Quý vị và các bạn thân mến!
Đã có khi nào bạn cảm thấy hãi sợ không dám nói lên sự thật, không dám lên tiếng bênh vực những người yếu thế hay chưa? Đã có khi nào, bạn chỉ muốn lặng thinh để được yên ổn dù rằng bạn nhận thấy bất công, áp bức và bạo lực đang xảy ra, còn tình thương, bình an và công lý đang thiếu vắng hay không? Nếu câu trả lời là “không,” bạn hãy tạ ơn Thiên Chúa, xin Chúa tiếp tục đỡ nâng và thêm sức cho bạn. Nhưng nếu câu trả lời là “có,” thì quả thật, việc nhìn lại mình là hết sức cần thiết, vì Chúa đang rất cần bạn đi làm ngôn sứ cho Người. Với những phút giây lặng thầm này, bạn và tôi - chúng ta hãy cùng chiêm ngắm mẫu gương cuộc đời của thánh Gioan Kim Khẩu trong cách thức ngài dùng lời, để chúng ta soi lại chính mình và để xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được luôn can đảm, mạnh mẽ mà biết nói đúng lúc, đúng thời điểm vì lòng mến Chúa và vì ơn ích của anh chị em.
Cậu bé Gioan chào đời tại Antiôkia vào khoảng năm 344, trong một gia đình khá giả. Nếp sống bình yên nơi mái ấm nhỏ có chút xáo trộn khi cha cậu qua đời. Chỉ còn lại mẹ, người đã dành cho Gioan trọn vẹn tình yêu, sự hy sinh cùng những điều kiện tốt đẹp nhất. Nhờ sự nhạy bén của mẹ mà những tài năng Chúa ban, những tố chất thông minh, tài giỏi của Gioan nhanh chóng được nhận ra và được vun xới. Cùng với con đường tìm kiếm tri thức từ những bậc thầy danh tiếng, Gioan còn muốn kiếm tìm những giá trị đích thực khác, qua chính việc hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa uy linh. Trở thành người kế vị các thánh tông đồ, giám mục Gioan Kim Khẩu hăng say chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chăm sóc, nuôi dưỡng những người nghèo, trẻ em mồ côi và hướng dẫn, giải thích lời Chúa cho mọi người.
Dùng lời để đến với tha nhân, dùng lời để phản đối, tố cáo những bất công, bênh người cùng khổ, vị giám mục thân thiện được nhiều người ưu ái gọi là “kim khẩu.” “Kim khẩu” ắt “kim ngôn,” những lời đem lại ơn ích và phần rỗi cho người nghe. Tuy nhiên, dù cho lời hay ý đẹp, ngôn từ mượt mà, sinh động nhưng vì ngài đã sẵn sàng chống lại những tập tục, những hành động sai trái của quan quyền, của hoàng tộc; đã đụng chạm đến tầng sâu của bản tính tự ái nơi người giàu có, quyền lực nên những lời kia trở thành không vừa ý, không dễ lắng nghe và không dễ đón nhận.
Cho dẫu rất hoạt ngôn, nhưng thánh nhân luôn ý thức, cân nhắc trong từng lời nói và cũng không quên khuyên nhủ chúng ta “chỉ nên nói, khi nói sinh ích lợi hơn nín lặng.”[1] Điều mà ngài hướng đến là sự hoán cải, thay đổi tận căn trong tâm hồn theo hướng thiện lành. Hấp lực và đích điểm cao quý như thế nên ngài đã chấp nhận đánh đổi cả an nguy của bản thân, để rồi hai lần phải đối diện với bản án đi đày. Trang sử cuộc đời ngài khép lại vào ngày 14/9/407 trên đường đi đày lần hai, nhưng một trang sử mới cũng được mở ra, bởi đó cũng chính là ngày ngài hạnh phúc trở về bên Chúa.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã không để cho những ân phúc Chúa tặng ban thành ra vô hiệu, và cũng không để cho những kiểu trừng phạt của thế gian trở thành vật cản lối trên đường nhân đức. Cũng nơi đó, một bài học hay và ý nghĩa được khơi gợi lên khiến chúng ta ghi nhớ để không chỉ cố gắng học cách nói thế nào, nói điều nào, nhưng còn nỗ lực học cách nói lúc nào và im lặng ra sao. Liên quan đến điều này, Lev Tolstoy đã chỉ ra cho ta hai điều sai, đó là “giữ im lặng khi lẽ ra phải nói và nói khi lẽ ra phải giữ im lặng.”[2] Đón nhận kinh nghiệm thực tế này, chúng ta cũng đồng thời đón nghe thêm lời khuyên của thánh Anphongsô trong kinh nghiệm thiêng liêng rằng: “Con hãy chăm chỉ hết sức giúp đỡ linh hồn người ta bằng lời nói, bằng gương sáng, nhất là bằng cầu nguyện.”[3]
Giờ đây, hiệp với thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta cùng nhau thân thưa với Chúa tâm tình: “Lạy Chúa, xin canh giữ miệng con và trông chừng lưỡi con” (Tv 141,3). Nguyện Chúa cũng thương giúp chúng con ý thức tầm quan trọng khi nói đúng lúc và biết chân nhận rằng: “Miệng lưỡi người công chính hằng niệm lẽ khôn ngoan, luôn nói điều chính trực.”[4] Amen
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
[1] Y Phan CMC, 1001 Danh ngôn các thánh, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr.166
[2] Lev Tolstoy, Suy niệm mỗi ngày_Một kho tàng minh triết tinh túy, tr.294.
[3] Y Phan CMC, 1001 Danh ngôn các thánh, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr.118.
[4] Xướng đáp Kinh phụng vụ phần “các thánh tiến sĩ.”