Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 14 Tháng 2 2016 20:25

Lời thơ là lời cầu nguyện

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lời thơ là lời cầu nguyện
Thi ca là tinh túy được chắt lọc và tổng hợp những giá trị của đời sống. Thi ca vượt trên những lẽ thường tình và trở thành nghệ thuật tu từ có tính cô đọng, chuyển tải ngôn ngữ giàu hình ảnh, âm thanh và mầu sắc, làm cho người đọc cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. Khi một bài thơ được phổ nhạc, những giai điệu đã chắp cánh cho lời thơ bay lên. Vì thế âm nhạc và thi ca luôn hòa quyện để trở một nghệ thuật độc đáo giúp cho con người hướng tới những giá trị thuần khiết, có những suy nghĩ tích cực và hành xử với tấm lòng nhân ái…

Trong đời sống tôn giáo, thi ca trở thành lời cầu nguyện, tán tụng và tạ ơn. Bản kinh Magnificat là một áng thơ tuyệt diệu nói lên tâm tình cảm tạ của Mẹ Maria dâng lên Thiên Chúa. Đây là một cảm hứng xuất thần của Maria khi cảm nhận được đặc ân mà Thiên Chúa đã thương ban. Lời thơ được diễn tả qua Tin mừng Luca (Lc 1:46-55) đã làm cho chúng ta cảm nhận được những điều kỳ diệu và cao sang, những lời tán tụng quyền năng của Đấng chí tôn và uy lực của Ngài. Bài ca này đã được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc, nhưng đối với giáo dân Việt Nam, chúng ta đã quá quen thuộc với những giai điệu của nhạc sỹ Kim Long. Mỗi khi bài ca trổi lên, ta có cảm giác những đợt sóng trào dâng, quyện với những ca từ tuyệt diệu lấy ý từ kinh Magnificat. Một bài ca tuyệt vời, có một không hai!.

Linh hồn tôi tung hô Chúa,
thần trí tôi vui mừng vời vợi trong Ðấng cứu chuộc tôi.
Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ 
Vì vậy đến muôn đời sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, 
sẽ khen tôi muôn đời đến muôn đời 
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả,
Danh Người là thánh!
Lượng từ ái trải qua từ đời nọ tới đời kia,
Hằng bao bọc những ai kính sợ Người. (Linh hồn tôi, nhạc Kim Long)

Trên thi đàn Việt Nam vào thập niên 30 thế kỷ trước, Hàn Mặc tử là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong giới thi nhân tiền chiến. Một hồn thơ vượt lên trên lẽ sống bình thường và đã có những cảm hứng thánh thiêng khi viết về những đề tài tôn giáo. Có lẽ trước và sau Hàn Mặc Tử, ta hiếm khi đọc được những vần thơ xuất thần, bay bổng, đưa hồn người bay lên tới cõi thiên đàng, những hình ảnh hùng vỹ và những tứ thơ thần hứng:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run, thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến… (Ave Maria - HMT)

Ta ngất đi trong khoái lạc hồn đau
Nhịp song đôi này đây cung cầm nguyệt
Ướp lời thơ thành phước lộc đường tu
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẽ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng (Đêm Xuân cầu nguyện)

Đau khổ chính là chất liệu của nhà thơ. Đau khổ sẽ giúp cho con người trưởng thành và hiểu thấu đáo giá trị làm người. Mùa trăng về hành hạ những bệnh nhân phong cùi. Ánh trăng vằng vặc xuyên qua cành liễu là lúc bệnh nhân phong cùi bị giằng xé giữa những cơn đau. Thi nhân đã liên tưởng nỗi đau khổ nội tâm của Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi”(Mc 14,36). Thi nhân đã biến lời cầu nguyện thành hình ảnh lãng mạn để hậu thế có những vần thơ bất hủ:

Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi 
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi 
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi 
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời (Trăng - HMT)

Nhưng nào ai có hiểu đó chính là nỗi đau. Ai có thể mua được nỗi đau đang giày vò, gặm nhấm cơ thể tàn tạ này, chỉ biết dâng lên Thiên Chúa!.

Thơ ca là phương tiện chuyển tải đạo thánh hiền của người xưa. Vì thế trong những áng thơ văn cổ ta thấy rõ quan niệm “Văn dĩ tải đạo”. Điều này vẫn còn phù hợp với thời đại của chúng ta. Khi tháng hoa về, nếu có điều kiện tham dự các buổi dâng hoa tại nhiều địa phương khác nhau, ta sẽ nhận ra các làn điệu dân ca phong phú của những vùng miền trên quê hương đất Việt. Đó chính là sự chuyển tải tâm tình cầu nguyện bằng thi ca, hò, vè. Tâm hồn người Việt Nam vốn gắn liền với những giai điệu dân ca một mạc:

Tự thưở bé, mẹ ru con
Bằng lời ca dao đượm màu dân dã
Mẹ kể cho con nghe
Những sự tích thần kỳ
Những câu chuyện thưở khai thiên lập địa
Những mộc mạc tình quê
Những hương đồng cỏ nội
Như thấm vào huyêt quản tâm can
Mẹ nuôi con trong tinh thần đạo hạnh
Có những việc làm tưởng chừng như vô nghĩa
Nhưng lại theo con suốt cả cuộc đời (Mẹ, miền dân dã- Hoàng Nga)

Là những người làm thơ công giáo, ta lại càng ý thức hơn trong việc chuyển tải tâm tình cầu nguyện bằng thi ca, diễn giải ý nghĩa Lời Chúa một cách giản dị để đi sâu vào lòng người một cách hiệu quả, đó là góp phần trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa mà Giáo hội đang cổ súy. Có thể bạn chia sẻ bài đọc chủ nhật bằng một cách mới và hướng người đọc tới một chiều kích cao hơn bằng những việc làm cụ thể là bạn đang truyền bá lý tưởng của Chúa Kytô. Khi bạn hóa thân vào những cảnh ngộ của đời sống là bạn đang chia sẻ nỗi đau thập giá với mỗi số phận của con người. Người ta sẽ gọi bạn là thi sỹ khi bạn thoát ra được những ràng buộc của chữ nghĩa và làm nổi bật được giá trị của tình yêu. Có thể nỗi đau khổ sẽ đọng lại để làm cho nhân cách của bạn lớn lên. Tình yêu và thập giá Chúa Kytô sẽ làm cho bạn trở thành người hào phóng, cho nhiều hơn nhận. Lời thơ của bạn chính là lời cầu nguyện.

Hoàng Công Nga

 

Read 1166 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 2 2016 14:00