Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 09 Tháng 1 2020 15:13

Xin cho con được sạch

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Xin cho con được sạch

Thứ Sáu Mùa Giáng Sinh

1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13); Lc 5, 12-16

XIN CHO CON ĐƯỢC SẠCH

Ta nhìn lại một chút ta sẽ thấy bối cảnh và luật pháp đối với người bệnh phong cùi vào thời Chúa Giê-su thật nặng nề. Những người mắc chứng bệnh phong lúc bấy giờ phải sống tách ly và biệt lập khỏi gia đình và xã hội. Họ phải để tóc và râu rối bời, áo quần rách rưới hôi hám để người sạch trông thấy mà xa tránh họ ra. Nặng nề hơn, quan niệm Do thái lúc bấy giờ, bệnh phong cùi là hình phạt rõ ràng của Thiên Chúa, nên họ không được phép đến thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ. Khi đi bất cứ nơi nào xin ăn, người phong cùi phải lắc chuông và hô to “Tame” nghĩa là dơ bẩn và cùi đây….Nếu họ vi phạm những luật pháp trên, họ có thể bị ném đá cho chết.

Người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay thể hiện ước muốn tột cùng được khỏi bệnh của mình bằng cách đến sấp mình trước mặt Chúa để van xin Ngài, bất chấp luật cấm anh xuất hiện trước nơi công cộng. Anh ước muốn khỏi bệnh nhưng chỉ có Chúa mới có thể chữa lành cho anh “nếu Ngài muốn”. Còn Chúa Giêsu, Chúa cũng muốn người phong này được lành sạch lắm chứ; hơn nữa Ngài có thể làm điều đó. Và cũng bất chấp luật cấm đụng chạm tiếp xúc với người phong cùi, Chúa đã đưa bàn tay chạm đến anh để chữa lành cho anh. Cả hai đều muốn. Ước muốn của Đấng quyền năng làm cho điều ước muốn của người phong cùi từ chỗ không có thể trở thành có thể.

Thật là ngạc nhiên, khi Tin mừng kể lại chuyện người phong cùi dám liều lĩnh chạy theo nài xin Chúa Giê-su chữa cho mình được lành bệnh. Theo một nhà khảo cổ học Schurer, thì có một số hội đường chấp nhận cho những người bệnh phòng cùi có thể vào đó với một số điều kiện như đến lúc ban ngày trời nắng... hay qua khử trùng. Và như thế, người bệnh phong này sau khi đã cải trang, anh đã trà trộn, len lỏi vào giữa đám đông và đến quỳ sụp dưới chân Chúa để xin Chúa chữa cho mình. Hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu thương quan tâm của Chúa Giê-su, vì thế anh ta không ép buộc nhưng hoàn toàn khiêm tốn để tùy thuộc vào quyết định của Chúa “nếu Ngài muốn xin cho con được lành sạch”.

Ta thấy Chúa Giêsu giấu mình khi Ngài ra lệnh cho người phong không được nói với ai. Nhưng hẳn anh ấy cũng khó giữ kín chuyện này, khi anh đi gặp các tư tế. Thế nên cuối cùng tiếng đồn về Ngài đã lan ra, khiến người ta nô nức, lũ lượt kéo đến với Ngài (c. 15). Chúa Giêsu đã không thể giấu mình trước đám đông dân chúng. Chúa lôi cuốn họ như một vị giảng thuyết và như một người chữa lành. Con người mãi mãi cần sức mạnh tinh thần và sức khỏe thân xác. Chúa Giêsu đem đến cả hai điều ấy cho hạnh phúc con người.

Với tấm lòng xót thương, nhạy cảm và đầy quyền năng của Chúa Giê-su trước tâm tình khiêm hạ và đức tin mãnh liệt tin tưởng của người bệnh phong…Và tất nhiên, Chúa Giê-su nói với anh cho anh: “Ta muốn, anh sạch đi!”…

Dừng lại một chút, ta thấy lời nguyện của người phong là lời cầu xin mẫu mực cho ta. Dĩ nhiên là anh ấy rất muốn được khỏi căn bệnh nan y này, căn bệnh đã làm tan nát thân xác anh và cả cuộc đời anh.

Hơn nữa, nó còn bắt anh trở nên kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo. Nhưng anh vẫn không để ước muốn quá đỗi bình thường của mình lấn lướt. Anh đặt ước muốn ấy dưới ước muốn của Chúa Giêsu. “Nếu Ngài muốn !” nghĩa là Ngài có thể và có quyền không muốn. Anh để cho Chúa Giêsu được tự do muốn điều Ngài muốn.“Ngài có thể làm tôi được sạch: anh tin vào khả năng của Ngài, khả năng làm cho những vết lở loét kia biến mất. Chính khi Chúa Giêsu được tự do, được tin cậy và phó thác, thì dường như Ngài không thể từ chối được nữa. “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Chúa Giêsu tẩy sạch anh bằng một ước muốn được nói ra lời, kết hợp với một cử chỉ đầy yêu thương là đưa bàn tay ra đụng vào anh.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được bệnh tật của mình. Mỗi người đều có những lúc bị “cùi” về mặt tâm linh, và điều quan trọng, liệu mỗi người có ý thức được tình trạnh bệnh tật của mình trong lúc này, và khả năng cộng tác với quyền năng của Thiên Chúa? Việc mong muốn Chúa Giê-su làm “phép lạ” để chữa lành về mặt tâm linh và ngay cả trên thể xác của mỗi người, tùy thuộc rất nhiều và những quyết định táo bạo và hợp tác của mỗi cá nhân.

Huệ Minh

Read 555 times Last modified on Thứ bảy, 11 Tháng 1 2020 07:49