Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 12 Tháng 9 2017 09:33

Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân (13): Đặc tính hôn nhân Kitô giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân (13): Đặc tính hôn nhân Kitô giáo


Hôn nhân là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với bản thân hai người kết hôn, nhưng còn đối với gia đình, xã hội và Giáo Hội. Bởi thế, trước khi tiến đến hôn nhân, đôi bạn trẻ được mời gọi phải tìm hiểu nhau thật kỹ, phải có một thái độ trưởng thành về tình yêu, phải có một hiểu biết cặn kẽ và chắc chắn về hôn nhân để thực hiện một quyết định chung cuộc cho cuộc đời mình. Vì hôn nhân rất quan trọng và còn dính líu đến gia đình hai bên và con cái, nên không thể xem nó như trò đùa, thích thì cưới, không thích thì chia tay. Hôn nhân là nền tảng để làm nên gia đình, gia đình lại là nền tảng của xã hội; nên gia đình càng vững bền, hạnh phúc, xã hội càng phồn thịnh phát triển. Cũng tương tự như vậy trong tương quan giữa hôn nhân, gia đình và Giáo Hội. Xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa được mặc khải trong Kinh Thánh và qua tự nhiên, điều 1056 của bộ Giáo Luật 1983 có nói đến hai đặc tính của Hôn Nhân Kitô giáo là độc nhất và bất khả phân ly.

Khi nói đến tính độc nhất, ta hiểu đó là kiểu hôn nhân một vợ một chồng. Trong lịch sử nhân loại cũng như trong nhiều nền văn hoá và tôn giáo, thậm chí thời nay, vẫn còn tồn tại kiểu hôn nhân đa thê, hoặc đa phu: một người có thể cùng một lúc có nhiều vợ hoặc nhiều chồng. Họ chấp nhận chung chia người bạn đời của mình với người khác. Có nhiều lý do khác nhau để giải thích hiện tượng này. Đó có là thể di tích còn sót lại của một tập tục cổ xưa, hoặc có khi là do tình trạng thiếu người nam hoặc thiếu người nữ, hoặc vẫn còn lối nghĩ trọng nam khinh nữ, trọng nữ khinh nam… Nhiều nơi vẫn chấp nhận kiểu hôn nhân này miễn là người chồng hoặc người trụ cột trong gia đình có thể chu cấp đầy đủ về vật chất cho người bạn đời và cho con cái.

Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận kiểu hôn nhân này. Tự bản chất, khi yêu ai, ta muốn mình chỉ thuộc trọn về người đó và người đó thuộc trọn về mình. Tình yêu là một sự trao hiến hoàn toàn, chứ không phải một phần. Nó loại trừ tất cả mọi sự san sẻ. Hôn nhân, vì đặt nền trên tình yêu trao hiến hoàn toàn ấy, nên chỉ có thể trở nên trọn vẹn khi không có người thứ ba nào can thiệp vào. Chính từ sự kết hợp hoàn hảo và trọn vẹn giữa hai người này mà làm nảy sinh một mầm sống mới, như hoa quả của nhành cây ân ái. Ngoài ra, hôn nhân là kết quả của tình yêu. Người ta kết hôn để mưu cầu hạnh phúc chứ không chỉ đơn thuần là sống chung hay để có cuộc sống sung túc về vật chất. Hơn nữa, xét về phẩm giá, người nam và người nữ tuy khác nhau nhưng ngang bằng nhau, tất cả đều là vô giá và hạnh phúc của mỗi người đều phải được trân quý như nhau. Một người nam tương xứng với một người nữ, làm nên một cuộc hôn nhân, rồi sinh ra con cái, đó là một tổ ấm hạnh phúc nhất. Có người từng nói, hôn nhân khác với bạn bè ở chỗ: bạn bè thì càng đông càng vui, còn hôn nhân thì ngược lại.

Cứ sự thường, khi kết lập giao ước hôn phối, ai cũng mong muốn nó được kéo dài mãi, hai bên luôn mặn nồng chung thuỷ với nhau đến khi nắm tay xuống suối vàng. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những điều không hay xảy đến. Hôn nhân vốn dĩ được đặt nền trên tình yêu, nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng màu hồng. Có thể xảy ra những xung đột, có khi tình yêu không còn, có khi hai bên không thể tiếp tục chung chia cuộc sống. Dân luật giải quyết trường hợp này bằng cách cho phép hai người ly dị, cắt đứt sợi dây hôn phối, hai bên không còn quyền và nghĩa vụ gì với nhau, họ được phép kết giao một hôn nhân với người khác.

Khác với luật đời, luật Giáo Hội, chiếu theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, không cho phép hai người đã kết hôn thành sự và hoàn hợp ly dị. Nghĩa là, khi hai người trưởng thành, không có ngăn trở gì, tự do và ý thức xin Giáo Hội chuẩn nhận cho tình yêu của mình, sau đó, họ đã có hành vi vợ chồng với nhau (gọi là hoàn hợp) thì hôn nhân đó là bất khả phân ly. Khi xảy ra trường hợp tệ nhất, họ cũng chỉ có thể ly thân, nghĩa là tạm thời không sống chung một mái nhà, chứ không thể làm cho hôn nhân này mất hiệu lực, để rồi kết hôn với người khác. Khi đưa ra quy định này, Giáo Hội không có ý “làm khó” giáo dân, cũng không tự biến mình thành “kẻ độc đoán”, nhưng Giáo Hội chỉ tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa và được Đức Giêsu khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,6-9).

Thật ra, không chỉ đối với hôn nhân Kitô giáo, nghĩa là hôn nhân mang tính bí tích, ngay cả những hôn nhân tự nhiên của những người chưa được rửa tội, Giáo Hội cũng xác nhận tính “bất khả phân ly” của nó. Như thế, tính bất khả phân ly của hôn nhân không phải là một áp đặt của Giáo Hội, nhưng là cái xuất phát từ tự nhiên mà Giáo Hội công nhận. Khi người ta cam kết để tạo lập hôn nhân, đó là một cam kết vĩnh viễn và trọn đời, chứ không phải một phần hay tạm thời. Chỉ có cái chết mới có thể xoá đi được cam kết này. Vì thế, Giáo Hội cũng không cho phép con cái mình kết hôn với người đang bị ràng buộc bởi dây hôn phối với người khác, dù hôn phối ấy không mang tính bí tích.

Đôi khi ta vẫn thấy có một số trường hợp hai người đã kết hôn, nhưng sau đó lại chia tay và kết lập giao ước mới. Đó không phải là vì Giáo Hội cho phép ly hôn, nhưng vì hôn nhân đó bị mắc những ngăn trở nào đó, khiến nó đã không thể thành sự ngay từ lúc đầu. Hoặc đôi khi, vì lợi ích đức tin của tín hữu, Giáo Hội chuẩn chước cho một số trường hợp ngoại lệ theo những điều kiện quy định để hưởng đặc ân Phaolô hoặc đặc ân Phêrô. Tuy nhiên, để cứu xét những trường hợp này, Giáo Hội phải rất cẩn trọng, để không đi ngược lại với giáo huấn của Đức Giêsu, mà vẫn có thể giúp cho các bên sống đức tin của mình cách tốt đẹp nhất.

Trước khi đi đến hôn nhân, các bạn trẻ phải được dạy cho biết về hai đặc tính này, để khi đã tự nguyện cam kết rồi thì cố gắng vun đắp cho hôn nhân của mình, chứ không tìm cách thoái lui, tìm cách giải thoát để sống theo tự do của mình.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Read 1211 times Last modified on Thứ tư, 13 Tháng 9 2017 09:15