Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 16 Tháng 7 2024 09:07

Những tật xấu và các nhân đức. Bài 18: Đức tin

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những tật xấu và các nhân đức. Bài 18: Đức tin


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về những tật xấu và các nhân đức.
Bài 18: Đức tin
Anh chị em thân mến

Hôm nay tôi muốn nói về đức tin. Cùng với đức ái và đức cậy, nhân đức này được gọi là nhân đức “đối thần”. Có ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Tại sao gọi là đối thần? Bởi vì chúng chỉ có thể sống được nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ba nhân đức đối thần là những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho khả năng đạo đức của chúng ta. Không có chúng, có thể chúng ta khôn ngoan, công bình, mạnh mẽ và tiết độ, nhưng chúng ta sẽ không có đôi mắt nhìn được ngay cả trong bóng tối; chúng ta sẽ không có trái tim yêu thương ngay cả khi nó không được yêu; chúng ta sẽ không có niềm hy vọng dám chống lại mọi hy vọng.

Đức tin là gì? Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo giải thích cho chúng ta rằng đức tin là hành vi qua đó con người tự do phó mình cho Thiên Chúa (số 1814). Trong đức tin này, Ápraham trở thành người cha vĩ đại. Khi chấp nhận rời bỏ mảnh đất của tổ tiên để hướng tới vùng đất mà Chúa đã chỉ cho, có lẽ ông bị coi là kẻ điên rồ: tại sao lại bỏ cái đã biết cho cái chưa biết, cái chắc chắn cho cái bất toàn? Nhưng tại sao ông lại làm vậy? Ông bị điên rồi ư? Nhưng Abraham ra đi như thể ông đã nhìn thấy điều vô hình. Đây là những gì Kinh thánh nói về Ápraham: “Ông ra đi như thể xem thấy Đấng vô hình”. Điều này thật tuyệt vời. Và chính Đấng vô hình này sẽ khiến ông lên núi cùng với con trai của mình là Isaac, đứa con duy nhất của lời hứa, người chỉ được tha để không bị hiến tế vào giây phút cuối cùng. Nhờ đức tin này, Ápraham trở thành cha của một dòng tộc đông đúc. Đức tin đã làm cho ông sinh hoa trái.

Môsê là người có đức tin, đã đón nhận tiếng Chúa ngay cả khi có nhiều ngờ vực có thể làm ông lay động, ông vẫn tiếp tục kiên định và tin tưởng vào Thiên Chúa, thậm chí còn bảo vệ những người kém đức tin.

Đức Trinh Nữ Maria là một người nữ có đức tin, khi nhận được lời loan báo của sứ thần, điều mà nhiều người có thể coi là quá khắt khe và mạo hiểm, đã trả lời: “Này, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Và với con tim tràn đầy đức tin, với con tim tràn đầy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đức Maria dấn thân trên con đường mà Mẹ không hề biết đường cũng như không hề biết nguy hiểm.

Đức tin là nhân đức làm nên người Kitô hữu. Bởi vì là Kitô hữu trước hết không phải là chấp nhận một nền văn hóa với những giá trị đi kèm với nó, nhưng làm Kitô hữu là đón nhận và gìn giữ một mối dây, mối dây liên kết với Thiên Chúa: tôi và Thiên Chúa; con người tôi và khuôn mặt đáng yêu của Chúa Giêsu. Mối liên kết này làm nên người kitô hữu chúng ta.

Liên quan đến đức tin, nảy ra trong đầu tôi một đoạn trong Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa Giêsu đang sang bờ bên kia và bất ngờ cuồng phong nổi lên. Họ nghĩ rằng họ có thể vượt qua bằng sức mạnh của đôi tay, bằng kinh nghiệm, nhưng con thuyền bắt đầu đầy nước và họ hoảng sợ (xem Mc 4,35-41). Tin mừng cho biết, họ không nhận ra rằng họ đã có giải pháp ngay trước mắt: Chúa Giêsu ở trên thuyền với họ, giữa cơn bão, và Chúa Giêsu đang ngủ. Cuối cùng, khi họ đánh thức Người dậy, vừa sợ hãi vừa tức giận vì Người để họ sợ đến chết, Chúa Giêsu trách họ: “Sao anh em lại sợ? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” (Mc 4,40).

Vậy thì đây là kẻ thù lớn nhất của đức tin: nó không phải là trí thông minh, không phải là lý trí, như, than ôi, một số người tiếp tục lặp đi lặp lại một cách ám ảnh, nhưng kẻ thù lớn nhất của đức tin là sợ hãi. Vì lý do này, đức tin là món quà đầu tiên được đón nhận vào trong đời sống Kitô hữu: một món quà phải được đón nhận và cầu xin hàng ngày, để bên trong chúng ta được đổi mới. Rõ ràng đây là một món quà nhỏ nhưng lại rất cần thiết. Khi cha mẹ đưa chúng ta đến giếng rửa tội, sau khi tuyên bố tên mà họ đã chọn cho chúng ta, họ được vị linh mục thẩm vấn: "Anh chị em xin gì nơi Hội thánh Chúa?". Và cha mẹ đã trả lời: xin "Đức tin, phép rửa!".

Đối với các bậc cha mẹ Kitô giáo, ý thức được ân sủng đã được ban cho mình, cũng là ý thức được món quà họ cần xin cho con mình: đức tin. Với đức tin, các bậc cha mẹ biết rằng ngay cả giữa những thử thách của cuộc sống, con mình sẽ không đắm chìm trong sợ hãi. Vâng, kẻ thù là sự sợ hãi. Họ cũng biết rằng khi đứa trẻ không còn cha mẹ ở trần gian này thì nó vẫn còn có Thiên Chúa Cha ở trên trời, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi nó. Tình yêu của chúng ta thật mong manh và chỉ có tình yêu của Chúa mới chiến thắng được cái chết.

Tất nhiên, như vị Thánh Tông đồ nói, không phải ai cũng có đức tin (xem 2 Tx 3,2), và ngay cả chúng ta, những người có đức tin, cũng thường nhận ra rằng mình chỉ có một chút đức tin thôi. Chúa Giêsu thường khiển trách chúng ta, như Người đã làm với các môn đệ, là “những kẻ kém tin”. Nhưng đó là món quà hạnh phúc nhất, đức tính duy nhất mà chúng ta được phép ghen tị. Bởi vì những ai có đức tin đều có sức mạnh không chỉ của con người; thực ra, đức tin “kích hoạt” ân sủng trong chúng ta và mở lòng trí cho mầu nhiệm của Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã từng nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6). Vì thế, cũng như các môn đệ chúng ta hãy lặp lại với Người: Lạy Chúa, xin gia tăng niềm tin cho chúng con! (xem Lc 17,5) Đó là một lời cầu nguyện hay! Anh chị em chúng ta cùng nhau đọc câu đó được không? “Lạy Chúa, xin gia tăng niềm tin cho chúng con”. Vâng! Xin cảm ơn.

G. Võ Tá Hoàng
https://www.vatican.va

Read 110 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 7 2024 08:27