Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 05 Tháng 3 2015 16:21

Thánh Giuse, người công chính

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thánh Giuse, người công chính

Dẫn nhập

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thánh Giuse có một vai trò quan trọng, dù rằng gương mặt của thánh nhân xuất hiện rất ít lần trong Tin mừng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không biết về con người của ngài, về phẩm tính nơi ngài. Ngay lần xuất hiện đầu tiên trong Tin mừng Mátthêu, tác giả Tin mừng đã giới thiệu thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1,19). Sự khẳng định này đã gây cho độc giả nhiều thắc mắc: tại sao tác giả Tin mừng Mátthêu lại gọi thánh nhân như thế? Phải chăng do ngài thuộc dòng dõi vua Đavít hay do địa vị là cha nuôi của Đức Giêsu? Để hiểu rõ ý của tác giả, chúng ta cần làm rõ “công chính” ở đây được hiểu như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi tại sao tác giả Mátthêu gọi thánh Giuse là người công chính, chúng ta gặp thấy một số cách giải thích khác nhau: thứ nhất, do ngài đã giữ luật Môsê; thứ hai, do ngài đối xử công bình đối với Đức Maria; thứ ba, do ngài không muốn lãnh nhận đứa con của một người cha vô danh; thứ bốn, do ngài không muốn làm cha của một con trẻ mà ngài biết là do Thiên Chúa[1]. Với các cách giải thích như thế, chúng ta chọn nghĩa nào? Chúng ta thấy, trong bốn cách giải thích trên, ba cách đầu giải thích theo nghĩa pháp lý nên gọi là “công chính theo nghĩa pháp lý”; còn cách thứ bốn người ta gọi là “công chính tôn giáo”[2]. Vì thế, ở đây, chúng ta trình bày qua hai mục: (1) Phải chăng thánh Giuse là người công chính theo nghĩa pháp lý? (2) Sự công chính theo nghĩa tôn giáo.

1. Phải chăng thánh Giuse là người công chính theo nghĩa pháp lý?

Chúng ta biết rằng: “công chính” trong Cựu ước thường được hiểu theo nghĩa là công bằng: công bằng trong xã hội, công bằng trong việc trung thành với Lề luật, hay là chỉ về phần thưởng của đức công bình, hoặc là theo nghĩa thực hành đức khôn ngoan[3]. Theo nghĩa này, những người công chính là những người trung thành tuân giữ và thực thi Lề luật, tức là công chính theo nghĩa pháp lý. Vậy, phải chăng sự công chính của thánh Giuse cũng hiểu theo nghĩa này? Đọc đoạn văn Mt 1,18-25, chúng ta thấy rằng sự công chính của thánh Giuse không phải theo nghĩa pháp lý này.

Thật vậy, trong Lề luật, không có khoản luật nào đòi buộc phải bỏ vị hôn thê khi bị coi là ngoại tình (x. Đnl 22, 13-21.23-27; 24,1). Mặt khác, như tác giả Mátthêu trình bày, thánh Giuse định tâm bỏ Maria cách kín đáo, điều này cũng không hợp với Lề luật. Bởi vì, hành vi rẫy vợ chỉ có giá trị pháp lý khi làm một cách công khai (x. Đnl 22,15). Ý định bỏ Đức Maria “một cách kín đáo” của thánh Giuse cũng là một điều khó hiểu. Nhưng dẫu sao với ý định hành xử của thánh Giuse, chúng ta nhận thấy sự công chính nơi ngài không hiểu theo nghĩa là vâng phục Lề luật.

Đọc Mt 1,19: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”, chúng ta thấy mệnh đề “là người công chính”: Diễn tả bản chất con người của Giuse, đứng trước hai mệnh đề “không muốn tố giác” và “định tâm bỏ bà cách kín đáo”: Diễn tả hành động của Giuse. Với cách viết như thế, cho phép chúng ta hiểu rằng: Vì Giuse là người công chính nên ngài mới không muốn tố giác Đức Maria và định tâm bỏ đi cách kín đáo. Vì thế, không phải vì những việc làm mà ngài được gọi là công chính nhưng vì ngài công chính nên ngài mới xử sự như vậy. Do đó, nếu hiểu những người trung thành làm những gì Luật dạy là người công chính thì sự công chính của Giuse không hiểu theo nghĩa này. Vậy, sự công chính của thánh Giuse hiểu theo nghĩa như thế nào? Điều này sẽ được làm rõ trong phần sau đây.

2. Sự công chính theo nghĩa tôn giáo

Trên đây, chúng ta đã khẳng định sự công chính của Giuse không phải là sự công chính theo nghĩa pháp lý. Phải chăng, thánh Giuse công chính là do không muốn làm cha của một con trẻ mà ngài biết là do Thiên Chúa? Vậy, điều này được giải thích như thế nào?

Có tác giả cho rằng, sự công chính của Giuse là “sự công chính tôn giáo”, vì ngài tôn trọng việc Thiên Chúa làm nơi Đức Maria và không dám nhận lấy những công trạng từ một hành động của Thiên Chúa. Tự mình, thánh Giuse nghĩ là ngài không được phép đưa về nhà một người đã được Thiên Chúa dành riêng cho Ngài, vì làm như thế là có vẻ chiếm đoạt một vai trò mà Thiên Chúa không trao cho ngài. Vì thế, đứng trước mầu nhiệm cao cả này, thánh Giuse muốn rút lui, và vì tế nhị do “đức công chính” đối với Thiên Chúa, ngài đã không “deigmati,sai: phổ biến” mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao trùm Đức Maria. Thánh Giuse đã phản ứng như tất cả mọi người công chính trong Kinh Thánh khi nhận ra Thiên Chúa đang can thiệp vào trong lịch sử dân ngài, như: Aben, Môsê, Isaia,… Giuse cũng tỏ ra là người trung thành thờ phượng Thiên Chúa.

Cách giải thích này rõ ràng hơn khi chúng ta đọc trong bối cảnh toàn chương 1 của Tin mừng Mátthêu. Thật vậy, Mt 1,1-17 trình bày gia phả của Đức Giêsu, bắt đầu từ Abraham ngang qua vua Đavít rồi tới Giuse. Tới Giuse, chúng ta gặp một vấn đề đó là Đức Giêsu không phải là con của thánh Giuse theo xác thịt. Do đó, mục đích của Mt 1,1-17 là muốn trình bày Đức Giêsu thuộc về dòng dõi vua Đavít. Trong đoạn 2 của chương 1, sứ thần đã nhắc lại cụm từ “con cháu vua Đavít” và truyền cho Giuse phải thi hành sứ điệp là đón nhận Đức Maria, đồng thời có bổn phận là đặt tên cho Đức Giêsu. Như vậy, cả hai đoạn văn này đều có một mục đích trình bày thánh Giuse là cha của Đức Giêsu về mặt pháp lý. Chính trong bối cảnh này, chúng ta thấy thánh Giuse đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, nhận ra vai trò của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa nên ngài đã mau mắn và thực thi sứ mệnh.

Một lý chứng khác bảo vệ cho lối lập luận trên là từ “ga,r: vì, quả thế” trong câu nói của thiên thần: “Này ông Giuse…, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì quả thật người con bà cưu mang là do quyền năng Thánh Thần” (Mt 1,20). Liên từ “ga,r” cũng có khi được dịch là “quả thật”. Vậy khi nói như thế, chúng ta hiểu rằng thánh Giuse đã biết chuyện thụ thai cánh mầu nhiệm nên ngài định rút lui cách kín đáo. Tuy nhiên, với liên từ “de: nhưng, dù sao”, cho phép chúng ta hiểu rằng: Thiên Chúa truyền cho ông “dù sao” (Mt 1,21) cũng hãy chấp nhận và đặt tên cho con trẻ. Khi thực hiện như thế, thánh Giuse đã đưa con trẻ Giêsu vào dòng dõi vua Đavít.

Kết luận
Việc tìm hiểu, học hỏi bản văn Kinh Thánh để rút ra cho mình bài học là điều rất cần thiết. Thế nhưng, có những đoạn văn rất khó hiểu và có thể giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Cho nên, chúng ta cần phải truy tầm và suy gẫm để tìm ra đâu là nghĩa chính mà tác giả Tin mừng muốn diễn tả. Như bản văn nói về “sự công chính” của Giuse chẳng hạn, chúng ta thấy có ít là bốn cách giải thích khác nhau. Xem ra, người ta thường nhìn theo nghĩa của Lề luật là đối xử công bình để gán cho sự công chính của Giuse. Tuy nhiên, với những gì trình bày trên đây, “sự công chính” của thánh Giuse không phải hiểu theo nghĩa này. Sự công chính của thánh Giuse ở đây được hiểu theo nghĩa tôn giáo, tức là ngài luôn trung thành thờ phượng Thiên Chúa, luôn tìm kiếm và thực thi theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, bài học cho mỗi Kitô hữu hôm nay là biết luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, tôn trọng các kế hoạch của Ngài nơi mình và nơi tha nhân, nhạy bén với những sự cao cả thẳm sâu và sự hiện diện gần gũi của Ngài trong những biến cố lớn nhỏ của cuộc sống hàng ngày.

[1] Xc. Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin mừng Chúa Giêsu theo thánh Mátthêu, Mai khôi: 2004, tr. 39.
[2] Xc. FX. Vũ Phan Long, Các bài Tin mừng Mátthêu dùng trong Phụng vụ , Hà Nội: Tôn giáo, 2007, tr.22.
[3] Xc. Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, quyển I, Đà Lạt: 1971, tr. 344-347.

Tác giả bài viết: Lm. Đaminh Trần Hành

Nguồn: gpbuichu.org

Read 1122 times Last modified on Thứ hai, 09 Tháng 3 2015 16:49