Sài Gòn mấy bữa nay hay có mưa vào buổi chiều tối, những trận mưa lớn làm một số con đường trong thành phố ngập lụt khiến giao thông đi lại gặp khó khăn. Trong khung cảnh mịt mù mưa bay ấy, người ta đã ghi lại được những hình ảnh thật đẹp về cảnh những người mẹ chèo chống, vật lộn giữa cơn mưa tầm tã để che chắn cho con mình khỏi bị thấm nước mưa. Sức mạnh của tình mẫu tử là vậy:
Mẹ dành hết tuổi xuân vì con
Mẹ dành những chăm lo tháng ngày
Mẹ dành bao hy sinh để con chạm lấy ước mơ…
(Con nợ Mẹ -Hiền Thục)
Và trong mọi hoàn cảnh, người mẹ sẵn sàng đánh đổi tất cả để được lại sự an toàn cho con.
Hình ảnh minh họa (internet)
Hôm nay, trời cũng đổ những trận mưa lớn, không còn những hình ảnh đẹp về tình mẫu tử, trái lại, người ta truyền tay nhau thông tin về đoạn clip ghi lại cảnh người con gái chửi bới, dùng chổi đánh vào mặt, xúc rác đổ lên đầu mẹ ruột của mình đã 80 tuổi ở Long An.
Tôi cảm thấy lạnh thấu tận xương tủy ngay từ giây đầu tiên của đoạn Clip. Tôi không quan tâm mấy đến cách hành hung và những lời miệt thị của người con gái dành cho mẹ mình, vì biết chắc chắn rằng, sau này sẽ có nhiều người kể lại câu nguyện này. Điều tôi quan tâm là thái độ của bà cụ.
Bị đánh, bà cụ chỉ ngồi co trên giường, lòng đầy đau đớn và bất lực, cụ đưa tay chống đỡ vô cùng yếu ớt. Tôi cảm nhận, đây có lẽ chính là sự hy sinh, nhẫn nhịn cuối cùng trong cuộc đời của một người làm mẹ dành cho con.
Không đau đớn sao được? khi bao giọt mồ hôi, nước mắt cùng cả thanh xuân của bà cụ cạn dần đi theo từng bước trưởng thành của con, đến lúc thân tàn lực kiệt bà cụ lại phải đón nhận tận cùng của sự bất hiếu.
Khi đoạn Clip được lan truyền trên MXH, sự phẫn nộ của xã hội dâng tràn như gió bão. Tôi cũng mon men lần theo những bình luận phía dưới rồi vội vàng dừng lại ở một comment của ai đó với dòng chữ “Chữ hiếu nay còn đâu” điều này làm tôi bận lòng nghĩ suy.
Đối với người Việt, nếu gia đình được coi là nền tảng của xã hội thì chữ “Hiếu” luôn được xem là nền tảng của đạo đức. Việc hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận thiêng liêng mà cháu con phải gìn giữ “Một lòng thờ Mẹ, kính Cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.” Và Thánh Phaolô cũng nói: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, hầu cho được phước và sống lâu trên đất” (Ep 6:1-3).
Tuy nhiên câu chuyện đáng buồn về sự bất hiếu xảy ra trong xã hội những ngày qua đáng để chúng ta phải suy đi nghĩ lại về phận làm con, về cách đối nhân xử thế với những bậc sinh thành ra mình.
Một đứa con dùng tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để khỏi phải chăm sóc đã bị coi là vô ơn rồi. Một đứa con thờ ơ với mẹ cha lúc tuổi già đã là tệ bạc rồi. Một đứa con gái luôn tay dùng cán chổi đánh đập rồi xúc rác đổ lên đầu mẹ, miệng thì không ngớt lời chửi bới và xưng hô “mày-tao” với mẹ ruột của mình chỉ vì bực tức do mẹ không để lại tài sản, khi già lại phải nuôi mẹ. Đó không còn là sự vô tâm, vô ơn nữa mà chính là “tận cùng của sự bất hiếu.”
Hình lấy từ trang thanhnien.vn
“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo,” ấy vậy mà một đứa con gái lại nhẫn tâm làm điều ấy với chính đấng mang nặng đẻ đau ra mình. Ngẫm lại, thật đau xót. Và tác giả sách Châm Ngôn khẳng định rằng:“Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ.” (Cn 19:26)
Thương thay cho một cuộc đời kết thúc không có hậu. Người mẹ già nua, kiệt quệ bất hạnh ấy đã qua đời ở bệnh viện Củ Chi đúng vào ngày lễ Vu Lan. Sự ra đi nào cũng để lại nỗi đau, nhưng với cụ, có lẽ là sự giải thoát cho một cuộc đời “thiếu niềm vui, nhiều sự cay đắng”
Bà mẹ đáng thương đã an nghỉ nơi cõi Vĩnh hằng, kẻ bất hiếu rồi cũng sẽ phải đối diện với luật pháp, nhưng vết thương này sẽ rất khó gột rửa trong dư luận xã hội, và nỗi đau này cũng sẽ rất khó được chữa lành nơi tâm hồn những người làm cha làm mẹ đang phải chịu những hoàn cảnh tương tự.
Đã đến lúc “Chữ hiếu nay còn đâu?” không chỉ đơn giản là một câu để hỏi nữa, nhưng nó còn là hồi chuông báo động, thức tỉnh những kẻ làm con đang sống trong sự oán hờn, tức giận: hãy học lấy yêu thương, vì yêu thương chính là cách báo hiếu trọn vẹn nhất, như thánh Phaolô nói: “yêu thương là chu toàn lề luât.”
Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý, mà nó thể hiện qua chữ Hiếu, bởi chữ Hiếu chính là bài học đầu tiên và quan trọng nhất trong đạo lý làm người. Hãy sống làm sao để“cha mẹ con được hỷ hoan và người sinh ra con được mừng rỡ. (Cn 23, 25)
Tham Nguyen