Nếu kiêu ngạo là mối tội đầu của các thứ tội lỗi hư đốn, dẫn con người vào chỗ thất bại đủ mọi chuyện trên đời, và dẫn vào cõi chết muôn thu, thì khiêm nhường là khởi điểm mọi nhân đức thơm tho thiện hảo, là chìa khóa của mọi thành công trong mọi lĩnh vực ở đời thường, và là lối hẹp tuyệt vời dẫn con người vào cõi sống hạnh phúc bình an trong Thiên Chúa.
Bởi Thiên Chúa là Thiên Chúa khiêm nhường. Nước Thiên Chúa là của những ai hiền lành và khiêm nhường như Đức Giê-su Ki-tô hiền lành khiêm nhường. Thiên Chúa khiêm nhường chiến thắng quỷ Sa-tan kiêu ngạo. Ai còn kiêu ngạo thì người ấy còn thuộc về Sa-tan. Ai dứt khoát chia tay với lòng kiêu ngạo và mặc lấy lòng hiền lành khiêm nhượng của Chúa Giê-su, người ấy thuộc về Thiên Chúa.
Triều thần thiên quốc là loài thọ tạo khiêm nhường được vui hưởng ánh thiên nhan rạng ngời của Thiên Chúa, an bình, hạnh phúc, vĩnh cửu.
Mẹ Maria khiêm nhường, Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Thánh Giuse khiêm nhường, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Các Thánh Nhân là những con người vượt qua cái tính kiêu ngạo hư đốn, và đạt tới sự khiêm nhường đáng quý đáng chuộng đáng được Chúa thương ban thưởng Nước Chúa.
Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người sống với Người, trong Người, nhờ sức sống của Người, là sống khiêm nhường, yêu thương, và nối tiếp công cuộc cứu rỗi do lòng khiêm nhượng và tình yêu của Người đã thực hiện.
Đức khiêm nhường là vẻ đẹp thường hằng của Thiên Chúa.
Đức khiêm nhường là khởi điểm của lòng thương xót bất chấp loài người tội lỗi, vô ơn, đáng trừng phạt, bất chấp loài người cả gan đạp mũi nhọn, cả gan chống lại Đấng Tác Thành, bất chấp “chiếc bành sành nổi loạn đòi làm ông thợ gốm”.
Đức khiêm nhường là chìa khóa vạn năng, là uy quyền của Thiên Chúa Tình Yêu.
Đức khiêm nhường là vũ khí chiến thắng Sa-tan kiêu căng cùng bè lũ mê muội theo lời ton hót, nịnh nọt, dối trá. lừa đảo của chúng vẫn thường dẫn con người tới chỗ ảo tưởng
Về phần mình, con người hãy có lòng khao khát thuộc về Thiên Chúa. Những ai muốn được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào công cuộc của Người, đều là những người khiêm nhường. Nhớ câu nói của Pascal: “Bạn muốn tin, hãy quỳ gối xuống”.
Khổ thay cho con người, cứ tưởng mình vĩ đại. Khốn thay cho con người, tự nhận tất cả đời mình là của mình, là bởi mình. Ngông cuồng thay cho con người không muốn mình phải lệ thuộc ai, nhưng cứ muốn ai cũng phải lệ thuộc mình. Hoang tưởng thay cho con người, chỉ là một hat bụi mong manh, mà nghĩ mình thống trị thế giới, chỉ là một đóa phù dung sớm nở tối tàn, mà tưởng mình tồn tại tới thiên thu vạn đại.
Đó là chiêu thức của Sa-tan. Sa-tan muốn lôi kéo con người về phía không tin Thiên Chúa, bất cần Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, bằng việc làm cho con người tự khẳng định mình là tất cả, là tuyệt hảo.
Cái tôi của con người chúng ta vẫn thể hiện trong đời thường tưởng như rất bình thường mà thực ra không bình thường chút nào, mà thực ra chúng ta đang bị cuốn vào vòng chiêu dụ của con quỷ kiêu ngạo. Có thể ví dụ đơn giản nhất về chuyện cần một lời khen.
Có câu chuyện đời thường này:
Thấy cô bạn cùng hội đoàn mình có nhiều cái đầm đẹp lắm, cô kia quyết bằng mọi giá sắm cho bằng được một cái đầm đắt tiền, thật đẹp, thật nổi, thật hot… Từ sáng sớm, cô ta đã mặc cái đầm mới, dạo ra trước nhà, mong có ai qua lại khen cho cô một câu. Chẳng nghe một câu nào, chẳng thấy ai nói gì. Mãi đến nửa buổi, có bà hàng xóm đi ngang qua hỏi: “Cô ơi, có thấy con heo của tui xổng chuống chạy qua đây không”. Cô trả lời. “Từ khi tui mặc cái đầm mới tới giờ hổng có con heo nào chạy ngang đâu nghen”. Rồi cô thầm thì trong miệng: “Người đâu dễ ghét, thấy mặc cái đầm mới mà hổng nói được câu nào cho dễ nghe, lại còn hỏi heo hỏi qué”. Buồn ý, cô lấy xe đi chợ, mang cái đầm mới, giày mới, choàng cổ mới, đeo kiếng mới…. Chạy một vòng về, cô ta lại thở ra: “Cái loài người gì mà mất lịch sự, thấy người ta mang đồ đẹp, lại nguýt bên này, háy bên kia, hỏng nói gì, còn chỉ trỏ, xoi mói… chán thật”
Thế đó, nhất thiết chi phải tìm một chút khen tặng thoáng bay, chắc gì ai đó đã thật lòng, rồi để cho lòng mình phải dày vò, cắn rứt. Ai làm cho mình bất an? Có phải con quỷ kiêu ngạo trong lòng mình đang quấy nhiễu?!
Câu chuyện khác:
Thấy con nhỏ nhà ai kia mới về xóm này sống, mà phát ghét. Ai cũng khen nó đẹp tự nhiên, ngoan hiền, dễ thương. Bực bội. Từ ngày em sửa cái mũi, em nâng cái ngực, chẳng thấy ai thèm khen em đẹp hơn một chút, lại âm thầm chửi em chảnh chó, nghĩa là sao?
Tốn mớ tiền triệu triệu, lại chuốc vào mình cái bất an, bất hạnh.
Không thiếu những người làm việc ở các đoàn thể công giáo tiến hành lại chưa được học về Đức Khiêm Nhượng, nghĩa là vẫn còn duy trì, phát triển, bành trướng cái kiêu ngạo của mình theo chiều hướng đi lên cùng với chức vụ, công việc. Thiết tưởng chưa cần nói đến cách kiêu ngạo to tát, chỉ cần nhắc đến những chuyện nhỏ nhặt nhất, cũng đủ thấy phải đặt lại vấn đề. Chẳng hạn, làm gì cũng phải cần phải có tiêng khen, có người ca tụng, bằng không, hoặc lại còn có người góp ý, chê bai, thì nản chí, bỏ việc.
Không thiếu gì người làm được tí tí cho hội đoàn, cho giáo xứ, lại lên mặt đạo đức, dạy đời thiên hạ, chê bai kẻ này người kia, lại còn muốn đánh bóng mình, tự phô trương tên tuổi mình, tự sướng với những thành tích tưởng là của mình.
Lễ trọng, lễ bổn mạng, lại thành lễ hội. Hội này phải tổ chức to hơn hội kia. Hội kia phải bài bản, nghiêm túc hoàng tráng hơn hội nọ. Làm ông này bà kia trong giáo xứ, trong hội đoàn mà tự nhận mình là độc nhất vô nhị, không ai thay thế được, sẽ không ai làm được bằng mình.
Thật là nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn của những con người làm việc tông đồ mà còn mang nặng tính kiêu ngạo. Và không chỉ nguy hiểm cho bản thân người kiêu ngạo, mà còn nguy hiểm cho sự hiệp nhất, yêu thương, bình an của cộng đoàn, của hội đoàn. Tôi còn nhớ rõ từng lời của Nghĩa Phụ tôi, một cha già 90 tuổi, kinh nghiệm gần 60 năm làm linh mục, rằng: “Chỉ cần hai người làm việc trong giáo xứ mà có tính kiêu ngạo, thì giáo xứ đó nát bét. Và ma quỷ cũng biết rõ điều đó”.
Ma quỷ cũng biết rõ điều đó. Bởi chính ma quỷ là chủ mưu.
Người tin Chúa Ki-tô phải sống hiền lành khiêm nhượng như Chúa Ki-tô.
Là thành viên các hội đoàn càng phải hiền lành khiêm nhượng như Chúa Ki-tô.
Cách riêng, hội viên Legio, thiết tưởng, là những người được ơn gọi làm chiến sĩ cho Mẹ Maria Khiêm Nhường, chiến sĩ cho Chúa Ki-tô Khiêm Nhường, hẳn phải là những con người luyện tập từng ngày, chiến đấu từng ngày, để mỗi ngày mỗi tiến dần và tiến gần đến Đức Khiêm Nhường Viên Mãn của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su, của Mẹ Maria Nữ Vương Rất Thánh bởi Đức Khiêm Nhường tuyệt đối.
Thinh lặng tìm gặp Chúa, kín đáo khôn ngoan trong sinh hoạt, bảo mật những công việc được giao và hoàn thành, giữ lòng trí luôn hướng về Chúa, giữ miệng lưỡi khỏi vướng điều tự tôn tự cao, kết hiệp hoàn toàn với Mẹ Maria trong tin tưởng và yêu mến… Có thể nói tất cả đều nhằm đến một Đức Khiêm Nhường tuyệt hảo nơi chiên sĩ của Mẹ.
Khiêm nhường để nhờ sức Chúa chiến thắng chính mình
Khiêm nhường để nhờ ơn Chúa chiến thắng mọi âm mưu của ma quỷ.
Thế nhưng,
Thiết tưởng, những chiến sĩ của Mẹ hãy luôn nhớ rằng: Sa-tan kiêu ngạo luôn bám sát những chiến sĩ của Mẹ Maria để làm thất bại công cuộc cứu rỗi. Những chiến sĩ của Mẹ Maria luôn trong tầm ngắm của ma quỷ. Chỉ cần sơ hở, thiếu cảnh giác một tí, là Sa-tan có thể đánh quỵ một chiến sĩ, rồi vài chiến sĩ…khi chiến sĩ ấy cần một tiếng khen, cần có người biết đến công trạng, không khác gì cách tìm tiếng khen của cô trên kia vừa sắm được cái đầm mới.
Thứ năm tuần thánh vừa rồi, tôi gặp một chị kia chở con đi lễ thật sốt sắng, sau bao năm công khai bỏ nhà thờ nhà thánh, bỏ bí tích, lại còn vướng những tội rối rắm công khai. Cả bụng mừng. Tôi kể lại niềm vui này với một chiến sĩ của Mẹ nghe. Anh ta liền chỉ tay vào mình và nói: “Nhờ tụi em đó”. Tôi thực sự không hài lòng về cách tự nhận thành tích ấy là của mình, của chiến sĩ ấy.
Tôi cũng kể lại niềm vui này cho một chiến sĩ của Mẹ ở một Praesidium khác. Anh ta nói: “Cái nố đó bọn em đã đi mòn đường chết cỏ mà không chịu ngã ngũ gì, giờ may mắn, được việc, mấy ổng lại lên mặt dạy đời bọn em: “mòn đường chết cỏ mà chi, tại vì không biết ăn nói nên có được gì đâu”.
Thật đáng tiếc, cả người đi mòn đường chết cỏ, với cả người thu hồi về cho Chúa một linh hồn, đều chưa nhận ra cái vô dụng của mình trong công cuộc cứu rỗi. Lại còn chuốc vào mình cái tội không ngợi khen Chúa, lại ngợi khen mình, không xác nhận do ơn Chúa, lại lấy cắp ơn của Chúa làm thành tài sức của mình. Thế thì mình còn công trạng chi trước mặt Chúa?. Sợ người ta quên, không ghi công mình sao? Sợ không biết đến, nhớ đến, kể đến nỗ lực của mình sao? Đức tin của người chiến sĩ có vẻ yếu kém không? Tất cả cũng chỉ vì còn để cho Sa-tan kiêu ngạo nó khống chế lòng mình, trong khi mình vẫn đã là người tận hiến cho Mẹ, Mẹ Khiêm Nhường
Thiết tưởng, với những trường hợp đáng vui mừng tương tự như trên đây, người chiến sĩ của mẹ hãy nói đơn giản thôi mà tuyệt vời nhất:
-Ồ! Tạ ơn Chúa. Không ai có thể cưỡng nổi lời mời gọi của Chúa.
-Ồ! Kỳ diệu quá. Chuyện Chúa làm.
-Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
-Hoặc kết hợp với Mẹ Maria, Nữ Vương Yêu Dấu của mình mà hát thầm trong lòng lời kinh Catena, kinh Magnificat, rất khiêm nhượng, rất thánh thiện: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…”.
Ước gì, chuyện sơ hở, chuyện thiếu cảnh giác vừa nêu, chỉ là chuyện hiếm có trong sinh hoạt của những người đã tận hiến cho Mẹ Maria Khiêm Nhường. Và ngược lại, ước gì, sức mạnh khiêm nhường hiệp nhất của những người tận hiến làm chiến sĩ cho Mẹ, nhờ Mẹ, tiếp tục thu hồi lại cho Thiên Chúa những linh hồn mà Chúa đang mòn mỏi, khát khao.
Tất cả là bởi Chúa.
Tất cả bởi ân sủng của Thiên Chúa nhờ sự đồng hành của Nữ Vương Khiêm Nhượng Chiến Thắng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức việc chúng con đang làm là “việc phải làm” cho vinh danh Chúa, không phải “việc thích làm” cho vinh danh chúng con. Nguyện xin Chúa ban cho chúng con, cách riêng cho những chiến sĩ của Mẹ được ơn Khiêm Nhường, được phúc bình an, vui sống trong niềm vui thánh thiện của Thiên Chúa, như niềm vui của Mẹ Maria Khiêm Nhường, Nữ Vương Yêu Dấu. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 13-4-2018