Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 07 Tháng 11 2013 16:06

Đề Tài Gia Trưởng Tháng 11/2013: GIA TRƯỞNG VỚI THÁNG CÁC LINH HỒN

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đề Tài Gia Trưởng Tháng 11/2013: GIA TRƯỞNG VỚI THÁNG CÁC LINH HỒN

Kính thưa quý Gia Trưởng,

1.          Tháng các Linh hồn đã về với chúng ta. Đây là tháng dành riêng cầu nguyện cho người quá cố, tháng khơi dậy ý thức về mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Đồng thời cũng khơi dậy tâm tình hiếu thảo, biết ơn đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã ra đi trước; từ đó chúng ta dâng lời cầu nguyện cho các ngài.

Ngay từ đầu tháng, trong các nghĩa trang, từng đoàn người nô nức đi tảo mộ, để có dịp thăm viếng mồ mả của tiền nhân. Họ đến đây với tất cả tâm tình yêu thương, kính nhớ cùng với suy tư và cầu nguyện. Bằng nhiều cử chỉ và tác động vừa luân lý vừa đạo đức, thân nhân của những người đã khuất biến nghĩa trang vẫn im lìm thiếu vắng sự sống, thành những ngày hội kinh thật râm ran và nhộn nhịp.

Chính nhờ những sinh hoạt đạo đức này mà tháng các linh hồn không còn mang màu đen buồn thảm và chết chóc; trái lại là tháng rực rỡ màu hồng phấn khởi đem lại niềm hy vọng tươi sáng cho một cuộc sống vĩnh cửu ở ngày mai.

2.          Thánh Vịnh 103,15 - 16 diễn tả sự vắn vỏi của kiếp người:

“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.”

Con người có sinh có tử. Đó là quy luật tự nhiên Thiên Chúa đã an bài. Không ai biết được mình sẽ chết lúc nào. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi của mình. Chưa ai có kinh nghiệm bản thân về sự chết, dẫu đã nhiều lần chứng kiến sự ra đi của nhiều người. Tất cả vẫn là người ngoài cuộc vì chứng kiến chưa phải là kinh nghiệm.

Sự chết là một huyền nhiệm, con người không thể hiểu và chia sẻ với người khác. Trong sự chết con người hoàn toàn cô đơn, nó không hẹn ngày, không chỉ giờ cho ai cả; nó không ấn định năm tháng và cũng chẳng đếm xỉa gì đến tuổi tác; nó đến bất ngờ làm chúng ta kinh ngạc. Sự sống và sự chết là hai khía cạnh của một thực tại con người. Thiên Chúa đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết. Thiên Chúa là chủ của Sự sống và đã chiến thắng sự chết. Con người không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.

3.          Đức Kitô đã vào trần gian trong thân phận con người. Ngài đã kinh qua đau khổ của kiếp người. Bằng cái chết trên Thập Giá và sự Phục Sinh vinh hiển, Ngài đã tiêu diệt nguồn gốc sự chết, đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu. Từ đó người Kitô hữu có một cái nhìn, một quan niệm mới mẻ và đầy hy vọng trước cái chết. Chết không phải là hết mà là bắt đầu cho cuộc sống mới. (Rm 5,17). Cái chết của Chúa Kitô đã trở nên của lễ hiến dâng trọn vẹn, một lễ hy sinh tuyệt hảo. Tất cả sự đắng cay chua xót, tất cả sự âu lo phiền muộn và sự chết nơi Đức Kitô đã trở thành phẩm vật hiến tặng cao quý dâng lên Đức Chúa Cha và giờ chết của Ngài đã trở thành giờ chiến thắng vinh hiển, giờ khởi điểm của hạnh phúc trường sinh bất diệt trên Thiên quốc. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và phục sinh là niềm hy vọng cho những ai tin vào Người.

4.          Trong Kinh Tin Kính người Kitô hữu tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là niềm hy vọng của người Kitô hữu vì tin vào lời Đức Giêsu: “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga. 11,25-26).

Như vậy, sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi; và sự sống đời sau mới là trường tồn. Xác tín vào điều đó, dẫu biết chắc chắn rằng rồi đây mình sẽ phải chết, người Kitô hữu chúng ta cũng sẽ được an ủi và nâng đỡ bội phần trong niềm xác tín này.

5.          Ca dao Việt Nam có câu:      

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Ai trong chúng ta chẳng có ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta?

Thấm nhuần đạo lý truyền thống hiếu thảo của dân tộc Việt Nam, hướng về nguồn cội trần gian của mình, mỗi người Gia Trưởng chúng ta phải làm gì để báo hiếu các ngài trong tháng Các Linh Hồn?

Công đồng Lyon năm 1274 và Công đồng Florence năm 1439 tuyên ngôn rằng: “Ðể làm giảm bớt các hình phạt các linh hồn khốn khó phải chịu trong Luyện ngục: Lời cầu nguyện, việc làm phúc bố thí, và các việc lành khác mà các giáo dân quen làm như Giáo hội dạy, nhất là Thánh Lễ Misa, có thể giảm bớt hình khổ cho các linh hồn Luyện ngục” (D. 464, 693).

Dựa trên giáo huấn đó, chúng ta hãy dâng các việc lành phúc đức như, đọc kinh, lần hạt Mân côi, ăn chay, hãm mình, bố thí, viếng Đất Thánh để hưởng Ân xá, nhất là dự lễ và xin lễ cho các linh hồn trong Luyện ngục. Làm như thế chúng ta thực hiện tinh thần mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công, đó là giáo lý rất an ủi người sống cũng như người đã qua đời.

6.          Điều kiện để lãnh nhận ơn đại xá chỉ cho các linh hồn trong 08 ngày đầu tháng 11 theo giáo huấn của Hội Thánh là: Xưng Tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Truyện kể rằng, một người cha đang khi hấp hối dặn đứa con trai nhớ đến và năng cầu nguyện cho cha sau khi cha qua đời. Người con hiếu thảo vâng lời ngay, chàng siêng năng cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cầu cho linh hồn cha.

Sau 33 năm người cha hiện về với con, quanh mình phủ đầy lửa, cay đắng phàn nàn:

-      Tại sao con quên cha lâu năm như vậy, không cầu nguyện cứu giúp cha.

Người con hết sức ngạc nhiên không hiểu câu nói của cha, chàng liền hỏi:

-      Những lời cầu nguyện, việc lành, bố thí của con không giúp ích gì cho cha sao?

Người cha trả lời:

-      Không con ơi, các việc lành phúc đức con làm không sinh ích gì cho con và cho cha, bởi con làm khi con mắc tội trọng. Con xưng tội, nhưng không có lòng ăn năn chừa tội thật. Chúa nhân từ cho phép cha hiện về với con để làm ích cho cha con ta.

Từ đó, người con thật lòng ăn năn chừa tội và chẳng bao lâu sau đã cứu được linh hồn cha khỏi Luyện ngục lên Thiên đàng rực rỡ vô ngần. (Charity p. 526).

 7.          Cần nhấn mạnh, lòng hiếu thảo không thuần chỉ là việc gìn giữ hoặc trân trọng những gì thuộc quá khứ; mà trái lại, nó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải thăng tiến vươn lên ở tương lai, phải tích cực phát huy đời sống thánh thiện của một người con Chúa.

Để được như thế, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giám Mục giáo phận trong Năm Đức Tin, xin gợi ý một vài điểm thực hành cụ thể như sau:

-      Duy trì giờ kinh tối gia đình. Vì giờ kinh tối là một việc hết sức cần thiết cho đời sống của gia đình Kitô hữu, là thời điểm đến với Chúa, gặp gỡ Chúa và  ngồi lại với nhau, gặp gỡ nhau, để tạ ơn và kiểm điểm đời sống trước mặt Chúa, và cũng là lúc để hoà giải, nếu có những điều bất ổn, bất hoà trong ngày với nhau.

-      Gia đình sống hiệp thông bằng cách mỗi thành viên chung lòng chung sức xây dựng cuộc sống về mọi mặt, cảm thông những hạn chế, yếu kém của nhau, và cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay…

-      Tham gia các công tác bác ái, từ thiện như giúp đỡ người neo đơn, chung tay sửa sang đường xá, cầu cống.

-      Tham dự cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ cách tích cực và sốt sắng, được cụ thể bằng ba việc sau:

*   Tham dự trọn vẹn Thánh Lễ, không bớt đầu, bớt đuôi.

*   Không đứng bên ngoài Thánh Đường khi trong Thánh Đường còn chỗ.

*   Rước lễ mỗi khi có thể.

BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.

 

 

Read 1355 times Last modified on Thứ bảy, 09 Tháng 11 2013 14:46