Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 15:30

Lắng nghe biển gọi trong tiếng Chúa mời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lắng nghe biển gọi trong tiếng Chúa mời


Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi trong những ngày quê hương đang gặp những khó khăn từ việc cá chết hàng loạt và tiếng kêu cứu vô vọng bởi những con sông ô nhiễm. Đọc lại ”Tông Huấn: Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tìm ra lối mở của Tin Mừng cho người đau thương, nghèo khó. (Các số là tham chiếu Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”)

Tiếng kêu cứu của người nghèo (187)

“Con cái Israel kêu lên Yavê và Yavê đã chỗi dậy cho họ một vị cứu tinh” (Tp 3, 15).

Trong Thánh kinh rất nhiều tiếng kêu của những người nghèo, đau khổ kêu lên Thiên Chúa. Tiếng họ kêu được Thiên Chúa luôn đáp lại bằng tình yêu thương, nâng đỡ, khuyến khích và giải cứu cho họ.

“Bây giờ, này tiếng oán thán của con cái Israel đã lên thấu Ta và Ta đã thấy việc người Aicập hành hạ chúng. Vậy bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô; ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israel ra khỏi Aicập”. (Xh, 3, 9 – 10).

Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả tiếng kêu cầu của dân và sai Môisê đi giải thoát cho họ. Là những người được Chúa sai đi, lãnh nhận với sứ vụ “loan Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, công bố năm hồng ân” (Is 61, 1). Không thể ngồi yên lặng, hoặc giả làm ngơ, hoặc thực hành đại khái. Thông điệp Laudato Si đề cập: “Tiếc thay, nhiều cố gắng để tìm cách giải đáp cụ thể cho khủng hoảng môi trường, thường thất bại, không phải chỉ vì chống đối với những người có quyền lực, nhưng còn vì vô cảm với những kẻ khác. Những thái độ – ngay cả giữa các tín hữu – sơ cứng trên những con đường giải quyết, đưa đến việc phủ nhận các vấn đề với thái độ dửng dưng, chống đối cách hời hợt hay tin tưởng cách mù quáng vào các giải quyết dựa trên kỹ thuật.” (Laudato Si, số 14).

“Nếu tiếp tục giả điếc trước tiếng kêu ấy, khi chúng ta là những công cụ của Thiên Chúa để lắng nghe người nghèo, đặt chúng ta ra ngoài Thánh Ý của Chúa Cha và kế hoạch của Ngài, bởi vì người nghèo “kêu Ðức Chúa tố cáo anh em, và anh em sẽ mang tội” (Ðnl 15:9)” ( Niềm Vui Tin Mừng, 187).

Không thể làm ngơ trước lời kêu cứu đòi công lý, minh bạch vấn đề ô nhiễm: “Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu mệnh lệnh của Chúa Giêsu với các môn đệ, “các con hãy cho họ ăn” (Mc 6:37), và điều này bao gồm cả việc hợp tác để giải quyết những nguyên nhân cấu trúc của nạn nghèo đói và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người nghèo, cũng như những cử chỉ đơn giản nhất hàng ngày của tình hiệp nhất khi đối diện với đau khổ rất cụ thể mà chúng ta gặp. (Niềm vui Tin Mừng, 188)

Kết hiệp với Chúa để lắng nghe và thực hành.

Tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, không là trên môi miệng mà còn trong thực hành: “Tuyên xưng một Chúa Cha, Ðấng yêu thương mỗi con người bằng một tình yêu vô hạn, nghĩa là khám phá ra rằng “Ngài ban cho họ một phẩm giá vô cùng”. [141] Tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm của chúng ta có nghĩa là mỗi con người đã được đưa lên tận trái tim của chính Thiên Chúa. Tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã đổ máu của Người ra vì chúng ta giúp chúng ta không còn nghi ngờ một chút nào về tình yêu vô biên là điều làm cho mỗi con người thành cao thượng. Việc cứu chuộc của Người có một ý nghĩa xã hội bởi vì “Thiên Chúa trong Ðức Kitô, cứu chuộc không những chỉ cá nhân, mà còn cả những liên hệ xã hội giữa con người” (Niềm vui Tin Mừng, 178).

Phẩm giá của con người cao quý được Thiên Chúa tạo dựng “theo hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 26) và được trao cho nhau cùng đồng trách nhiệm với thế giới tự nhiên, con người đang sống. Lời mời gọi “Hãy cho họ ăn” không chỉ dừng nơi những người lãnh đạo tôn giáo mà còn với những người lãnh đạo đất nước. “Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta thêm những chính trị gia thực sự biết quan tâm đến xã hội, dân chúng và đời sống của những người nghèo! Ðiều thiết yếu là các nhà lãnh đạo chính quyền và các cơ quan tài chính ngước mắt lên và mở rộng cái nhìn của họ, ngõ hầu họ làm việc một cách thế nào để có được những công việc xứng đáng, sự giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi công dân.” (Niềm vui Tin Mừng 205).

Con người luôn là mục đích chứ không bao giờ là phương tiện. Không dùng những con người là phương tiện cho những phương thức bạo hành, bạo lực, nhằm bảo vệ những mục đích đen tối. Cần bảo vệ từng người, nhất là những tiếng nói từ những con người dễ bị và đang bị tổn thương nhất trong xã hội. “Mọi vi phạm đến phẩm giá cá nhân của con người đều là lời kêu xin trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trở thành một tội chống lại Ðấng Tạo Hóa của con người” (Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Christifideles Laici 30 – 12 – 1988, Gioan Phaolô 2).

Con người được tạo dựng được trao quyền chăm sóc ngôi nhà chung. Các Giám Mục tại Phlippin nêu lên trong Thư Mục Vụ: “Thiên Chúa có ý ban đất này cho chúng ta, một tạo vật đặc biệt của Ngài, nhưng không phải để chúng ta có thể tiêu diệt nó và biến nó thành một vùng đất sa mạc [...] Sau một đêm mưa, hãy nhìn về phía các con sông mầu nâu sôcôla trong môi trường chung quanh anh chị em, và hãy nhớ rằng chúng đang mang máu sống của đất ra biển [...] Làm sao mà cá có thể bơi lội được trong những cống rãnh như sông Pasig và nhiều con sông khác đã bị ô nhiễm? Ai đã biến thế giới tuyệt vời dưới nước của biển thành nghĩa trang bị tước mất sự sống và màu sắc?” [178]” (Niềm vui Tin Mừng 215). Cần có câu trả lời chính xác để có thể ngăn lại những hâu hoạ cho hiện tại và cả tương lai.

Trong niềm tuyên xưng vào Chúa Ba Ngôi, con người luôn có trách nhiệm xây dựng hoà bình. “Hoà bình xã hội không thể được hiểu như bình định hoặc như sự vắng mặt của bạo lực chỉ đạt được bằng sự áp đặt của một phe nhóm trên những phe nhóm khác. Nó cũng sẽ chỉ là một an bình giả tạo khi bị xử dụng như một lý do để biện minh cho một cấu trúc xã hội nào đó hoặc bịt miệng những người nghèo nhất hay xoa dịu họ, để những người được hưởng những lợi ích lớn nhất có thể duy trì lối sống của họ mà không bị xáo trộn, trong khi những người khác thì sống chết mặc họ”. (Niềm vui Tin Mừng 218).

Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta sống gắn kết với Chúa để gắn kết với nhau và vời thiên nhiên. Nuôi dưỡng lòng yêu mến Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, ở nơi đó mọi người sẽ thực thi những điều đơn giản nhất với: “Ðiều tốt lành luôn luôn có khuynh hướng lan truyền. Mỗi kinh nghiệm đích thực về chân lý và sự thiện, mỹ là tự nó tìm cách lan rộng, và mọi người trải qua một cuộc giải thoát sâu xa trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu của người khác” (Niềm Vui Tin Mừng 9).

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Read 540 times Last modified on Chủ nhật, 22 Tháng 5 2016 09:48