10.1 Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Is 42:1-4,6-7; Tv 29:1-2,3-4,3-9-10; Cv 10:34-38; Mt 3:13-17
Ý THỨC PHÉP RỬA
Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Chúa Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối. Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối. Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối. Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình.
Thật là khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống. Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, chối không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Thêm một lần nữa Kitô-hữu nhận ra Chúa Giêsu sống trọn thân phận con người, khi Ngài nhận mình đồng hàng với con người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, chính khi Ngài yêu thương và đồng hóa mình với anh em, thì Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Ngài tỏ lộ chân tướng của Ngài qua hành vi và cung cách cư xử của Ngài.
Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Người nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Người là "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2Cr 5, 21). Người đến làm con "Chiên của Thiên Chúa" gánh lấy tội lỗi thế gian (Ga 1,29) thay cho các con chiên đền tội thời Cựu Ước.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Chúa Giêsu trở thành tội nhân, nên Người phải hoà mình với những tội nhân khác để cho ngôn sứ Gioan làm phép rửa cho Người.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Người đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để đền thay tội lỗi muôn người. "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành". (1 Pr 2, 24).
Phép rửa của Chúa Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình. Ngày ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế.
Chúa Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ta hãy noi gương Chúa Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.
Đi từ phép rửa của Chúa Giêsu, việc Bí tích thánh tẩy được coi như biến cố cơ bản của đời sống Kitô, nghĩa là của sự dấn thân của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự cam kết của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đó là khởi điểm cuộc mạo hiểm làm con cái Chúa của chúng ta. Nếu ý thức điều này cha mẹ chúng ta sẽ yêu thương chúng ta bằng một tình yêu hoàn hảo nhất khi giới thiệu với chúng ta một người "Cha" khác, một người Cha lớn hơn các ngài. Rủi thay chúng ta đã không biết gì về biến cố thánh tẩy của mình.
Phép rửa là khởi đầu, khai mào đời sống nghĩa tử của người tín hữu chúng ta. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Phép rửa dẫn chúng ta vào tương quan nghĩa tử với Thiên Chúa làm cho cuộc đời chúng ta được tràn ngập những quà tặng của Thánh Thần nâng đỡ cuộc đời trần thế của mình. Cuộc đời của người tín hữu là một hành trình thực hiện ơn gọi cao cả này, đó là được kết hợp với Chúa Giêsu để sống ngay từ bây giờ tương quan con thảo của Thiên Chúa.
Đây là hành trình cao cả và cũng rất đòi hỏi bởi vì chúng ta được mời gọi kết hợp với mầu nhiệm thập giá để được cùng chết và cùng phục sinh với Chúa Giêsu. Chúng ta thường nghĩ rằng phép rửa chỉ là một nghi thức đã qua, một nghi thức thực hiện xong rồi không cần phải nhớ lại những cam kết này làm gì nữa.
Thực ra, phép rửa xác định căn tính của người kitô hữu, và họ phải cố gắng thực hiện hằng ngày căn tính này. Phép rửa là một sự dìm mình liên tục và sự đổi mới liên tục để càng lúc chúng ta càng được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Có thể nói rằng chúng ta dùng cả cuộc đời của mình để thực hành sống mầu nhiệm này cũng là căn tính của cuộc đời kitô hữu của chúng ta. Cả cuộc đời, chúng ta không ngừng được mời gọi sống trung tín với Thiên Chúa bằng việc không ngừng kết hợp với Chúa Giêsu nhờ sự thúc đẩy của Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận trong phép Rửa. Phẩm giá của mỗi người thực là cao cả và chúng ta được mời gọi khám phá và sống căn tính này của mình theo bước chân của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chịu phép Rửa nhưng Người vẫn hướng đến một phép Rửa khác, đó là cuộc khổ nạn Ngài phải chịu: "Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất" (Lc 12, 50). Như thế mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ đến mầu nhiệm chết và phục sinh. Chúa Giêsu làm công việc nầy để tỏ lộ công việc cứu thế của Người, tỏ lộ cho nhân loại thấy bản chất cao cả của Người là con rất yêu dấu của Thiên Chúa, là Người con luôn sẳn sàng vâng lời thánh ý Thiên Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Phép Rửa trên thập giá là nguồn sống cho mọi phép rửa của các Kitô hữu. Nhờ phép Rửa đó, chúng ta được trở nên con cái yêu dấu của Thiên Chúa và được tràn đầy Thánh Thần. Chúng ta nhớ rằng mình là người đã được xức dầu, được mang nến sáng, được mặc áo trắng, được dìm mình trong nước để rồi được sai ra đi làm chứng cho mọi người nghĩa sống thực sự như người con được Thiên Chúa yêu mến.
--Huệ Minh