Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 04 Tháng 9 2015 16:23

Giáo lý về gia đình: Khi thật sự yêu mến Chúa, hãy dành thời gian cầu nguyện với Ngài

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Giáo lý về gia đình: Khi thật sự yêu mến Chúa, hãy dành thời gian cầu nguyện với Ngài


Nếu chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa và ấp ủ mối tương quan với Ngài, chúng ta cần phải dành thời gian cầu nguyện với Ngài. Trong buổi triều yết chung thứ 100 vào sáng thứ Tư 26/08/2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra mời gọi các bậc cha mẹ dạy cho con trẻ cách cầu nguyện và tầm quan trọng của cầu nguyện. Tiếp tục loạt bài giáo lý về gia đình, Đức Thánh Cha suy tư tầm quan trọng của thời gian dành cho việc cầu nguyện. Trong hai tuần trước, ngài đã giải thích tầm quan trọng của ngày lễ và phẩm giá của công việc.

Dưới đây là toàn văn bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng tốt lành!

Sau khi suy tư về cách thức các gia đình sống thời gian của ngày lễ và công việc, giờ đây chúng ta xem xét thời gian của cầu nguyện. Thật vậy, lời than thở thông thường nhất của các Kitô hữu liên quan đến thời gian là: "Tôi phải cầu nguyện nhiều hơn ... Tôi muốn làm điều đó, nhưng tôi thường thiếu thời gian". Chúng ta thường xuyên nghe thấy điều này. Sự tiếc nuối này chắc chắn là chân thành, bởi vì tâm hồn con người luôn tìm kiếm lời cầu nguyện, ngay khi không biết về nó, và nếu không tìm được lời cầu nguyện, thì không có bình an. Tuy nhiên, để có được lời cầu nguyện, cần phải nuôi dưỡng nơi con tim một tình yêu "nồng ấm" dành cho Thiên Chúa, một tình yêu trìu mến.

Chúng ta có thể tự hỏi mình một câu hỏi rất đơn sơ. Thật là tốt lành khi tin vào Thiên Chúa bằng tất cả con tim; thật là tốt lành khi hy vọng rằng Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta trong khó khăn; thật là tốt lành khi cảm thấy có bổn phận phải cảm tạ Thiên Chúa. Tất cả điều đúng đắn. Nhưng chúng ta có yêu Chúa một chút không? Suy nghĩ về Thiên Chúa có làm chúng ta cảm động, có làm chúng ta kinh ngạc, có làm chúng ta dịu hiền không?

Chúng ta hãy nghĩ đến thể thức của điều răn trọng đại nâng đỡ các điều răn khác: "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Đnl 6,5; Mt 22:37). Thể thức này sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ của tình yêu, tuôn đổ tình yêu dành cho Thiên Chúa. Hãy nhìn xem, tinh thần cầu nguyện trước tiên tồn tại ở đây. Và nếu nó tồn tại ở đây, nó luôn luôn tồn tại và không bao giờ rời khỏi đó. Chúng ta có nghĩ về Thiên Chúa như là sự âu yếm giữ lấy chúng ta trong đời sống trước những điều chẳng là gì cả không? Một sự âu yếm mà không gì, kể cả cái chết, có thể tách rời chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghĩ Ngài là Đấng Tự Hữu cao cả, Đấng Toàn Năng làm nên mọi sự, vị Thẩm phán kiểm soát mọi hành động? Dĩ nhiên, tất cả đều đúng, nhưng chỉ khi Thiên Chúa là lòng trìu mến của tất cả lòng mến trong chúng ta thì ý nghĩa của những lời này mới trở nên tràn đầy. Lúc đó, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và cũng hơi xấu hổ, bởi vì Ngài nghĩ đến chúng ta và trên hết, Ngài yêu thương chúng ta! Điều đó có gây xúc động không? Chẳng lẽ không gây xúc động khi Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng tình yêu của Người Cha? Thật là tốt đẹp! Ngài có thể được nhận biết một cách đơn sơ như là Đấng Tự Hữu Tối Cao, ban các Điều răn và chờ đợi kết quả. Trái lại, Thiên Chúa đã làm và làm một cách vô hạn nhiều hơn cả điều này. Ngài đồng hành cùng chúng ta trên đường đời, Ngài bảo vệ chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta.

Nếu sự trìu mến dành cho Thiên Chúa không thắp lên ngọn lửa, thì tinh thần cầu nguyện không làm nồng ấm thời gian. Chúng ta cũng có thể nhân lên lời của mình "như dân ngoại làm", như Chúa Giêsu nói (x. Mt 6, 5.7) hoặc cũng trình diễn những nghi thức của chúng ta "như những người Pharisêu làm". Một con tim được lòng mến dành cho Thiên Chúa ở lại cũng làm cho suy nghĩ không nên lời trở thành một lời cầu nguyện, hay lời khẩn cầu trước ảnh thánh, hoặc một nụ hôn gửi tới nhà thờ. Thật là đáng yêu khi người mẹ dạy con nhỏ của mình gửi một nụ hôn đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Biết bao nhiêu sự hiền diệu trong hành động này! Lúc đó con tim của các em được biến thành nơi cầu nguyện. Và đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên xin ân sủng này cho mỗi một người trong chúng ta! Bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa có cách nói đặc biệt trong tim chúng ta "Abba" - "Lạy Cha", thật vậy Thần Khí dạy chúng ta nói "Lạy Cha" như Chúa Giêsu đã nói, một cách thức mà chúng ta không bao giờ tự mình có thể tìm ra (x. Gl 4,6). Chính trong gia đình mà người ta học biết cầu xin và biết ơn ân sủng này của Chúa Thánh Thần. Nếu người ta học biết cách nói điều đó tự nhiên như người ta học biết nói "cha" và "mẹ", thì học biết nó mãi mãi. Khi điều này xảy ra, thời gian của toàn bộ đời sống gia đình được bao bọc trong cung lòng của tình yêu Thiên Chúa, và tự động tìm ra thời gian cầu nguyện.

Chúng ta cũng biết rằng thời gian gia đình là một thời gian phức tạp và sum họp, bận tâm và lo lắng. Thời gian này luôn luôn ít ỏi, không bao giờ là đủ, có rất nhiều việc phải làm. Người có gia đình sớm học được cách giải phương trình mà ngay cả các nhà toán học vĩ đại cũng không biết giải thế nào: trong vòng 24 giờ làm cho nó thành gấp đôi! Có những người mẹ và người cha có thể giành giải Nobel về điều này. 24 giờ họ làm thành 48 giờ: Tôi không biết làm thế nào họ làm điều đó nhưng họ hành động và làm điều đó! Có quá nhiều việc trong một gia đình!

Tinh thần cầu nguyện trả lại thời gian cho Thiên Chúa, nó bước ra khỏi nỗi ám ảnh của đời sống luôn thiếu thời gian, nó tái khám phá sự bình an của những việc cần thiết, và phát hiện ra niềm vui của những quà tặng bất ngờ. Những người hướng dẫn tốt trong việc này là hai chị em Marta và Maria, được nói đến trong Tin Mừng: họ đã học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của nhịp sống gia đình: vẻ đẹp của ngày lễ, sự thanh thản của công việc, tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10,38-42). Chuyến thăm của Chúa Giêsu, người mà họ thực sự yêu thương, là ngày lễ của họ. Tuy nhiên, một ngày kia Marta học biết được rằng việc mến khách, dù quan trọng, không phải là tất cả, nhưng lắng nghe Chúa, như Maria đã làm, thực sự là điều rất cần thiết, là "phần tốt hơn" của thời gian. Cầu nguyện tuôn chảy từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Tin Mừng. Đừng quên đọc một đoạn Tin Mừng mỗi ngày. Cầu nguyện tuôn chảy từ sự mật thiết với Lời Chúa. Trong gia đình chúng ta có sự mật thiết này không? Chúng ta có Tin Mừng ở nhà không? Thỉnh thoảng chúng ta có cùng nhau mở Tin Mừng ra đọc không? Chúng ta có suy niệm Tin Mừng khi lần hạt Mân Côi khôi? Đọc và suy niệm Tin Mừng trong gia đình là như lương thực tốt nuôi dưỡng tâm hồn tất cả mọi người. Vào buổi sáng và buổi tối, khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, chúng ta hãy cùng nhau dâng một lời cầu nguyện rất đơn sơ: xin Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Ngài ở với gia đình của Marta, Maria và Lazarô. Có điều tôi có rất lưu tâm và nhận thấy trong thành phố này: có những trẻ em đã không được học cách làm Dấu Thánh Giá! Nhưng anh chị em, người mẹ, người cha, hãy dạy cho con trẻ cầu nguyện, làm Dấu Thánh Giá: đó là bổn phận đáng yêu của người mẹ và người cha!

Trong lời nguyện cầu của gia đình, trong lúc mạnh khỏe cũng như lúc gian nan, chúng ta hãy nhớ về nhau, để mỗi người chúng ta trong gia đình được giữ gìn bởi tình yêu của Thiên Chúa.

Tạ Ân Phúc

 

Read 1000 times Last modified on Chủ nhật, 06 Tháng 9 2015 14:39