Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 05 Tháng 10 2021 07:37

Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha


06 01/9 X Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên.

Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giuse.

(Tr) Thánh Bơ-ru-nô (Bruno), Linh mục.

Thánh Phan-xi-cô Trần Văn Trung, Cai đội (U1858), Tử đạo.

Gn 4,1-11; Lc 11,1-4.

Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha

Một vị thánh được những người đồng thời tặng khen nhiều danh hiệu như :” Nhà thần học nổi danh, văn sĩ lỗi lạc, nhà ngoại giao tài ba, người khôn ngoan tuyệt vời, thầy của các thầy vv…”. Với biết bao danh hiệu người đồng thời tặng ban cho thánh Brunô, điều ấy nói lên con người hết sức đặc biệt của Ngài. Thánh nhân không đặc biệt sao được khi Hội Thánh, đặc biệt Giáo Triều cho triệu vời Ngài về La Mã để giúp đỡ Đức Giáo Hoàng Urbanô II trong vai trò cố vấn cho Ngài.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã viết:” Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! Amen.” (Rm 11, 33-36 ). Thánh Brunô là một trong những vị thánh đã cảm nghiệm sâu sắc lời của thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại trong đoạn viết để ca tụng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cảm nghiệm hết sức sâu sắc lời thánh Phaolô, thánh Brunô đã phục vụ theo đường lối Chúa. Tất cả đều do hồng ân của Chúa. Ngài có được gì là do Thiên Chúa. Do đó, thánh Brunô luôn tuân phục thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Thánh Brunô mở mắt chào đời năm 1030 tại Cologne trong một gia đình danh tiếng, thế giá và đạo đức. Ngài là vị sáng lập Dòng khổ tu Chartreux. Lãnh nhận sứ vụ linh mục, Ngài vẫn còn được các Đấng các Bậc cho tiếp tục con đường học vấn vì thấy Ngài có khả năng tiếp thu và lãnh hội tốt các môn học. Ngài đã gặt hái cách rất khả quan về môn Triết học và Thần học. Với trí thông minh, kiến thức cao cường của Ngài, thánh Brunô đã làm khoa trưởng của nhiều phân khoa đại học. Hội Thánh dùng Ngài vì lòng đạo đức, học vấn uyên bác của Ngài, chính vì vậy, Ngài được triệu hồi về La Mã và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma.

Trong khi phục vụ Hội Thánh, Ngài cũng gặp một số trắc trở, rắc rối vì một số người ghen tương hay chống đối, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, Ngài đã vượt thắng và thành công hơn thất bại. Mãn thời hạn phục vụ, Ngài trở về đời sống thầm lặng, tĩnh mịch và cầu nguyện. Năm 1084, sau nhiều cuộc bàn hỏi, cầu nguyện tìm ra thánh ý Chúa, Ngài đã thiết lập Dòng khổ tu Chartreux. Linh đạo của Dòng Chartreux là cầu nguyện liên lỉ, soạn sách báo, làm việc lao động chân tay và không ngừng trau dồi kiến thức.

Năm 1088, Ngài được mời về La Mã để giữ chức cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Urbanô II là một trong những học trò của Ngài. Giai đoạn Ngài phục vụ Giáo Triều là thời kỳ Giáo Hội đang gặp trăm ngàn thử thách, nguy khốn, nhưng với ơn Chúa, với trí thông minh, lòng can đảm, sự khôn khéo của Ngài, thánh Brunô đã giúp Giáo Hội vượt qua tất cả.

Năm 1101, thánh Brunô đã trở về với anh em Dòng Chartreux sau khi được phép Đức Thánh Cha cho từ chức cố vấn Giáo Triều Roma, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng bình an, thánh thiện về với Chúa trong sự luyến tiếc của anh em trong Dòng.

Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Trong tương quan này, chúng ta đến với Thiên Chúa không như đầy tớ kêu xin chủ, mà là những người con cùng chia sẻ trách nhiệm với Cha; nếu không thì cần gì phải xin “cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”? Bởi Thiên Chúa luôn muốn danh thánh Ngài vinh hiển, mà Thiên Chúa được vinh hiển khi con người được thông phần hạnh phúc với Ngài, bởi theo thánh Irênê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”: Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không bỏ đói đồng loại của mình; Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không hận thù cấu xé lẫn nhau; Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người biết lánh xa những điều xấu và không nô lệ cho sự dữ

“Nguyện cho danh thánh Cha vinh hiển” (c. 2) là một lời cầu nguyện truyền giáo; là lời xin cho mọi người nhận ra sự hoàn mỹ tốt lành của Cha mà nhận biết Cha – Đấng tạo thành trời đất. Cách đặc biệt hơn như chúng ta đã từng biết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sống dồi dào” (Thánh I-rê-nê).

Thế nhưng, ngày nay vẫn còn biết bao con người sống kiếp lam lũ lầm than, đói nghèo, không có điều kiện để sống đúng với nhân phẩm; những nạn kỳ thị chủng tộc, giai cấp, phân biệt đối xử giới tính; những trẻ em bị bóc lột sức lao động, không được chăm sóc; những nạn buôn người…. Tất cả làm nên một khoảng ‘trời đen’ của nhân loại khiến cho mọi con người, nhất là người Ki-tô hữu chân chính phải nhức nhối, không thể dửng dưng làm ngơ.

Vì vậy, lời cầu xin cho “Danh thánh Cha vinh hiển” cũng là lời cầu nguyện cho nhân loại có được một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc; có thể tận hưởng được những ân phúc, ân lộc mà Thiên Chúa ban cho qua thiên nhiên, qua vũ trụ và con người, hầu con người được sống xứng đáng với phẩm giá là con Thiên Chúa; và đồng thời biết chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp; đẩy lui những bất công còn tồn đọng trong xã hội, thắp sáng ngọn lửa tin yêu xua đi những mây mù hắc ám góp phần làm lành mạnh môi trường sống của nhân loại.

“Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (c. 3)

Lương thực là để nuôi dưỡng đời sống con người. Có lương thực nuôi dưỡng phần xác, có lương thực nuôi dưỡng tinh thần, có lương thực nuôi dưỡng linh hồn. Con người có đầy đủ những lương thực trên nuôi dưỡng thì mới phát triển hài hòa, quân bình hầu có đầy đủ năng lực để sống, làm việc và phục vụ với hết khả năng, nhiệt tâm và tình yêu.

Thế nhưng, ngày nay có rất nhiều người (nếu không nói là đại đa số) chỉ biết chăm lo phát triển vật chất, thỏa mãn những nhu cầu thể lý, tìm kiếm ‘vinh thân phì gia’ mà đời sống tâm linh lại èo uột có nguy cơ chết yểu. Cái đói thể lý người ta có thể rất dễ nhận ra và dễ quan tâm; nhưng ngược lại, cái đói tâm linh thì người ta không dễ nhận ra và thường bỏ mặc không quan tâm, mặc dù nó là tác nhân gây ra nhiều hậu quả vô cùng tai hại ảnh hưởng đến hạnh phúc và đời sống sung mãn của con người. Chúng ta hãy cầu xin Cha ban cho chúng ta có đầy đủ lương thực hằng ngày để sống và thi hành ý Cha.

“Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (c. 4).

Điều kiện để được tha thứ là chính bản thân mình phải biết sống thứ tha. Tại sao tôi cầu mong Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi tôi; tha nhân đối xử khoan dung đối với tôi, mà tôi lại hà khắc với người anh em. Tha thứ không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, chúng ta hãy mở lòng mình ra trước Thiên Chúa, khiêm tốn xin ơn chữa lành để ta có thể hòa giải với Thiên Chúa, với chính bản thân, để có thể sống hòa giải với tha nhân.

Bởi vì, nếu tôi không thể tha thứ cho chính mình thì tôi rất khó để có thể tha thứ cho người khác thật lòng. Có những người nhiệt tâm, thiện ý có thừa, họ cho rằng đối với bản thân họ thì việc tha thứ cho tha nhân thật dễ hơn là tha thứ cho chính mình rất nhiều. Chúng ta không thể phủ nhận suy nghĩ của họ.

Tuy nhiên, nó thường chỉ đúng khi người ta tha thứ những khuyết điểm của người khác mà những khuyết điểm ấy không trực tiếp làm tổn thương đến bản thân họ (nhất là đến danh dự, lòng tự trọng). Tôi biết có những người rất tốt lành, nhưng lại mang trong lòng những vết thương không xóa nổi; hay nói khác đi, tận đáy lòng họ chưa thể tha thứ cho người làm tổn hại đến mình, làm mất thanh danh tiếng tốt của mình. Họ có thể quên tạm thời, nhưng khi có những hoàn cảnh, sự kiện gợi đến, lòng họ vẫn sôi lên nỗi niềm cay đắng.

Những vết thương như thế phải cần rất nhiều ơn Chúa để chữa lành và cho chúng ta thấy để sống tha thứ không phải là chuyện dễ. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, chân nhận và chấp nhận những giới hạn của bản thân và sống khoan dung đối với tha nhân.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (c. 4)

Con người ngày nay phải đương đầu với rất nhiều thứ cám dỗ về danh, lợi, thú. Thậm chí người ta có thể coi nó là mục tiêu để đạt tới trong cuộc đời. Có những người để cho danh, lợi cuốn hút đến bất chấp thủ đoạn. Có những người chạy theo lạc thú trong những cuộc tình và coi nó như một ‘mốt thời thượng’ mà đánh mất tình yêu thủy chung, coi nhẹ đời sống hôn nhân gia đình…và còn biết bao nhiêu thứ cám dỗ khác nữa. Vì vậy, lời cầu xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” phải tha thiết hơn bao giờ hết – xin Chúa giúp chúng ta có được đôi mắt tâm linh sáng suốt để biết biện phân những giá trị cao đẹp trong cuộc đời và chọn chúng làm mục tiêu hướng tới để hoàn thành sứ mạng và ơn gọi mà Thiên Chúa trao phó cho mỗi con người.

Và bây giờ, mời bạn cùng tôi, chúng ta hãy chậm rãi đọc kinh lạy Cha – lời kinh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã dạy:

Lạy cha chúng con ở trên trời

Chúng con nguyện danh cha cả sáng

Nước cha trị đến

Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Huệ Minh

Read 258 times Last modified on Thứ tư, 06 Tháng 10 2021 07:17