Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương
Posted by Ban Biên Tập
D. Kulandaisamy và Y. Karunanidhi
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,25-27).
Nền tảng Thánh Kinh
Như chúng ta đã thảo luận trước đó, Đức Maria trải nghiệm tính dễ bị tổn thương ở dưới chân thập giá, khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho môn đệ Ngài thương mến (x. Ga 19,25-29). Từ điển Oxford định nghĩa “sự dễ bị tổn thương’ như là ‘bị đặt vào nơi có khả năng bị tấn công hoặc bị làm hại, về mặt thể lý hoặc cảm xúc”. Một người dễ bị tổn thương là ‘người cần sự chăm sóc, sự hỗ trợ, hoặc sự bảo vệ đặc biệt vì những nguyên do như: tuổi tác, tàn tật, hoặc có nguy cơ bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi’. Đức Maria trở thành người dễ bị tổn thương, bởi vì Mẹ sẽ lệ thuộc vào lòng xót thương của người môn đệ yêu dấu. Lệ thuộc vào lòng xót thương của người khác là một nỗi đau lớn.
Ý nghĩa hiệp hành
Cẩm nang và Tài liệu Chuẩn bị đặt trước chúng ta những người dễ bị tổn thương như là những người bị lạm dụng về mặt kinh tế, tình dục, và quản trị[1]. Cẩm nang đặt tình trạng những người dễ bị tổn thương trong bối cảnh của sứ mạng: “Trong Giáo hội, bối cảnh cũng được đánh dấu bằng những đau khổ mà các trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương phải chịu “vì bị lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, và lạm dụng lương tâm do một số đáng kể các giáo sĩ và người thánh hiến gây ra”[2].
Đức Thánh Cha “mời gọi tất cả chúng ta cùng tham gia tiến trình hiệp hành, dù là người dễ bị tổn thương hoặc người bị gạt ra bên lề xã hội”[3].
“Đón nhận tính dễ bị tổn thương trong tiến trình Hiệp hành” là chủ đề chính của Đại hội lần thứ 22 của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Thượng cấp Dòng nữ (USIG), tổ chức từ ngày 2-6/5/2022, tại Rôma. Chủ đề này được USIG chọn, khi đối diện với tình trạng dễ bị tổn thương mà nhân loại đang trải qua do đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ucraine, v.v… Đó là một tấm gương tốt cho toàn thể Giáo hội thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến những người dễ bị tổn thương trong hành trình hiệp hành của chúng ta.
Đón nhận tính dễ bị tổn thương không phải chỉ thể hiện sự bao dung đối với nó mà còn có nghĩa chấp nhận nó và để nó biến đổi cuộc sống của chúng ta. Điều đó củng cố niềm tin và hy vọng của chúng ta vào Chúa. Điều đó cũng mở ra những con đường để xây đắp những tương quan mới của yêu thương và bác ái. Như thế, đón nhận tính dễ bị tổn thương làm chúng ta trưởng thành hơn trong tương quan với chính mình, với Chúa và với tha nhân.
Sau đây là một vài đoạn Thánh Kinh để suy tư, có thể giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với những người dễ bị tổn thương:
“Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho kẻ mồ côi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17).
“Người tử tế sẽ được chúc phúc, vì đã đem cơm bánh cho người nghèo” (Cn 22,9).
“Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ.” (Cn 31,8-9).
“Ngài giải thoát bần dân kêu khổ, và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo Người ra tay cứu độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ Người đều coi là quý” (Tv 72, 12-14).
“Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi thăm” (Mt 25,35-36).
Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC
Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”
Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections
[1] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần 1.1. và Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 6.
[2] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần 1.1.
[3] Ibid., phần 2.1.