Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 23 Tháng 10 2016 14:25

Quê hương vùng lũ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quê hương vùng lũ


Tháng 7/2016, tôi trở về quê hương với một số anh em trong họ tộc để tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Ông bà Tổ tiên đồng thời khánh thành lăng mộ của gia tộc được xây dựng tại cánh đồng Cửa Ràn thuộc xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi trở lại quê hương, tuy nhiên mỗi lần luôn có một cảm giác mới lạ và cảm nhận được những tình cảm xúc động với những cái nhìn khác nhau. Vùng đất này vốn có một lịch sử lâu đời từ thời nhà Trần, khi bà Hoàng phi Trần Thị Ngọc Hảo phụng mệnh triều đình về khai khẩn vùng đất Thổ Hoàng, Hương Khê. Bà vốn là người Tri Bản, một làng quê thuộc vùng thượng Ngàn Sâu, gắn liền với vùng đất Thổ Hoàng hiện tại. Cả một vùng đất rộng chạy dài từ Đức Thọ lên đến Gia Phố, với những làng mạc ban đầu như Tùng Chinh, Ngũ Khê đã trở thành điền trang của bà, sau này bà đã dâng cho vua Lê và biến nơi đây trở thành hậu cứ cung cấp lương thực cho vua Lê trong công cuộc kháng chiến đánh quân Minh xâm lược.

Tôi đang bước chân đi trên những dấu ấn lịch sử, những lớp phù sa mầu mỡ của những trận lụt hàng năm đã bồi đắp cho những ruộng vườn nơi đây trở nên xanh tốt. Đứng giữa đồng Cửa Ràn thả tầm mắt ra bốn hướng nhìn thấy đồi núi bao bọc chung quanh, hình ảnh ngọn tháp của nhà thờ vươn cao giữa cánh đồng. Những địa danh mà hầu như tôi đã nhiều lần dở tìm trong sử sách. Cư dân hiện tại không biết về những quá khứ đã xảy ra trước đây mà hầu như chỉ được truyền khẩu lại qua các thế hệ ông cha…

Tôi đặt những bước chân nhẹ nhàng trên đường Thiên Lý băng ngang qua Đồng Cửa Ràn, con đường bộ xuôi Bắc Nam nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử trong quá khứ, trong đầu óc liên tưởng cảnh sinh hoạt ban đầu của những người dân xiêu tán được quy tụ trong đoàn người khai hoang của Bạch Ngọc Hoàng hậu… Trên đồng Cửa Ràn, bà con nông dân đang thu hoạch mùa lạc, đây là một loại nông sản có giá trị nhất nơi những cánh đồng sâu trũng quê tôi nhưng xét ra thì cũng chỉ là một hoa màu bình thường không thể giúp cho người nông dân vươn lên vượt qua cảnh khổ. Khi hỏi thăm về mùa lũ, mọi người vui vẻ chuyện trò, quen rồi cảnh cũ hàng năm. Dân miền lũ thì phải quen với lụt chứ! Nghe mọi người vui vẻ chuyện trò tôi không tưởng tượng được. Đường Sàigòn chỉ mới mưa to mà đã ngập, đi lại bị bế tắc, dân thành phố đã kêu ca, trong khi dân tình miền Trung chìm ngập trong biển nước. Mùa lũ về, phương tiện đi lại bằng xuồng, ngôi nhà nơi cao nhất là trần nhà (người miền Trung gọi là chạn) lại là nơi trú ẩn. Năm nào lụt to, nước lút (ngập) cả chạn, lợn gà, tài sản trôi theo dòng lũ. Nhà cửa xê dịch trôi xa cả hàng vài chục mét. Vậy mà mọi người vẫn vui vẻ. Sức chịu đựng của dân miền Trung thật kiên cường, coi thường gian khổ, rèn luyện nên ý chí bất khuất, quật cường…

Dòng Ngàn Sâu chảy qua chia cắt đôi bờ của thung lũng, mực nước xuống sâu làm cho dòng chảy trở thành chậm chạp. Vậy mà chỉ cần mấy cơn mưa liên tiếp, nước nguồn đổ về thì lại hóa thành giận dữ dâng cao ngập nước băng vời những cánh đồng. Nơi thủy tận tại vùng Phương mỹ, hình thành tại một khúc sông được gọi là Cửu Khúc. Tôi đã trèo lên đỉnh cao của nền đất đình Mỹ Khê để quan sát Cửu Khúc một cách tường tận. Do cấu tạo địa chất của khúc sông này, dòng chảy đã xâm thực và biến khúc sông này uốn lượn thành chín khúc như hình ảnh của con rồng thời Lý. Lưu lượng của dòng sông tới đây chậm lại hẳn sau đó đổ xuống vực Gia bị eo núi của cồn Voi chặn lại làm nước dâng cao gây ra ngập lụt. Vì thế địa danh nơi đây được gọi là “Cửu khúc hồi lai”. Đã có những nghiên cứu về xã hội để khai thông dòng chảy tại cồn Voi giúp cho dân thoát cảnh ngập lụt hàng năm nhưng có lẽ cũng chỉ là sự đồn thổi mà thôi…

Nhiều người xa xứ đã về thăm quê, nhiều người tự hỏi sao dân mình cứ bám trụ nơi đây nhỉ? Tôi cũng không biết trả lời thế nào nữa, chỉ biết cám ơn đã có những người tần tảo, gắn bó với quê cha, đất tổ để những người con xa quê có dịp trở về thăm lại. Tình quê hương, tình quyến luyến là một phần không thể thiếu nơi tâm hồn mỗi người dân Việt.

Trận lũ tháng 10/2016 cũng được gọi là trận lũ lịch sử, với những thông báo xả lũ bất thường của thủy điện Hố Hô không đến được với dân gây ra lũ lụt khủng khiếp tại vùng Hạ Ngàn Sâu. Những làng mạc dọc theo hai bờ lưu vực của dòng sông chỉ còn lại những nóc nhà nhấp nhô giữa biển nước trùng khơi. Tôi liên lạc về quê, được biết  nước lũ bắt đầu rút, ngày mai thì các xe cứu trợ có thể vào được sân nhà thờ. Trong những đoàn cứu trợ có cháu Trần Quỳnh Anh, một người con cháu của Thổ Hoàng/Kẻ Vang, cùng với một số bạn bè Hà Lan thành lập Hội Bác ái TrinitasVN. Một tổ chức khác do người thân của tôi đứng ra tổ chức, xe hàng đã về nhưng chưa xuống được con đường sâu trũng. Bộ đội đã có mặt đang dọn dẹp, cứu giúp người dân… Một số bạn trẻ đã nhờ tôi liên hệ xin số điện thoại và tài khoản của cha xứ Thổ Hoàng để chuyển tiền cứu trợ.

Người dân vùng lũ đang thoi thóp sống nhờ bằng những món hàng cứu trợ, nhìn cảnh những ngôi nhà ngập nước còn lại nóc thật thê thảm, một số thanh niên trai tráng dám chèo xuồng ra sông Ngàn Sâu nhận hàng cứu trợ, giữa biển trời cheo leo. Hình ảnh ngôi nhà thờ vượt lũ còn nổi lên tầng trên cho dân nhờ vả… Tôi nhìn thấy tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân vùng lũ quanh năm phải chống chỏi với thiên nhiên. Ôi quê tôi ngàn lần khốn khổ… Một miếng khi đói, một gói khi no. Một nghĩa cử tràn đầy tinh thần bác ái. Nhiều bạn trẻ Phương Mỹ trăn trở chưa một lần về quê mẹ, chỉ nhìn thấy những hình ảnh trên báo chí, nén lại những thương tâm và muốn đóng góp một chút gì cho người dân vùng lũ. Chúng ta hãy cùng chia sẻ với nhau một chút tình nhân ái.

Hoàng Công Nga

 

Read 960 times Last modified on Thứ hai, 31 Tháng 10 2016 14:23