Đau khổ và niềm vui hy vọng trên đường hiệp hành
Posted by Ban Biên Tập
TMĐP- Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi mỗi người Kitô hữu đặt hết niềm tin vào mầu nhiệm Hiệp Hành của Dân Chúa. Đó là mầu nhiệm của Niềm Vui Hy Vọng trên đường Hiệp Hành của dân Chúa.
Con đường Hiệp Hành của Giáo Hội không bao giờ là con đường thẳng băng, thông thoáng, không khó khăn, không chướng ngại. Nhưng không vì thế mà đường Hiệp Hành của Giáo Hội trở nên sầu buồn, thê lương, bi thảm, vắng bóng thiếu nữ Sion cất cao lời hoan ca chúc tụng (x. Xp 3, 14), thiếu tiếng cười dòn dã của đám trẻ thơ tung tăng, nhẩy chân sáo theo cha mẹ lên Đền Thờ, như cậu bé Giêsu mười hai tuổi năm xưa cùng cha mẹ lên Giêrusalem (x. Lc 2,41-42), vì bản chất của Hiệp Hành là Niềm Vui Hy Vọng, và chiều dài của Hiệp Hành là Niềm Vui từng ngày được lớn lên theo bước chân Hy Vọng của đoàn người đang cùng nhau tiến về đất Thiên Chúa hứa.
Cựu Ước đã làm chứng đường Hiệp Hành của Dân Chúa là đường dài nhiều thử thách, gian khổ: thử thách không chỉ ở bên trong, mà còn từ tứ phía bên ngoài, và ngay cả từ trên cao đi xuống; gian khổ không chỉ do người nhà gây ra, mà còn do kế sách, đường lối, chủ trương của các thế lực bao quanh, và ngay cả do thánh ý Thiên Chúa, nên đau khổ là điều không thể tránh, như Ápraham đã nát tan cõi lòng khi cùng con trai Ixaác lên đường hiệp hành “đến xứ Morigia, mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy”, như Kinh Thánh đã ghi lại: “Ông Ápraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Ixaác, con ông . Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. Ixaác thưa với cha là Ápraham: “Cha!” Ông Ápraham đáp: “Cha đây con!” Cậu nói: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Ông Ápraham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ”. Rồi cả hai cùng đi” (St 22,6-8).
Tổ phụ Giacóp cũng không ngoại lệ với nỗi đau của người cha trước đám con lớn vì ganh ghét đã bán em, rồi lừa dối cha: em đã bị thú dữ ăn thịt (x. St 37,2-36); và rõ nét hơn cả, trên đường về Đất Hứa, Môsê đã đau khổ rất nhiều vì dân đã ngược ngạo, cứng đầu không tuân giữ mệnh lệnhThiên Chúa, khi họ rủ rê nhau chối bỏ Ngài, đúc bò vàng, rồi tôn làm thiên chúa của mình (x.Xh 32,1-10). Sách Xuất Hành đã kể lại nỗi đau của Môsê, người tôi trung của Thiên Chúa qua lời cầu xin tha tội cho dân của ông: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai Cập?” … “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng. Nhưng giờ đây, ước gì, Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài viết” (Xh 32,11. 31-32).
Đến thời lập quốc với các vương triều từ Saun, Đavít, Salômôn đến vua cuối cùng là Xítkigiahu, dân Chúa không ngừng đi qua những chặng đường khúc khuỷu, gập ghềnh của lòng dân thờ ơ, vô cảm, bất trung, phản bội; vượt qua những dốc đá trơn trượt, nguy hiểm của thù trong, giặc ngoài cho đến ngày thành thánh Giêrusalem bị tàn phá , toàn dân bị phân tán lưu đày, lãnh thổ bị chiếm đóng, quốc gia bị xóa tên, nhưng con đường của dân Chúa, tuy lao đao, vất vả nơi đất khách quê người vẫn từng bước âm thầm tiến về phía trước.
Bước vào thời Tân Ước, đường Hiệp Hành của dân Chúa cũng vẫn là con đường loang máu đào, đẫm nước mắt của các chứng nhân, mà các trẻ thơ dưới hai tuổi khắp vùng đã là những chứng nhân tiên khởi, như Tin Mừng Mátthêu đã ghi lại cảnh tượng hãi hùng, thương đau: ” Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng, ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,16-18).
Tiếp theo là Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đức Giêsu, khi chịu mất mạng vì làm chứng sự thật, bảo vệ công lý (x. Mc 6,17-29), và cứ thế con đường Hiệp Hành của dân Chúa, tức Giáo Hội của Đức Giêsu tiếp tục những bước thăng trầm, đôi khi tận cùng chao đảo, chệnh vênh, và vô cùng nghiệt ngã, thê thảm cho đến ngày tận thế, để loan báo Tin Mừng cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ là sứ vụ được trao phó (x. Mt 28,19-20).
Nhưng nếu chỉ như thế, thì con đường của dân Chúa đi sẽ chẳng bao giờ là con đường vui, con đường hạnh phúc , con đường sống và sống dồi dào như lời Thiên Chúa hứa (x. Mt 5,1-12; Ga 10,10).
Rất may, con đường ấy, tuy nhiều thử thách, nhưng chan chứa niềm vui, như trái tim muốn vỡ toang vì hạnh phúc của hai cha con Ápraham, Ixaác khi tay sứ thần ngăn lưỡi dao đã kề sát cổ Ixaác và lời sứ thần gọi ông: “Ápraham! Ápraham! … Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” Ông Ápraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Ápraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình… Sứ thần từ trời gọi ông Ápraham một lần nữa và nbói : “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thể: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 11-18); như niềm vui của Giacóp khi thấy các con đoàn tụ trong tình yêu thương huynh đệ và cuộc sống thịnh vượng được Thiên Chúa chúc phúc bên Ai Cập (x. St 46); như niềm vui dạt dào của Môsê khi Thiên Chúa dủ lòng thương xót, tha thứ cho dân Ngài (x. Xh 32,14); và như niềm vui được dâng hiến mạng sống mình để làm chứng Nước Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta của Hài Nhi ở Bêlem và các vùng lân cận, của Gioan Tẩy Giả và vô số các chứng nhân đã giặt trắng áo mình trong máu Con Chiên, “tay cầm nhành lá thiên tuế và lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,9-10).
Và thật có phúc, vì con đường Hiệp Hành, tuy thách đố trải dài, giăng kín trên từng cây số, nhưng trên đó, đoàn lữ hành luôn được Đức Giêsu mời “ở lại trong tình thương của Ngài, để sinh nhiều hoa trái (x.Ga 15,1-11), và được Ngài ban cho vinh dự mang trên mình huy hiệu của người môn đệ trung tín khi ” họ yêu thương như Thiên Chúa đã yêu thương” (Ga 15,12).
Tóm lại, sở dĩ đoàn người trên đường Hiệp Hành, tuy bước đi trong nước mắt , nhưng trong tim vẫn nở nụ cười, vì họ ý thức đường họ đi là con đường của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là chủ tể mọi loài trên trời dưới đất và làm chủ lịch sử nhân loại, lịch sử mà chỉ duy một mình Ngài biết rõ và toàn quyền nắm giữ. Lịch sử ấy tuy là lịch sử nhân loại, nhưng không thuộc quyền của con người, vì là lịch sử của mầu nhiệm Tạo Dựng và Cứu Độ. Trên dòng lịch sử này, con người được đồng hành với Thiên Chúa để được Ngài mặc khải, hầu nhận ra và yêu mến Ngài; được thanh tẩy, đổi mới nhờ hiệp thông với đau khổ cuộc tử của Đức Giêsu để từng bước đi lên của họ là từng bước trở về với Thiên Chúa là Cha từ bi, nhân hậu, thương xót, bao dung. Cũng vậy, lý do cho phép đoàn dân Chúa vừa bên nhau hiệp hành trong niềm vui, vừa cùng nhau giặt áo mình trong máu Con Chiên chịu hiến tế để chuộc tội, là vì tất cả đều trải nghiệm sức mạnh của tình yêu cao cả là “chết cho người mình yêu”, “hiến dâng mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13), đồng thời khám phá giá trị cứu rỗi mình và anh em mình qua hy lễ Thánh Giá.
Nhờ ý thức và cảm nghiệm từ những bước chân trên đường Hiệp Hành với Đức Giêsu và cộng đoàn dân Chúa, người Kitô hữu xác tín con đường họ đi là con đường khó đi, nhưng ngập tràn nguồn an ủi, niềm hy vọng, vì có Thiên Chúa ủi an, và hy vọng ở Thiên Chúa là Cùng Đích , Gia Nghiệp và Phần Thưởng đời đời (x.Mt 5,3-12).
Có Thiên Chúa ủi an trên đường Hiệp Hành gian khổ, nước mắt sẽ khô, giòng lệ sẽ cạn, nhường chỗ cho “vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng”, vì “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125,2.3). Có Thiên Chúa là Cùng Đích, Gia Nghiệp, Phần Thưởng, đường Hiệp Hành cho dù nhọc nhằn, vất vả, ngao ngán đến đâu cũng vẫn mãi là đường của niềm vui Hy Vọng, vì được chính Ngôi Lời Thiên Chúa bảo đảm: “Thầy đây, đừng sợ!”, (Ga 6,20), “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28,20).
Mùa Vọng về, Giáo Hội mời gọi mỗi người Kitô hữu đặt hết niềm tin vào mầu nhiệm Hiệp Hành của Dân Chúa, không chỉ hôm nay mà từ ngàn xưa đã hiệp hành và kéo dài hiệp hành đến tận thế. Đó là mầu nhiệm của Niềm Vui Hy Vọng trên đường Hiệp Hành của dân Chúa, một niềm vui sâu lắng giữa những thử thách không chỉ từ bên ngoài, nhưng ngay trong tâm hồn mỗi người; niềm vui cuồn cuộn, nhưng kiên nhẫn âm ỉ trong từng đường gân, mạch máu của những trái tim quay quắt, khắc khoải vì tương lai Giáo Hội khi phải chứng kiến những thiếu sót, yếu đuối, lỗi lầm trầm trọng của anh chị em đồng đạo; niềm vui khiêm tốn nhận ra thân phận người rất giới hạn của mình trong lịch sử và hạnh phúc được thương xót, cứu độ; đặc biệt là niềm vui tin tưởng nắm chặt bàn tay dìu dắt, hướng dẫn đoàn chiên của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành trên đường Hiệp Hành tuy gai góc, nhọc nhằn, nhưng luôn tràn đầy niềm vui Hy Vọng trong Thiên Chúa.
Jorathe Nắng Tím