chỉ cho chúng ta con đường hoán cải thật.
Tình yêu là điều đã cho Đức Mẹ can đảm để chấp nhận lời tiên tri của Simêon.
Chúng ta có xu hướng nghĩ về Đức Maria là Mẹ Sầu Bi trong Mùa Chay. Qua Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Mẹ đã ở đó, đứng dưới chân Thập giá cùng với Tông đồ Gioan. Mẹ đã được nhắc đến hai lần khi chúng ta suy niệm các chặng Đường Thánh Giá – ở chặng Thứ Tư, khi Mẹ gặp Con Mẹ trên đường đến Golgotha và ở chặng Thứ Mười Ba khi xác Chúa Giêsu được đặt trong vòng tay của Mẹ. Cũng trong Mùa Chay, chúng ta hát và cầu nguyện với bài Stabat Mater, Mẹ đứng đó, một bài thánh ca Latinh thời trung cổ mô tả nỗi buồn khủng khiếp của Mẹ Maria trước sự đau khổ của Con Mẹ. Thật khó để không nghĩ đến Mẹ Maria khi chúng ta chiêm ngưỡng cuộc Khổ nạn và cuộc Đóng đinh của Chúa chúng ta.
Về mặt đó, thật phù hợp khi Lễ Tưởng niệm Đức Mẹ Sầu Bi diễn ra một ngày sau Lễ Suy tôn Thánh Giá, được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 9. Vào ngày đó, chúng ta kỷ niệm việc thánh Helena tìm thấy Cây Thánh Giá Thật vào thế kỷ thứ tư và sự tôn kính Thánh Giá trong suốt nhiều thế kỷ kể từ đó. Vào Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta tôn kính Mẹ của Đấng bị đóng đinh để biết ơn về những đau thương khủng khiếp mà Mẹ đã phải chịu đựng chính khi Con Mẹ phải chịu đựng.
Nhưng, đó không phải là nỗi đau buồn duy nhất mà Mẹ Maria phải chịu đựng, và đó không phải là nỗi đau buồn duy nhất mà chúng ta tôn vinh trong ngày lễ này.
Bảy nỗi buồn này đã được ông Simêon báo trước trong Đền thờ khi ông gặp Thánh Gia trong buổi lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh:
“Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.” Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Luca 2: 25-35)
Những người phụ nữ phải chịu đựng như thế trong cuộc đời là rất nhiều! Tuy nhiên, Mẹ Maria không phải là một trong những người phụ nữ khác theo cách đó; Mẹ là người phụ nữ được Thiên Chúa lựa chọn để sống niềm vui và đau khổ cùng với Con Thiên Chúa. Niềm vui làm mẹ Con Thiên Chúa đi kèm với trách nhiệm lớn lao và cũng đi kèm với nỗi đau buồn lớn lao. Cùng với niềm vui và nỗi buồn lớn lao của Mẹ là tình yêu lớn lao – đối với mỗi người chúng ta như những đứa con của Mẹ. Đây là điều mà Chúa của chúng ta đã xin Mẹ, khi Chúa Giêsu bị chết treo trên Thập giá, Ngài đã xin Mẹ trở thành Mẹ của tất cả nhân loại. Tình yêu là thứ đã cho Mẹ lòng can đảm để chấp nhận lời tiên tri của Simêon. Tình yêu là thứ đã cho Mẹ sức mạnh để nắm lấy từng nhát gươm khi nó đâm vào trái tim Mẹ. Ở đây tình yêu là thứ đã thôi thúc Mẹ chấp nhận lời xin trong cơn hấp hối của Con Mẹ. Tình yêu là điều thúc đẩy Mẹ tiếp tục quan tâm đến chúng ta một cách dịu dàng, vô hạn và trung tín.
Tại Fatima, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, trong phép lạ mặt trời xoay, ba trẻ đã thấy Mẹ Thiên Chúa của chúng ta hiện ra với tư cách là Đức Mẹ Sầu Bi. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta đọc thấy Đức Mẹ Sầu Bi dưới chân thập giá chứng kiến Con Mẹ chết. Hầu hết các tài liệu cho bài viết này được lấy từ Tôi Tớ Đáng Kính Fulton J. Sheen, Tổng Giám Mục hiệu tòa Newport, xứ Wales, (qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979), đặc biệt là cuốn sách của ngài có tựa đề “Mối Tình Đầu Của Trần Thế”. Đó cũng là danh hiệu mà Đức Tổng Giám mục Sheen đã dùng để gọi Đức Mẹ. Đức Tổng Giám mục Sheen cho biết ngài lần hạt Mân Côi mỗi ngày trong đời, và kể từ ngày chịu chức, ngài không bao giờ không dâng thánh lễ mỗi thứ Bảy để kính Đức Mẹ, để tạ ơn và bảo vệ ơn gọi linh mục của mình. Ngài cũng dành một giờ mỗi ngày trước Thánh Thể. Điều này cho thấy tình yêu và lòng sùng kính đối với Đức Mẹ dẫn đến Con của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô!
Nếu bạn muốn biết và yêu Chúa Giêsu nhiều hơn, hãy tìm hiểu và yêu Mẹ Ngài nhiều hơn. Thánh Louis de Montfort nói: “Linh hồn càng được thánh hiến cho Đức Maria thì càng được thánh hiến cho Chúa Giêsu!”
Nhưng Mẹ Maria là ai? Kiệt tác tuyệt đẹp này trong sự sáng tạo của Thiên Chúa là Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai. Mẹ được tạo thành mà không có vết nhơ của tội nguyên tổ trong linh hồn Mẹ. Mẹ không bao giờ ở dưới quyền lực của Satan bất cứ lúc nào. Ý chí của Mẹ luôn kết hợp hoàn hảo với Thánh Ý Thiên Chúa. Làm thế nào khác được, sự thù địch giữa Mẹ, giữa người phụ nữ và ma quỷ, giữa dòng dõi của Mẹ và dòng dõi của ma quỷ như được trích dẫn trong sách Sáng thế ký, “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân”. (Sáng thế ký 3: 15)
Sự đau buồn lớn lao của Mẹ là chứng kiến Con Yêu dấu của Mẹ chết trên thập giá và không thể chết thay cho Ngài. Nhưng nỗi đau khổ lớn nhất của Đức Mẹ là sự vô ơn của con người đối với sự hy sinh và cái chết lớn lao của Chúa Kitô. Chỉ mình Mẹ biết và hiểu hoàn toàn những gì Chúa Kitô đã chịu đựng để cứu rỗi chúng ta. Chỉ một mình Mẹ nhận ra và thấu hiểu nỗi kinh hoàng của tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng nhân từ, là tình yêu và lòng thương xót vô hạn. Chỉ một mình Mẹ hoàn toàn hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự tốt lành; con người được tạo ra từ hư không, không thể tự mình làm điều tốt lành. Tất cả những gì chúng ta làm, tất cả ân sủng chúng ta sở hữu, đều đến từ Thiên Chúa. Để ân sủng đó hoạt động trong chúng ta, chúng ta phải hợp tác với ân sủng.
Món quà duy nhất mà chúng ta hoàn toàn sở hữu và có thể dâng lên Thiên Chúa là ý chí tự do của chúng ta, và Đức Mẹ biết điều này. Đó là lý do tại sao trong các sách Tin Mừng, khi Thánh Isave nói, “Em có phúc giữa các người phụ nữ,” (Luca 1: 42). Mẹ Maria đáp lại, “Linh hồn tôi tung hô Chúa và thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Ngài là Đấng Thánh đã làm cho tôi những điều cao cả và Danh Ngài là Thánh” (Luca 1: 46-49).
Tình yêu của Mẹ dành cho nhân loại rất lớn vì Mẹ yêu chúng ta như Thiên Chúa yêu chúng ta. Tình yêu của Mẹ dành cho chúng ta được thể hiện một cách tuyệt vời trong Bảy Sự Thương Khó của Mẹ. Truyền thống kể rằng trái tim của Mẹ Maria đã bị đâm bảy lần với bảy nỗi đau thương như bẩy thanh gươm. Điều này tạo thành bảy tầng mộ của Mẹ. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Sheen nói rằng bảy thanh gươm này thực sự là bảy nhát đâm của một con dao hai lưỡi — thanh gươm là chính Chúa Giêsu Kitô — một cạnh đi vào Thánh Tâm của Ngài trước tiên và một cạnh đi vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Đức Tổng Giám mục Sheen nói tiếp, một Đức Mẹ không đau khổ cùng với một Chúa Kitô đau khổ sẽ là một Đức Mẹ không tình yêu. Có người nào yêu thương ai mà lại không muốn chia sẻ nỗi buồn đau của người mình thương? Mẹ Maria không thể lau đi những giọt nước mắt của những đứa con của mình nếu chính Mẹ không phải là nguồn suối của những đứa con đó. Mẹ xứng đáng với tước hiệu Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta không thể dự phần vào Vinh quang của Chúa Kitô trừ khi chúng ta dự phần vào cuộc đóng đinh của Ngài.“ Ðức Kitô Giêsu, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!”. (Philíphê 2: 6-8) “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” (Công vụ Tông đồ 14: 22). Việc trở thành Mẹ Thiên Chúa không miễn trừ cho Đức Maria luật hy sinh này.
Trái tim của Mẹ Maria nên một với Trái tim của Người Con Thần Linh của Mẹ. Nỗi đau buồn của Mẹ không phải vì những gì Mẹ phải chịu, mà vì những gì mà Người Con Thần Linh của Mẹ phải gánh chịu. Tình yêu không bao giờ nghĩ đến bản thân. Nếu Chúa Giêsu thuộc về tội nhân, thì Mẹ cũng thuộc về tội nhân như vậy.
Lạy Thiên Chúa, khi Mẹ Maria đứng dưới chân Thập giá treo Chúa Giêsu, lưỡi gươm của nỗi thống khổ mà Simêon đã báo trước đã đâm vào tâm hồn Mẹ. Xin cho muôn vàn giọt nước mắt của Mẹ Thiên Chúa sinh ơn ích cho phần rỗi chúng con; những giọt nước mắt của Mẹ có thể rửa sạch tội lỗi của cả gian trần.
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn. Cầu cho chúng con.
Ðức Bà bầu chữa kẻ có tội. Cầu cho chúng con.
Ðức Bà yên ủi kẻ âu lo. Cầu cho chúng con.
Ðức Bà phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con.
Biên tập: Phêrô Phạm Văn Trung
Nguồn tham khảo:
https://www.catholicculture.org
https://www.ncregister.com/blog
https://www.bluearmy.com/the-seven-sorrows
[1] Hội dòng Servite là một trong năm hội dòng Công giáo có nguồn gốc là Khất sĩ. Các mục tiêu của hội dòng này là thánh hóa các thành viên, rao giảng Tin Mừng, và truyền bá lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa, đặc biệt liên quan đến những nỗi thống khổ của Mẹ. Các thành viên của Dòng sử dụng tên tắt OSM (Ordo Servorum Beatae Mariae Virginis) làm danh hiệu của mình. Các nam tu sĩ được gọi là Anh em Servite hoặc Tôi tớ của Đức Maria.