TMĐP- Chính trong vâng phục mà đức tin, đức ái, đức cậy được lớn lên, và phát triển; chính khi vâng phục là lúc Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất; chính nhờ vâng phục mà chúng ta nhận ra mình yếu đuối, mỏng dòn, nhiều lỗi lầm, sai sót, và được đón nhận hồng ân bao la của tình yêu Chúa hằng chăm nom, bao bọc.
Không cần phải chờ những kinh nghiệm sống “ba lời khấn phúc âm” của các tu sĩ nam nữ mới biết những khó khăn và giá trị của đức vâng phục, bởi ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh, kinh nghiệm vâng phục ấy đã chói sáng, nổi bật trên đường đức tin của các tổ phụ.
Sách Sáng Thế với ông Noê, người đã tin và vâng phục Thiên Chúa, khi “làm đúng như Thiên Chúa đã truyền cho ông” (St 6,22): “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực: này Ta sắp tiêu diệt chúng cùng với đất. Ngươi hãy làm cho mình một chiếc tàu bằng gỗ bách … ” (St 6,13-14). Nhờ tin và vâng phục, ông và gia đình đã thoát hoạ hồng thủy.
Ápraham, cha của những kẻ tin, người được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ dân riêng. Chính Thiên Chúa Giavê đã khen ngợi ông với Ixaác, con trai nối dòng của ông: “Ta sẽ ở với ngươi và sẽ chúc phúc cho ngươi… Ta sẽ giữ lời Ta đã thề với Ápraham, cha ngươi. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra nhiều như sao trên trời; và nhờ dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc, bởi vì Ápraham đã vâng lời ta, đã giữ điều Ta truyền, cũng như các mệnh lệnh, thánh chỉ và luật điều của Ta” (St 26,3-5).
Môsê, người giải phóng Ítraen khỏi đất nô lệ Ai Cập là “người khiêm nhường nhất trong con cái loài người” (Ds 12,3) và nổi bật ở lòng vâng phục Thiên Chúa Giavê, như được ghi trong sách Xuất Hành: “Ông Môsê làm mọi sự đúng y như Đức Chúa đã truyền cho ông” (Xh 40,16).
Và cứ thế, trải dài qua các thế hệ, hành trình đức tin của dân Chúa được hình thành từ lòng vâng phục của những người được Thiên Chúa kêu gọi, mà nổi bật nhất là đức tin vâng phục của Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên, qua tiếng “Xin Vâng” của ngày truyền tin (x.Lc 1,38).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha trong mọi sự và một cách quyết liệt, để bất cứ chọn lựa nào, Ngài đều chọn thánh ý Chúa Cha, mà không bao giờ làm theo ý mình, ngay cả trong tình huống nguy kịch, và tình trạng xao xuyến, căng thẳng nhất trước giờ bước vào cuộc tử nạn, Ngài cũng vẫn “xin đừng theo ý con, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Với người Do Thái, Ngài xác định sứ vụ của Ngài: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38), vì “tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Ga 8, 42). Ngài cũng chú tâm huấn luyện các môn đệ trở thành những người vâng phục khi đi theo Ngài, và các ông đã học biết thưa với Ngài: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,9), và thường xuyên nhắc nhở nhau bằng lời của Đức Maria đã nói với các gia nhân “ở tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, anh em cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
Thực vậy, Kinh Thánh đề cao đức tin vâng phục, nghiã là không thể tin nếu không vâng phục, và người tin vào Thiên Chúa phải là người vâng phục Thiên Chúa, bởi chính Đức Giêsu, Con Một của Thiên Chúa cũng đã không làm gì khác hơn để tỏ lòng tin yêu Chúa Cha, như thánh Phaolô đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8), bởi thao thức, ước mơ của Ngài là thực hiện thánh ý Chúa Cha (x. Mt 6,10); lương thực nuôi sống Ngài là thánh ý Chúa Cha (x. Ga 4,32.38); sứ vụ của Ngài là “không làm gì tự ý mình.” (Ga 8,28-29), nhưng nói những gì Chúa Cha muốn nói, và làm đúng những gì Chúa Cha truyền dậy (x. Ga 12,49-51 ; 14.31); cũng như của lễ đẹp lòng Chúa Cha mà Ngài hằng dâng lên là lòng vâng phục tuyệt đối, như được ghi trong sách Samuen: “Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 S 15,22). “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Giêsu nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
Chính vì vâng phục tuyệt đối Chúa Cha trong mọi sự, mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl2, 9-11).
Tóm lại, đời sống, lẽ sống của Đức Giêsu là vâng phục Chúa Cha; sứ vụ, hoạt động của Đức Giêsu là thực thi thánh ý Chúa Cha, và hạnh phúc, vinh quang của Đức Giêsu là do Ngài đã tuyệt đối vâng phục Chúa Cha.
Là môn đệ của Đức Giêsu, người Kitô hữu không thể nghĩ khác, chọn khác, làm khác, sống khác Đức Giêsu, vì ơn gọi Kitô hữu là trở nên giống Đức Giêsu, Đấng đã vâng lời Thiên Chúa, để nhờ Ngài mà muôn người được cứu độ, như thánh Phaolô đã viết “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).
Nhưng dù biết vâng phục là ân sủng nhận từ Thiên Chúa khi chịu phép rửa tội, bởi “vâng phục Thiên Chúa” sẽ “giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi, mà trở thành nô lệ sự công chính .. để trở nên thánh thiện” (x. Rm 6,17-19); biết vâng phục là bổn phận của con cái Thiên Chúa, để “không chiều theo những đam mê”, nhưng “sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống” Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta (x. 1 Pr 1, 14-16) ; biết phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người thế gian (x. Cv 4,19); biết “nhờ vâng phục sự thật”, tâm hồn được thanh luyện “để thực thi tình huynh đệ chân thành” (x. 1 Pr 1, 22), chúng ta vẫn cảm thấy không dễ vâng phục trong đời sống đạo, trái lại, vâng phục rất khó, vâng phục qúa khó, và quả thực trên hành trình đức tin, vâng phục là thử thách triền miên, là thách đố cam go đối với những ai tin vào Đức Giêsu và hết lòng yêu mến Ngài.
Vâng phục rất khó vì vâng phục phải từ bỏ chính mình:
Vâng phục là chấp nhận đặt để “cái tôi” tài giỏi, đạo đức, không bao giờ sai nhưng luôn đúng, không bao giờ vô lý nhưng luôn có lý, ở duới ý muốn và quyết định của người khác. Nếu người khác “khá hơn ta” thì còn có thể ép mình vâng phục chút đỉnh, nhưng nếu người khác “bằng ta hay kém ta” thì dễ gì “cái tôi” vốn ích kỷ, kiêu căng có thể ngoan ngùy vâng phục và vui vẻ làm theo ý muốn của người khác “thua mình toàn phần” ấy.
Vì biết con đường đi theo mình là con đường vâng phục, và thập giá nặng nề, khó vác nhất là vâng lời, nên Đức Giêsu đã đặt ra cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài đòi hỏi “phải từ bỏ bản thân mình và vác thập giá mình” ngay từ phút đầu gặp gỡ, khi ngỏ lời với họ: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,38-39). Và từ dạo ấy cho đến tận thế, vâng phục luôn là đòi hỏi từ bỏ “cái mình” rất đáng yêu, đáng qúy, và vác “Thánh Giá cái tôi” rất nặng nề, cồng kềnh, khó khăn, như điều kiện để đi theo làm môn đệ Đức Giêsu.
Vâng phục quá khó vì phải vâng phục “người của Thiên Chúa”:
Ở vào tình huống không mấy thuận tiện, suôn sẻ, mặn nồng tình nghĩa mà vẫn phải vâng phục “người của Thiên Chúa”, chúng ta thường thầm mơ chung một điều và ao ước: Giá được trực tiếp vâng phục Chúa Cha, Chúa Con, hay Chúa Thánh Thần thì dễ dàng, sung sướng biết bao, bởi trước mặt Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng, thánh thiện, chắc chắn chúng ta sẽ mau mắn vâng phục vô điều kiện, mà không phải do dự, thắc mắc, hay bất đắc dĩ như đang phải vâng phục “người của Thiên Chúa, người thay mặt Thiên Chúa, người được Thiên Chúa ủy thác nhiệm vụ cai quản, giáo huấn, thánh hoá”, nhưng đầy thiếu sót, lầm lỗi, nhiều “vấn đề”, không mấy đáng tin.
Thực vậy, không ít người tín hữu đã nghĩ: sẽ chẳng khó khăn gì nếu được trực tiếp vâng lời Thiên Chúa, nhưng vâng lời Thiên Chúa qua các Đấng Bản Quyền như Đức Cha, cha xứ thì quả không dễ, nếu không muốn nói là ngao ngán, liên tục phải gồng mình, thường xuyên bức xúc, căng thẳng vì miễn cưỡng, áp lực.
Sở dĩ có so sánh và ước mơ “không tưởng” này là vì chúng ta khó chấp nhận tính cách người, tư cách người ở “người của Thiên Chúa”, nơi “người thay mặt Thiên Chúa cai quản chúng ta”, bởi một lý do: các vị cũng là người như chúng ta, mà đã là người, thì có hơn gì nhiều người ? Chính vì không hơn, mà chúng ta khó vâng phục “người của Thiên Chúa”; chính vì không tài cán, thánh thiện hơn nhiều người, mà “người đại diện Thiên Chúa” không luôn được chúng ta trân trọng và chân thành vâng phục.
Đức Giêsu khi lập Giáo Hội trên nền móng các tông đồ, đã thấy trước Giáo Hội sẽ bị thế gian, ma qủy tấn công trên mặt trận “tính cách và tư cách người” của các vị Ngài chọn thay mặt Ngài, nên đã cảnh báo các vị: “Anh em đừng xao xuyến..”, “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó” (Ga 15,18-19). Là “người của Thiên Chúa”, nên tuy là người, là phàm nhân, các vị được Thiên Chúa chọn, để không thuộc về trần gian ,nhưng thuộc về Thiên Chúa, mặc dù vẫn ở giữa thế gian, như lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giêsu: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17, 15-16).
Vì lẽ đó, người Kitô hữu phải rất tỉnh táo để không vô phúc trở thành kẻ tiếp tay, nối giáo cho ác thần, ma qủy khi tìm cách che giấu “tính thuộc về Thiên Chúa” nơi “những người của Thiên Chúa, những người được Thiên Chúa chọn thay mặt Ngài”, bởi chỉ cần phủ nhận hoặc làm phai mờ tình trạng và đặc ân “thuộc về Thiên Chúa “của những người được Thiên Chúa ủy thác sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài”, người ta sẽ có đủ lý do, luận cứ để từ chối huấn quyền của Giáo Hội, cũng như phế bỏ mọi phẩm trật trong Hội Thánh, mà chính Đức Giêsu đã thiết lập khi phán: “Anh là Phêrô, nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 16,18-19), “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17), và “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).
Khi nói với các tông đồ những điều này, Đức Giêsu không có ý “bơm” các vị lên thành các ông quan to hống hách, “thổi” các vị thành những lãnh chúa vĩ đại hà khắc thống trị, nhưng dạy các vị biết khiêm tốn, và phó thác đón nhận quyền Chúa trao như hồng ân để yêu thương, và phục vụ đoàn chiên được trao phó.
Thực vậy, vâng phục sẽ không chỉ qúa khó, mà còn vô cùng khó, khó đến nỗi không thể thực hiện được, nếu chúng ta không tin những người của Chúa là do chính Chúa tuyển chọn và trao sứ vụ và quyền chăn dắt, bởi chỉ với niềm xác tín vào Lời Chúa, chúng ta mới vâng phục những người Chúa gửi đến phục vụ chúng ta là chiên của Ngài không chỉ với lòng tin tưởng, nhưng là “lòng tin tưởng tín nhiệm”, và tình yêu chân thành cộng tác.
Những thách đố của đức tin vâng phục trong thời đại mới:
Thách đố lớn của người tín hữu ở mọi thời vẫn là niềm tin ở Giáo Hội, khi chân nhận Giáo Hội và Đức Giêsu là một, vì Giáo Hội là thân thể của Đức Giêsu mà Ngài là Đầu. Bởi không tin Giáo Hội kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu và được Đức Giêsu yêu thương, gìn giữ như thân thể mình, chúng ta không thể yêu mến Giáo Hội và vâng phục các đấng Bản Quyền trong Giáo Hội, vì dưới mắt chúng ta, các vị cũng là “người” như chúng ta, cũng nhiều khuyết điểm, bất toàn như bao con người khác, nên khó tôn trọng, tin tưởng các vị như “người của Thiên Chúa”, người đuợc Thiên Chúa tuyển chọn, trao quyền chăn dắt.
Không vượt qua thách đố này, chúng ta sẽ bị cám dỗ đi tìm “làm việc trực tiếp với Thiên Chúa”, tìm cách hiểu Lời Chúa như mình hiểu, một mình đón nhận ý Chúa và cắt nghĩa ý Chúa, mà không cần đến Giáo Hội, không quan tâm đến sứ vụ quản trị, giáo huấn, và cả thánh hoá của những người được Chúa đặt lên và có thẩm quyền chăn dắt.
Hậu quả của chọn lựa “làm việc trực tiếp với Thiên Chúa, giải quyết mọi vấn đề với Đức Giêsu mà không cần qua Giáo Hội” này trăm phần trăm sẽ dẫn đến quyết định loại bỏ vĩnh viễn Giáo Hội, khi chỉ còn thấy Giáo Hội là một tập đoàn gồm những cán bộ “vô tích sự”, những ông quan cửa quyền chỉ giỏi cản đường con người đến với Thiên Chúa; giỏi xây tường thành ngăn cách Thiên Chúa với con người; giỏi treo những tấm màn dầy để che giấu Thiên Chúa, không cho con người được thấy Thiên Chúa như Ngài là. Cũng thế, hậu qủa không thể tránh khỏi của việc tìm trực tiếp giao lưu với Ba Ngôi Thiên Chúa khi hủy bỏ vị thế và vai trò của Giáo Hội sẽ là thái độ coi thường, khinh miệt những người của Giáo Hội, và sẵn sàng hung hăng lên án các đấng Bản Quyền, bằng tìm tòi, khai thác những tính hư tật xấu, những kém cỏi, tồi tệ, những bất xứng, tầm thường, những thiếu sót “rất người” ở các vị.
Lịch sử Giáo Hội đã không thiếu những thất bại đắng lòng khi người ta không vượt qua được thách đố này, cũng như hôm nay, những nguy cơ ly khai, cắt đứt hiệp thông khỏi Giáo Hội ngày càng trở nên đe dọa, khi lòng vâng phục các đấng Bản Quyền trong Giáo Hội không còn được người tín hữu ý thức như nền tảng vững chắc của đức tin, như điều kiện không thể thiếu của lòng yêu mến Thiên Chúa, và như cuả lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn tất cả mọi của lễ.
Đây cũng là điểm yếu của người tín hữu chúng ta mà ma qủy luôn nhắm vào, vì ma qủy biết: chỉ cần “bỏ nhỏ, tung hê” một vài yếu đuối “mang tính con người” của các đấng Bản Quyền, là chúng đã có thể thành công làm nhiều người mất lòng kính trọng, tin tưởng vào các vị, và với lý luận rất tinh xảo, chúng làm hoang mang đoàn chiên và lôi kéo nhiều con chiên nổi dậy chống báng, bất tuân phục chủ chiên, dưới những chiêu bài rất vô lý nhưng hiệu qủa, điển hình như có người đã biện minh sự bất tuân phục và từ chối thi hành quyết định của đấng Bản Quyền là Giám Mục của mình khi tuyên bố trên mạng xã hội: “Không thể vâng phục Giám Mục, vì Giám Mục không tốt như các thánh Tông Đồ ngày xưa”.
Nếu về phía chiên có những thách đố phải vượt qua để vâng phục chủ chăn, thì chủ chăn, tức những Đấng Bậc có nhiệm vụ chăn dắt cũng đối đầu với thách đố khiêm tốn để vâng phục Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm, và thách đố khiêm tốn để yêu thương, phục vụ đoàn chiên cũng là chi thể của Thân Thể Đức Kitô như mình.
Các vị được mời gọi ý thức mình được Thiên Chúa tuyển chọn và được trao quyền chăn dắt, nhưng chăn dắt mà ỷ quyền, chăn dắt mà lạm quyền, chăn dắt mà chuyên quyền, độc quyền, thì sẽ không còn là chủ chăn nhân hậu như lòng Chúa mong ước: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11), nhưng thoái hoá thành kẻ chăn chiên thuê, có khi còn biến chất thành kẻ trộm nữa, để chẳng quan tâm gì đến chiên, trái lại, khi thấy sói đến là bỏ chiên mà chạy, để chiên phải tan tác, hoảng loạn, bị sói vồ ăn thịt (x. Ga 10,12). Nhưng để có thể là chủ chiên nhân lành yêu thương và phục vụ đoàn chiên được trao phó, các vị phải gắn bó thiết thân với Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể, “nên một với Đức Giêsu” như cành nho kết hiệp với thân nho (x. Ga 13), bởi không ở trong Đức Giêsu, không yêu mến Đức Giêsu nồng nàn, sâu đậm, tha thiết, thì lập tức quyền chăn dắt trong tay người mục tử nhân hậu “sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên” sẽ biến thành quyền cai trị trong tay kẻ thống trị như Đức Giêsu đã thẳng thắn cảnh giác các môn đệ: “Anh em biết thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía cứu chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).
Bên cạnh thách đố trên, các vị còn đối diện với một thách đố khác, đó là biết và sống đúng sứ vụ “thầy dậy đức tin, người bảo toàn sự tinh ròng của giáo lý, người có trách nhiệm trên đời sống luân lý của tín hữu”. Và một khi đã ý thức chính xác sứ vụ và toàn tâm toàn ý sống sứ vụ thầy dậy giáo lý đức tin, là một trong những sứ vụ được Thiên Chúa ủy thác, các vị sẽ tránh được cơn cám dỗ “lấn sân”, lẫn lộn phạm vi, địa hạt phục vụ, như có vị vì qúa hăng say đã nghĩ mình biết hết mọi sự, làm được hết mọi sự, nên đã chen chân, giây mình sang cả những phạm vi, lãnh vực không thuộc giáo lý đức tin và luân lý của mình, để rồi sau đó lún sâu trong những địa hạt không thuộc về sứ vụ, thí dụ như kinh tế thương mại, chính trị … và hậu qủa là các vị đã tự hạ giá trước mắt nhiều người, và trở thành cớ cho nhiều giáo dân mất niềm tin và không vâng phục.
Tóm lại, tất cả chúng ta đều có chung thách đố vâng phục trên đường đi theo làm môn đệ Đức Giêsu, Đấng mà tất cả chúng ta phải vâng phục và vì Ngài, chúng ta vâng phục những người Ngài tuyển chọn, và trao quyền chăn dắt. Chính Ngài là Đầu của Thân Thể, và “nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài”, tất cả chúng ta được là những chi thể hiệp nhất với Ngài và với nhau, như thánh Phoalô đã viết: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27). Thật thế, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được tràn đầy một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13), nên “có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,4-7). Và đức mến là ân huệ cao trọng nhất, không bao giờ mất được (x.1 Cr 13). Chính đức mến liên kết, hiệp nhất mọi người trong Đức Giêsu và giúp chúng ta vượt qua thách đố vâng phục, để cùng nhau tin yêu phục vụ Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài.
Ước gì tinh thần vâng phục trở thành khí giới được mọi Kitô hữu cẩn thận trang bị trong thời đại mới, để chống lại chiến dịch chống báng, khước từ Huấn Quyền, và bất tuân phục đấng Bản Quyền trong Hội Thánh đang gây hoang mang, chia rẽ, đối nghịch ngay trong lòng Giáo Hội, là mục tiêu số một của Xatan và bè lũ, và cùng với Giáo Hội, chúng ta xin Chúa ban ơn biết vâng phục để tin yêu, và ơn tin yêu để sống vâng phục, như tông đồ Phêrô đã tin yêu thưa với Đức Giêsu “ Vâng lời Thầy, con thả lưới ”, dù trước đó ông đã trình bầy với Ngài: “Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả ”, khi Đức Giêsu bảo ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5, 4-5). Chỉ khi “bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”, Phêrô mới “sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi ”, nhưng Phêrô còn kinh ngạc hơn, khi Đức Giêsu bảo ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,6.8.10).
Vâng, chính trong vâng phục mà đức tin, đức ái, đức cậy được lớn lên, và phát triển; chính vì vâng phục mà Thiên Chúa thực hiện công trình của Ngài nơi chúng ta; chính khi vâng phục là lúc Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất; chính nhờ vâng phục mà chúng ta nhận ra mình yếu đuối, mỏng dòn, nhiều lỗi lầm, sai sót, và được đón nhận hồng ân bao la của tình yêu Chúa hằng chăm nom, bao bọc, bởi có tin Đức Giêsu là “Thiên Chúa vâng phục”, đến trong thế gian để vâng phục thánh ý, chúng ta mới hạnh phúc tin khi vâng phục, và vui vẻ vâng phục Giáo Hội khi cùng Giáo Hội bước đi trên hành trình đức tin của người môn đệ.
Jorathe Nắng Tím
Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố:
Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!