Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 08 Tháng 5 2022 19:18

Mục tử nhân lành hiến thân phục vụ đoàn chiên

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mục tử nhân lành hiến thân phục vụ đoàn chiên


9/5 Thứ Hai trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh

Cv 11:1-18; Tv 42:2-3; Ga 10:1-10; Ga 10:11-18

MỤC TỬ NHÂN LÀNH HIẾN THÂN PHỤC VỤ ĐOÀN CHIÊN

Chúa Giêsu là “Mục tử nhân lành”, cũng có nghĩa là “Mục tử xinh đẹp”. “Nhân lành” không có nghĩa tình cảm, là “dịu dàng, êm ái”, nhưng là “chân chính, đích thực”. Từ ngữ này gợi ý rằng Đức Giêsu không chỉ là người làm việc có hiệu năng (điều hành), nhưng còn có một nhân cách xinh đẹp toàn diện và duyên dáng hấp dẫn. Cộng với tài lãnh đạo đầy uy lực và hiệu năng của Người, điều làm nên tư cách Mục Tử nhân lành của Người không phải là tài vuốt ve các con chiên, nhưng chính là tình yêu và khả năng đồng cảm của Người.

Mục tử là người chăn chiên, là người lãnh đạo chăm sóc đoàn chiên. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su đã phân biệt hai loại mục tử là: mục tử chân chính và mục tử giả hiệu như sau:

Mục tử chân chính là chính Đức Giê-su: Như Người đã khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Chúa Giê-su đã thể hiện vai trò mục tử nhân lành qua việc biết từng con chiên và được chiên đáp lại (x. Ga 10,14); Người hy sinh lo lắng phục vụ cho đoàn chiên: đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (x Mt 13,1-9), sẵn sàng tính mạng bảo vệ chiên (Ga 10,11), Người ban Thánh Thần để tha tội và lập bí tích Thánh Thể “để cho chiên được sống dồi dào” (Ga 10,10), chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), nhân bánh ra nhiều (Mt 14,15-21), và rửa chân môn đồ để dạy bài học yêu thương (Ga 13,14)…

Hạng thứ hai là mục tử giả hiệu hay là những kẻ chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ vô trách nhiệm: «Khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tán loạn» (10,12).

Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).

Sự nhiệt thành và quan tâm của Đức Giêsu-mục tử không giới hạn vào dân Israel. Công việc Người đã nhận từ Chúa Cha là lo lắng chăm sóc toàn thể nhân loại, làm cho thành một đoàn chiên duy nhất, một cộng đoàn gồm những người tin vào Người. Nói cho cùng, đó chính là sứ mạng của Người. Không một ai bị loại khỏi sự quan tâm của Người, và như thế, sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa nơi Người là để cho mọi dân tộc. “Đoàn chiên duy nhất” này mang hai chiều kích lịch sử chính yếu: (1) chiều đứng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai (cộng đồng Israel, cộng đoàn Nhóm Mười Hai, cộng đoàn tất cả các tín hữu tương lai); và (2) chiều ngang, nối kết các nhóm tín hữu khác nhau trong Đức Kitô, nhưng cũng đi đến với tất cả những người không tin.

Ngày nay, hầu hết các vị mục tử trong Hội Thánh đều có lối hành xử tốt đẹp noi gương Mục Tử Giê-su: yêu thương quên mình, hy sinh tận tụy phục vụ đoàn chiên vô vụ lợi. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một ít mục tử có lối hành xử quan liêu, vụ lề luật khi giải quyết công việc, trở thành phản chứng khiến lương dân đánh giá sai về các mục tử trong đạo. Ngày lễ Chúa Chiên nhân lành hằng năm là dịp để mọi tín hữu chúng ta, nhất là những mục tử đang có sứ vụ coi sóc đoàn chiên xét lại cung cách phục vụ của mình để cộng đoàn ngày thêm hiệp nhất và bình an.

Qua Chúa Giêsu, là mục Tử duy nhất, và qua sự hiệp thông với Người, mọi dân tộc (và mọi cộng đoàn) được kêu gọi trở thành một cộng đoàn lớn duy nhất. Sự hiệp thông này là công trình của Người, chứ chúng ta, dù có tạo ra thứ liên minh nào, vẫn không đạt tới bằng sức của mình được. Chúng ta sẽ có khả năng sống thành cộng đoàn bao lâu chúng ta còn đưa mắt nhìn vào ChúaGiêsu, vị mục tử duy nhất. Tính chất cao quý của mỗi mục tử nhân loại sẽ được đo lường theo khả năng người ấy tạo được sự hợp nhất tại nơi người ấy hiện diện – một sự hợp nhất không tập trung quanh người ấy nhưng quanh Chúa Giêsu.

Người Mục Tử Nhân Lành là hình ảnh tử nói về sự chăm sóc yêu thương và có trách nhiệm; hướng dẫn, che chở, an ủi, nuôi dưỡng và bảo vệ. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho Hội Thánh nhiều mục tử mới tốt lành. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho các mục tử (có chức thánh) ơn khôn ngoan và sự nhẫn nại khi các ngài phục vụ và hướng dẫn dân Chúa.

Kế đến, chúng ta cầu nguyện cho những người dẫn dắt chúng ta nhờ những thừa tác vụ của các ngài trong giáo hội: các tu sĩ, các ủy ban bác ái và những giáo dân thiện nguyện. Chúng ta cũng cầu xin cho tất cả những mục tử đang ngồi trong hàng ghế nhà thờ: các ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, vợ chồng, bạn bè và thầy cô giáo. Họ cũng mang trách nhiệm và gánh nặng trong cương vị lãnh đạo những người mà họ coi sóc.

Hôm nay, cầu chúc họ được đầy tràn ơn hướng dẫn của Thiên Chúa. Nguyện xin tất cả chúng ta được vị Mục tử Nhân lành nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể này, luôn biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên những mục tử tốt lành và, như Đức Kitô, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đoàn chiên chúng ta đang chăm sóc.

Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.

Và rồi các môn đệ của Chúa Kitô phải chứng tỏ một lòng quảng đại như Thầy mình, và phải để cho mình được dẫn dắt bởi tình yêu mà thôi. Nếu chỉ quan tâm đến việc tuân giữ một luật lệ, hoặc làm tối thiểu những gì được quy định, họ không hiểu thế nào là tình yêu chân chính. Có tình yêu trung thực là phải sẵn sàng (tự do) hy sinh mạng sống cách vô vị lợi, như Chúa Kitô.
Huệ Minh

Read 408 times