Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 21 Tháng 5 2018 12:03

Đức Maria – hình mẫu của đối thoại

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đức Maria – hình mẫu của đối thoại

Con người kể từ khi sinh ra đã là sống nhờ và sống cho người khác. Không ai tự mình đến cõi đời này để sống như một hòn đảo. Cuộc sống như vậy liệu còn có ý nghĩa gì? Tuy mỗi người đến và đi theo những cách thế khác nhau, nhưng tất cả đều chung chia một khoảng thời gian cư lưu trên mặt đất này. Do đó, hành tinh này trở thành ngôi nhà chung cho tất cả những ai nhận mình là “NGƯỜI”. Bởi vậy, để có thể cùng nhau bảo vệ ngôi nhà chung này, mỗi người cũng nên học cách để tôn trọng nhau và cùng nhau hành động để xây dựng cho ngôi nhà chung này mãi là nơi đáng sống. Thiết tưởng, con người cũng cần phải biết cách để đối thoại với nhau trong hành trình làm “người” đầy huyền nhiệm này. Khi chiêm ngắm hình ảnh của Đức Maria trong Thánh Kinh, tôi nhận thấy mình có thể học nơi Mẹ một kiểu mẫu đối thoại hữu hiệu cho mọi cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau.

Động lực vì tình yêu và niềm vui

Có lẽ biến cố Mẹ đi thăm viếng được kể lại trong Tin Mừng của thánh sử Luca (Lc 1: 39-56) được xem là bản lề và điển hình cho cuộc gặp gỡ giữa hai con người. Mẹ đến với bà chị họ Elizabeth với một tâm tình yêu mến và muốn chia sẻ niềm vui của bà khi được Chúa đoái thương cho mang thai vào lúc đã cao niên. Mẹ ra đi cách vội vã để chỉ mong được đồng cảm và chung chia niềm vui của ơn cứu độ với gia đình của bà. Niềm vui ấy được thể hiện qua lời chào của Mẹ: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần”. Một niềm vui thẳm sâu tự nơi một con người đã ý thức mình được Thiên Chúa yêu. Điều này được thể hiện rõ nét nơi bài ca Magnificat mà Mẹ cất lên khi được bà Elizabeth ca tụng. Mẹ ngợi khen tình yêu nhưng không của Thiên Chúa khi đoái trông tới phận hèn tớ nữ. Mẹ luôn ý thức rằng những gì mình có hay mình là cũng đều từ nơi Chúa. Mẹ đầy tràn niềm hoan lạc khi được Chúa “sủng ái” (Lc 1: 28), khi có Chúa ở cùng. Vì thế, mẹ muốn đến với gia đình bà Elizabeth để chia sẻ tình yêu và niềm vui ơn cứu độ đó với những ai tin vào tình thương và kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chỉ những người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa mới có thể chung chia niềm vui với Mẹ. Bà Elizabeth là người đã có chung niềm vui ấy với Mẹ Maria. Hẳn là Thiên Chúa yêu mỗi người cách riêng bởi hết thảy những ai là “người” đều là hình ảnh của Ngài. Dẫu vậy, chỉ những ai ý thức mình được Thiên Chúa yêu mới cảm nhận được niềm vui và mới chia sẻ niềm vui với tha nhân trong mọi cuộc gặp gỡ. Mẹ Maria có được niềm vui vì ý thức được Thiên Chúa yêu. Niềm vui của Mẹ không gì có thể lấy mất được, ngay cả khi Người Con Một là Chúa Giêsu phải chết tủi nhục trên thập giá. Mẹ vẫn không một lới oán trách những kẻ đã âm mưu và hành hình Chúa Giêsu. Mẹ vẫn cùng những “môn đệ bỏ thầy” kiên trì cầu nguyện để xin Chúa ra tay. Để làm được điều nay, hầu chắc là Mẹ đã có kinh nghiệm về việc để cho ý Chúa được thể hiện.

Để ý Chúa được thực hiện

Khởi đi từ biến cố truyền tin, Mẹ đã thưa với Sứ Thần tiếng “xin vâng” để ý Chúa được thể hiện. Cũng vì Mẹ ý thức rằng có Chúa ở cùng nên Mẹ nỗ lực làm những điều Chúa muốn. Điều Chúa muốn có gì khác hơn ngoài công trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đó là làm cho con người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, chính Đức Mẹ cũng đã phải để Ngài thực hiện những gì Người muốn chứ không phải là những gì Mẹ muốn. Điều mâu thuẫn nhưng không nghịch lý là ở chỗ, Thiên Chúa lại tôn trọng tự do của con người trong ý muốn của Ngài. Chính vì thế, chỉ khi mở lòng ra để chiêm ngắm và lắng nghe, mỗi người mới có thể cảm nhận được sự hiện diện và kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Có những biến cố tưởng chừng như Thiên Chúa vắng bóng, nhưng thực ra lại là lúc Ngài đang hiện diện cách sâu xa nhất. Chẳng hạn, việc Con Một Ngài sai đến là Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá là một sự ngu dại và điên rồ trước mắt những kẻ vô tín, nhưng lại là quyền năng và dấu chỉ biểu lộ tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Dường như Mẹ Maria phải là người sống tâm tình chiêm ngắm và lắng nghe cách thế Thiên Chúa nói với nhân loại qua các dấu chỉ của thời đại, đặc biệt là nơi Chúa Giêsu – Người Con Yêu Dấu của Cha, Mẹ mới có thái độ từ mẫu khi đón nhận mọi biến cố xảy ra với mình, với gia tộc và dân tộc của mình để tìm biết ý Chúa, và để cho ý Chúa được thành tựu.

Dù muốn hay không, con người cũng được sinh ra và được trao ban quyền cai quản thế giới này từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Do đó, trong mọi tư tưởng, lời nói và hành động của mình, mỗi người phải tìm và để cho ý Chúa được thể hiện. Hẳn là Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn con cái mình âm mưu, hãm hại và chém giết nhau. Vậy nên trước khi hành động điều gì, nếu mỗi người xét thấy việc làm của mình gây hại cho người khác hay cho ngôi nhà chung mà nhân loại được trao phó, thì hành động đó chắc chắn không phải là ý Chúa. Đây là một dấu hiệu căn bản và là giao điểm cho mọi cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa con người với nhau, hầu xây dựng một ngôi nhà chung cho mọi dòng dõi những ai tin vào tình yêu và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trong đó, Đức Mẹ là điển mẫu cho mọi cuộc đối thoại trên hành tinh xinh đẹp này.

Đào Anh Tuấn, S.J.

Read 1683 times Last modified on Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 12:13