Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 29 Tháng 10 2019 07:18

Hãm mình qua cửa hẹp

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hãm mình qua cửa hẹp

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên.

Rm 8,26-30; Lc 13,22-30.

HÃM MÌNH QUA CỬA HẸP


“Cửa hẹp”, theo tác giả thư Do Thái, đó là sự kiên nhẫn trong thử thách. “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” Những gian khó mà chúng ta gặp phải trên đường đời, nếu được đón nhận bằng cái nhìn đức tin, sẽ được coi như sự sửa dạy của Chúa để chúng ta nên con người hoàn thiện. Mà nếu Chúa sửa dạy ai, là vì Ngài yêu thương người đó và muốn kéo người đó lên kẻo chìm sâu trong bùn lầy.


“Hãy vào qua cửa hẹp!”. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ai trong chúng ta cũng hiểu Chúa Giêsu muốn ám chỉ một cuộc sống có kỷ luật và tuân theo giáo huấn của Người. Thông thường, người ta học điều xấu thì rất nhanh và rất dễ, nhưng học điều tốt thì rất chậm và rất khó. “Cửa hẹp” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là sự kiên nhẫn và chuyên tâm thực hiện Lời Chúa.


“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại…”, thời gian dâng hiến cho ơn cứu độ có kỳ hạn, cơ hội ngàn năm một thuở đã qua đi. Vài người sẽ gõ cửa… Thiên Chúa sẽ không mở: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”.


Thánh Mát-thêu gợi lên cửa sẽ đóng lại theo cùng một cách tương tự trong dụ ngôn “năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại”: “Thưa Ngài, thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với!”. Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 24, 11-12). Năm cô trinh nữ khờ dạy này đã không biết sống trong tư thế sẵn sàng. Cũng vậy, dân Ít-ra-en cứng lòng tin, có thể biện bác: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng đã quá trể rồi. Chúa Giê-su tiếp tục trích dẫn Tv 6: 9:“Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”.


Con người thường bị cám dỗ nghĩ rằng, sự thánh thiện, ơn cứu độ chỉ dành cho một số người. Suy nghĩ này hàm chứa hai thái độ sống: một là tự phụ, tôi là người xứng đáng; Hai là thái độ tự ty mặc cảm: tôi không có hy vọng được cứu độ. Cả hai thái độ đều không phù hợp ý Chúa, dẫn con người ngày một xa Thiên Chúa.


Lời Chúa hôm nay mạc khải: Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ. Các tiên tri từ xưa đã loan báo: Thiên Chúa “sẽ đến tập hợp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ”, “họ sẽ đến và được thấy vinh quang Người tỏ hiện” (Is 66, 18). Chính Đức Giêsu khẳng định: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” (Lc 13,29). Quả thế, Đức Giêsu đã dùng cái chết không chỉ để cứu chuộc một số người, nhưng là hết mọi người. “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (Kh 5,9). Thánh Phaolo còn xác quyết: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Như thế, ý muốn của Thiên Chúa là mọi người được cứu độ.


Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người và Ngài ban phương thế kèm theo, mà căn bản là tin vào Đức Giêsu (Ga 6,47;11,25). Vấn đề còn lại là ở sự cộng tác của con người. Cách cụ thể hôm nay Đức Giêsu mời gọi “hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24). Đây là lời mời gọi hãy biết từ bỏ ý riêng để tuân phục thánh ý Chúa: Ai không từ bỏ thì không thể làm môn đệ Đức Giêsu (Lc 14,33), tức là không có sự sống đời đời. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự từ bỏ này đặc biệt qua mầu nhiệm Vượt qua trong sự vâng phục thánh ý Cha. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2,6-10), và trở nên nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.


Hơn thế nữa, việc từ bỏ này phải thực hiện ngay. Bởi vì một khi chủ nhà đã khóa cửa lại, mà ai còn ở ngoài và xin vào, ông sẽ đáp lại: Ta không biết các người! Cút đi cho khuất mắt ta (Lc 13,25-27). Đức Giêsu mời gọi chúng ta ngay hôm nay, lúc này cần nỗ lực ‘qua cửa hẹp’. Do đó, chúng ta đừng trì hoãn việc sống thánh thiện, nhưng hãy sống giây phút hiện tại chan chứa tình yêu. Hãy biết tự nhủ: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội xuất hiện hằng ngày; tôi sẽ hoàn tất những hoạt động bình thường cách phi thường”. Khi đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm sâu xa Thiên Chúa yêu thương mọi người, và Ngài yêu thương tôi. Đó chính là chúng ta đang trên hành trình tới ơn cứu độ.


Cái tôi của ta luôn có khuynh hướng phình to vì những thu tích cho chính mình: tri thức, tiền bạc, khả năng... Cả những kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ… cũng có thể làm cho “cái tôi” của ta trở nên xơ cứng và phình to.


Để thực thi Lời Chúa, chúng ta phải trải qua những cố gắng hy sinh. Như những vận động viên muốn đạt giải quán quân phải khổ chế tập luyện, những ai muốn nên thánh phải chấp nhận tuân giữ những kỷ luật khắt khe. Một lối sống giả tạo bề ngoài sẽ bị kết án là “đồ bất chính”. Giáo huấn Tin Mừng cần được thấm nhuần và trở nên nguồn động lực cho cuộc sống chúng ta, chứ không chỉ hời hợt bề ngoài. Chúa lên án những ai chỉ giữ Đạo bằng môi miệng, còn thực tế thì đủ mọi mưu mô tính toán và gian lận.


Phải trở nên nhỏ bé như trẻ thơ thì mới được vào Nước Trời (Mt 18, 3). Cần phải biến đổi và tự hạ để có thể vào được Nước Thiên Chúa (Mt 18, 3-4). Quả thật, đời sống người Kitô là một cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ, một cuộc chiến đấu liên lỉ với chính mình. Khi ta cắt xén “cái tôi” của mình, khi ta tự hủy thân phận của mình, ta sẽ dễ dàng đi qua cửa hẹp, để bước vào cuộc sống hạnh phúc đời đời trong Nước Thiên Chúa.

Huệ Minh

Read 422 times Last modified on Thứ năm, 31 Tháng 10 2019 07:52