Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 17 Tháng 7 2018 09:06

Thánh Đaminh Đinh Văn Đạt, tử đạo ngày 18 tháng 7 năm 1839

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thánh Đaminh Đinh Văn Đạt, tử đạo ngày 18 tháng 7 năm 1839

 

Thánh

Đaminh ĐINH VĂN ĐẠT

Binh lính (1803 - 1839)

Ngày tử đạo: 18 tháng 7

Tôi phó dâng bà và các con cho Chúa. Chúa sẽ lo liệu cho bà và các con.

Thánh Đaminh Đinh Văn Đạt sinh năm 1803 tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu). Ông Đạt là một người lính có đời sống gia đình êm ấm.

Năm 1838, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh bị vua Minh Mạng triệu về kinh đô Huế và nặng lời khiển trách vì không tích cực thi hành lệnh cấm đạo.

Quan tổng đốc triệu tập binh lính dưới quyền tham dự một bữa tiệc khao quân. Khi tiệc tàn, quan tổng đốc long trọng nhắc lại lệnh cấm đạo của nhà vua và chỉ thị mở hai cánh cửa. Cánh cửa bên phải có đặt Thánh Giá trên mặt đất. Người lính nào chấp nhận đạp lên ảnh tượng thì được về với vợ con. Cánh cửa bên trái cho bày dụng cụ gia hình, gông cùm, xích xiềng dành cho những binh lính không chịu đạp lên ảnh tượng.

Một số lớn binh lính Công giáo đã nhắm mắt đạp lên ảnh Chúa. Chỉ có 15 quân nhân Công giáo can đảm giữ vững đức tin, tiến ra cánh cửa có sẵn xích xiềng và bị tống giam vào ngục tối.

Trong cảnh tù tội, bị roi đòn tra tấn, bị đánh vào đầu các ngón tay, con số 15 binh lính Công giáo từ từ giảm sút. Họ chấp nhận đạp ảnh thánh, công khai bỏ đạo để trở về đoàn tụ với gia đình và lãnh thưởng.

Trong số này có ba khuôn mặt nổi bật là Đinh Văn Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể. Quan tổng đốc cười thoả mãn, trình tấu với triều đình về kết quả chối đạo của tất cả binh lính Công giáo dưới quyền ông.

Dù có những giây phút lầm lỡ, nhẹ dạ chối đạo để được về với gia đình, nhưng lương tâm người lính Đinh Văn Đạt bị cắn rứt không nguôi, tâm hồn bất an vì đã nhát đảm chối Chúa.

Đối diện với những ánh mắt nghi kỵ và tránh né của các tín hữu trong giáo xứ, ba người lính Đinh Văn Đạt, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể muốn thể hiện sự thống hối. Các ông đã ăn chay, đền tội và can đảm đến quan tổng đốc xin trả lại những đồng tiền thưởng, cùng tái tuyên xưng niềm tin. Quan không nhận tiền, cũng không chấp nhận việc tuyên xưng đức tin vì đã trính tấu về triều đình. Quan bảo nếu muốn tái tuyên xưng đức tin thì phải về kinh đô Huế trình đơn.

Hai người lính Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể lên đường về kinh trình đơn tuyên xưng đức tin cho chính mình, và đại diện cho cả Đinh Văn Đạt vì phải theo đội binh không thể đồng hành.

Sau gần ba tuần lễ đi bộ, hai ông vào đến kinh thành. Nhân ngày tốt, vua Minh Mạng xuất hành, hai người lính can đảm đón đường, quỳ lạy và dâng sớ xin được tái tuyên xưng đức tin. Khi nhận đơn, vua bừng bừng nổi giận, hạ lệnh tống giam cả hai vào ngục.

Thừa lệnh vua, quan thượng thư bộ hình khuyến dụ, hứa hẹn cho họ chức tước, bạc tiền nhưng không thể làm biến đổi niềm tin sắt son. Hai vị chứng nhân đức tin, Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể, đã lãnh án tử ngày 12/06/1839 tại cửa biển Thuận An.

Anh lính Đinh Văn Đạt, người cùng đơn xin tái tuyên xưng đức tin, cũng lãnh chung bản án tử hình. Anh hùng đức tin Đinh Văn Đạt bị kết án xử giảo ngày 18/07/1839. Trên đường ra pháp trường Nam Định, khi gặp lại mặt vợ và con thân yêu, ngài nói: “Tôi không thể yêu quý bà và các con hơn Chúa được. Làm thế là không xứng đáng làm môn đệ Chúa Kitô. Tôi phó dâng bà và các con cho Chúa. Chúa sẽ lo liệu cho bà và các con chúng ta”.

Thi hài của ngài được an táng trong vườn nhà người anh cả. Đến khi hết lệnh cấm đạo, các tín hữu cải táng ngài về Đền thánh Phú Nhai.


Người lính Ðinh Văn Ðạt được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988., tử đạo ngày 15 tháng 7 năm 1855

 

 

VP HĐGMVN



Read 823 times Last modified on Chủ nhật, 12 Tháng 8 2018 07:35