Sống Lòng Thương Xót Chúa: chuyện không đơn giản
Posted by Ban Biên TậpNhững năm gần đây, đi đâu ta cũng thấy người ta hô hào, cổ võ sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Chuyện hô hào, cổ võ là chuyện cần làm và phải làm. Thế nhưng rồi để cảm được Lòng Thương Xót Chúa và sống Lòng Thương Xót Chúa ngay trong cuộc đời của mình không hề đơn giản.
Lòng Thương Xót Chúa đã có từ lâu ở trên quả đất này. Vì thương nên Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài. Thế nhưng chẳng được bao lâu, con người vì kiêu ngạo đã đối chọi, chống lại Thiên Chúa là Đấng tạo nên mình.
Trong vườn Địa Đàng, ngay khi con người phạm tội thì Lòng Thương Xót của Chúa cũng đã xuất hiện khi Thiên Chúa phán với con rắn cũng như Evà. Thiên Chúa yêu thương con người ngay giờ phút con người phạm tội.
Và rồi trải dài suốt lịch sử cứu độ, ta lại bắt gặp một Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót trước lòng chai dạ đá của con người.
Ngang qua cái chết của Con Một, Thiên Chúa một lần nữa minh chứng cho con người rằng Ngài yêu thương thế gian đến nỗi phó giao người con duy nhất của Ngài. Và người con duy nhất ấy đã thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa ngay ở trên cây thập giá. Chúa Giêsu đã nói lời yêu thương và tha thứ cho nhân loại : Lạy Cha ! Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm !"
Lòng Thương Xót của Chúa cứ trải dài ngay cả sau khi đón nhận cái chết nghiệt ngã trên cây thập giá. Phục Sinh rồi, đứng trước thái độ cứng đầu cứng cổ của các môn đệ, cách riêng Tôma, Chúa vẫn nói lời yêu thương không hề oán trách.
Ta thấy nhưng làm sao ta có thể hiểu được Lòng Thương Xót của Chúa đến như vậy.
Đâu đó trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa cũng đã mấp mé cho con người thấy Lòng Thương Xót của Chúa ngang qua hình ảnh người con hoang đàng, người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình ...
Chúa là vậy đó để rồi những ai đụng chạm và cảm thấy Lòng Thương Xót của Chúa sẽ nhận ra.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khơi dậy Lòng Thương Xót Chúa cho nhân loại qua việc Ngài thiết lập ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đức Thánh Cha một lần nữa mời gọi nhân loại hãy nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu để cảm nhận dòng nước cứu độ tuôn trào từ cạnh sườn của Chúa Giêsu.
Thật sự mà nói, để cảm nhận được lòng Chúa không phải chuyện dễ. Phải đụng, phải chảm như các tông đồ và đặc biệt là Thánh Phaolô thì ta mới thấy được Lòng Thương Xót của Chúa như thế nào ? Thánh Phaolô đã xác nhận rằng Ngài chính là người tội lỗi và Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu độ con người mà người trước hết là Phaolô.
Thử hỏi ai có tài và sinh ra trong một dòng tộc như Phaolô. Phaolô có quyền vênh vang vì nhân thân của mình, thế nhưng khi đụng chạm Chúa Giêsu rồi, Phaolô coi mọi sự là rơm rác để đạt được cùng đích là Đức Kitô.
Các tông đồ xưa cũng vậy, từ những con người mỏng giòn, yếu đuối và bồng bột để rồi khi đụng chạm đến Lòng Thương Xót của Chúa sau những lần hiện ra từ cõi chết đó thì các tông đồ đã được biến đổi. Lòng tin vào Đức Kitô Phục Sinh, vào Đấng giàu lòng thương xót đã khiến các Ngài chấp nhận mất hết tất cả để đạt được cùng đích là Đức Kitô.
Người Kitô hữu được mời gọi đi theo Đức Kitô, sống và loan truyền Lòng Thương Xót của Chúa thế nhưng rồi trong thực tế, mấy ai đã dám sống như các môn đệ đã sống.
Đọc Kinh Lòng Thương Xót Chúa, tôn kính Lòng Thương Xót Chúa, cổ võ lòng kính Lòng Thương Xót Chúa sẽ tròn đầy khi và chỉ khi người đó biết cảm thông, tha thứ và thương xót người đồng loại như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho mình. Khi nào người nào đó khiêm tốn đủ để mở lòng mình ra cho Chúa đi vào lòng mình thật sự thì khi đó mình mới có con tim như con tim của Chúa được.
Khi ta sống trong đời thường, ta đối diện với biết bao nhiêu con người, bao nhiêu sự dữ và sự ác nhưng lòng ta vẫn cứ thanh thản nói lời yêu thương và tha thứ mới là điều quan trọng. Khi và chỉ khi ta cảm cũng như ta loan truyền và nhất là khi ta sống lòng thương xót với anh chị em như Chúa đã thương xót chúng ta thì khi đó ta tôn kính Lòng Thương Xót Chúa mới có ý nghĩa. Bao lâu chúng ta còn hơn thua, tranh giành, nói hành nói xấu, chia bè chia phái, moi móc nhau từ gia đình đến cộng đoàn sinh hoạt và cộng đoàn giáo xứ thì bấy lâu ta phá hủy lòng thương xót của Chúa dành cho ta.
Xin cho ta sống lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa một cách thiết thực nhất trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nên niệm câu trong Kinh Hòa Bình : Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ. Vâng ! Chính lúc chúng ta thương xót, tha thứ, bao dung cho anh chị em mình chính là lúc ta sống lòng thươn xót của Chúa một cách trọn vẹn nhất trong đời của ta.
Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa
Lm. Anmai, CSsR