Dạy đạo cho con cái có phải là tẩy não chúng?
Posted by Ban Biên Tập
Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy, các cha mẹ ngày nay không muốn dạy đạo cho con vì sợ đóng khung chúng. Nhưng mọi hiểu biết đều tự do! Bình luận viên người Mỹ của chúng tôi đưa ba lý do cần thiết để cho trẻ em biết Chúa Giêsu.
Ngày nay rất nhiều cha mẹ từ chối không dạy đạo cho con dưới bất cứ hình thức nào. họ tuyên bố: “Tôi muốn con cái chúng tôi có thể có ý kiến riêng của chúng về tôn giáo mà không bị áp lực của tôi”. Một mặt, tôi có thể hiểu: cũng những cha mẹ này, việc dạy đạo của chính họ đã nói lên rất nhiều điều. Họ có kinh nghiệm không tốt về các linh mục độc tài lải nhải giảng đạo cho họ từ khi họ còn rất nhỏ, với những nguyên tắc đạo đức rất nghiêm nhặt và không được phép tranh luận. Kết quả là khi thành người lớn, họ chạy trốn tôn giáo xa nhất có thể. Dù, theo chỗ tôi được biết, một số vẫn luôn cởi mở với đời sống thiêng liêng, nhưng họ khó chấp nhận một loại tôn giáo có hệ thống, họ không muốn bắt trẻ con tin những gì họ đã tin. Đối với họ, như thế họ là cha mẹ không tốt.
Cá nhân tôi, việc dạy đạo của tôi là tốt và tôi biết đó là trường hợp của nhiều cha mẹ khác. Dù trong số những cha mẹ này, một vài người thỉnh thoảng có cảm tưởng dạy đạo cho con là thực thi một hình thức kiểm soát nào đó trên chúng. Và cảm tưởng này gần như là khuynh hướng nổi trội. Gần đây trên trang mạng tranh luận debate.org có một cuộc thăm dò đặt ra câu hỏi: “Dạy đạo cho con cái có phải là tẩy não?” Câu trả lời “đúng” 86% đè bẹp tất cả: Đúng, chúng tôi tẩy não con cái khi nói với chúng về đức tin!
Là cha mẹ của năm đứa con, vợ tôi và tôi đối diện với vấn đề này mỗi ngày. Chúng tôi phải dạy chúng cầu nguyện không? Dạy chúng đọc Thánh Kinh không? Ghi tên cho chúng học giáo lý và cho chúng rước lễ lần đầu không? Với chúng tôi, câu trả lời không bao giờ có chút nghi ngờ: Đương nhiên là dạy!
Sau đây là các lý do mà chúng ta phải dạy đức tin cho con cái mình mà không tẩy não chúng.
Để chúng học nhằm có những chọn lựa thích đáng
Thường người ta nghĩ tôn giáo ngăn không cho tín hữu suy nghĩ một cách hợp lý. Vì thành kiến này mà các cha mẹ cho rằng, dạy đạo cho con là làm hại cho khả năng suy nghĩ trong sáng, làm chúng không có những chọn lựa tốt. Để chỉ nói về công giáo là tôn giáo của chúng tôi, tôi cho rằng, xem đức tin không tương hợp với lý lẽ là sai lầm. Ngược lại, đạo công giáo khuyến khích phải dùng đến lý lẽ. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II có một cách diễn tả rất hay khi ngài nói: “Đức tin và lý lẽ như hai đôi cánh, giúp tinh thần con người bay cao lên”.
Nuôi dạy con cái trong đức tin không làm hại khả năng chọn lựa hợp lý của chúng. Ngược lại là đàng khác: không nói với chúng về đức tin là hạn chế khả năng chọn lựa con đường riêng của chúng. Joe Heschmeyer, một chủng sinh người Mỹ diễn tả ý này trong một bài viết trên trang blog của anh: “Nếu bạn có con và bạn quyết định không nói về đạo cho con nghe (để chúng có thể có chọn lựa cho chính chúng khi lớn lên) thì bạn sẽ là một cha mẹ rất xấu.”
Nhiệm vụ chính của chúng ta trong vai trò làm cha mẹ là hướng dẫn con cái, mở ra cho chúng nhiều bối cảnh. Chúng ta dạy cho chúng ăn uống lành mạnh, tôn trọng người khác, biết đối xử ở nơi công cộng. Chúng ta gởi con cái đến trường, ghi tên cho chúng học thể thao, chia sẻ với chúng các sinh hoạt giải trí của chúng ta. Sau này khi chúng là người lớn, chúng sẽ có trong tay nguồn chất liệu giúp chúng xây dựng đời sống, với những chọn lựa riêng của chúng. Nhưng nếu chúng ta từ chối không dạy chuyện này, không dạy chuyện kia sợ tạo ảnh hưởng trên chúng, thì chúng ta làm hại đi khả năng suy nghĩ hợp lý của chúng, chúng sẽ thấy mình bị giới hạn, không chuẩn bị đủ cho cuộc sống. Tại sao với tôn giáo, chúng ta lại làm khác đi? Điều quan trọng là phải làm cho con cái quen thuộc với tôn giáo để khi chúng lớn lên, chúng có các nền tảng cần thiết để tạo cho mình một đường lối giữ đạo riêng.
Để chúng biết thế nào là một cộng đoàn đích thực
Đôi khi tôi tự hỏi, chúng ta có quên đi tầm quan trọng của cộng đoàn không, cộng đoàn đã hình thành tuổi thơ ấu của chúng ta. Các truyền thống tôn giáo đã góp phần xây dựng chúng ta. Chúng giúp chúng ta biết mình là ai và cho chúng ta sự vững chắc cần thiết để chúng ta tự bay với đôi cánh của mình, biết rằng nếu chúng ta rơi, thì cộng đoàn tín hữu luôn ở đó để nâng đỡ chúng ta. Không có cộng đoàn này, chúng ta sẽ thấy mình cô độc, sợ không dám có một chỗ trong thế giới này.
Cá nhân tôi, tôi được nuôi dạy theo truyền thống tin lành chứ không phải công giáo, nhưng chính cộng đoàn tin lành đã cho tôi các nền tảng vững chắc để sau đó tôi có chọn lựa riêng của mình. Bây giờ, tôi rất biết ơn giáo dục tôn giáo mà cha mẹ đã dạy cho tôi.
Để trẻ con biết chúng được yêu
Tôi thật sự muốn làm người cha tốt nhất có thể cho các con tôi, nhưng nhiều ngày tôi “không làm được”: tôi hét quá nhiều, tôi không đủ sức chơi với chúng, tôi không nói lên được tình thương của tôi với chúng. Khổ thay, đó là một phần trong thân phận con người, và nếu mình có làm tốt hơn thì mình mình cũng không ở trên tầm cao mong muốn. Nếu mình chấp nhận, cha mẹ là không hoàn hảo, có những lúc tôi quá giận con, hay chúng có cảm tưởng tôi không hiểu chúng, khi tôi không thương chúng như chúng đáng được thương, thì ai sẽ mang đến cho chúng cái chúng cần? Chỉ có một câu trả lời: Chúa.
Tình yêu của Chúa là trọn hảo. Chúa là người cha trọn hảo mà tôi không phải. Tôi muốn các con tôi hiểu, chúng được yêu thương vô điều kiện dù quan hệ giữa chúng tôi không phải lúc nào cũng tốt. Dù các khó khăn chúng sẽ gặp khi lớn lên, nhưng chúng sẽ luôn có quan hệ trung thành và ổn định với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng. Là cha mẹ, bổn phận của tôi là làm cho con cái biết quan hệ này và giúp chúng vun trồng nó. Sau đó chúng có tự do để chọn lựa một con đường cho mình. Đó là điều cha mẹ tôi đã làm và tôi rất biết ơn họ. Bây giờ đến lượt tôi, tôi truyền lại món quà quý giá này cho thế hệ sau của tôi.
Marta An Nguyễn chuyển ngữ
Tác giả là mục sư tin lành, trở lại đạo công giáo và đã được thụ phong linh mục ngày 8 tháng 12-2016.
Linh mục Michael Rennier là cha của năm đứa con