Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 12 Tháng 6 2020 07:01

Sống theo sự thật

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sống theo sự thật


13.6.2020 Thứ Bảy

Mt 5, 33-37

SỐNG THEO SỰ THẬT

Thánh Antôn Padova đã hết lòng sống giới răn yêu thương mà Đức Giêsu đã truyền dạy mỗi người chúng ta phải tuân giữ.

Thánh Antôn Padova đã hết lòng sống giới răn yêu thương mà Đức Giêsu đã truyền dạy. Qua cách ngài sống và những công việc ngài làm,

Hôm nay ngày 13.06, Giáo Hội mừng lễ kính thánh Antôn Pađôva. Ngài sinh ra trong một gia đình quyền quí, đạo đức tại Lisbone, Bồ Đào Nha, năm 1195. Được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy bác ái, nên ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Ngài lãnh nhận sứ vụ linh mục dòng Thánh Augustinô. Tuy nhiên, vì yêu thích đời sống chiêm niệm và khắc khổ, khiêm tốn, Antôn xin gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn Phanxicô năm 1220 với ước muốn được truyền giáo cho dân ngoại và mong được tử vì đạo.

Bề trên sai cha Antôn đi truyền giáo cho thổ dân Sarrasins Phi Châu. Nhưng vừa tới Phi Châu, ngài ngã bệnh nặng và phải quay trở về. Được ơn lợi khẩu nên lời giảng của thánh Antôn lôi cuốn nhiều người trở lại đạo. Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn Pađôva bằng nhiều phép lạ. Bông hoa đẹp Antôn được Chúa gọi về khi mới tròn 36 tuổi. Năm 1946, Đức Giáo hoàng Piô XII đã tôn phong thánh Antôn Pađôva làm tiến sĩ Hội Thánh vì những đóng góp to lớn trong việc loan báo Tin Mừng Chúa và ơn làm phép lạ cho nhiều người vì tình yêu thương anh chị em nghèo khó.

Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Chúa ban sức mạnh cho thánh nhân, Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn Pađua bằng nhiều phép lạ kèm theo. Thánh nhân đã có ảnh hưởng rất lớn tại Ý, tại Pháp, thánh nhân làm việc không mệt mỏi, không ngơi nghỉ. Ngài được đặt tên là “ Hòm Bia Giao Ước” và “ Cái búa của bọn lạc giáo” đúng như lời sách thánh:” Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ).

Sự thật luôn là yếu tố cần thiết trong cuộc sống của con người. Sống giữa cuộc đời thật hư lẫn lộn, con người không còn biết đâu là chân lý và ai đáng để mình tin. Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy tin vào Ngài vì Ngài “chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nơi Đức Giêsu, ta sẽ không bị phản bội, không bị thất tín, dù ta đã bao lần phản bội và thất tín với Người. Nơi Ngài ta không con thấy nghi nan, nhưng là cả nguồn chân lý đích thực để ta kín múc mà bước vào cuộc đời.

Đức Giêsu nói: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,33-37).

Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phận biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thế.

Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”

Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Ngài phải sống thành thật, đến nỗi không cần một lời thề để bảo đảm cho lời nói của mình. Vì lời nói phải luôn đi đôi với sự thật. Để tạo tín nhiệm nơi người khác, chúng ta “có thì nói có, không thì nói không” nghĩa là nói đúng sự thật khách quan, bụng nghĩ sao miệng nói vậy… không cần phải dựa vào thế giá của Thiên Chúa để bảo đảm cho sự thật. Như vậy, khi bảo chúng ta không được thề, Chúa Giêsu muốn trả lại cho con người giá trị đích thực của lời nói là thành thật, đáng được tôn trọng.

Chính sự giả dối đã làm cho người ta mất đi niềm tin nơi nhau, làm cho cuộc sống phập phồng lo sợ và gây bao thiệt hại cho người khác. Nhiều người đã vì lợi ích cá nhân mà bất chấp thủ đoạn gian lận,lừa dối nhau, gây ra bao hậu quả đau đớn cho tha nhân.Chính vì sợ lòng người nay thay mai đổi mà con người ngày nay luôn cần có những bản hợp đồng, giấy tờ chứng thực…

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.

Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.

Do đó, việc sống thành thật trong thế giới hôm nay dường như trở nên hiếm hoi, ngu ngơ và dại dột trước mắt người đời. Khi con người đẩy Thiên Chúa là Chân Lý và Sự thật ra khỏi cuộc đời họ thì lương tâm nay thay mai đổi của con người sẽ làm chủ và gây bao thảm họa cho nhân loại.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, noi gương Chúa Giêsu, đã có biết bao con người dám sống, làm chứng và chết cho sự thật. Họ là những người đã can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đấng Chân Thật dầu phải trả giá bằng đau khổ, hiểu lầm, chống đối và thậm chí hy sinh chính mạng sống mình. Tuy nhiên, khi sống theo Sự Thật ta chẳng cần phải thề thốt, ta tìm thấy bình an, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người sống chung quanh chúng ta.
Huệ Minh

Read 532 times Last modified on Thứ bảy, 13 Tháng 6 2020 16:08