Chúa nhật 32 Mùa Thường niên, năm C.
Lc 20, 27-38
TIN VÀO ĐỜI SAU
Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm. Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục. Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này. Ðời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Thánh Luca đặt câu chuyện những người phái Sađốc đến chất vấn Chúa Giêsu vào những ngày cuối cùng trước khi Người bị nộp. Vì thế nó có ý nghĩa bắt bẻ, gây hấn. Nhưng dùng những ngày cuối đời của Người để xin Chúa Giêsu nói về đời sau, tác giả Luca lại thấy đó là điều hợp tình hợp lý.
Thời Chúa Giêsu, các người Biệt phái (Pharisêu) tin rằng: ngoài cuộc sống đời này còn một cuộc sống vĩnh hằng ở đời sau. Còn phái Sađốc gồm các tư tế Đền thờ đã không tin có cuộc sống ở đời sau như vậy.
Ta thấy: nhóm Sađốc hiểu sai về việc sống lại, cũng như về cuộc sống mai sau. Với họ sống lại là phục hồi những điều kiện vật chất của người quá cố. Trong khi đó Chúa Giêsu lại bảo: Người sống lại sẽ giống như các thiên thần, nên không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đối với chúng ta, vấn đề chỉ được thực sự giải quyết qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để rồi chúng ta luôn tuyên xưng: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
Do đó khi nghe Chúa Giêsu giảng về sự kẻ chết sống lại, họ đã phi bác bằng việc đặt ra một câu chuyện giả tưởng như sau: Nhà kia có bảy anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con. Theo luật “Thế huynh” của Môsê, người thứ hai phải lấy người vợ góa đó, nhưng rồi người này cũng chết không con. Tới người thứ ba, tư, năm, sáu, bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không để lại một người con nào. Vậy nếu có sự sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy anh em? Mục đích của phái Sađốc khi đưa ra câu chuyện này là để chứng minh niềm tin vào sự sống lại là vô lý. Vì nếu còn có một cuộc sống ở đời sau như vậy thì chẳng lẽ người đàn bà ấy lại là vợ của cả bảy anh em nhà đó hay sao ?
Để trả lời, trước hết Chúa Giêsu cho biết tình trạng người ta sau khi sống lại sẽ không cưới vợ lấy chồng. Cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn thanh khiết như "các thiên thần". Họ sẽ trở thành "con cái của Thiên Chúa" (Lc 20, 34-36). Tiếp đến Chúa Giêsu xác nhận sự kẻ chết sống lại là điều chắc chắn vì dựa trên Lời Chúa trong Thánh Kinh: Khi hiện ra với ông Môsê trong bụi gai cháy mãi không tàn, Đức Chúa đã tự xưng mình như sau: “Ta là Chúa của tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacóp” (Xh 3, 6). Câu này hàm ý Thiên Chúa là Đấng hằng sống và điều khiển thế giới người sống. Các tổ phụ dân Do Thái dù đã chết nhưng linh hồn các ngài vẫn đang sống bên Đức Chúa.
Những người phái Sađốc không tin có sự sống lại sau này, nên khi nghe Đức Giêsu giảng về mầu nhiệm kẻ chết sống lại, họ đã tìm cách phi bác giáo lý ấy qua một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em nhà kia theo luật Thế Huynh của Môsê đã tiếp nối nhau lấy cùng một người đàn bà và đều chết mà không có con. Từ đó họ đặt vấn đề: Nếu có chuyện kẻ chết sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy anh em ? Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để chứng minh có cuộc sống vĩnh hằng sau đời tạm này, và còn cho biết cuộc sống ấy như thế nào.
Có mấy người thuộc phái Sađốc đến. Họ phủ nhận việc sống lại mặc dầu đã có bài sách Maccabê như chúng ta đã thấy trên. Hơn nữa Ðaniel cũng đã khẳng định: "Nhiều người sẽ thức dậy, kẻ thì dành cho sự hằng sống; kẻ sẽ chuốc lấy ô nhục". Nhưng phái Sađốc không tin những loại sách này. Họ gồm phần lớn các người ở trong hàng tư tế. Họ bám lấy Ngũ thư là năm quyển đầu tiên trong bộ Kinh Thánh, đó là luật pháp Môsê, nền tảng của đạo giáo, cơ sở của hàng tư tế. Những sách khác đối với họ không có nhiều uy tín. Họ không giống như biệt phái.
Những người này không những tin ở Ngũ thư mà còn tin ở các sách Tiên tri và các sách khác nữa. Ðó là những sách đã khởi sự với phong trào Ðệ nhị luật, tức là suy nghĩ về luật pháp. Biệt phái là các thần học gia không ngừng học hỏi và dạy dỗ luật pháp. Họ quý những sách viết sau như những sách viết trước vì họ quan niệm Lời Chúa và mạc khải sống động và triển khai không ngừng. Thế nên họ tin lời sách Ðaniel cũng như lời sách Maccabê về việc phục sinh sau này.
Ðang khi ấy, phái Sađốc chú trọng đến tế tự và địa vị lãnh đạo của mình. Ngoài việc dâng lễ ra, họ chỉ quan tâm đến đời sống chính trị. Họ sợ biến động làm rối các cuộc lễ. Và vì thế họ không ngần ngại đi với chính quyền và sẵn sàng chế nhạo những việc khác.
Chúa Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau. Ðời sau khác hẳn đời này. Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.
Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết. Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, ta nghĩ đến cái chết và đời sau. Cái chết dạy ta biết cách sống. Ðời sau kéo ta ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm. Ta đang đi về đời sau để gặp Ðấng mà ta đã tin yêu suốt đời. Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội. Ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa, và ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Huệ Minh