18.1 Thứ Tư Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
Dt 7:1-3,15-17; Tv 110:1,2,3,4; Mc 3:1-6
Phản ứng của Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người Biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần được một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: "Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ". Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
Tin mừng nhắc đến cuộc đụng độ giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu. Đây là cuộc đụng độ thứ năm, cũng là cuộc đụng độ cuối cùng và gay gắt nhất giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo Do thái tại Galilê.
Bầu khí lúc này khá căng thẳng, ngột ngạt. Trong hội đường, duy chỉ một mình Chúa Giêsu lên tiếng, những người còn lại hoàn toàn im lặng. Đến ngay người bại tay cũng chẳng mở miệng xin Chúa chữa lành cho mình. Đám đông dân chúng mọi khi trầm trồ trước những lời nói và việc làm đầy uy quyền của Chúa, nhưng lúc này họ cũng im bặt. Nhóm Pharisiêu mọi khi lên tiếng chỉ trích Chúa, nhưng bây giờ cũng chỉ chăm chăm chú chú, soi mói xem Chúa làm gì.
Khi phải đối diện với một sức mạnh ghê gớmm của thế gian ngay trong chính hội đường vốn biểu trưng cho môi trường tâm linh – tín ngưỡng, Chúa không thoái lui, đầu hàng, nhưng Ngài chính thức công bố tình thương ơn cứu độ thời cánh chung của Thiên Chúa cho thế gian tăm tối, mịt mờ này. Việc Ngài chữa lành cho người bị bại tay cho thấy lời loan báo của ngôn sứ Isaia về thời của Đấng Thiên Sai đã thành hiện thực (Ngôn sứ Isaia loan báo rằng khi vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện thì “những bàn tay rã rời nên mạnh mẹ” – Is 35, 3).
Chúa Giêsu gọi anh bại tay ra giữa đứng (c. 3). Ngài muốn người Do Thái nhìn thẳng và nhận ra vấn đề vì thế Ngài hỏi họ: “ Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” (c. 4). Câu hỏi của Ngài như một lời chất vấn lương tâm, dẫn họ lần bước trở về tính thiện ban đầu mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người. Tác giả mô tả tình trạng của họ : “ làm thinh”. Họ làm thinh có lẽ không dám trả lời trái với lẽ lương tâm, nhưng cũng là cách phản đối, từ chối con đường yêu thương mà Chúa Giêsu đặt ra trong ngày sa bát giữa “ lành – dữ; cứu mạng – giết đi”. Thánh sử nói rõ : lòng họ đã chai lì trước lời mời lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu vì thời đó, người Do Thái quan niệm bệnh tật là do ma quỉ và tội lỗi gây ra nên Chúa Giêsu muốn trải rộng nguyên tắc đem lại sự sống giải phóng con người khỏi ách nô lệ của Satan là ngày được cứu người, được phép làm điều tốt điều lành. Đó là ngày Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho dân Người, nhất là những người nghèo.
Với sự lặng thinh cứng lòng của người Do Thái, chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu “ giận dữ rao mắt nhìn và buồn khổ”. Đây là tấm lòng của một Thiên Chúa yêu thương gần như bất lực trước tự do của con người. Khi thấy họ cố “ bịt mắt bưng tai” trước lời mời cứu độ và hành vi yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đón nhận thái độ ấy trong sự cương quyết bày tỏ tình yêu Cứu độ : Người bảo anh bại tay “ giơ tay ra!” (c. 5) và tay anh được chữa lành.
Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, duy chỉ có một thái độ Ngài không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối, con người sa ngã là chuyện bình thường, nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân danh đạo lý và pháp luật để khước từ yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần, tội không thể tha thứ được. Thật thế, khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, khi con người khước từ yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi các môn đệ đề cao cảnh giác trước men Biệt phái.
Mỗi chúng ta được nhắc nhớ rằng dù cuộc đời ta tăm tối thế nào chăng nữa, dù ta phải đối diện với những thử thách hay nghịch cảnh nào ở đời chăng nữa, thì tâm hồn ta vẫn có thể an vui và tràn trề hy vọng vì biết rằng ta đang được sống trong triều đại của Đấng Thiên Sai, Đấng đã trải qua cuộc tử nạn và phục sinh để công bố chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên sự ác, sự tội và sự chết ở giữa thế gian này.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta ghi tạc Lời Chúa để tránh khỏi men giả hình và mù quáng ấy. Xin Ngài cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta và đáp lại tiếng gọi thống hối và hoán cải không ngừng của Chúa. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim luôn biết rung động trước nỗi đau khổ của đồng loại và đôi tay luôn biết rộng mở để săn sóc chữa trị và san sẻ trao ban cho mọi người.
Huệ Minh