Suy Niệm Thứ Năm Tuần II Thường Niên A
SỨ VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
1 Sm 18, 6-9; 19, 1-7; Mc 3, 7-12
Với trang Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu.
Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo.
Ta thấy đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.
Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài.
Sứ vụ của Đức Giêsu khi đến thế gian: Kêu gọi, rao giảng và chữa lành.Ngài kêu gọi các môn đệ hãy ở lại trong tình yêu của Ngài, và trở nên những kẻ chinh phục người khác: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”
Ngài chữa lành cho nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đều đến với Ngài. Chúa Giêsu không những chữa lành thể xác mà Ngài còn chữa lành linh hồn.
Ta đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, chúng ta sẽ không bao giờ vấp ngã, và nhờ đó, con đường rộng mở để đón nhận chúng ta vào Nước vĩnh cửu Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. (2 Pr 1, 10-11)
Các môn đệ đầu tiên đã có những cuộc gặp gỡ mang lại sự biến đổi. Chúng ta cùng gặp gỡ Chúa qua cầu nguyện, qua việc lắng nghe Lời Chúa, qua việc cử hành phụng vụ để được Chúa biến đổi trở nên chứng nhân của Ngài.
Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng của Ngài trong vai trò là Đấng Thiên Sai bằng cách chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền. Dĩ nhiên, Ngài thi hành sứ mạng thiên sai của Ngài trong tâm thế Người Tôi Trung đau khổ đã được ngôn sứ Isaia loan báo, nghĩa là Ngài mang lấy nơi Ngài tất cả bệnh hoạn tật nguyền của dân; “bị đâm vì chúng ta phạm tội, … bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm” (Is 53, 4 – 5). Vì sợ người ta hiểu sai vai trò thiên sai đích thực của mình, Ngài đã cấm ngặt, không cho các thần ô uế tiết lộ danh tính của Ngài.
Với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Chỉ vì yêu thương nhân loại Chúa đã đến dạy bảo con người những điều hay lẽ phải để mọi người đem ra thực hành trong đời sông của mình hầu tìm được hạnh phúc ngay ở đời này và nhất là hạnh phúc vĩnh viễn vô cùng đời sau. Chỉ vì yêu thương nên Chúa đã ra tay chữa lành bệnh cho tất cả những ai tin tưởng tìm đến với Ngài.
Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn trao ban tình yêu ấy cho nhân loại để ai tin và đón nhận Người thì được cứu độ. Nhằm tỏ bày tình yêu, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách, nhưng phương thế cuối cùng và hoàn hảo là qua chính Con Một Người (Dt 1,1-2). Nghe biết các việc Chúa Giê-su đã làm, người ta lũ lượt kéo đến với Người; việc tìm đến với Chúa mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình đón nhận ơn cứu độ.
Một cách tiệm tiến, Thiên Chúa dẫn đưa họ vào mầu nhiệm tình yêu trọn vẹn nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su, để rồi cùng với Đức Giê-su họ sẽ dâng về cho Thiên Chúa một tình yêu tự do và trọn hiến. Quá trình mạc khải không nhằm cho con người một danh xưng hay một khái niệm, song là một tình yêu. Và tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu, chứ không thể chỉ bằng sự hiểu biết suông hay ‘tụng kinh’ suông trên môi miệng.
Tình yêu cần được thể hiện qua việc làm. Một việc làm thiếu tình yêu là sự lừa dối; tình yêu thiếu việc làm thì tình yêu chết. Xã hội ngày càng dạt theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, hời hợt thiếu chiều sâu, thành thử con người thường đánh giá và đối xử với nhau qua hình thức bề ngoài. Hậu quả là một xã hội suy thoái về đạo đức. “Anh em chớ uốn mình theo thế gian này!” (Rm 12,2).
Chúng ta cũng phải tin tưởng tìm đến với Ngài để khẩn cầu Ngài chữa lành cho chúng ta mọi chứng bệnh về thể xác cũng như tâm hồn. Đồng thời cũng xin noi gương Ngài biết hy sinh phục vụ mọi người, nhất là những người yếu đau bệnh tật cần đến sự giúp đỡ chia sẻ của chúng ta
Huệ Minh