Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 03 Tháng 1 2016 14:38

Nghỉ Ngơi Và Suy Niệm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nghỉ Ngơi Và Suy Niệm 
Loài người ngày nay nếu không biết dành chút ít thời gian để suy niệm thì khó mà sống hạnh phúc hơn được. Trong Cựu Ước đã có một vị tiên tri cho rằng: “Hòa bình, hòa bình, thế mà vẫn không có hòa bình. Và cũng chẳng có ai nhận ra sự thể đó cả”. Còn trong Tân Ước thì Chúa Giêsu cũng đã rút khỏi đám đông, vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Martha quá bận rộn về nhiều việc nên đã được Chúa bảo cho hay rằng chỉ có một điều cần mà thôi. Để nuôi dưỡng đời sống đức tin và có được an bình trong tâm hồn, người ta phải biết định kỳ tách mình khỏi các lo lắng trần tục.

Có nhiều loại mệt mỏi: Mệt nhọc thể xác, để phục hồi sức lực có thể ta chỉ cần ngồi nghỉ dưới bóng cây, hoặc nằm dài ra nghỉ; sự kiệt quệ trí óc đòi hỏi phải ngơi nghỉ mới có thể tiếp tục nảy sinh các suy tư khác được. Nhưng gian nan nhất vẫn là sự mòn mỏi tâm hồn mà chỉ có cách hiệp thông với Thiên Chúa mới cứu chữa được.

Im lặng giúp ta ăn nói, nghỉ ngơi giúp ta suy tư. Một nhân chứng đương thời với A. Lincoln kể lại rằng ông ta có sống với Lincoln trong ba tuần lễ ngay sau khi trận đánh Bull Run kết thúc: “Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì phải nói trước công chúng sáng hôm sau đó. Đã quá nửa đêm, đúng ra là hừng đông. Và tôi nghe thấy có tiếng thầm thì trong phòng Tổng thống ngủ. Cửa phòng hé mở, theo bản năng, tôi bước lại gần và thấy Tổng thống quỳ bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một lúc, quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng thống buồn bã kêu lên: ‘Lạy Chúa! Chúa đã nghe lời cầu khẩn của Salomon trong đêm khuya: xin cho được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Salomon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!”

Nay ta tự hỏi liệu không biết có bao nhiêu quan chức thời nay biết kêu xin Thiên Chúa giúp đỡ họ chu toàn gánh nặng trên vai họ. Khi Liên hiệp quốc lần đầu tiên nhóm họp ở San Francisco, vì sợ làm phật ý các kẻ vô thần, người ta đã quyết định dành một phút im lặng thay vì lên tiếng cầu nguyện xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn mọi dân nước. Khi thấy Phêrô không lưới được cá, Chúa Giêsu bèn bảo ông “Hãy buông lưới sâu hơn”. Chính khi bị thất bại, linh hồn càng phải rút ra xa bờ hơn.

Đấng Cứu Thế hứa ban cho ta “sự nghỉ ngơi tâm hồn” khi ta rút lui. Nghỉ ngơi là một ơn Chúa ban chứ không phải tự ta tìm mà có hoặc là sự trả công khi đã chu toàn công việc. Ham muốn, ganh tỵ, giàu sang và hà tiện đã khiến con người suy nghĩ theo kiểu phàm tục. Sự nghỉ ngơi thực sự là việc kiểm soát được mọi đam mê, khống chế được các khát vọng. Đó chính là niềm vui thích của một lương tâm yên ổn. Và ta cũng đạt được sự nghỉ ngơi chỉ khi nào hiểu rõ được cuộc đời này. Đa số các khuấy động ngày nay xảy ra là do người ta không hiểu tại sao họ có mặt trên đời này, và họ sẽ đi về đâu và họ chẳng thèm phí thời giờ để giải đáp các vấn nạn đó. Nếu không giải đáp được điều đó thì chẳng giải quyết được điều chi cả. Kéo dài kiếp sống mà chẳng hiểu tại sao mình sống hẳn là điều hết sức vô nghĩa.

Động lực hướng ngoại phải đi kèm với sự nghỉ ngơi bên trong, nếu không năng lượng sẽ nổ tung và gây ra hành động thiếu khôn ngoan. Kẻ nào biết dựa vào Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ phục hồi sức mạnh: cả sức mạnh tinh thần và thể xác. Một linh hồn mòn mỏi thường dễ kéo theo thân xác mệt mỏi. Ngược lại một thể xác mệt mỏi lại ít khi làm cho linh hồn mòn mỏi hơn. Sự nghỉ ngơi theo quan điểm Kitô giáo không phải là ngưng làm việc cho bằng việc giải thoát khỏi những lo lắng do tội lỗi và ham hố đem lại. Hàng ngàn bệnh nhân loạn thần kinh cần được phục hồi lại cuộc sống hài hòa bằng cách đem lại cho họ sức sống tâm linh nhờ vào cầu nguyện, tĩnh tâm và chiêm niệm. Cuộc đời có thể ví như âm nhạc, phải có những tiết tấu thinh lặng xen lẫn tiết tấu âm thanh.

Sự nghỉ ngơi do rút lui vào thinh lặng và sự suy niệm đem lại không chỉ đơn thuần là ngưng làm việc, mà là nghỉ ngơi ngay trong công việc. An bình của Đức Kitô không phải là một kiểu an bình thách thức, cứ đưa đầu ra đón chờ bão tố. Nó là hòa bình để chiến đấu và là niềm vui cho lương tâm của những ai biết lắng nghe tiếng lương tâm. Thế gian không thể ban tặng nó, cũng không thể tước đoạt nó đi. Nó thống lãnh tâm hồn con người và đó là một thái độ bên trong. Lưu tâm tới đời sống tâm linh thì phải biết nghỉ ngơi vậy.

Đức cha Fulton Sheen. (Nguyên tác: Way to Happiness)

 

Read 1012 times Last modified on Thứ hai, 04 Tháng 1 2016 15:26