Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 21 Tháng 11 2021 08:06

Đức Ái Kitô Giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO | Suy Niệm Trong Mùa Mừng Kinh Các Thánh & Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

TMĐP- Đức Ái Kitô giáo là nhịp cầu dễ nhất, con đường ngắn nhất để đến với mọi người và đến với Thiên Chúa.

Tình yêu và lòng tốt dành cho tha nhân, được gọi tắt “lòng nhân ái”, là đòi hỏi mà bất cứ giáo hữu, tín đồ của tôn giáo nào cũng phải tuân thủ, vì không đạo nào chống lại con người, không giáo chủ nào ủng hộ chủ trương phi nhân, đường lối hiếu chiến, chia rẽ, hận thù giữa con người. Tuy nhiên, các tôn giáo không đặt lòng nhân ái ở cùng một nấc thang, mức độ, nhưng mỗi tôn giáo nhìn lòng nhân ái duới những góc nhìn, và thẩm định giá trị khác nhau.

Thực vậy, hầu hết các tôn giáo đều đòi hỏi con người phải yêu thương nhau với mục đích làm vui lòng thần thánh mà họ tôn thờ; bắt buộc mọi người phải tôn trọng, nhường nhịn nhau, vì thần thánh sẽ nổi giận khi con người tranh chấp, đố kỵ, hận thù, giết lát, nên lòng nhân ái được xem như cách làm đẹp lòng thần thánh hơn là một đòi hỏi độc lập và có giá trị tự thân.

Khác với các tôn giáo, lòng nhân ái trong Kitô giáo không chỉ là cách làm vui lòng Thiên Chúa, hay việc làm phụ thuộc, đính kèm, “điền vào chỗ trống cho đủ nghĩa”, nhưng là đòi hỏi gắn bó chặt chẽ với lệnh truyền phải “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực”(Mc 12,33) đến nỗi không thể có điều này mà thiếu điều kia, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không thương yêu anh em như thánh Gioan Tông Đồ đã qủa quyết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Tóm lại, lòng nhân ái, tuy là điều răn thứ hai, nhưng không là điều răn thấp hơn điều răn thứ nhất; càng không là điều răn nhỏ hơn, kém quan trọng hơn điều răn “yêu mến Thiên Chúa” (x. Mc 12,28-33).

Sở dĩ yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em tuy hai nhưng chỉ là một giới răn, vì đức ái ở người Kitô hữu không còn là một đức tính, một thuộc tính, nhưng là yếu tính; không thuần túy là lòng nhân ái ở mức độ con người, thuộc phạm trù “nhân bản” nhưng đã được bao phủ bằng tình yêu Thiên Chúa, và nâng lên tầm đức ái siêu nhiên, để người Kitô hữu được trở nên Bí Tích Tình Yêu, dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa, nhân chứng đích thực của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu:

1/ Đức Ái là Tương Quan:

Không ít người đã nghĩ: điều răn yêu thương trong Kitô giáo chỉ “là và có giá trị” như những lệnh truyền, những điều cấm kỵ phải thực hành, mà chưa bao giờ hiểu rằng: đức ái Kitô giáo chính là Tương Quan giữa bản thân với Thiên Chúa và với anh em. Đức ái ấy có hai chiều thẳng và ngang, giao nhau như Thánh Giá có hai thanh ngang, dọc mà giao điểm là Đức Giêsu chịu đóng đinh. Vì thế, không có Thánh Giá nếu thiếu một trong hai, nhưng phải có cả hai mới tạo nên Thánh Giá, và dấu chỉ của Tình Yêu Kitô giáo hệ tại ở cả hai điều: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em như yêu chính mình.

Thực vậy, Đức Ái Kitô giáo là Tương Quan của tình yêu, chứ không đơn thuần là lề luật, giới răn, thực hành đạo đức, vì mục tiêu của Đức Ái chính là hiệp thông, hiệp nhất với nhau nên một trong Thiên Chúa, như các chi thể của một Thân Thể, các cành của một thân cây, mà chính Đức Giêsu đã truyền dậy các môn đệ Ngài: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4), và tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha trước giờ đi chịu chế: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta ” (Ga 17,21).

2/ Đức Ái là Hình Ảnh của Thiên Chúa:

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (St 1,27), mà Hình Ảnh Thiên Chúa chính là Tình Yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu”, “nên ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8), cũng như ai không yêu thương, thì không sống, vì bỏ quên yếu tính đời mình là hình ảnh Thiên Chúa Tình yêu.

Do đó, người Kitô hữu sống đức ái sẽ tràn đầy hạnh phúc vì khám phá mỗi ngày hơn hình ảnh tuyệt vời thánh thiện của Thiên Chúa Tình Yêu nơi mình, hình ảnh mà suốt đời người ấy được Thiên Chúa mời gọi, hối thúc làm rạng rỡ, vinh danh.

Đàng khác, càng nhận rõ mình là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em hơn, như tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và tương quan giữa chúng ta với nhau đòi hỏi. Chính trong và nhờ tương quan này mà chúng ta nhận ra mình là thụ tạo rất đáng yêu, nhận ra đời sống mình rất đáng trân qúy, bởi đã được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh yêu thương của Ngài. Nhờ thế, chúng ta mới thấy những gì chúng ta làm cho nhau là tốt đẹp, cao qúy, và những gì chúng ta dâng lên Chúa, dành cho Chúa có giá trị của Lễ Tế đẹp lòng Ngài.

Ở đây, chúng ta cần phân biệt giữa tự vẫn và tử đạo: người tự vẫn là người tuyệt vọng trước các Tương Quan tình yêu nên đã tự cắt đứt đường hy vọng, và hủy diệt sự sống là giá trị cao đẹp, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, trong khi người chết vì đạo, “chiụ tử vì đạo” là người tràn đầy niềm hy vọng vào Tương Quan Tình Yêu với Thiên Chúa và anh em đã tự nguyện hiến dâng mạng sống mình như quà tặng quý giá của tình yêu dành cho người mình yêu để làm chứng giá trị tuyệt đối của một tình yêu cao cả và lớn lao hơn tất cả là “hiến dâng chính mang sống mình cho người mình yêu” (x. Ga 15,13).

3/ Đức Ái Kitô Giáo là con đường ngắn nhất để vào Nước Trời:

Tin Mừng Máccô xác tín chân lý này, khi ghi lại Lời từ miệng Đức Giêsu: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12,34), sau khi nghe ông kinh sư trả lời: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều qúy hơn mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12, 33).

Trả lời ông kinh sư, Đức Giêsu công khai loan báo nhịp cầu dễ nhất đến với Thiên Chúa, và anh em, cũng là con đường ngắn nhất để vào Nước Trời là sống Tương Quan cha con với Thiên Chúa và tương quan anh em với mọi người, bởi đây là yếu tính của con người, là thụ tạo đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, nên chỉ yêu thương, con người mới nhận ra mình, mới tìm về cội nguồn của mình là Thiên Chúa, mới gặp được anh em cũng được dựng nên và mang hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu như mình.

Một lý do khác làm cho Đức Ái Kitô giáo trở nên nhịp cầu dễ nhất, con đường ngắn nhất để đến với mọi người và đến với Thiên Chúa, đó là trên nhịp cầu và con đường Đức Ái ấy không còn chướng ngại khó tránh là ganh ghét, đố kỵ; không còn tường rào khó vượt qua là bất công, bạo lực; không còn hố sâu khó san phẳng, lấp đầy là căm phẫn, hận thù vì người Kitô hữu được Đức Giêsu kêu gọi để trở nên Bí Tích Tình Yêu khi hiệp nhất với Ngài đã dám vượt qua chính mình để sống đòi hỏi cam go nhất của Đức Ái như Đức Giêsu dậy: “Anh em hãy yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Bước vào lễ mừng các Thánh nam nữ trên trời, và tưởng nhớ, cầu nguyện cho các Linh Hồn, cũng là ngưỡng cửa thời gian đưa chúng ta vào Mùa Vọng, thiết tưởng không có gì cần thiết và thích hợp hơn là tìm về yếu tính của người Kitô hữu, người mang Đức Giêsu, dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình Yêu, giầu lòng thương xót, Đấng mà các Thánh đã đáp lời kêu gọi và suốt đời đi theo Ngài để sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa và với anh em một cách quyết liệt, triệt để; cũng là Đấng mà các linh hồn trong nơi thanh luyện đặt trọn niềm hy vọng được sớm xót thương, giải thoát.

Mừng kính các Thánh và cầu xin ơn thương xót cho các Linh Hồn cũng là nhận diện mình là hình ảnh sống động của Thiên Chúa và cùng với anh em đang trên đường về Nước Thiên Chúa làm rực rỡ, rạng ngời Dung Mạo thánh thiện của Thiên Chúa Tình Yêu bằng cố gắng sống trọn vẹn hơn từng ngày ơn gọi làm người Kitô hữu như Bí Tích Tình Yêu.

Jorathe Nắng Tím

 

https://tinmungduongpho.com/duc-ai-kito-giao-suy-niem-trong-mua-mung-kinh-cac-thanh-cau-nguyen-cho-cac-linh-hon/

 

Read 512 times Last modified on Thứ hai, 22 Tháng 11 2021 11:53