TMĐP- Không từ bỏ “cái tôi” ganh ghét, ích kỷ, thống trị; không buông bỏ hành trang cồng kềnh của thế gian là những danh, lợi, thú… chúng ta không thể khiêm tốn, yêu thương và hăng say tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công Chính của Ngài là điều Thiên Chúa muốn ở người môn đệ.
Không ít thì nhiều, ai trong chúng ta cũng cảm nhận bầu khí từ bỏ khi bước vào Mùa Chay, mà khởi điểm là Lễ Tro với lời nhắc nhở: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”. Bầu khí ấy còn bao trùm kín hơn, khi chúng ta bỏ mọi người, mọi sự, mọi việc, mọi công trình ở lại sau lưng và một mình đi vào hoang địa “ăn chay, cầu nguyện” noi gương Đức Giêsu.
Thực vậy, khi nghe nhắc nhở “thân mình là tro bụi và sẽ trở về tro bụi”, không ai không ngậm ngùi buồn cho phận người mong manh như cỏ, như hoa sớm nở tối tàn, chỉ một cơn gió thoảng cũng biến tan sắc màu, và ý nghĩ từ bỏ chóang ngợp con tim, khi biết mình sẽ phải từ bỏ tất cả, bởi không từ bỏ tất cả, thì tất cả cũng từ bỏ mình.
Đức Giêsu, khi một mình đi vào hoang địa, không những dậy chúng ta từ bỏ, như điều kiện để gặp gỡ Thiên Chúa, mà còn như đòi hỏi để trở nên hoàn thiện, là mục tiêu Ngài đã đặt ra cho những ai muốn đi theo àm môn đệ Ngài: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Sở dĩ từ bỏ cần thiết, và giữ một vai trò quan trọng trên hành trình đi gặp Chúa, và tha nhân, vì không từ bỏ, người môn đệ không thể có cho mình hành trang Khiêm Tốn (Lc 18,9-14), Yêu Thương (Mt 5,43-47), “Đi Tìm Nước Thiên Chúa và Đức Công Chính của Ngài” (Mt 6,33) như điều kiện bắt buộc ở người môn đệ.
“Thân mình là tro bụi và sẽ trở về tro bụi”
Từ bỏ để có thể sống Khiêm Tốn:
Khiêm tốn là nhân đức nền tảng của các nhân đức khác, vì không khiêm tốn, người ta không thể đứng vững, dù đứng bằng bất cứ “đôi chân nhân đức” nào, kể cả ba nhân đức “đối thần”.
Thử mường tượng một người tự nhận có đức tin sắt đá, nhưng không khiêm tốn; một người tự hào có đức ái anh hùng, nhưng không khiêm nhường; một người tự xưng có lòng trông cậy kiên trì, nhưng không khiêm hạ. Thực tế không thể có mâu thuẫn này, vì tin mà không khiêm tốn sẽ kiêu ngạo như Luxiphe, bác ái mà không khiêm nhường sẽ trở thành lãnh chúa, trông cậy mà không khiêm hạ sẽ biến thành kẻ ngạo mạn, phạm thượng, vì một lý do rất đơn sơ: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng thi ân cho người khiêm nhường”(1Pr 5,5) .
Vì thế người viết mới chỉ dám “thử mường tượng”, chứ không dám mời bạn đọc “thử xem”, bởi tự thân đã là “không tưởng”.
Nhưng tại sao để sống khiêm tốn, chúng ta phải từ bỏ?
Thưa vì không từ bỏ “cái tôi” muôn năm vĩ đại, “cái tôi” không bao giờ sai, nhưng luôn đúng và có lý, và những gì thuộc về “cái tôi” toàn năng, toàn quyền, thì làm sao “cái tôi” có thể nhận ra mình là thụ tạo tương đối, hữu hạn, nhiều khiếm khuyết, và luôn có thể lỡ bước, lầm đường? Không từ bỏ “cái tôi” lúc nào cũng tìm cách xây dựng sao cho tuyệt đối kiên cố, vun vén sao cho tột đỉnh sung túc, giầu mạnh, thì làm sao “cái tôi” có thể thấy được cái nghèo nàn cố hữu của mình, và những thiếu thốn, bất hạnh của người khác?
Thực vậy, Kinh thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước không ngừng bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trên những ai có lòng khiêm nhường, và cơn thịnh nộ của Ngài đối với người có lòng trí kiêu căng, điều mà Đức Maria đã cất lên thành lời kinh Tán Tụng: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52), để bất cứ ai khiêm nhường đã đều được Chúa xót thương, cứu chữa, ban phúc lành, như người thu thuế tội lỗi lên Đền Thờ cầu nguyện đã được Chúa nhận lời vì khiêm tốn nhận mình có tội (x. Lc 18,9-14); như viên sĩ quan đại đội trưởng đã khiêm nhường nhận mình không đáng đón rước Chúa vào nhà mình đã được Chúa làm phép lạ cứu chữa người đầy tớ của ông (x .Lc 7,1-10).
Dựa vào giáo huấn, thái độ và việc Chúa làm, chúng ta xác tín: Khiêm Tốn là nền tảng của đời sống thánh thiện, mà thiếu nền tảng này, ngôi nhà thiêng liêng sẽ chỉ được xây trên cát, chẳng mấy chốc sẽ bị nước cuốn trôi đi.
Từ bỏ để có thể sống Yêu Thương:
Bất cứ tình yêu nào cũng đòi quên mình, bỏ mình, xoá mình vì hạnh phúc của người mình yêu, vì tình yêu tự nó là “hiến thân”, nghĩa là trao ban chính mình, trao tặng bản thân, dâng hiến “cái tôi” qúy giá. Vì thế, yêu mà không chịu bỏ ra bất cứ sự gì thuộc về mình cho người yêu; yêu mà chỉ muốn vơ vét, nhặt nhụm, bốc hốt cho mình những gì người yêu sở hữu; yêu mà chỉ đau đáu dòm ngó, tìm cách “khai thác, đào mỏ” người yêu để làm giàu cho mình, thì quả thực chủ nhân của tình ấy đang bệnh hoạn hết thuốc chữa, và tình ấy chắc chắn không phải là tình yêu…
Ngay Thiên Chúa cũng không yêu con người bằng một tình yêu khác tình yêu từ bỏ mình, tình yêu hiến thân cho người mình yêu, như Chúa Cha “đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Trao ban Con Một của mình là trao hiến chính mình cho nhân loại. Phần Đức Giêsu, người Con Một ấy cũng khẳng định tình yêu hiến thân của mình: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,10-11), và quả quyết: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). “Và Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1) bằng giang tay chịu đóng đinh, chết trên Thánh Giá.
Thực vậy, không từ bỏ mình và nhiều thứ khác thuộc về mình, người môn đệ Đức Giêsu không thể theo Ngài trên hành trình Thánh Giá là bảo chứng của Tình Yêu hiến mình, là dấu ấn của tình yêu hoàn toàn xóa mình vì hạnh phúc của người mình yêu; không từ bỏ “cái tôi” ích kỷ, kiêu hãnh, tham vọng, nhiều nhu cầu và không ngừng yêu sách, người đi theo Đức Giêsu sẽ sớm bỏ cuộc trên đường yêu thương triệt để với đòi hỏi “Hãy Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44); sẽ khó có thể ở lại với Đức Giêsu để quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,4-15), vì “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Từ bỏ để có thể tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu của con người từ bỏ mình vì Nước Thiên Chúa. Thánh nhân đã từ bỏ “cái tôi” siêu sao của mình, bằng “tuyên bố thẳng thắn” trước đám đông đang say mê, hoan hô, chúc tụng mình: “Tôi không phải là Đấng Kitô… Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1, 20.23); thánh nhân còn từ bỏ cả quyền sư phụ đối với các môn đệ của mình, khi giới thiệu Đức Giêsu để họ đi theo Ngài, như Tin Mừng đã ghi lại: “Hôm sau, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe nói, liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1, 35-37).
Trên đường đi theo Đức Giêsu, nếu không từ bỏ mình, không buông bỏ những tham vọng, chúng ta sẽ tìm mình mà không tìm Nước Thiên Chúa bằng đội lốt “môn đệ”. Dưới lớp áo và danh hiệu “người Kitô hữu”, nếu không thận trọng và biết từ bỏ mình, cám dỗ tìm mình sẽ rất dữ dội và chúng ta sẽ không “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công Chính của Ngài”, như Đức Giêsu đã dạy.
Thiếu tinh thần từ bỏ, chúng ta cũng sẽ như bà mẹ của hai môn đệ, khi “bà đến gặp Đức Giêsu có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20, 20-21). Và như thế, chúng ta đã chỉ tìm vinh quang của chính mình khi đi theo Chúa, mà không tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Thánh Ý của Ngài.
Vâng, không từ bỏ “cái tôi” ganh ghét, kiêu căng, ích kỷ, thống trị; không buông bỏ hành trang cồng kềnh, và nặng nề của thế gian là những danh, lợi, thú; không giũ bỏ những ràng buộc của thói đời kềm giữ không cho cánh chim bay lên cao, chúng ta không thể khiêm tốn, yêu thương và hăng say tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công Chính của Ngài là điều Thiên Chúa muốn ở người môn đệ.
Jorathe Nắng Tím