Thứ Hai tuần 32 TN.
Thánh Martinô, Gm. Lễ nhớ.
Kn 1:1-7; Lc 17:1-6
HÃY KHOAN DUNG
Mở đầu trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy thánh sử giới thiệu vị thầy dạy là Chúa Giêsu và các học trò là môn đệ của Ngài. Đối tượng bây giờ là các môn đệ, là cộng đoàn của các ông chứ không phải dân chúng. Chúa Giêsu khẳng định : đành rằng có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng Ngài lại chúc dữ cho kẻ làm điều ấy “khốn cho kẻ làm cớ...” (c. 1) và Ngài đưa ra hình phạt ngay : “Cột cối đá vào cổ nó và xô xuống biển thì có lợi cho nó hơn...” ( c. 2).
Cớ vấp ngã là một câu nói, một thái độ hay một hành động nào đó, tự bản chất có lẽ không xấu, nhưng do nó ở trong một hoàn cảnh không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai hại. Cũng như một tảng đá, tự nó không có gì xấu, nhưng nếu nó nằm giữa đường thì sẽ khiến người ta vấp vào mà bị ngã. Sống trong một tập thể nhiều người, tất nhiên không thề không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy đề phòng đừng trở thành cớ vấp ngã cho người khác.
Một câu nói tưởng chừng như một hình phạt nhưng lại là công phúc, đem lại lợi ích cho kẻ gây ra và nhất là không gây tác hại cho kẻ khác, làm cớ cho người khác vấp ngã còn do những lời giảng dạy sai lầm, khiến người nghe, hiểu và có những hành động sai lạc. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ linh hồn người khác như : Linh mục, tu sĩ, các giáo lý viên và ngay cả mỗi người Kitô hữu... Khi chúng ta sống trái với đạo lý, ngược với Tin Mừng. Ta cần phải làm chứng về Đức Kitô cho những anh em tân tòng, các anh em thuộc các tôn giáo bạn bằng cách sống hằng ngày của chúng ta.
Kế đó, Chúa Giêsu còn chỉ dạy chúng ta cách sửa lỗi nhau : “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, hãy khiển trách nó” (c. 3). Chúa không muốn chúng ta phủ nhận hay xem thường lỗi của người anh em, nhưng là lấy tình bác ái mà sửa dạy lẫn nhau. Ngài muốn chúng ta chỉ rõ lỗi của anh em, nói thẳng những điều xấu của họ trong tình bác ái. Không phải để la mắng, vùi dập, tố cáo... nhưng là nâng đỡ, vạch ra hướng đi, và giúp người anh em chỗi dậy và bước tiếp : “Nếu nó hối hận, hãy tha cho nó” Tha thứ là hành vi bác ái mà luật Chúa Kitô đòi hỏi: “Dù nó xúc phạm một ngày 7 lần và 7 lần trở lại nói : Tôi hối hận; thì cũng phải tha cho nó” (c. 4).
Tha thứ không giới hạn, không kể đến vì lỗi lầm người kia cứ xúc phạm, nhưng nếu không tha thứ cho người anh em là chúng ta phủ nhận Tình Yêu của Chúa đối với ta qua bí tích Hòa giải. Thiên Chúa đã tha thứ cho ta và tha thứ cho người anh em, vậy sao ta lại cố chấp nhận không tha thứ ?. Sự tha thứ cần thiết vì con người quá yếu đuối, mỏng giòn. Tha thứ còn là cảm thông với những yếu đuối của họ và truyền sinh lực cho họ bước tiếp quãng đường.
Và ta thấy có lẽ sau khi nghe bài giảng về việc “làm cớ” và “sửa lỗi”, các ông nhận ra giới hạn của bản thân, nên cùng nhau thưa với Chúa rằng “Xin thêm lòng tin cho chúng con” (c.5). Một lời cầu đích đáng và thích hợp cho mọi người trong mọi thời. Đây là dịp Chúa Giêsu dạy các ông về sức mạnh của lòng tin “Nếu lòng tin bằng hạt cải, cây dâu sẽ vâng lời anh em” (c. 6).
Ta được mời gọi ý thức được trách nhiệm bảo vệ đức tin của mình. Ý thức ấy nhắc nhở ta tự nguyện hướng theo một lối sống cụ thể mà Thánh Phaolô nói về các kỳ mục: “Không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ, phải gắn bó với Lời Chúa và sống mật thiết với Thiên Chúa” (Tt 1,7-9).
Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đề cao đời sống chứng nhân nơi người môn đệ khi Ngài dùng phương pháp phản biện để làm toát lên tính quan trọng của gương sáng. Ngài nói: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này”. Nêu gương xấu là điều tắc trách, nhưng gây nên cho những trẻ nhỏ, những người bé mọn, người kém đức tin là một tội ác vì tính chất nguy hiểm khôn cùng của nó!
Tha thứ là đòi hỏi của Tin Mừng nhưng lại là điều khó thực hiện. Nhiều khi ngay cả anh chị em ruột thịt trong một gia đình cũng không chấp nhận tha thứ cho nhau. Để có thể tha thứ, cần tâm niệm hai điều. Thứ nhất là chính chúng ta được Chúa tha thứ và vì thế, phải tha thứ cho người khác: “Anh em hãy tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”. Thứ hai là bản thân chúng ta cũng có nhiều thiếu sót và người khác đã tha thứ cho chúng ta, dù họ không nói ra. Càng ý thức điều đó bao nhiêu, càng dễ tha thứ cho nhau bấy nhiều.
Lời Chúa hôm nay mời gọi ta mở cánh cửa lòng bao dung của mình (câu 3b-4) càng cấp bách, càng thiết tha biết bao nhiêu. Hẳn Chúa muốn dòng sông xót thương của Ngài không bao giờ ngừng lại, mà sẽ vươn xa hơn và tưới gội thêm thật nhiều mảnh đất hồn người. Yêu là tha thứ và tha thứ không ngừng. Đó mới là tâm nhân hậu mà Chúa muốn ta sống.
Huệ Minh